Star Ocean The Divine Force phần chơi thứ sáu trong series game nhập vai Star Ocean. Từ trước đến nay, dòng game này luôn xếp sau Final Fantasy lẫn Dragon Quest về quy mô phát triển và phần chơi mới cũng không hề ngoại lệ. Điều này có thể dễ dàng nhận ra từ chất lượng hình ảnh thiếu đồng nhất và cảm giác thiếu sự chăm chút tỉ mỉ ở nhiều chi tiết đồ họa. Giao diện menu cũng vậy, nhìn rất sầu đời nếu không nói là xấu và rất đơn điệu, không phù hợp với chủ đề của trò chơi dù là ‘Star Ocean’ hay ‘Divine Force’.
Dành cho bạn nào không biết, nhà phát triển tri-Ace cũng là “cha đẻ” của series game Valkyrie Profile kinh điển trên PlayStation và Nintendo DS ngày xưa. Nếu từng chơi các game nói trên, bạn sẽ bất ngờ trước những mảnh đời rất phong phú được đội ngũ phát triển chấp bút thú vị như thế nào trong game. Thế nhưng, không rõ do sự thay đổi đồ họa từ 2D sang 3D hay khó khăn về mặt kỹ thuật, những điểm cộng nói trên hầu như không được tái hiện trong các game Star Ocean của cùng nhà phát triển. Star Ocean The Divine Force thì sao?
Nếu tính phần chơi đầu tiên ra mắt vào năm 1996 vốn không được phát hành bản quốc tế cho đến năm 2008, Star Ocean The Divine Force đánh dấu kỷ niệm 25 năm tuổi của dòng game này dù phát hành hơi muộn một chút vì nhiều lý do. Tuy nhiên, chỉ riêng quá trình hình thành nhà phát triển tri-Ace, “cha đẻ” của series này cũng khá thú vị khi gắn liền với “cha đẻ” của Tales of Phantasia. Chính vì vậy mà bạn đừng ngạc nhiên khi nhận thấy nhiều nét tương đồng trong hệ thống chiến đấu của dòng game Star Ocean và cái tên vừa đề cập.
Về sau, cả hai series Tales và Star Ocean đều có hướng đi khác nhau, nhưng các tựa game vẫn mang nhiều nét tương đồng trong hệ thống chiến đấu, dù đều chuyển từ không gian 2D sang 3D. Cụ thể, người chơi điều khiển một nhân vật trong khi AI đảm nhiệm các nhân vật còn lại của party. Bên cạnh đó, các tuyệt kỹ chỉ có thể thực thi thông qua tổ hợp nút bấm khác nhau được thiết lập sẵn. Thế nhưng sau bản Star Ocean: Integrity and Faithlessness không được đánh giá cao vào năm 2016, tri-Ace khá im hơi lặng tiếng.
Với Star Ocean The Divine Force, tôi có cảm giác nhà phát triển không còn muốn sáng tạo nữa. Thay vào đó, trò chơi được xây dựng khá an toàn và tránh lặp lại những thiết kế sai lầm trong phần chơi trước. Đơn cử cốt truyện được chấp bút chỉn chu hơn, phần lớn được truyền tải thông qua các đoạn chuyển cảnh ngắn giúp người chơi dễ nắm bắt hơn. Khía cạnh phát triển nhân vật cũng được đội ngũ biên kịch quan tâm nhiều hơn, kết hợp cùng dàn nhân vật không chỉ nổi bật với cá tính riêng mà cả phong cách chiến đấu.
Nhịp độ câu chuyện kể cũng nhanh hơn, đẩy người chơi di chuyển liên tục từ thị trấn này đến thị trấn khác để giải quyết các vấn đề của mỗi địa danh. Đó cũng là nơi bạn tiếp nhận các nhiệm vụ phụ và quyết định có làm hay không. Không những vậy, bạn còn thường xuyên thấy cảnh các nhân vật chuyện trò trong suốt hành trình, góp phần giúp người chơi hiểu thêm về bối cảnh cũng như tính cách của mỗi nhân vật. Càng không thể thiếu khoảnh khắc riêng tư của các nhân vật vốn không còn là “đặc sản” của riêng series game Star Ocean nữa.
Khác biệt lớn nhất giữa Star Ocean The Divine Force và các phần chơi khác trong series này là xây dựng thế giới và hệ thống chiến đấu. Về cơ bản, thế giới trong game vô cùng rộng lớn với rất nhiều bí mật nho nhỏ giấu đâu đó trên đường đi. Bạn có thể vô tình tìm thấy rương báu nằm đơn độc ở dọc đường hay thậm chí là trên vách núi nhô ra đâu đó. Môi trường trong game có sự chăm chút kỹ các tiểu tiết, mang đến những khung cảnh đẹp rạng ngời mà không chói lóa, khuyến khích bạn khám phá như phần thưởng của trải nghiệm game.
