Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Đăng bởi: Ngày: 26/05/2018

Mặc dù rất được trông đợi bởi đông đảo fan hâm mộ, Solo: Star Wars Ngoại Truyện (tên gốc Solo: A Star Wars Story) bị chê không ngớt bởi cốt truyện nhàm chán, dàn diễn viên đẹp nhưng thiếu “sức sống”. Nhìn chung, đây là một chuyến phiêu lưu có vẻ hấp dẫn nhưng cuối cùng lại chẳng đến đâu.

Lấy bối cảnh nhiều năm trước sự kiện A New Hope (1977), lúc này Han (Alden Ehrenreich) chỉ mới là một chàng thanh niên trẻ đang lên kế hoạch bỏ trốn khỏi hành tinh Corellia cùng cô bạn gái Qi’ra (Emilia Clarke). Đáng tiếc, chỉ có mình Han là may mắn thoát được, Qi’ra thì bị bọn lính bắt giữ. Với lời hứa sẽ quay lại giải cứu cho Qi’ra, Han đăng ký vào Học Viện Không Quân Hoàng Gia thuộc phe Đế Chế, quyết tâm trở thành một phi công huyền thoại. Ba năm sau, Han bị trục xuất khỏi phe Đế Chế và trở thành một tay lính đánh thuê cùng hai đồng bọn Beckett (Woody Harrelson) và Val (Thandie Newton). Dù vậy, quyết tâm trở lại Corellia của Han vẫn không hề thay đổi, anh vẫn làm mọi cách để thực hiện lời hứa quay lại giải thoát cho Qi’ra.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Với một mở đầu bài bản như vậy, rõ ràng người hâm mộ hoàn toàn có cơ sở để mong chờ một hành trình lôi cuốn cùng với Han Solo huyền thoại, để biết anh đã gặp Chewbacca như thế nào, vì sao anh trở thành một kẻ luôn đứng ngoài vòng pháp luật, con đường nào đã dẫn anh đến với chiếc Millenium Falcon, vì nguyên nhân nào một người luôn chọn đứng ngoài vòng pháp luật lại trở thành đồng minh của phe Nổi Dậy… có quá nhiều câu hỏi mà người xem mong đợi sẽ tìm được lời giải đáp qua bộ phim này.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Người viết cũng xin phép giới thiệu thêm một chút về nhân vật Han Solo đến với những ai chưa biết. Lần đầu tiên ra mắt khán giả trong tập phim Star Wars năm 1977 do nam diễn viên gạo cội Harrison Ford thủ diễn, Han Solo xuất hiện đầy ấn tượng với câu giới thiệu không thể ngắn hơn hơn: “Tôi là thuyền trưởng tàu Millennium Falcon”. Đây là nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với những fan của series Star Wars, có thể nói còn hơn cả những nhân vật chính, thế nhưng cuộc đời và con người và quá khứ của anh vẫn luôn là một dấu chấm hỏi. Đa số những gì mọi người biết về Han Solo là tính cách tự cao, một người tài giỏi nhưng đạo đức thì lại tỉ lệ nghịch với tài năng, nợ nần chồng chất, bị truy nã khắp nơi vì chuyên lựa những anh hùng máu mặt trên giang hồ để quỵt tiền… Và như những anh trai giang hồ khác, Han Solo vẫn là một con người đầy nghĩa khí, vào những giây phút quyết định, anh sẽ do dự và chán nản, và rồi vẫn đứng về phía chính nghĩa.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Nhìn chung, bộ phim Solo có bầu không khí nhẹ nhàng và dễ chịu hơn nhiều so những bộ phim Star Wars khác. Ngoài ra, nhờ khai thác những sự kiện không dính dáng nhiều đến cốt truyện chính của series Star Wars, nên chuyến hành trình của của Han Solo dễ dàng tiếp cận đại đa số khán giả hơn. Dĩ nhiên, những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của anh như: lần đầu gặp gỡ bạn đồng hành Chewbacca (Joonas Suotamo), ván bài định mệnh với Sabacc giúp Han giành quyền làm chủ con tàu Millennium Falcon, và cú nhảy hyperdrive huyền thoại ít hơn 12 parsec trên tuyến đường Kessel Run… tất cả đều sẽ được tái hiện đầy đủ.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Sau Harrison Ford, Alden Ehrenreich được chọn để thủ vai Han Solo. Đối với những fan hâm mộ chân chính, đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của bộ đôi đạo diễn Chris Miller và Phil Lord lẫn Disney. Han Solo của Alden là một người nào đó rất lạ lẫm, vẫn là một gã trai trẻ có tài và tinh quái, có tinh thần nghĩa hiệp, có một tình yêu chân thành… nhưng đó không phải là một Han Solo bản lĩnh, ngạo mạn và trái tính trái nết trong lòng người hâm mộ. Sẽ khó có thể tránh khỏi cảm giác Disney vì doanh thu mà bất chấp tất cả, và đang từ từ phá hủy tượng đài Star Wars cũng như Han Solo.

