Returnal là tựa game rất đặc biệt khi thử thách tính kiên nhẫn và phản xạ của bạn trong trải nghiệm. Khác với những game độc quyền gần đây trên nền tảng của Sony thường xây dựng môi trường thế giới mở hoặc vô cùng rộng lớn tương tự, nhà phát triển Phần Lan Housemarque lại chọn hướng đi vô cùng khác biệt. Họ tận dụng sở trường từ những game bullet hell phát triển trước đó như Reso Gun hay Dead Nation, kết hợp yếu tố ngẫu nhiên RNG của roguelike để biến nó thành trải nghiệm phiêu lưu hành động góc nhìn thứ ba.
Thật sự không thể phủ nhận Housemarque góp công lớn nâng tầm cho thể loại bullet hell. Thoạt nhìn Returnal khá giống bất kỳ game bắn súng nào trên thị trường nhưng càng trải nghiệm, trò chơi càng toả sáng không chỉ nhờ chất lượng hình ảnh ấn tượng mà cả cốt truyện bí ẩn gây tò mò. Thế nhưng cũng như bất kỳ tựa game roguelike khác, thiết kế này ít nhiều mang đến cho người chơi cảm giác bất công khi yếu tố RNG có thể làm hỏng trải nghiệm những khi thần may mắn không mỉm cười với bạn.
Bỏ qua khiếm khuyết không thể tránh khỏi do đặc trưng của thiết kế roguelike, Returnal đưa người chơi đến với câu chuyện về nữ phi hành gia Selene. Sau khi rơi phi thuyền xuống hành tinh Atropos, nhân vật chính nhận ra bản thân mắc kẹt vào vòng lặp thời gian ở đây. Mỗi khi thiệt mạng, cô lại quay trở về địa điểm ban đầu và phải tìm cách để thoát khỏi nơi này cũng như khám phá bí mật về vòng lặp bất tận đó. Nói thì dễ hơn làm một khi bạn chưa hiểu rõ cơ chế vận hành của mọi thứ.
Cốt truyện của Returnal được kể lại phần lớn thông qua các bản ghi âm mà người chơi thu thập trong trải nghiệm game. Đáng nói, những bản ghi âm này được phát sinh ngẫu nhiên, vô tình biến câu chuyện kể trở nên khá phân mảnh và có phần khó hiểu, nhất là ở thời điểm đầu trải nghiệm. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn xem yếu tố này là điểm trừ thì trải nghiệm vẫn vô cùng toả sáng với lối chơi hành động, đòi hỏi người chơi phản xạ nhanh nhạy để né những cơn mưa đạn trong môi trường màn chơi.
Thậm chí gọi Returnal là trải nghiệm hành động xoay quanh yếu tố né đạn cũng không hẳn sai. Đây cũng là gợi ý của người viết về những gì mà bạn phải đối mặt trong trò chơi. Hầu hết những tình huống đối đầu dù là với kẻ thù thông thường, mini boss hay boss đều đòi hỏi bạn phải né giỏi và di chuyển liên tục. Tận dụng môi trường màn chơi và kiên nhẫn để làm chủ chiến trường, là yếu tố then chốt giúp bạn vượt qua những thử thách mà đội ngũ phát triển xây dựng trong trải nghiệm game.
Thật sự đây cũng là kinh nghiệm xương máu của người viết, sau vô số lần để Selene thiệt mạng với lối chơi ẩn nấp và bắn theo thói quen cũ. Trải nghiệm Returnal không phải như vậy. Nó đòi hỏi Selene phải liên tục di chuyển, buộc người chơi phải hoàn thiện kỹ năng né đạn khi so tài cùng kẻ thù. Đó là cuộc chiến mà chỉ có giỏi dash mới giúp bạn chiến thắng chứ không phải thứ gì khác. Nhấn đè nút bắn và chỉ tập trung vào tránh đạn, ghi nhớ hành vi của kẻ thù để dùng dash khi cần và hãy kiên nhẫn, bạn sẽ thắng.
Đừng nghĩ Returnal là trải nghiệm game mà bạn phải tiêu diệt kẻ thù. Cũng đừng bận tâm đến việc nhắm và bắn chính xác. Mọi thứ ấy chỉ là thứ yếu trong trải nghiệm Returnal. Hãy nghĩ đây là game bullet hell và điều bạn nên làm là né càng chuẩn càng tốt. Đừng buông nút bắn khi cuộc chiến và bản nhạc nổi lên chưa kết thúc. Một khi bạn né giỏi đến mức kéo dài thời gian sinh tồn đủ lâu, kẻ thù sẽ hoá thành mớ tàn tro vũ trụ. Điều này áp dụng cho mọi kẻ thù mà bạn đối mặt trong trải nghiệm game.
