Sephonie là trải nghiệm đi cảnh giải đố thiên về câu chuyện kể của Melos Han-Tani và Marina Kittaka, hai nhà phát triển nổi lên từ series game phiêu lưu hành động Anodyne. Không như Anodyne 2 sở hữu lối chơi đi cảnh 3D kết hợp các phân đoạn 2D gợi nhớ đến những game nhập vai góc nhìn top-down như The Legend of Zelda: A Link to the Past rất kinh điển, trải nghiệm Sephonie mang nhiều thiết kế cũ kỹ từ thập niên 90. Đó là sự pha trộn giữa đi cảnh 3D và giải đố mang màu sắc của dòng game match-3 và Tetris.
Đáng chú ý, cơ chế gameplay hoài cổ và không kém phần thử thách không phải là điểm cộng duy nhất của Sephonie. Trò chơi còn đi kèm với câu chuyện kể có nhiều tình tiết hóm hĩnh như một sự bổ sung phù hợp với trải nghiệm “hại não” của game, dù khía cạnh câu chuyện kể không nhất thiết là điểm cộng của trò chơi. Trải nghiệm game đưa người chơi đến với ba nhà khoa học sử dụng thiết bị cấy ghép hiện đại ONYX, tìm đến nghiên cứu các sinh vật trên đảo Sephonie nổi tiếng vốn không có người ở.
Không may, khi đang tiếp cận gần địa điểm nghiên cứu thì một cơn bão điện từ bất ngờ khiến họ bị đắm tàu và trôi dạt đến vị trí không xác định trên đảo Sephonie. Với động lực nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, bộ ba gồm trưởng nhóm Amy người Mỹ gốc Đài Loan, Riyou Hayashi người Nhật gốc Đài Loan và Ing-wen Lin thường trú tại thành phố Đài Bắc, phải lang thang trong những hang động để tiếp tục sứ mệnh. Họ không chỉ đối mặt với những thử thách về thể chất mà cả ký ức và giấc mơ thầm kín nhất của mỗi nhân vật.
Với lối chơi thiên về đi cảnh giải đố, không có gì lạ khi phần lớn trải nghiệm Sephonie xoay quanh khám phá các hang động bên dưới hòn đảo bí ẩn này. Người chơi điều khiển nhân vật đi cảnh thông qua các hành động quen thuộc như chạy (sprint), lướt trên không (dash) và leo lên những môi trường ngầm bên dưới hòn đảo. Không chỉ là các thể loại kiến trúc siêu thực trên nền đồ họa mang nhiều cảm giác hoài cổ của những tựa game PlayStation kinh điển ngày xưa, chướng ngại vật mà bạn phải đối mặt còn là những câu đố khá hại não.
Tuy đồ họa không phải là điểm cộng xuất sắc của trò chơi, nhưng chúng đóng vai trò khá quan trọng trong trải nghiệm Sephonie. Thiết kế môi trường màn chơi trong game thường dễ khiến người chơi mất phương hướng. Bạn nào mắc chứng “mù đường” khuyến cáo không nên trải nghiệm tựa game này. Mỗi khu vực đều có rất nhiều bí mật chờ người chơi khám phá hoặc chỉ nhằm mục đích khiến bạn càng thêm lạc lối trong trải nghiệm, dường như là ý đồ của nhà phát triển. Càng về sau, nhân vật điều khiển càng mở rộng khả năng di chuyển.
Tất nhiên, Sephonie cũng mở đầu với phần hướng dẫn các cơ chế gameplay cơ bản. Người chơi có thể chuyển đổi qua lại giữa ba nhân vật với cơ chế điều khiển giống nhau. Mỗi nhân vật đều có thể nhảy, leo trèo và tận dụng yếu tố môi trường để di chuyển đến những vị trí mà ban đầu bạn cũng không nghĩ là khả thi. Những hành động di chuyển này không có gì mới mẻ so với rất nhiều tựa game tương tự từ thập niên 90. Đó là cảm giác điều khiển hơi vụng về và không có tính chính xác cao như chủ ý của nhà phát triển.
Cụ thể, tốc độ di chuyển của nhân vật không tới nỗi lề mề, nhưng cảm giác chạy rất lạ giống đang lướt ván trong Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 như mô tả của nhà phát triển. Khi bạn thả cần analog, nhân vật không dừng ngay mà vẫn tiếp tục di chuyển một đoạn nữa mới đứng lại, tương tự Cyber Citizen Shockman. Cái quán tính “không mời mà tới” này gây không ít ức chế khi khiến nhân vật thỉnh thoảng nhảy lệch hướng so với điều khiển của người chơi. Mặc dù vậy, khía cạnh đi cảnh trong Sephonie được xây dựng khá tốt và nhìn chung vẫn ổn.
Đó là nhờ vào yếu tố đi cảnh rất đa dạng và mở rộng trong suốt trải nghiệm về sau như đề cập ở trên. Cộng với sự kết hợp giữa chúng trong những phân đoạn đi cảnh, góp phần không nhỏ mang đến cảm giác trải nghiệm đi cảnh khá hào hứng và thỏa mãn. Tuy nhiên, gần cuối trải nghiệm game thì một số thiết kế lại khiến người viết cảm thấy ức chế hơn là thú vị, do đòi hỏi tính chính xác theo từng khoảnh khắc trong khi đó gần như là nhiệm vụ bất khả thi với tay cầm Joy-Con. Đáng nói, đây không phải vấn đề của riêng máy Switch.
Ngay trên cả trên bản PC mà tôi trải nghiệm cũng có vấn đề tương tự. May mắn là so với tổng thời lượng chơi, những khoảnh khắc trải nghiệm để lại cảm giác ức chế nhất kể trên không kéo dài trong trải nghiệm Sephonie. Do vậy, chúng cũng không nhất thiết là điểm trừ trong thiết kế và có thể xem như thử thách nhất thời mà đội ngũ phát triển cố tình muốn làm khó người chơi một chút. Dù vậy, tôi không đánh giá cao những ý tưởng thiết kế tương tự, vì chúng vô tình làm giảm đi sự hào hứng của người chơi theo hướng tiêu cực.
Đặc biệt, Sephonie không chỉ là cuộc phiêu lưu thiên về đi cảnh mà còn giải đố nữa. Đây cũng là khía cạnh góp phần không nhỏ giúp trò chơi thật sự tỏa sáng khi gắn liền với yếu tố kể chuyện. Bạn còn nhớ thiết bị cấy ghép đề cập ở đầu bài viết chứ? Đó là thiết bị gắn vào não của nhân vật, cho phép họ tạo liên kết với sinh vật để nghiên cứu về chúng ở cấp độ sinh học và cảm xúc thông qua giải đố. Người chơi sẽ đặt các khối màu khác nhau với nhiều hình thù tương tự Tetris và xếp thành hàng cùng màu để triệt tiêu chúng.
Điều thú vị là các phân đoạn giải đố này liên tục bổ sung quy tắc và chướng ngại vật mới, mang đến trải nghiệm giải đố vô cùng thỏa mãn. Hầu hết những câu đố này không bắt buộc. Thậm chí, bạn cũng có thể giảm độ khó của những câu đố bắt buộc khi trải nghiệm với thiết lập ONYX Link Easy Mode trong Settings, cùng một số tùy chỉnh giúp bạn “gian lận” trong game ở cả khía cạnh đi cảnh và giải đố. Kỳ thực, những phân đoạn giải đố bắt buộc về cơ bản là các trận boss chiến với những sinh vật giữ cân bằng cho hệ sinh thái.
Những trận đánh boss này có sự liên kết rất thú vị đến câu chuyện kể trong game. Bạn có thể nghĩ đảo Sephonie giống như một đại sinh vật và các con boss trong trải nghiệm chính là những cơ quan của nó, kiểm soát mọi thứ giúp duy trì sự sống cho sinh vật khổng lồ có tính hình tượng nói trên. Nói đâu xa, ngay cả loại virus có thể khiến thế giới rơi vào hỗn loạn trên hòn đảo này, rõ ràng là gợi nhắc đến cơn đại dịch mang tên Covid-19 đã cướp đi gần 7 triệu sinh mạng trên thế giới, theo số liệu của WHO tính đến thời điểm bài viết.
Tương tự, mỗi nhân vật chính trong trải nghiệm Sephonie cũng có mối liên kết đến hòn đảo theo cách khác nhau, thông qua phần hồi tưởng đầy trăn trở của họ. Chẳng hạn, Amy luôn tự hỏi cô còn có những lựa chọn nào cho cuộc đời của mình, trong khi Ing-Wen thì đau đáu về những rào cản xã hội ngăn cô đến với người bạn gái sống cách tận nửa vòng trái đất. Kỳ thực, ẩn bên trong câu chuyện kể là những xung đột nội tâm của mỗi nhân vật, phảng phất đâu đó trong cuộc sống dưới những góc nhìn của người trong và ngoài cuộc.
Ngay cả khi không có cùng hoàn cảnh với họ, người viết ít nhiều vẫn cảm thấy chút đồng cảm giữa một số suy tư của họ như thay lời muốn nói tiếng lòng của bản thân trong bước đường đời. Từ lựa chọn ngành nghề khi lên đại học, sự trăn trở về con đường sự nghiệp cho tới những vấp ngã đầu đời. Kỳ thực, Sephonie mang đến trải nghiệm game có tính cá nhân cao, truyền tải những thông điệp thú vị nhưng cũng đòi hỏi sự sâu sắc và tinh tế của chính người chơi khi tiếp nhận các thông tin đó. Thấy vậy mà không phải vậy!
Sau cuối, Sephonie mang đến một trải nghiệm đi cảnh giải đố đặc sắc từ lối chơi cho đến cách kể chuyện và thông điệp muốn truyền tải. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là những thiết kế có tính đặc thù không thể tránh khỏi, như không thể tua nhanh các câu thoại do trải nghiệm thiên về câu chuyện kể hay camera thường gây nhiều rắc rối với các phân đoạn nhân vật chạy. Nếu bạn đủ kiên nhẫn để làm chủ trải nghiệm trước những thiếu sót có chủ ý của trò chơi, đây là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game và ngược lại.
Sephonie hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 5, Xbox Series X|S, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!