Persona 3 hay Shin Megami Tensei: Persona 3 là tựa game thứ tư trong series JRPG Persona. Đây là phần chơi khá đặc biệt khi sở hữu gameplay độc đáo so với các phần chơi trước. Thậm chí cũng không sai khi nói nhà phát triển Atlus đã loại bỏ sự tồn tại các game tiềm nhiệm, tạo nên nền tảng vững chắc trong xây dựng công thức cho các trải nghiệm Persona về sau. Điều thú vị là phần chơi này có hai phiên bản FES và Portable nếu không tính nguyên bản. Mỗi phiên bản đều có ưu và khuyết điểm riêng trong xây dựng lối chơi, cốt truyện và trải nghiệm game.
Tuy nhiên, việc Atlus quyết định tái phát hành bản Portable thay vì FES có thể khiến một số người chơi lâu năm của series này thất vọng. Về cơ bản, Persona 3 Portable là bản rút gọn của Persona 3 FES nhưng đi kèm với một số nội dung riêng. Ở góc độ người chơi, khó có thể phân định đâu mới là phiên bản ưu việt hơn của Persona 3. Tuy bản FES mang đến trải nghiệm cân bằng hơn trong hai khía cạnh gameplay chính cộng với cốt truyện được mở rộng, nhưng phiên bản này không cho phép người chơi điều khiển cả party trong chiến đấu như Persona 4 Golden.
Ngược lại, Persona 3 Portable có thêm lựa chọn nhân vật nữ chính với vài tình tiết cốt truyện thay đổi cho phù hợp ngữ cảnh. Khía cạnh “tình thương mến thương” trong trải nghiệm game với nhân vật mới cũng có những lựa chọn khác biệt. Vấn đề ở chỗ, bản Portable ban đầu được phát triển cho máy chơi game cầm tay PlayStaton Portable dùng đĩa quang UMD vốn có dung lượng rất hạn chế. Chính vì vậy, nhà phát triển Atlus buộc lòng phải cắt bớt rất nhiều nội dung để giảm dung lượng, cụ thể là phần trải nghiệm mô phỏng cuộc sống và các đoạn anime chuyển cảnh.
Thay vào đó, tương tác và khám phá cuộc sống hàng ngày của nhân vật chính sử dụng hình tĩnh với thiết kế tương tự các game visual novel. Thay đổi nói trên khiến khía cạnh này trong trải nghiệm Persona 3 Portable thiếu chiều sâu so với game gốc và bản FES do chỉ sử dụng hình tĩnh, không thể hiện được biểu cảm của nhân vật thông qua tạo hình 3D hoàn toàn trong hai phiên bản còn lại. Điều này cộng với sự thiếu vắng cái kết mở rộng chỉ có trong bản FES cũng vô tình khiến cốt truyện được kế thừa từ nguyên bản bớt cảm giác nặng nề hơn.
Ở góc độ người chơi, đây có thể là điểm cộng của Persona 3 Portable so với bản FES. Bởi lẽ, Persona 3 FES không những sở hữu cốt truyện vô cùng tăm tối của game gốc, mà phiên bản này còn có thêm cái kết mở rộng với vài tình tiết dễ gây ám ảnh đối với những người chơi có tâm hồn nhạy cảm. Bản Portable không có cái kết kể trên và thiết kế kiểu visual novel cũng không cho phép nhân vật thể hiện biểu cảm như bản FES. Điều này cũng thể hiện ngay từ bầu không khí của trò chơi cho tới giao diện chiến đấu dùng tông màu xanh dương vô cùng lạnh lẽo.
Trải nghiệm Persona 3 Portable chia thành hai cơ chế gameplay chính: chiến đấu trong các tầng tháp Tartarus và mối quan hệ xã hội Social Link của các nhân vật trong trò chơi. Trò chơi có cốt truyện xoay quanh Dark Hour, thời khắc bí ẩn của mỗi ngày diễn ra vào nửa đêm. Người chơi nhập vai nhân vật chính được tùy biến tên theo ý muốn và trở thành thành viên của “đội ngoại khóa chuyên biệt” Specialized Extracurricular Execution Squad hay S.E.E.S., điều tra cái gọi là Dark Hour và tòa tháp Tartarus bí ẩn chỉ xuất hiện vào “giờ đen” nói trên.
Về cơ bản, Tartarus là tòa tháp có đến hàng trăm tầng với thiết kế phát sinh ngẫu nhiên kết cấu mỗi lần S.E.E.S. xâm nhập. Kẻ thù trong đây không ai khác ngoài lũ Shadow mà bạn có thể đã biết từ các phần chơi Persona mới hơn. Càng trèo lên tầng cao, kẻ thù trong tòa tháp càng nguy hiểm hơn nhưng khía cạnh này chỉ được mở khóa theo nhịp độ của cốt truyện. Trong khi đó, các khía cạnh khác như cuộc sống hàng ngày của nhân vật chính và những hạn chế về thời gian tương tác tiếp tục là yếu tố hại não trong trải nghiệm game.
