Summer in Mara là tựa game sở hữu lối chơi mô phỏng quản lý với đồ họa mang nhiều cảm giác được lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình của Studio Ghibli. Nó còn có chút gì đó những pha chèo thuyền vượt biển của Legend of Zelda: Wind Waker kinh điển.
Giữa những tựa game phiêu lưu hành động, bạo lực và thậm chí máu me trên thị trường hiện nay, Summer in Mara của nhà phát triển Chibig là một bất ngờ thú vị. Trò chơi mang đến một trải nghiệm mô phỏng cuộc sống hấp dẫn khi “nói không với bạo lực, máu me”, hướng đến tính thư giãn đơn thuần. Thiết kế game có lẽ phù hợp với những người chơi casual hoặc muốn cách ly khỏi cuộc sống bộn bề đầy bon chen. Bên cạnh đó, đây cũng là trải nghiệm phù hợp với mọi độ tuổi, nhất là những bậc phụ huynh có con nhỏ và luôn lo ngại game bạo lực ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của con em mình.
Chibig là đội ngũ phát triển nhỏ chỉ khoảng 5 nhân sự. Phần lớn những tựa game của họ đều hướng đến nền tảng di động với lối chơi casual, kiểu “mỗi ngày làm một vài nhiệm vụ” và mang tính giáo dục cao. Summer in Mara cũng không phải ngoại lệ khi theo đuổi hướng thiết kế nói trên. Trò chơi có lối kể chuyện nhẹ nhàng, có tính giáo dục cao. Lồng ghép vào đó là phong cách đồ họa dễ thương và quen thuộc với những ai yêu thích các tuyệt tác phim anime của Studio Ghibli. Câu chuyện bắt đầu với cô bé mồ côi Koa sống cùng người bà và trách nhiệm bảo vệ vùng biển Mara.
Summer in Mara có chung vũ trụ với Deiland, một tựa game khác cũng của Chibig. Tuy nhiên, dù lối chơi có nhiều giao thoa, nhưng hai tựa game này có phong cách đồ họa và câu chuyện kể khác nhau. Trải nghiệm game mang đến rất nhiều việc phải làm, từ trồng cây gây rừng cho đến chế tác hàng loạt thứ như công cụ hỗ trợ hay đồ ăn thức uống từ những nguyên liệu thu thập được. Không những thế, bạn còn gặp gỡ rất nhiều NPC, học cách giúp mọi người mà không vụ lợi thông qua “việc this việc that”. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của trò chơi khi xây dựng hệ thống nhiệm vụ làm mệt như cún, biến người chơi thành cu li cho NPC.
Đây là thiết kế thường thấy trong nhiều tựa game trên nền tảng di động. Nói đâu xa, ngay cả “người tiền nhiệm” Deiland của nhà phát triển Chibig cũng theo hướng đi này. Summer in Mara tuy kế thừa thiết kế gameplay cũ nhưng có thêm nhiều điều thú vị hơn. Trò chơi còn lồng ghép vào đó thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường và quan tâm lẫn nhau. Đáng tiếc là nhiêu đó có thể không đủ để tạo cảm giác mới mẻ sau vài giờ trải nghiệm. Ở góc độ người chơi, gameplay đặc trưng này chỉ phù hợp với các nền tảng có khả năng cơ động như điện thoại di động, máy tính bảng hay Nintendo Switch với thời lượng chơi ngắn.
Trải nghiệm của người chơi khởi đầu tại một hòn đảo nhỏ, nhưng về sau bạn sẽ có cơ hội dong thuyền đi thăm thú khắp nơi, gặp gỡ thêm nhiều NPC và giúp đỡ cũng như trao đổi thông thương qua lại với họ. Yếu tố khám phá không được Summer in Mara đặt nặng mà chủ yếu xoay quanh quản lý và chế tác. Trò chơi cũng khá kém trong việc giới thiệu người chơi về thế giới quan xung quanh nhân vật và vùng đất Mara. Bạn chỉ được nghe qua những câu chuyện kể khi tương tác với các NPC, trong khi mục đích trải nghiệm không được làm rõ mà chỉ đưa ra những chỉ thị chung chung, phần lớn để người chơi tự khám phá.
Về cơ bản, nhiệm vụ của bạn là “gieo gì gặt nấy” theo nghĩa đen. Trò chơi dạy bạn về việc tái sinh những gì thu hoạch được, chẳng hạn trồng lại cây mới khi chặt đi một cái cây nào đó. Người chơi thường bị đẩy vào tình huống đã rồi, dễ mang cảm giác trải nghiệm “cưỡng bức”. Bạn phải quan tâm hay trò chuyện với những NPC mà chẳng hề biết gì về họ, một điều khá nguy hiểm nếu xét ở khía cạnh giáo dục và xã hội hiện nay. Summer in Mara có chút gì đó cổ tích hóa thế giới mà người chơi tương tác dưới một lăng kính màu hồng, khiến người viết không tránh khỏi cảm giác đã quá già để trải nghiệm tựa game này.
