River City Girls là bản spinoff hấp dẫn với lối chơi chặt chém, mang nhiều dấu ấn của series game kinh điển Kunio-kun ngày xưa.
Kunio-kun là một trong những series game kinh điển mà tôi thích nhất trên nền tảng NES vì có đủ mọi thể loại, từ lối chơi hành động nhập vai chặt chém mang thiết kế màn chơi thế giới mở phi tuyến tính cho tới đủ loại hình thể thao vô cùng hào hứng. Tuy nhiên, phần lớn những tựa game trong series này đều không được xuất ngoại khỏi thị trường Nhật Bản ở thời điểm phát hành ban đầu. Hoặc nếu có cũng được đổi tựa và tên nhân vật, như trường hợp “thay tên đổi họ” của Downtown Nekketsu Monogatari bằng hai cái tên mới River City Ransom và Street Gangs khi được phát hành lần lượt tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
River City Girls đưa người chơi quay lại bối cảnh River City với cặp đôi nhân vật “tưởng mới mà cũ” Kyoko và Misako. Những ai yêu thích series Kunio-kun chắc vẫn còn nhớ hai “chị đại học đường” vốn có mối quan hệ đặc biệt với Kunio và Riki trong các phần chơi cũ. Trong một buổi cấm túc, cả hai nhận được “tin nóng” thông báo bạn trai của hai người bị đối tượng thù địch bắt cóc. Vậy là một cuộc chiến “vì trái tim lỡ nhịp” vượt qua tất cả, tìm manh mối những kẻ bắt cóc và giải cứu bạn trai nhanh chóng diễn ra. Trò chơi tiếp tục mang đến trải nghiệm “chặt chém” trong không gian mở quen thuộc của không ít tựa game thuộc series này.
Điểm khác biệt lớn nhất của River City Girls so với những tựa game “chặt chém” khác trên thị trường là màn chơi không quá tuyến tính, nhưng cũng không hẳn phi tuyến tính. Thay vì đi theo một lối nhất định thẳng về phía trước, giờ đây bạn phải chạy tới chạy lui giữa những khu vực mới và cũ để hoàn thành nhiệm vụ. Người chơi không nhất thiết phải “chặt chém” mọi lúc mọi nơi, nhưng có những phân đoạn thì yếu tố này là bắt buộc để mở khóa lối đi mới. Tuy nhiên, nếu không “chặt chém” nhiều thì nhân vật của bạn sẽ thăng cấp rất chậm, ít nhiều đều làm giảm đi sức mạnh trong chiến đấu của nhân vật chính.
Trong series Kunio-kun, River City Girls có lẽ là tựa game đầu tiên thể hiện “nữ quyền” khi cho vai chính là nữ, không những một mà tới hai nhân vật. Trong đó, Kyoko là cô nữ sinh với tính cách sôi nổi, vui vẻ, hơi bị cuồng thời trang và làm đẹp. Một hình tượng khá điển hình của nhiều nữ sinh thời nay. Misako thì ngược lại, khá nóng nảy và sẵn sàng đấm không trượt phát nào nếu bị các chàng trai làm phật lòng. Sự đối lập tính cách của hai nhân vật tạo nên những đoạn thoại khá hài hước trong suốt trải nghiệm, kẻ đấm người xoa khi đối đáp với những “thành phần bất hảo” trong River City.
River City Girls kết hợp khá hoàn hảo lối chơi chặt chém với các yếu tố nhập vai và thiết kế màn chơi mở, mang đến trải nghiệm khá hấp dẫn và quen thuộc với những ai từng yêu thích series Kunio-kun. Người chơi có thể dùng tiền kiếm được từ “dạy dỗ” những thành phần “đầu gấu” để mua kỹ năng mới trong Dojo. Bạn cũng có thể sắm sửa rất nhiều thứ từ những đồ dùng thông thường cho tới trang phục trong và ngoài của nhân vật, thay cho yếu tố trang bị của thể loại nhập vai. Chưa kể, nhân vật cũng có thể vào các hàng quán để mua đồ ăn, thức uống để hồi máu, khá giống series game Yakuza.
Dù vậy, các cửa hàng trong River City Girls khiến tôi khá bất ngờ khi mọi thứ đều rất đắt đỏ cứ như mức sống ở Nhật. Trong khi đó, tiền mà bạn kiếm được không nhiều như mong đợi. Đáng chú ý, phần lớn những thứ có thể dùng tiền mua để hồi máu cho nhân vật đều không cho người chơi biết trước công dụng, trừ khi bạn bỏ tiền ra tiêu pha hên xui vào đó. Không ít lần tôi chi những khoản tiền khá phí phạm vì mua nhầm một món không ưng ý. Đơn cử như có một cửa hàng bán trò chơi điện tử với mức giá “khủng bố”, nhưng thứ mà bạn nhận được chỉ là hồi toàn bộ máu và với cùng số tiền đó, người chơi đã có thể mua thêm tuyệt kỹ mới thiết thực cho trải nghiệm hơn từ Dojo.