Điều khiến người viết đau đầu nhất vẫn là quyết định những hoạt động tương tác trong thời gian rảnh rỗi của nhân vật như thế nào. Từ tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường, đi chơi với bạn bè, làm việc bán thời gian cho tới “tập thể dục” ở vài tầng tháp Tartarus luyện cấp cho nhân vật. Đó chỉ là một số trong rất nhiều hoạt động trong trải nghiệm game. Tuy nhiên, điểm trừ không nhỏ của Persona 3 Portable là nhịp độ chơi bất thường do thiết kế đặc trưng. Cụ thể, Tartarus chỉ mở khóa thêm tầng mới khi đến ngày nhất định trong game.
Nói cách khác, người chơi phải chờ thời gian trong game trôi qua ngay cả khi tiêu diệt boss và giải mật tình tiết cốt truyện nhất định. Tuy vậy, do có nhiều hoạt động thông qua khía cạnh mô phỏng cuộc sống nên trải nghiệm Persona 3 Portable hiếm khi để lại cảm giác khó chịu vì thiết kế này. Thế nhưng, cơ chế mô phỏng cuộc sống trong game thiết kế hạn chế thời gian trong các hoạt động này, đôi khi gây ức chế. Chẳng hạn nếu quyết định đi chơi với một người bạn sau giờ học, bạn không thể đi làm thêm cũng như tham gia bất kỳ hoạt động khác.
Không những thế, nếu không dành nhiều thời gian cho các nhân vật để xây dựng mối quan hệ làm tăng chỉ số Social Link, người chơi gặp không ít bất lợi trong việc ‘fuse’ các Persona vốn đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm chiến đấu. Thậm chí nếu sơ suất thốt ra những điều không nên nói khi tương tác với các nhân vật khác trong xây dựng Social Link, bạn có thể gặp phản ứng ngược đến mức phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ đôi bên. Nói cách khác, việc cân bằng các mối quan hệ giữ vai trò tiên quyết trong trải nghiệm Persona 3 Portable.
Tương tự, khám phá tòa tháp Tartarus cũng để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều vì nặng tính cày cuốc. Mặc dù kết cấu cho đến vị trí rương đồ đều được sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng do các yếu tố tạo thành không gian các tầng đều không nhiều, cộng với quy mô nhỏ nên cảm giác tầng nào cũng hao hao nhau bắt đầu xuất hiện không lâu sau đó. Kỳ thực, không thể phủ nhận thời điểm trải nghiệm ban đầu khá hào hứng, nhưng cảm giác lặp lại bắt đầu tăng dần đến mức nhàm chán khi số tầng trong Tartarus không phải vài chục mà lên đến hàng trăm.
Hệ thống chiến đấu theo lượt trong Persona 3 Portable cũng không tránh khỏi vấn đề tương tự, nếu không nói là khá cơ bản ở thời điểm năm 2023. Dù vậy, những điều này có thể chấp nhận được khi xét đây là tựa game gần 17 tuổi tính đến thời điểm bài viết. Chiến đấu trong game chủ yếu xoay quanh khai thác điểm yếu của kẻ thù để giành thêm một lượt tấn công tương tự Soul Hackers 2. Tuy nhiên, khía cạnh này không được mở rộng về sau như Persona 5 Royal. Đã vậy, trải nghiệm game còn đưa vào những kẻ thù không hề có điểm yếu nhưng sở hữu “máu trâu” khá ức chế.
Khía cạnh nghe nhìn của Persona 3 Portable cũng để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều, nhất là khâu remaster hình ảnh vẫn thấy rõ nhiều dấu vết upscale chưa chỉn chu. Đơn cử hình artwork của nhân vật Yukari mà người chơi gặp ở đầu trải nghiệm có nhiều nét vẽ đứt đoạn, khiến trang phục của nhân vật trông hơi lôi thôi. Tương tự, cảnh nền tuy đã được xử lý nhưng nhìn hơi mờ và thấy rõ những vết đồ họa cũ kỹ như dải màu chuyển tiếp không liền mạch, tạo nên cái nhìn tổng thể không đẹp mắt trong suốt trải nghiệm game.
Phần tạo hình 3D các nhân vật và kẻ thù khi khám phá lẫn chiến đấu trong Tartarus cũng chỉ được upscale nhẹ. Kỳ thực, nhà phát triển hoàn toàn có thể nâng cấp đồ họa bằng việc sử dụng asset trong bản Persona 3 FES, thậm chí từ game spin-off Persona 3: Dancing in Moonlight vốn có chất lượng hình dựng 3D cao hơn rất nhiều. Thật đáng tiếc. Ngược lại, Persona 3 Portable vẫn gây ấn tượng đặc biệt với phần nhạc nền được sáng tác rất phù hợp với cốt truyện tăm tối của trò chơi, tiếp tục mang đến trải nghiệm đầy cảm xúc cho người viết như thuở nào.
Sau cuối, Persona 3 Portable mang đến một trải nghiệm JRPG khá hào hứng, bất chấp một số thiết kế cũ kỹ có thể làm “kỳ đà cản mũi” với người chơi mới, nhất là những ai đến với series này từ Persona 5. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là phần trình bày cũng như thiết kế tòa tháp Tartarus còn nhiều hạn chế. Ngược lại, điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cốt truyện và xây dựng bầu không khí đặc trưng xuất sắc, cộng với vòng lặp gameplay đầy hào hứng. Nhiêu đó cũng đủ biến trò chơi trở thành cái tên vô cùng đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn.
Persona 3 Portable hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch và PlayStation Vita. Bản quyền trò chơi ©ATLUS ©SEGA.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!