Thế nhưng cũng giống như Kingdom Hearts III, tuy sở hữu những khung cảnh đẹp nhưng phần lớn không gian thế giới mở trong Star Ocean The Divine Force đều khá hoang sơ và thiếu sinh khí. Đội ngũ phát triển chưa tận dụng khung hình của các khu vực khác nhau để bổ sung cho yếu tố kể chuyện. Thay vào đó, họ chỉ dùng chúng làm không gian khám phá đơn thuần. Các thị trấn dù có sự chăm chút và tỉ mỉ trong thiết kế, nhưng được xây dựng như các JRPG truyền thống với nhiều hạn chế tương tự.
Tất nhiên, những hạn chế này thường để hướng người chơi tập trung vào trải nghiệm game, nhưng sẽ hấp dẫn hơn nếu yếu tố khung cảnh cũng góp phần trong việc xây dựng câu chuyện kể. Chẳng hạn truyền tải những truyền thuyết hay những thông tin về địa điểm khám phá, thay vì chỉ là nơi để người chơi tiếp cận với kẻ thù chen giữa lối đi chờ bạn xông vào chiến đấu. Mặt khác, tạo hình các nhân vật nhìn khá giả tạo, nhiều phân đoạn trông như những hình nhân bằng nhựa. Điều này hoàn toàn trái ngược với các artwork 2D nhân vật được vẽ rất đẹp.
Ngược lại, chiến đấu trong Star Ocean The Divine Force diễn ra ở nhịp độ rất nhanh, đến mức nhiều lúc người viết không kịp trở tay trước tình thế của party. Mỗi nhân vật đều có khả năng hữu ích trong chiến đấu, cụ thể là cây kỹ năng được mở khóa thông qua Action Point thu thập được khi thăng cấp. Tùy vào chiến thuật, người chơi có thể gán các kỹ năng này thành ba bộ combo khác nhau hay thậm chí là vật phẩm. Tuy trò chơi cho phép tạm dừng trận chiến để sử dụng vật phẩm, nhưng nó vô tình làm gián đoạn nhịp độ chiến đấu đang kịch tính.
Chính vì vậy mà trận chiến có thể trở nên hỗn loạn rất nhanh, khiến người chơi không kịp theo dõi đồng đội đang làm gì để tùy cơ ứng biến kịp thời. Đó là chưa kể AI của đồng đội nhiều lúc rất khó hiểu, nhất là thời điểm đầu trải nghiệm khi tôi đụng độ con boss đầu tiên. Mãi sau này tôi mới nhận ra đồng đội của bạn thông minh hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chiến thuật của người chơi. Nếu đi sai bài tấn công, hậu quả có thể khiến bạn phải đánh một con boss nhiều lần đến cực kỳ ức chế và ngược lại.
Điều này đặc biệt đúng với những ai thường có xu hướng chuyển đổi qua lại giữa các nhân vật với hy vọng có thể kiểm soát được trận chiến. Kỳ thực ngược lại, việc chuyển đổi nhân vật trong Star Ocean The Divine Force thường gây nên hệ quả không tốt. Vấn đề ở chỗ do nhịp độ trận chiến quá nhanh, bạn khó lòng chuyển qua nhân vật như Nina để hồi máu cho party rồi quay lại với nhân vật chiến đấu chính mà không lãnh hậu quả. Người viết nhận thấy tốt nhất vẫn là tập trung vào nhân vật chiến đấu thay vì lo việc của AI.
Khi bạn triển khai chiến thuật đúng, AI làm rất tốt công việc mà không cần “chỉ đạo trực tiếp” của người chơi. Ngược lại, chỉ cần bạn “sai một ly đi một dặm” là hậu quả diễn ra gần như tức thời. Điều này dễ thấy nhất trong các trận đánh boss. Ở góc độ người chơi, tôi không biết nên xem AI trong trường hợp này là thông minh hay ngu ngốc, nhưng đó dường như là chủ ý thiết kế của nhà phát triển dù hơi khó hiểu. Điều này càng quan trọng hơn khi bạn trải nghiệm game ở độ khó cấp “vũ trụ” Universe trong lần chơi đầu tiên.
Khía cạnh nghe trong Star Ocean The Divine Force cũng để lại cho người viết nhiều cảm xúc bất ngờ với âm hưởng quen thuộc từ các sáng tác của nhạc sĩ Sakuraba Motoi. Nếu tôi không lầm thì tất cả phần chơi trong series game Star Ocean và phần lớn game Tales cũng đều do ông sáng tác. Những tựa game gần đây cũng do một tay ông Motoi đảm nhận phần âm nhạc là Valkyrie Elysium, Cogen: Sword of Rewind và Tales of Arise. Được biết, game nhập vai One Piece Odyssey sắp ra mắt trong năm 2023 cũng do ông phụ trách âm nhạc.
Sau cuối, Star Ocean The Divine Force mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá hào hứng với nhiều cải tiến nhỏ nhưng đáng chào đón so với phần chơi trước đó. Mặc dù vẫn còn một số thiếu sót và chưa khai thác hết tiềm năng của trò chơi vì nhiều lý do, nhưng đây vẫn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện JRPG của bạn.
Star Ocean The Divine Force hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!