Với lối chơi chặt chém, không có gì lạ khi River City Girls hỗ trợ trải nghiệm co-op nhưng chỉ cho local. Thậm chí, trải nghiệm hấp dẫn hơn nhiều khi chơi co-op. Điều này có thể nằm ở thiết kế hướng đến trải nghiệm co-op hơn khi độ khó trong game nhiều khi mang cảm giác thiếu cân bằng trong trải nghiệm solo, đặc biệt là những trận đánh boss. Kẻ thù thường khá “cục súc”, không bao giờ đứng yên nhìn bạn “giã gạo” đồng bọn mà luôn lao vào “ăn hôi” bất kể lúc nào. Chính vì thế, người chơi phải luôn thận trọng khi đang “nện bao cát”, tránh trường hợp đang mải “máu me” lại bị đánh lén đo đất hết sức ức chế.
Không những vậy, nếu để nhân vật hết sạch máu, bạn sẽ mất luôn 30% số tiền dày công kiếm được từ nãy giờ dù công sức chiến đấu vẫn được ghi nhận và không phải chơi lại quá xa. Mặt khác, một vấn đề mà tôi không biết nên gọi là tính năng hay lỗi thiết kế nằm ở hệ thống “đồng bọn”. Về cơ bản, một số kẻ thù khi bị “đập ra bã” sẽ xin bạn tha mạng. Nếu đồng ý, các NPC này có thể trở thành “đàn em” và chạy ra phụ bạn một đấm hoặc đá mỗi khi được gọi. Vấn đề ở chỗ, chúng chỉ tung một đòn tấn công ngẫu nhiên rồi chạy mất, nhưng người chơi gần như không thể canh chính xác vị trí chúng ra đòn nên trật nhiều hơn trúng, khá là vô tích sự.
Thậm chí, không ít lần tôi “triệu hồi đàn em” rồi mải nhìn nên bị phân tâm, khiến nhân vật chính phải “restart checkpoint” vô cùng ức chế. Bù lại, cảm giác “chặt chém” trong River City Girls rất hấp dẫn khi đi kèm với phần thưởng tương xứng, kích thích bạn tiếp tục trải nghiệm. Kyoko và Misako không chỉ động chân động tay mà còn có thể vận dụng rất nhiều “vũ khí thô sơ” xuất hiện dọc màn chơi để “gậy ông đập lưng ông” kẻ thù. Nhiều món đồ trong đó khá hài hước về ý tưởng, chẳng hạn như trái banh tennis, yoyo, thùng rác hay thậm chí ghế và rất nhiều thứ tưởng chừng vô hại khác đều có thể biến thành vũ khí trong chớp mắt.
Chính nhờ những thiết kế thú vị này mà trải nghiệm River City Girls gần như không tạo cho tôi cảm giác lặp lại nặng nề rất đặc trưng của thể loại này. Tuy nhiên, trò chơi vẫn mang chút cảm giác “cày cuốc” không tránh khỏi và chưa giải quyết vấn đề này tốt như Fight’N Rage. Mặt khác, một vài lựa chọn thiết kế của nhà phát triển cũng khiến tôi cảm thấy khó hiểu, chẳng hạn kẻ thù thông thường không có thanh máu trong khi boss lại có. Trải nghiệm co-op dễ dàng hơn solo cũng là một điểm trừ không nhỏ với những ai không tìm được bạn để chơi cùng, do game chỉ hỗ trợ co-op local chứ không hỗ trợ online.
Dù vậy, đây cũng chỉ là những khiếm khuyết nhỏ so với khía cạnh đồ họa, nhạc nền và gameplay rất hấp dẫn và hào hứng mà trò chơi mang đến. Kỳ thực, River City Girls khiến tôi ấn tượng với phong cách đồ họa pixel art nhiều màu sắc bắt mắt và mức độ chi tiết cao, xen lẫn các đoạn chuyển cảnh kiểu hoạt hình tuyệt vời không có gì để chê. Mỗi cảnh trong game đều mang cảm giác khác biệt. Hoạt cảnh chuyển động của các nhân vật rất nhuần nhuyễn. Phần điều khiển phản hồi tốt với thao tác bấm nút của người chơi. Nhạc nền cũng không phải ngoại lệ và tiếp tục là một điểm cộng khác của trò chơi.
Sau cuối, River City Girls mang đến một trải nghiệm chặt chém khá hấp dẫn với thiết kế thế giới mở và vận dụng khéo léo nhiều yếu tố nhập vai. Tuy vẫn có một vài khiếm khuyết nhỏ trong thiết kế gây khó hiểu, nhưng những điểm cộng rất lớn của trò chơi đã xóa nhòa những vấn đề đó. Nếu yêu thích series Kunio-kun nói riêng và dòng game này nói chung, đây chắc chắn là cái tên mà bạn không muốn bỏ lỡ. Kỳ thực, trò chơi là bản spinoff “nhỏ mà có võ” hiếm hoi trên thị trường hiện nay.
River City Girls được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác