Shinsekai Into the Depths là tựa game phiêu lưu dưới đáy biển với lối chơi metroidvania hấp dẫn và đồ họa “đẹp rạng ngời mà không chói lóa”.
Shinsekai Into the Depths là một bất ngờ thú vị khi “đánh úp” người chơi Nintendo Switch sau nửa năm phát hành độc quyền trên nền tảng Apple Arcade. Thậm chí đến khi trải nghiệm game trên nền tảng của Nintendo, tôi cũng không tin rằng đây là một trải nghiệm có xuất phát điểm từ nền tảng di động. Trò chơi sở hữu lối chơi metroidvania vô cùng hấp dẫn, cùng yếu tố nghe nhìn ấn tượng và chất lượng mà trước đây tôi chỉ từng thấy trên PC và console chứ không phải mobile.
Trong tiếng Nhật, Shinsekai có nghĩa là tân thế giới. Đây cũng là bối cảnh của Shinsekai Into the Depths, diễn ra vào một thời điểm không xác định khi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, tuy khá giống Earth Atlantis nhưng ý tưởng gameplay có quy mô khổng lồ hơn. Đỉnh điểm cũng là mặt đất bị chôn vùi trong băng giá, buộc loài người phải “di cư” xuống dưới lòng đại dương. Thế nhưng, ngay cả biển cả cũng dần bị băng giá xâm lấn, đe dọa đến mái ấm dưới đáy biển của một nhân vật thủy sinh. Người chơi bắt đầu với cuộc khám phá “hai vạn dặm dưới đáy biển” từ đây.
Shinsekai Into the Depths đưa người chơi đến với nhân vật chính vô cùng kiệm lời, không có bất kỳ lời thoại nào xuất hiện trong suốt toàn bộ trải nghiệm. Sau khi bị băng xâm lấn nơi cư ngụ, bạn không còn lựa chọn nào khác phải lang thang “hai vạn dặm dưới đáy biển”. Tuy nhiên, càng du hành dưới lòng đại dương thì cuộc phiêu lưu càng diễn biến bất ngờ. Mọi thứ chỉ dần được hé lộ thông qua những hình vẽ tay khó hiểu thay cho câu chuyện kể. Trên đó chỉ có những ghi chú mang tính đánh đố bằng một loại ngôn ngữ bí ẩn hơn là cố gắng giải thích cho bạn hiểu cốt truyện.
Tuy sở hữu lối chơi metroidvania nhưng Shinsekai Into the Depths mang cảm giác như một game sinh tồn dưới đáy biển vô cùng hấp dẫn. Bạn sẽ mở khóa được nhiều vũ khí mới sử dụng cho nhiều mục đích, từ chiến đấu, phòng vệ cho tới mở đường đi mới thông qua việc cải thiện khả năng lặn sâu hơn cho bộ đồ bảo hộ. Thậm chí là “tậu” chiếc tàu ngầm để mở rộng không gian di chuyển cho nhân vật chính. Trải nghiệm game còn hấp dẫn hơn với những sinh vật biển có thể gây hại cho bạn bất cứ lúc nào, nhưng đó lại là điều tuyệt vời nhất của trò chơi.
Yếu tố di chuyển đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm Shinsekai Into the Depths và nó không giống những tựa game đi cảnh mà tôi từng chơi. Về cơ bản, di chuyển dưới đáy đại dương có rất nhiều khác biệt, đặc biệt là phải “nhìn trước nhìn sau” với bộ đồ bảo hộ đang mặc trên người trong bất kỳ hành động nào. Quan trọng là phải duy trì khí thở nếu bạn không muốn nhân vật mất mạng. Có thể hình dung khí thở giống như máu của nhân vật trong những tựa game cùng thể loại vậy, chỉ có khác biệt là mọi hoạt động của bạn sẽ rút dần đi lượng khí thở này, nhất là những ai thích “bay”.
Đơn cử như bị sinh vật biển tấn công sẽ làm nứt bình chứa và rò rỉ khí thở nhanh hơn. “Chạm” đáy đại dương thô bạo hay những tình huống bất cẩn như trồng cây chuối cũng gây ra tình trạng tương tự. Nói một cách đơn giản, nhân vật của người chơi khá yếu ớt dưới đáy đại dương, không chỉ dễ bị tổn thương vì những hành động đơn giản nhất mà còn di chuyển kém linh hoạt vì lực cản của nước. Thậm chí nếu không cẩn thận, bạn có thể làm vỡ các bình khí thở khi tương tác với môi trường dưới đáy biển hoặc chiến đấu, gián tiếp hạn chế khả năng di chuyển xa và tự đẩy bản thân vào tình huống nguy hiểm.
