Shadow of the Tomb Raider là phần cuối cùng trong bộ ba tựa game reboot của series Tomb Raider, khép lại những cuộc phiêu lưu khởi nguồn đã biến nhân vật chính Lara Croft trở thành “kẻ đào mộ” được cả một thế hệ người chơi yêu thích vào những năm 1990 và 2000.
Không thể phủ nhận, series game Tomb Raidder reboot có một công thức rất tuyệt vời khi tái khởi động lại toàn bộ câu chuyện về thân thế của nhân vật Lara Croft nói riêng và mối quan hệ trong gia đình của cô nói chung. Nếu như phiên bản reboot đầu tiên năm 2013 đã rất táo bạo khi đưa nội dung rất mới mẻ cùng với nhiều yếu tố sinh tồn vào cuộc phiêu lưu nhân vật chính, thì phần hai Rise of the Tomb Raider đã mở rộng ý tưởng này thêm và biến trải nghiệm trở nên đậm chất một bộ phim hành động hơn. Chính vì thế mà tôi rất hào hứng mong đợi phần ba trong bộ trilogy này ra mắt. Thế nhưng, ấn tượng của tôi khi trải nghiệm Shadow of the Tomb Raider là… chẳng có ấn tượng nào cả!
Nếu không tính đồ họa có chất lượng cũng chỉ tương đương với phần trước Rise of the Tomb Raider và âm nhạc được sáng tác rất hợp với trải nghiệm ra, có lẽ đây là một phần chơi kém nhất trong ba phần của series game Tomb Raider reboot. Thế giới trong trò chơi được xây dựng khá rộng lớn, có thể là hơn cả hai phần trước và cho phép người chơi tương tác với các nhân vật khác tưởng chừng thú vị, nhưng đáng tiếc không tạo cho tôi cảm giác háo hức như trước nữa vì rất nhiều lý do. Một trong những lý do đó là trò chơi không có bất kỳ sự nâng cấp đáng kể nào cho công thức cũ rất thành công của hai phần chơi trước, cũng không tạo được cảm xúc kết nối người chơi với nhân vật như hai phần trước đã làm.
Nói thế không có nghĩa là game dở mà ngược lại, Shadow of the Tomb Raider vẫn đủ sức làm hài lòng nhiều người chơi dễ tính. Nhưng ở góc độ người chơi game, phần chơi mới lẽ ra đã có thể làm tốt hơn thế để nâng tầm cho series game này, đặc biệt khi đây là phần cuối cùng trong series game reboot. Nói đâu xa, ngay lúc mở đầu, trò chơi đã khiến tôi khá thất vọng với việc xài lại chiêu cũ trong việc dẫn dắt nội dung. Vẫn là một tình huống khiến người chơi giật thót tim quen thuộc gợi sự tò mò, tiếp tục với màn hồi tưởng một chút về trước đó rồi mọi thứ mới thật sự diễn ra. Vấn đề ở chỗ, cách làm này không còn tạo cho tôi cảm giác tò mò và choáng ngợp như phần mở đầu mà Rise of the Tomb Raider từng làm nữa, thậm chí tình tiết này tạo cảm giác quen quen như thể lấy ý tưởng từ một tựa game nổi tiếng khác.
Ngay cả cách khắc họa nhân vật Lara Croft trong phần này cũng khiến tôi thấy không ổn trong nhiều phân đoạn, rồi về sau trò chơi xây dựng hàng loạt nhiệm vụ cả chính lẫn phụ để người chơi có cơ hội làm điều ngược lại. Thật đáng thất vọng khi nhà phát triển chọn cách dễ dàng nhất để thể hiện sự chuyển biến của nhân vật chính. Buồn cười ở chỗ, điều mà phần chơi này làm tốt hơn Rise of the Tomb Raider có lẽ là câu chuyện giờ đây tập trung vào từng nhân vật nhiều hơn chứ không chỉ riêng Lara Croft nữa. Các tài liệu và lời thoại đọc cũng đỡ lủng củng hơn hai phần trước đó, nhưng cũng chỉ là đỡ hơn chứ không đáng gọi là tốt hơn. Thế nhưng trái lại, cốt truyện game lại nhạt nhòa hơn, đến mức mà tôi thậm chí cũng không còn cảm giác hào hứng muốn biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo nữa.
Shadow of the Tomb Raider gần như không có tình tiết nào đến mức gọi là kịch tính hay nút thắt bất ngờ mà mọi thứ đều rất dễ đoán. Bởi lẽ, nó gần như là sự “xào nấu” lại từ phần chơi trước với một số cơ chế gameplay mới được đưa vào, cố gắng tận dụng triệt để yếu tố này như một cách tạo nên trải nghiệm mới mẻ hơn. Chẳng hạn các phân đoạn lặn dưới nước là một trong các cơ chế mới được bổ sung mà bạn dễ nhận thấy nhất ngay từ đầu game. Tuy cơ chế này được vận dụng rất nhiều nhưng gần như không tạo được sự thay đổi nào trong trải nghiệm, mà thường chỉ mang đến một chút cảm giác mới mẻ không đáng kể mà thôi. Thay vào đó, tôi lại cảm thấy phiền toái với các đoạn lặn dưới nước mà Lara đụng độ với loài lươn Moray đáng ghét, cứ lặp đi lặp lại rất thường xuyên đến mức nhàm chán.
Một cơ chế khác là khả năng leo lên những mỏm đá dốc ngược rất nguy hiểm, nhưng chỉ xuất hiện vào khoảng nửa sau của trò chơi. Đáng chú ý là khả năng hành động lén lút của Lara giờ đây được nâng cấp với khả năng đắp bùn lên người hoặc ẩn mình trong các giàn dây leo để thực hiện những màn stealth takedown kinh điển. Ấn tượng nhất là khả năng “câu” kẻ thù treo lên nhánh cây giống như người nhện trong game Marvel’s Spider-Man nhưng tôi rất hiếm có cơ hội sử dụng, giống như để “show off” là chính. Điều đáng khen là trò chơi xây dựng nhịp độ chơi vừa phải, các yếu tố khám phá, giải đố và chiến đấu được kết hợp khá nhuần nhuyễn với nhau với tần suất xuất hiện các hầm mộ hay lăng tẩm rất hợp lý, không tạo cảm giác yếu tố nào lấn yếu tố nào.
Chính vì thế mà trải nghiệm nhìn chung vẫn mang cảm giác tương đồng với hai phần chơi trước. Tuy nhiên, ở phần này thì Lara Croft được “trang bị tận răng” với khả năng chiến đấu như một cỗ máy giết người, đi tới đâu là tàn sát tới đó bằng đủ mọi loại “vũ khí”. Đến cả cái chai cũng có thể dùng làm vũ khí hại người được, không khác gì biệt kích commando. Điều khiến tôi khá thất vọng là cách xây dựng hình tượng nhân vật thay đổi một cách cố ý nhằm mang đến những mảng tối không tương xứng cho Lara để thúc đẩy cốt truyện phát triển, như phân đoạn gần đầu game mà nhân vật hoàn toàn thờ ơ với sinh mạng của con người. Tôi nhớ có một phân đoạn mà kẻ thù thốt lên “she’s killing our people” hoặc dùng những từ như “murdering” khi nói về Lara, nghe hết sức nặng nề.
Có lẽ vì thế nên khi cốt truyện thường xuyên diễn ra cảnh giết chóc của nhân vật chính, tôi cảm thấy khá khó chịu và không hề thoải mái trong suốt trải nghiệm. Đã vậy, nhiều chi tiết trong cốt truyện được xây dựng khá cẩu thả và xử lý rất hài hước theo nghĩa xấu, tạo thêm cảm giác khó chịu hết lần này đến lần khác. Đáng nói nhất là nhiều phân đoạn theo nội dung game mà Lara phải trà trộn vào đám đông để theo dõi kẻ thù, thế nhưng cô lại “ngụy trang kiểu Úc” nên nhìn khá lộ liễu và hoàn toàn không thuyết phục được người chơi. Vậy mà trò chơi lại cho một đứa trẻ đứng khen Lara “ngụy trang thiệt là lợi hại”?! Các bộ trang phục mà bạn phải thay đổi theo cốt truyện cũng có chút vấn đề trong cơ chế vật lý của tà áo trong không ít trường hợp, trông rất buồn cười. Chưa kể, trò chơi còn rất nhiều vấn đề khác tuy nhỏ nhưng cùng hợp lại thì thành to.
Gây khó chịu không kém là các đoạn chuyển cảnh không thể hiện đúng “hiện thực” mà người chơi đã “tạo nghiệp” trước đó, cho thấy game được làm khá cẩu thả chứ không được chăm chút cẩn thận. Thậm chí Shadow of the Tomb Raider có một thiết lập cho phép các nhân vật nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ chứ không phải tiếng Anh. Nghe mô tả thì rất thú vị, nhưng thực tế thì nó đúng là một thảm họa quá sức khôi hài khi Lara nói tiếng Anh từ đầu đến cuối còn các nhân vật còn lại nói ngôn ngữ riêng của họ. Thế mà mọi người vẫn hoàn toàn có thể hiểu nhau như đúng rồi khiến tôi gần như mất hết kiên nhẫn với những điều phi lý trong trò chơi. Một vấn đề “to như bánh xe bò” như thế mà lại dễ dàng bị bỏ sót trong một tựa game AAA như thế này, và còn là phần cuối trong một series game thì thật sự tôi cũng không thể hiểu nổi.
Thế nhưng bực bội nhất là các yếu tố nhập vai được đưa vào khá nửa vời, dường như chỉ với mục đích nhằm tạo lý do cho người chơi khám phá nhưng lại không khuyến khích họ làm điều đó. Đơn cử như các trang bị của Lara thay vì ghi các chỉ số như trong các game nhập vai cho đơn giản thì ở đây lại là những mô tả bí hiểm mang tính khảo cổ, chẳng giúp ích gì cho người chơi. Điều này vô tình làm mất đi giá trị của những bộ trang phục hay vũ khí, khiến người chơi không có cảm giác hào hứng để truy lùng nó nữa. Một điểm mới trong trải nghiệm lần này là Lara giờ đây có thể đi tương tác với các nhân vật, nhưng kỳ thực đây là một yếu tố vay mượn từ các game nhập vai và không có gì hấp dẫn, cũng bởi vì vấn đề lời thoại nói trên và thiếu đi yếu tố tưởng thưởng để khuyến khích bạn thực hiện.
Sau cuối, Shadow of the Tomb Raider tuy vẫn mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động ở mức độ có thể làm hài lòng nhiều người chơi, nhưng nó cũng cho thấy series game reboot này đã trở nên cũ và cạn kiệt ý tưởng. Dù hệ thống độ khó chia làm ba thành phần riêng lẻ là một điểm cộng, đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tượng người chơi khác nhau, nhưng phần chơi này gần như không có cải thiện đáng kể nào trong các cơ chế gameplay đặc trưng là một điều đáng tiếc. Nếu là một người chơi thuộc loại khó tính và khắt khe, hoặc mong đợi một sự cải thiện trải nghiệm đáng kể tương xứng với kết thúc hoàn mỹ cho Lara Croft, thì trò chơi chắc chắn không thể đáp ứng được điều đó. Đặc biệt, kết thúc của game có thể khiến bạn cảm thấy thắc mắc nhiều hơn là thỏa mãn.
Shadow of the Tomb Raider được phát hành cho Windows, PlayStation 4 và Xbox One.
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!