Vì nếu không sinh tồn đủ lâu, mức độ trừng phạt của Returnal có thể khiến bạn gào thét trong giận dữ và sớm bỏ cuộc. Không như những tựa game roguelike Dead Cells hay Hades mang đến cho người chơi nhiều nâng cấp hỗ trợ các lượt chơi về sau, đứa con tinh thần của nhà phát triển Housemarque vô cùng keo kiệt trong khía cạnh này. Người chơi hầu như không giữ lại được thứ gì mỗi khi để Selene thiệt mạng trong hành trình khám phá Atropos và chiến đấu. Vũ khí, nâng cấp, vật phẩm, tài nguyên Ether và Oblities đều mất hết.
Bạn làm lại từ đầu cái gọi là Cycle mới gần như trắng tay. Chỉ có khẩu súng lục vô cùng cơ bản và các công cụ hỗ trợ thu thập được từ đánh boss trong mỗi màn chơi là được giữ. Trong khi đó, những gì mất đi khi bạn để Selene thiệt mạng là không hề ít. Tương tự, số lượng cơ chế gameplay mà bạn phải nắm bắt là rất nhiều, có thể gây rối loạn thông tin ở thời điểm vài tiếng đầu trải nghiệm game. Tuy Returnal hệ thống hoá thông tin ở khu vực riêng trong menu nhưng cũng khiến tôi cảm thấy hơi ngộp.
Chẳng hạn Parasite là những ký sinh trùng bám vào bộ đồ phi hành của Selene, mang đến những nâng cấp có lợi nhưng cũng đồng thời đi kèm bất lợi như quy luật bù trừ. Tùy vào mức độ phân tích hơn-thiệt của người chơi mà chúng có ích hay không. Thật sự những nâng cấp này luôn khiến tôi cảm thấy nhức đầu mỗi khi phải đưa ra quyết định, vì những lợi hại đó đôi khi không thể hiện rõ ràng ở thời điểm mà bạn thu thập chúng. Hậu quả chỉ đến ở thời điểm trải nghiệm về sau, khi bạn hiểu rõ hơn về cơ chế gameplay.
Những vật phẩm khác cũng vậy như Malignant Chest và Artifact. Có thứ làm lợi cho người chơi thì cũng gây hại gián tiếp thông qua yếu tố RNG. Thu thập những vật phẩm này có thể gây hiệu ứng tiêu cực đến bộ đồ phi hành gia của Selene, thứ đóng vai trò như HP của nhân vật chính. Tuy bạn có thể thanh tẩy chúng bằng Ether nhưng đây lại là tài nguyên vô cùng quý hiếm, không dễ để có được nếu bạn không quyết định liều mạng một phen thông qua cơ chế “trả thù” giùm cho những người chơi trực tuyến khác.
Ngoài ra còn có các cơ chế gameplay có tính tưởng thưởng cao như Overload tương tự active reload trong series game Gears of War. Và Adrenaline, thưởng nâng cấp cho bạn mỗi khi “tả xung hữu đột” với ba kẻ thù mà không bị trúng đòn tấn công của chúng. Tuy nhiên, thiết kế quan trọng nhất của Returnal vẫn là sáu môi trường màn chơi được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán. Mỗi môi trường màn chơi này đều có sự khác biệt rất lớn về chủ đề và không chỉ vị trí xuất hiện của kẻ thù mà cả nơi đặt vật phẩm.
Không phải thiết kế màn chơi của Returnal không có điểm trừ. Tuy được phát sinh ngẫu nhiên và luôn tạo cảm giác chủ đề khác biệt, nhưng mỗi khu vực nhỏ đều có sự lặp lại rất nhanh chỉ sau vài lượt chơi. Đã vậy đôi lần tôi còn bị mắc kẹt trong màn chơi được phát sinh mà tôi nghĩ là lỗi game. Đó là môi trường màn chơi dường như được thiết kế đòi hỏi đã có công cụ cần thiết từ việc hạ boss ở các môi trường màn chơi về sau. Tuy tình huống này hiếm xảy ra nhưng đến thời điểm bài viết vẫn chưa có bản vá.