Tuy nhiên, do có xuất phát điểm từ nền tảng di động nên Shinsekai Into the Depths có độ khó không cao, phù hợp với nhiều đối tượng người chơi kể cả casual. Các yếu tố thu thập và bình khí xuất hiện rải rác khắp trải nghiệm khá nhiều, trao cho người chơi cơ hội khám phá đầy thỏa mãn của lối chơi metroidvania đặc trưng. Hệ thống bản đồ tuy mang thiết kế đơn giản nhưng hiển thị thông tin rất chi tiết, giúp bạn luôn biết rõ mình đã bỏ lỡ những gì và ở đâu. Các mối nguy hiểm tiềm ẩn, chẳng hạn như áp lực nước mà bộ đồ bảo hộ có thể chịu được cũng được thể hiện rõ ràng trong bản đồ lẫn trải nghiệm bằng màu đỏ rất dễ nhận biết.
Nói thế không có nghĩa Shinsekai Into the Depths dễ đến mức nhàm chán mà ngược lại là khác. Trò chơi dung hòa khá tốt thử thách, thiết kế gameplay liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành vòng lặp trải nghiệm tuyệt vời. Phần lớn độ khó xoay quanh việc duy trì khí thở và tìm đường. Đơn cử như để trải nghiệm game tiến triển, người chơi không những phải cẩn thận mà còn cần thu thập nguyên liệu chế tác nữa. Trong khi đó, muốn mở đường đi mới thì bạn phải nâng cấp bộ đồ bảo hộ và cần thu thập vật liệu chế tác. Thế nhưng, để thu thập tốt lại cần đến kỹ năng đi cảnh, khám phá của người chơi và duy trì khí thở cho nhân vật.
Đáng nói, Shinsekai Into the Depths xây dựng hệ thống thu thập và chế tác khá đơn giản, nhưng lại chiếm vai trò không nhỏ trong trải nghiệm. Từ tạo đạn dược đến nâng cấp cho mục đích khám phá khi yếu tố này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trong trải nghiệm về sau, ít nhiều đều liên quan hệ thống này. Chẳng hạn tăng số lượng bình dưỡng khí hoặc các công cụ hỗ trợ rất hữu ích khác, giúp trải nghiệm “dễ thở” hơn. Thậm chí, dù bạn cẩn thận đến đâu vẫn khó tránh khỏi phát sinh những tình huống bất ngờ “toang” luôn bình khí thở không thể cứu vãn, nhất là ở thời điểm ban đầu đang làm quen các cơ chế gameplay.
Tất cả những điều này tạo nên một vòng lặp gameplay khá hào hứhng, kết hợp các yếu tố nâng cấp giúp trải nghiệm ngày càng hấp dẫn về sau. Đáng chú ý, khoảng nửa sau trải nghiệm khá đặt nặng yếu tố chấp nhận rủi ro để mở khóa màn chơi mới, vận dụng các cơ chế gameplay phức tạp hơn. Kỳ thực, tôi không rõ người chơi di động giải quyết vấn đề điều khiển như thế nào, nhưng trải nghiệm game mang cảm giác như được thiết kế cho Nintendo Switch hơn. Từ phần điều khiển thiết kế nút bấm khá trực quan trên tay cầm Joy-Con, cho đến đồ họa trông như một tựa game thế hệ trước nhưng lại đẹp một cách kỳ lạ trên hệ máy của Nintendo.
Tạo hình nhân vật, kẻ thù lẫn chuyển động và thiết kế môi trường màn chơi đều được xây dựng quá tốt, khiến tôi khá ấn tượng với chất lượng đồ họa trên Nintendo Switch. Ngay cả những sinh vật bí ẩn mà người chơi thu thập cho bách khoa toàn thư (Encyclopedia) và các con boss mà bạn phải đối mặt cũng không phải ngoại lệ. Ngoài phần chơi chính theo cốt truyện, Shinsekai Into the Depths còn có thêm chế độ “thoát khỏi mê cung” Another Drive và Jukebox cho phép người chơi nghe lại những bản nhạc lắng đọng cảm xúc trong trải nghiệm game. Đây là hai tính năng đáng chào đón, đặc biệt khi nhạc nền trong game rất tuyệt.
Thế giới dưới đáy đại dương trong “lăng kính” Shinsekai Into the Depths thậm chí còn ấn tượng hơn tôi tưởng, không chỉ hình ảnh mà cả âm thanh tiếng động cũng rất tinh tế. Kỳ thực, yếu tố âm hình góp phần không nhỏ mang đến cảm giác rất khác biệt so với những tựa game cùng đề tài mà tôi từng trải nghiệm trước đây. Chỉ có một điều hơi đáng tiếc là trải nghiệm game ở chế độ dock thỉnh thoảng bị tình trạng giật hình rất nhẹ khoảng nửa giây. Nó giống như game tải dữ liệu nhưng chưa bao giờ đến mức gây khó chịu. Trong khi đó, chế độ handheld hoàn toàn không thấy tình trạng này nên tôi cũng không xem là điểm trừ đáng chú ý.
Sau cuối, Shinsekai Into the Depths mang đến một trải nghiệm phiêu lưu đi cảnh với lối chơi metroidvania rất hấp dẫn, thiết kế màn chơi lẫn yếu tố nghe nhìn đều ấn tượng. Nếu yêu thích dòng game này, đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của bạn.
Shinsekai Into the Depths hiện có trên Nintendo Switch và Apple Arcade (iOS, Mac, Apple TV).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!