Suốt toàn bộ câu chuyện, nhân vật chính Han Solo xuất hiện một cách nhạt nhòa, thốt ra những câu thoại rất bài bản, khuôn sáo và vô cùng nhàm chán, không khác gì những chàng trai mới lớn chưa biết gì về thế giới bên ngoài, vẫn ôm những giấc mộng viễn vông. Có lẽ đạo diễn đã không muốn diễn viên Alden Ehrenreich đi dưới cái bóng quá lớn của Harrison Ford nên đã quyết định tạo ra một Han Solo thời trai trẻ bình thường hơn và bớt ngông nghênh… Nhưng dù là lí do gì đi nữa, người viết vẫn thấy đây là một trong những sai lầm lớn dẫn đến sự thất bại của bộ phim.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Nhân vật Qi’ra do “mẹ rồng” Emilia Clarke thủ diễn là một sĩ quan của Bình Minh Đỏ, quyến rũ và không kém phần nguy hiểm. Đáng tiếc, khả năng diễn xuất có giới hạn khiến người xem cảm giác Qi’ra hơi bị “gồng” và miễn cưỡng tỏ ra nguy hiểm. Woody Harrelson lẫn Donald Glover đều khá tròn vai, hoặc có thể nói Woody đã phần nào cứu lấy dàn diễn viên của bộ phim. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với Mark Hamill, Carrie Fisher của thế hệ trước, hay thế hệ sau của Adam Driver, Daisy Ridley… dàn diễn viên trong phần Solo sẽ hoàn toàn bị lép vế.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Như bao bộ phim Star Wars khác, Solo: Star Wars Ngoại Truyện vẫn duy trì phong độ ổn định về mặt kĩ xảo và hình ảnh, chất lượng không hề thua kém bất kỳ phim bom tấn giải trí mùa hè nào. Thật sự mà nói, ngay cả khi đó chỉ là những trận đánh hoặc những phân đoạn hết sức bình thường, chỉ cần đoạn nhạc nền Star Wars quen thuộc nổi lên, cũng đủ khiến các fan hâm mộ cảm thấy phấn khích. Đáng tiếc, “một con chim én không thể làm nên mùa xuân”, cũng như một vài phân đoạn gây phấn khích đó đã không đủ để có thể cứu nổi sự chán nản kéo dài xuyên suốt từ đầu bộ phim. Ngoài những ưu điểm về hình ảnh mãn nhãn, câu chuyện về Solo nhạt nhòa đến nỗi chỉ sau một giấc ngủ, sẽ không còn gì đọng lại trong bạn.

Đánh giá phim Solo: Star Wars Ngoại Truyện

Sau khi Disney mua lại Lucasfilm với giá 4 tỷ USD vào năm 2012, thương hiệu Star Wars bắt đầu hồi sinh sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh rộng. Thế nhưng có vẻ Disney đã và đang trở nên tham lam hơn với kế hoạch sản xuất hàng loạt những phần phim ăn theo để lấy lại vốn, đồng thời “bào được thêm bao nhiêu thì bào”. Những phần phim về sau dần trở nên đuối sức, kịch bản dần trở nên nhàm chán, ngoại trừ việc dán nhãn cái tên Star Wars lên bộ phim ra thì màu sắc và cái hồn của nó có vẻ đã không còn.

Nếu bạn là fan cứng của Star Wars, người viết chỉ có thể nói rằng bạn có thể suy nghĩ kĩ trước khi đi xem, nó nên mang tính đi xem cho biết, hoặc bạn nên hạ thấp sự trông đợi của mình xuống một tí. Còn nếu bạn chỉ là một người yêu thích điện ảnh thông thường, hoặc đang tìm kiếm một bộ phim để thư giãn vào dịp cuối tuần, Solo: Star Wars Ngoại Truyện chắc chắn là một lựa chọn không tệ.