Recall: Empty Wishes là trải nghiệm rùng rợn tâm lý được xây dựng trên một câu chuyện kể nhuốm đầy màu sắc tâm linh. Trò chơi có thể không dành cho một số người nhạy cảm với ý tưởng tự sát hay có mối quan hệ không tốt đẹp với người thân trong gia đình. Bạn có thể xem đây là lời cảnh báo thân thiện của tôi trước khi bước vào trải nghiệm game. Chưa kể, một số yếu tố tương tác khá tuyến tính của trò chơi có thể để lại chút cảm xúc khó chịu.
Thật ra không có gì lạ khi những trải nghiệm game tâm lý rùng rợn thường xoay quanh các mối quan hệ thân thiết và yếu tố tâm linh. Đặc biệt khi đó là những game đến từ các nhà phát triển châu Á, như The Coma 2: Vicious Sisters hay Detention. Và Recall: Empty Wishes là một trong số đó. Trò chơi đưa bạn theo chân nhân vật chính Yonny chật vật với cuộc sống hiện tại sau chấn thương tinh thần vì sự biến mất đột ngột của người em trai Tommy rất thân thiết.
Dưới sự truyền miệng của người bạn Phoebe, nhân vật chính đã thực hiện một nghi thức tâm linh huyền bí để đi sâu vào tiềm thức, cố gắng tìm lý do chính xác về sự biến mất của Tommy. Từ đây hàng loạt sự kiện xuất hiện xen kẽ giữa cơn ác mộng và mong muốn của Yonny, để rồi đôi bạn phát hiện ra những điều tàn khốc, thậm chí đen tối và chuyện gì đã thật sự xảy ra khiến những người xung quanh bị cuốn vào vòng xoáy đó.
Mặc dù mang tiếng là trải nghiệm tâm lý rùng rợn, nhưng Recall: Empty Wishes hầu như không có các phân đoạn hù dọa gây sợ hãi. Thay vào đó, nhà phát triển Puff Hook Studio đã xây dựng thành trải nghiệm phiêu lưu giải đố kéo màn hình rất hấp dẫn, đan xen những yếu tố kinh dị và nhân văn một cách hài hòa vào trải nghiệm game. Nhịp độ của câu chuyện kể cũng tịnh tiến phù hợp với lối chơi đặc trưng của thể loại này.
Trong nhiều khoảnh khắc trải nghiệm, cảm giác Recall: Empty Wishes giống như một tựa game “trốn thoát căn phòng kín” mà ở đây là ngôi nhà nhân vật chính. Trong suốt trải nghiệm, người chơi sẽ tương tác với các đồ vật trong nhà dưới những hình thức khác nhau một cách tuyến tính. Nghĩa là nếu chưa đến thời khắc cụ thể, một vật phẩm sẽ không thể tương tác và sử dụng ngay cả khi bạn muốn thu thập chúng vào hành trang.
Thiết kế này giúp khía cạnh giải đố của trò chơi trở nên ít thử thách hơn, nhưng đôi lúc đòi hỏi người chơi phải di chuyển qua lại giữa các phòng để đoán hoặc hiểu được công dụng của chúng là gì trong trải nghiệm. Tôi không nghĩ đây là điểm trừ của trò chơi do thời lượng trong Recall: Empty Wishes chỉ mất khoảng một buổi chiều để hoàn thành, nhưng không thể phủ nhận nó có thể gây khó chịu với những người chơi thiếu kiên nhẫn.
Mặt khác, việc trải nghiệm game được xây dựng tuyến tính cũng giúp nhà phát triển tập trung tốt hơn vào lối kể chuyện, tránh tạo cảm giác rời rạc vốn là điểm yếu của nhiều tựa game thuộc các thể loại khác nhau chứ không riêng gì kinh dị rùng rợn như Recall: Empty Wishes. Thậm chí ngay cả khi bạn cố tình sử dụng hướng dẫn từ nguồn ngoài để vượt qua thiết kế tuyến tính đó, chúng cũng khó lòng phá hỏng trải nghiệm game.
Tuy có quy mô phát triển nhỏ, nhưng nhà phát triển Puff Hook Studio cũng dành sự chăm chút khá nhiều nếu không nói là tinh tế đến các chi tiết đồ họa của trò chơi. Recall: Empty Wishes sử dụng phong cách đồ họa pixel, xen kẽ với các hình artwork của nhân vật trong các đoạn hội thoại để làm rõ biểu cảm. Điều này thể hiện từ những chi tiết rất nhỏ như những mảng màu được thay đổi theo tình tiết cốt truyện trong nhà hay khuôn mặt nhân vật.
Chẳng hạn, cách mà đôi mắt của nhân vật tối sầm lại trong những tình huống khác nhau giúp người chơi nhận ra biểu cảm trong tình huống cốt truyện nhất định. Hay như cách nhà phát triển tận dụng khá hiệu quả những mảng màu đỏ và kết hợp rất tốt với những khung hình tối để tạo bầu không khí đặc trưng trong trải nghiệm game. Những “tiểu xảo” theo nghĩa tốt này tạo nên một bức tranh rõ ràng về diễn biến đang xảy ra trong gia đình nhân vật chính.
Nhạc nền cũng là điểm cộng của Recall: Empty Wishes khi mang đến những cảm xúc khác nhau, phù hợp với sự kiện đang diễn ra trong phần lớn các trường hợp. Điều này cũng đồng nghĩa một số bản nhạc khiến tôi cảm thấy chưa thật sự hòa hợp với bầu không khí của trò chơi lắm, dù điều này có thể hơi thiên về cảm thụ cá nhân nhiều hơn. Khâu âm thanh tiếng động cũng được nhà phát triển xây dựng khá tốt khi kết hợp cùng các yếu tố nghe nhìn khác.
Điểm trừ lớn nhất của Recall: Empty Wishes có lẽ là phần phụ đề tiếng Anh đôi lúc hơi dài dòng, khó hiểu, dù không đến mức gây bực bội hay khiến người chơi hiểu sai ý nhân vật muốn đề cập. Có một yếu tố mà tôi cảm thấy rất thú vị là những khía cạnh tâm lý của mỗi nhân vật trong khuôn khổ truyền thống gia đình, nhưng không phải theo những gì bạn nghĩ. Nó ở một góc độ bi kịch và thường được gọi là “hạnh phúc giả tạo”. Tôi nghĩ tốt nhất nên để dành cho bạn tự nghiệm lấy.
Điều mà trò chơi chưa làm được là phát triển ý tưởng đó xa hơn, thậm chí dùng trải nghiệm game như một giải pháp giúp những người chơi từng lâm vào hoàn cảnh tương tự nhân vật chính tự nhìn lại bản thân, chiêm nghiệm cuộc sống và đặc biệt làm cú hích để khai sáng họ, thay vì chỉ đơn thuần là một câu chuyện kể hay thông điệp được truyền tải vào trải nghiệm game như vậy. Có lẽ định hướng và quy mô phát triển không cho phép điều này.
Sau cuối, Recall: Empty Wishes mang đến một trải nghiệm tâm lý rùng rợn khá gần gũi với cuộc sống ngày nay trong xây dựng câu chuyện kể. Nếu bạn muốn tìm một tựa game kinh dị với cốt truyện đủ hấp dẫn, xoay quanh mâu thuẫn trong gia đình và không quá thử thách, đặc biệt không tập trung vào yếu tố hù dọa khiến người chơi giật mình mệt tim, đây có thể là một cái tên rất đáng cân nhắc đó.
Recall: Empty Wishes hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 5, Xbox One, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!