Rom là gì? Rom stock là gì? Rom Cook là gì? Rom stock và rom cook khác nhau thế nào? Đây là bốn câu hỏi cơ bản nhất dành cho các bạn muốn vọc Android.
Rom là phân vùng lưu trữ hệ điều hành dành cho smartphone. Ngày nay nó mang ý nghĩa đại điện cho Hệ điều hành của máy. Nếu trước đây bạn học máy tính thì cũng từng nghe khái niệm này nhưng nó hơi khác. ROM trong phần cứng máy tính được hiểu nôm na có nghĩa là bộ nhớ chỉ đọc. Dữ liệu trên ROM không bị mất đi khi ngắt nguồn điện.
Bạn có thể hiểu Android là hệ điều hành giống như Windows trên máy tính, các phiên bản Android như JellyBean, Lollipop,… tương đương với Windows 7, Windows 10 vậy. ROM là phiên bản Android đã cài lên điện thoại giống như trên máy tính là bản Windows đã được nạp sẵn trên máy. Với Android nó bao gồm các phần mềm cơ bản như nghe gọi nhắn tin cùng một số phần mềm độc quyền của Google.
Rom stock là gì?
Rom stock hay còn gọi là rom gốc là bản rom của chính nhà sản xuất cung cấp, nó chứa đầy đủ các tính năng mà nhà sản xuất đã đưa ra và kèm theo các ứng dụng riêng của nhà sản xuất. Chẳng hạn máy Samsung, OPPO, Xiaomi bạn mới mua chính hãng về mở ra thì nó được cài đặt sẵn là Rom stock. Rom stock mang tính ổn định cao. Tuy nhiên nó thường kèm theo nhiều ứng dụng phụ không cần thiết cho bạn và có thể gây nặng máy.
Rom cook là gì?
Rom cook hay gọi nôm na là rom đã chỉnh sửa là khái niệm chỉ bản rom đã được “xào nấu”, tùy biến lại dựa trên bản rom stock của nhà sản xuất hoặc trên rom gốc do Google phát hành (AOSP). Rom cook có ưu điểm là đã được tối ưu sẵn, đa dạng với nhiều lựa chọn. Một số loại rom cook nổi tiếng như CyanogenMod, MIUI… Do đã được “mod” theo người làm rom mod mà chất lượng cũng mang tính “hên xui”, các tính năng đôi khi lại không được ổn định như rom gốc, hay phát sinh lỗi.
Up rom, Flash rom là gì?
Up rom là thao tác cài đặt lại hay nâng cấp hệ điều hành hiện tại của máy, được gọi chung là up rom hay flash rom.
Các nhà sản xuất luôn cải tiến và nâng cấp chức năng cũng như giao diện cho hệ điều hành điện thoại của họ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đến một thời điểm, nhà sản xuất cũng sẽ tung ra một bản nâng cấp. Và khi đó là thời điểm khách hàng cần UP ROM, hay nói cách khác là cập nhật phần mềm.
Đối với máy đang dùng Rom gốc và chưa được root, hầu hết các thiết bị đều cho phép up rom trực tiếp trên điện thoại (OTA) thông qua thông báo hiện lên trên màn hình.