Ban đầu, nó chỉ là vấn đề nhỏ trong hòn đảo của người chơi, nhưng càng trở thành “bánh xe bò” khi bạn bắt đầu khám phá các hòn đảo lân cận. Summer in Mara thường không nói rõ bạn phải đi đâu để hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí ngay từ tutorial cũng đã có “biểu hiện khó ưa” như vậy. Mặc dù trò chơi vẫn có biểu tượng mũi tên “đưa đường chỉ lối”, nhưng nó chỉ hiện lên khi tiếp cận vị trí đó ở cự ly gần. Trên màn hình nhỏ xíu của Nintendo Switch ở chế độ handheld càng khó thấy hơn. Điều này dễ gây tình trạng người chơi phải đi lòng vòng mất thời gian để tự luận xem phải làm gì hay như thế nào với nhiệm vụ được giao.
Lối chơi mô phỏng quản lý của Summer in Mara có nhiều điểm tương đồng với Deiland hay My Time at Portia, nhưng quy mô nhỏ hơn tựa game sau đến từ nhà phát triển Pathea Games. Trải nghiệm của người chơi chủ yếu chế tác và tăng gia sản xuất tự cung tự cấp. Vấn đề ở chỗ, nhà của Koa trên đảo cũng là nơi duy nhất cho phép bạn chế tác, trong khi nhân vật này rất thích khám phá và chèo thuyền đi đi về về giữa các hòn đảo vùng ven suốt. Ban đầu, nó không gây nhiều khó chịu nhưng càng về sau, việc phải luôn trở về nhà mới có thể chế tác khiến tôi cảm thấy khá mệt mỏi.
Nếu không dong thuyền ra biển đến các đảo lân cận, người chơi không bao giờ học được công thức chế tác từ sàng khôn “công thức” nói trên. Thiết kế sai quá sai này tạo cảm giác khá ức chế nếu bạn trải nghiệm game liên tục trong thời gian dài. Đó là chưa kể việc thiếu những chỉ dẫn định hướng cho người chơi khi làm nhiệm vụ cũng gây nhiều khó khăn trong trải nghiệm, khiến cảm giác thư giãn ban đầu dễ biến thành sự ức chế. Ở thời điểm bài viết, Chibig cho biết họ sẽ có bản cập nhật điều chỉnh những vấn đề khó chịu này, nhưng không rõ là phát hành đồng thời các nền tảng hay ưu tiên PC trước.
Việc chèo thuyền cũng là một điểm trừ khác của Summer in Mara. Nó đồng thời là cảm giác ám ảnh mà tôi từng gặp phải trong trải nghiệm Legend of Zelda: Wind Waker kinh điển ngày xưa. Nhà phát triển cho biết sẽ sớm cung cấp hệ thống dịch chuyển nhanh giữa những hòn đảo mà người chơi từng ghé qua. Có như vậy, yếu tố gameplay mới tương xứng với câu chuyện kể mang nhiều thông điệp đáng chú ý và đồ họa đáng yêu mà tựa game này mang đến. Còn ở thời điểm bài viết khi chưa có bản cập nhật mới, tựa game này chỉ phù hợp với thời lượng chơi ngắn mỗi lần thay vì trải nghiệm kéo dài, chiếm nhiều thời gian như thường thấy ở thể loại này.
Sau cuối, Summer in Mara mang đến trải nghiệm mô phỏng quản lý khá trái chiều. Tuy nhiên, những vấn đề của trò chơi đã được nhà phát triển ghi nhận và dự kiến tung ra bản vá trong tương lai gần. Điều này tuy có hơi đáng tiếc, nhưng cho thấy sự cầu thị của nhà phát triển, đặc biệt khi họ đã chăm chút khá kỹ cho “đứa con tinh thần” ở khía cạnh câu chuyện kể có tính giáo dục cao và đồ họa vô cùng đáng yêu. Nếu yêu thích lối chơi mô phỏng quản lý nhẹ nhàng, có tính thư giãn cao thì đây vẫn là cái tên đáng cân nhắc. Thậm chí, nó càng đáng chú ý hơn khi bản cập nhật khắc phục các vấn đề của trò chơi được phát hành. Chắc chắn là vậy!
Summer in Mara hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch. Phiên bản dành cho PlayStation 4 và Xbox One dự kiến sẽ phát hành trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!