Đồ họa của Returnal chỉ có thể gói gọn trong hai chữ ấn tượng. Trò chơi sở hữu mức độ chi tiết cực cao dù là PlayStation 5 hay PC chỉ ở thiết lập Low. Chuyển động của kẻ thù phải nói là rất uyển chuyển mượt mà, đôi lúc khiến tôi vì mải nhìn trầm trồ mà quên cả việc phải đối phó với chúng. Tuy vậy, trò chơi có vẻ được tối ưu hoá trên thiết bị của Sony tốt hơn dù PC có cấu hình mạnh hơn rất nhiều. Đặc biệt là hỗ trợ rất kém những laptop sử dụng phiên bản GPU Laptop mà tôi sử dụng để trải nghiệm game.
Đơn cử như mẫu laptop mà tôi sử dụng GPU GTX 3060 Laptop đáp ứng tốt thiết lập Medium theo cấu hình yêu cầu của Returnal, nhưng game báo lỗi GPU không được hỗ trợ và tự động chọn thiết lập Low. Sau đó tôi phải thực hiện Benchmark để Returnal chọn lại thiết lập phù hợp hoặc tự thiết lập thủ công cấu hình đồ họa cho phù hợp. Thế nhưng ngay cả khi để thiết lập Low thấp hơn sức mạnh phần cứng của máy, trò chơi vẫn có một số phân đoạn bị giật hình nặng đến mức không thể điều khiển được nhân vật.
Vấn đề hiệu năng của Returnal xảy ra nhiều nhất là ở Overgrown Ruins, môi trường màn chơi đầu tiên của game dù có hay không có kẻ thù xuất hiện. Đáng nói là tình trạng này xảy ra trên bản PC từ thời điểm phát hành, nhưng đến thời điểm bài viết đã hơn một năm mà nhà phát triển vẫn không khắc phục. Cũng phải nói thêm là tôi không nghĩ vấn đề hiệu năng có liên quan đến phần cứng laptop mà tôi sử dụng, cụ thể là tốc độ đọc dữ liệu của SSD. Bởi lẽ bản PC của Returnal được tôi cài lên SSD có tốc độ đọc hơn 7000MB/s.
Đồ họa ấn tượng, nhưng Returnal cũng có vấn đề về tính đa dạng về hành vi tấn công và thiết kế kẻ thù chưa đủ nhiều. Âm thanh tiếng động và nhạc nền cũng vậy khi không phong phú số lượng, dù xét riêng về chất lượng thì không có gì để chê. Returnal không sử dụng nhiều nhạc nền. Trò chơi tuy tận dụng tốt hiệu ứng 3D Audio trên PS5, nhưng chơi PC thì tôi không cảm nhận được cảm giác âm thanh vòm tương tự. Bản PS5 hỗ trợ tốt các tính năng của tay cầm DualSense, nhưng tôi chưa có điều kiện thử trên PC.
Đáng chú ý, Returnal phiên bản PC có thêm lựa chọn phụ đề tiếng Việt mà bản PS5 không có. Tuy vậy chất lượng chuyển ngữ khá tệ, không những dịch sai mà còn làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa so với phụ đề tiếng Anh. Ở thời điểm mới phát hành, trò chơi hỗ trợ tiếng Việt không chỉ lời thoại trong các bản ghi âm mà cả hầu hết giao diện trò chơi và menu, dù mắc vài vấn đề hiển thị. Thế nhưng ở thời điểm bài viết, bản PC chỉ còn phụ đề Việt cho bản ghi âm, còn toàn bộ giao diện game và menu đều hiển thị tiếng Anh.
Tương tự, Returnal cũng hỗ trợ chơi co-op hai người nhưng ngoài một lần duy nhất tìm được đồng đội khi chơi trên PS5, tôi chưa lần nào khác tìm được người để cùng co-op. Không có bạn thì thua! Một phần lý do có thể vì hệ thống co-op của trò chơi được thiết kế cực kỳ hạn chế, chỉ ở mức cơ bản chứ không phải tính năng thiết yếu. Thay vì cho phép drop-in và drop-out thoải mái sau yêu cầu matchmaking, đội ngũ phát triển lại buộc người chơi phải chờ trong suốt quá trình tìm người co-op cùng.
Sau cuối, Returnal mang đến trải nghiệm phiêu lưu hành động đặc biệt ấn tượng ở khía cạnh nghe nhìn, kết hợp cùng lối chơi có tính tưởng thưởng cao nhưng cũng không kém phần thử thách rất nhiều sự kiên nhẫn của người chơi. Điều này khiến trò chơi có thể khá kén người chơi, đặc biệt khi yếu tố tưởng thưởng và trừng phạt trong trải nghiệm game đều rất lớn. Thắng lớn hoặc trắng tay, bạn dám không?
Returnal hiện có cho PC (Windows) và PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!