Romance of the Three Kingdoms XIV: Diplomacy and Strategy Expansion Pack Bundle là bộ game gồm phần chơi nguyên bản của trải nghiệm chiến thuật Romance of the Three Kingdoms XIV và bản mở rộng Diplomacy and Strategy Expansion Pack. Đây cũng là phần chơi hiếm hoi của series này được phát hành trên hệ máy của Nintendo sau phần chơi Romance of the Three Kingdoms IV Wall of Fire cho Wii U từ năm 2013 đến nay. Đó là chỉ tính các tựa game được chuyển ngữ và phát hành quốc tế chứ bản tiếng Nhật thì tôi không theo dõi nên không biết.
Kỳ thực, Romance of the Three Kingdoms XIV khi ra mắt vào đầu năm 2020 gây nhiều tranh cãi vì định hướng của trò chơi có tính đơn giản hóa trải nghiệm hơn. Không ít khía cạnh gameplay tạo nhiều hào hứng cho fan cứng của series Sangokushi (RTK) trong các phần chơi trước đều chuyển sang hướng tối giản và tự động hóa nhiều hơn. Đó là chưa kể một số DLC có tính chất fan service cho phép người chơi điều khiển các “vị tướng ngoại lai” trong trải nghiệm, dẫn đến những cảm xúc vô cùng khó tả cũng trở thành vấn đề với một bộ phận người chơi nghiêm túc.
Những tưởng bản mở rộng Diplomacy and Strategy Expansion Pack sẽ có sự điều chỉnh những vấn đề nói trên để chiều lòng người chơi lâu năm của series này. Thế nhưng, điều đó không xảy ra càng thuyết phục tôi tin rằng series game RTK đã hoàn toàn lột xác thành trải nghiệm mới, hướng đến những người chơi mới hơn là kế thừa trọn vẹn di sản của dòng game này suốt 35 năm qua. Bản mở rộng này vẫn xây dựng trải nghiệm thành những sự kiện theo kịch bản riêng, xen lẫn giữa những chiến dịch dựa trên lịch sử và cũng không thiếu những trận dã sử.
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất của hướng đi nói trên là War Chronicles. Đây là chế độ chơi hướng đến người chơi mới của series game này hơn. Vẫn là những trận chiến quen thuộc trong phần chơi chính, nhưng mọi thứ đều được giản lược về quy mô. Từ màn chơi nhỏ hơn cho đến số lượng tướng cũng ít đi đáng kể. Mỗi trận lại có các điều kiện thắng và bại trận mà bạn cần chú ý, nhưng trải nghiệm game đơn giản hơn nhiều. Chế độ chơi này khá hữu ích với những người chơi mới bị choáng ngộp trước hàng loạt thông tin trong trải nghiệm nguyên bản.
Cuối mỗi trận trong War Chronicles còn tính điểm cho trải nghiệm. Bạn có thể dựa vào điểm số này để tự đánh giá khả năng chiến thuật của bản thân trước khi tham gia vào phần chơi chính. Nó khuyến khích người chơi thử qua nhiều chiến thuật khác nhau, từ đó có sự hiểu rõ hơn về các cơ chế gameplay của RTK 14. Thậm chí, tôi có cảm giác chế độ chơi này hoạt động như phần chơi giúp bạn làm quen với trải nghiệm trước khi tham gia vào các trận đánh quy mô hơn trong phần chơi chính hoặc chỉ đơn thuần là không có nhiều thời gian cho sở thích của bản thân.
Ngoài ra, bản mở rộng này cũng bổ sung một số yếu tố chiến thuật mới như lợi thế địa lý mang đến phần thưởng khi bạn chiếm một tỉnh hoặc các tộc du mục ít xuất hiện cũng như giao thương giữa các nước Á-Âu. Vấn đề ở chỗ, những yếu tố chiến thuật mới nói trên không đủ hấp dẫn về mặt lâu dài, nhất là giao thương giữa các nước Á-Âu nặng tính lặp lại. Vấn đề lớn nhất nằm ở cách xây dựng trải nghiệm game có phần đơn giản và tự động hóa nhiều hơn. Đơn cử như giao thương Á-Âu thường chỉ xoay quanh việc cử đặc phái viên thương mại đi và phải chờ rất nhiều lượt.
Hên thì bạn nhận về cả đống đồ hoặc chiến thuật và vật phẩm quý, nhưng xui thì bị cướp dọc đường. Cái kết chỉ là tăng vị thế quốc gia của bạn với các nước khác. Cảm giác lặp lại khá nặng nề khi người chơi đa phần nhấn nút để thực hiện quá trình giao thương giống nhau và chờ kết quả hết lần này đến lần khác. Khía cạnh chiến lược cũng không khá hơn khi đi sâu vào chi tiết. Về cơ bản, có những ý tưởng khá thú vị nhưng tôi chẳng thấy tác động của nó đến cuộc chiến. Đơn cử như phá hủy công trình hay tung tin giả không giúp đảo chiều trận chiến như tôi kỳ vọng.
Thay vào đó, những hành động nói trên tạo cảm giác không cần thiết khi không giúp tăng thêm chiều sâu cho trải nghiệm. Điều này đặc biệt là điểm trừ khi xét ở góc độ phần chơi nguyên bản đã đơn giản hóa trải nghiệm bằng cách lược bỏ nhiều tính năng chiến trận so với các phần chơi trước. Các vấn đề nói trên dẫn dắt tôi quay lại với định hướng thiết kế của RTK 14 và bản mở rộng Diplomacy and Strategy Expansion Pack chỉ đơn thuần tiếp sức cho hướng đi đó. Điều này có phần hợp lý khi trải nghiệm game đẩy bạn vào cuộc chiến trên nhiều mặt trận.
Ở góc độ người chơi, trải nghiệm Romance of the Three Kingdoms XIV rất khác so với Sid Meier’s Civilization VI. Thay vì khởi đầu với một hoặc hai quân, người chơi phải điều binh khiển tướng trong tình trạng sẵn sàng chinh chiến và xâm lược ngay từ lượt chơi đầu tiên. Điều này trái ngược với phần lớn những tựa game chiến thuật khác trên thị trường. Bất kể bạn nắm quyền kiểm soát ở đâu thì nhiệm vụ chính vẫn luôn là tìm kiếm cơ hội mở rộng bờ cõi và đối phó với các nước khác đang dòm ngó quốc gia của bạn một cách thèm thuồng.
Chính vì thế mà khi trải nghiệm đã đi vào guồng máy của nó, bạn phải điều động rất nhiều quân đi xuất kích hoặc phản công khắp nơi. Thiết kế đặc trưng này khiến người chơi giống như một vị tướng luôn đóng vai trò rất lớn trong khả năng thành bại của cuộc chiến vậy. Bạn phải cẩn thận khi quyết định hành quân, đặc biệt là nhận thức rõ điểm yếu trong khả năng phòng thủ của mỗi quân ta trước kẻ thù. Tôi nghĩ đó mới là cảm giác tưởng thưởng mà RTK 14 và bản mở rộng Diplomacy and Strategy Expansion Pack luôn cố gắng mang đến trong trải nghiệm.
Nếu bỏ qua các vấn đề tranh cãi liên quan đến định hướng thiết kế mới nói trên, Romance of the Three Kingdoms XIV: Diplomacy and Strategy Expansion Pack Bundle vẫn có hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng đồ họa và trình bày. Về cơ bản, chất lượng đồ họa không có gì cải thiện so với bản PlayStation 4 mà tôi từng chơi trước đó. Giao diện cũng chưa tối ưu tốt cho trải nghiệm trên Nintendo Switch ở chế độ handheld. Cỡ chữ trên giao diện và các bảng thông tin khá nhỏ nên rất khó đọc nếu bạn không sử dụng tính năng phóng lớn hình ảnh của hệ máy này.
Bù lại, phiên bản Switch hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng ở chế độ handheld bên cạnh phần điều khiển bằng tay cầm ở cả hai chế độ handheld và gắn dock. Đây có thể xem là điểm cộng của trò chơi giúp trải nghiệm thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là với những tựa game cần thao tác nhiều như RTK 14. Vấn đề ở chỗ, giao diện game không tối ưu tốt cho màn hình nhỏ nên nhiều nút tương tác bé tí. Mấy bạn nam thường có bàn tay to hơn nữ sẽ gặp chút khó khăn dẫn đến chạm nhầm vị trí trên màn hình Nintendo Switch khi tương tác. Switch Lite thì thôi khó quá bỏ qua.
Đáng chú ý, Romance of the Three Kingdoms XIV: Diplomacy and Strategy Expansion Pack Bundle chưa bao gồm các nội dung Season Pass. Ngoài các chiến dịch trong phần chơi gốc, bản mở rộng có thêm nhiều trận mới hấp dẫn như cuộc chiến Tương Dương-Phàn Thành của Quan Vũ, trận chinh phạt Liêu Đông của Tư Mã Ý v.v… Đặc biệt, có hai trận là Di Lăng và chiến tranh Thục-Ngụy dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của nhà Thục Hán thì lại là DLC dành tặng cho người chơi mua game sớm trong vòng hai tuần, tính từ thời điểm phát hành giống như bản PS4 trước đó.
Sau cuối, Romance of the Three Kingdoms XIV: Diplomacy and Strategy Expansion Pack Bundle mang đến một trải nghiệm chiến thuật 2-trong-1 mô phỏng chiến tranh thời Tam Quốc khá hấp dẫn, nhưng chủ yếu là những người chơi mới của series RTK hơn. Thiết kế cơ chế gameplay có phần đơn giản hóa của phần chơi mới, cộng với sự hậu thuẫn của bản mở rộng Diplomacy and Strategy Expansion Pack khiến game ngày càng rời xa những người chơi lâu năm của series hơn 35 tuổi này.
Romance of the Three Kingdoms XIV: Diplomacy and Strategy Expansion Pack Bundle hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!