Oddworld: Soulstorm là hậu bản của game hành động đi cảnh giải đố Oddworld: New ‘N’ Tasty. Tuy nhiên, đây cũng là bản làm lại của tựa game kinh điển Abe’s Exoddus của series Oddworld và còn hơn thế nữa. Trò chơi mở rộng trải nghiệm quy mô hơn rất nhiều so với game gốc và sở hữu thiết kế mà nhà phát triển gọi là 2,9D. Điểm khác biệt so với thiết kế 2,5D của bản New ‘N’ Tasty là môi trường màn chơi vô cùng rộng lớn, cho phép người chơi khám phá sâu hơn vào thế giới thay vì bị giới hạn như những tựa game đi cảnh màn hình ngang truyền thống.
Oddworld là series khá đặc biệt, nhất là với những ai lớn lên cùng những cuộc phiêu lưu của Abe từ thời PlayStation kinh điển. Kỳ thực, series này và những cái tên như bé rồng Spyro và Crash Bandicoot được không ít người chơi lâu năm xem là các tựa game mang tính biểu tượng, biến chúng trở thành những tượng đài của thời đại PlayStation ngày xưa. Oddworld: Soulstorm kế thừa điều này khi không chỉ là bản làm lại của tựa game phiêu lưu hành động đi cảnh kinh điển Oddworld: Abe’s Exoddus và không chỉ dừng ở đó.
Trò chơi mở rộng trải nghiệm quy mô hơn, biến nó thành hậu bản xứng tầm của Oddworld: New ‘N’ Tasty. Ngoài những nét tương đồng về cơ chế gameplay với bản game gốc, Oddworld: Soulstorm có sự nâng cấp về đồ họa và mở rộng khả năng của nhân vật chính nhiều hơn. Trong phần chơi trước, Abe chỉ có thể chạy, nhảy, bật công tắt, kéo cần gạt và quan trọng nhất là khả năng sử dụng linh lực để điều khiển kẻ thù, tài lãnh đạo để dẫn dắt các bạn Mudokon vượt qua vòng vây của kẻ thù trong trải nghiệm thì giờ làm được nhiều thứ hơn.
Không chỉ vậy, trò chơi cũng tăng quy mô và độ phức tạp của câu chuyện kể hơn rất nhiều. Cốt truyện trong Oddworld: Soulstorm tiếp nối ngay sau cái kết của bản New ‘N’ Tasty, tiếp nối khi Abe dẫn dắt các Mudokon thoát khỏi trang trại RuptureFarms từ gã chủ Molluck. Vấn đề ở chỗ, bất kể phần chơi trước trong series Oddworld làm lại được phát hành cách đây hơn 6 năm vốn là khoảng thời gian rất dài, phần chơi này lại không xây dựng kết nối để thân thiện với người chơi mới. Thậm chí tóm tắt cốt truyện cũng không có.
Dành cho những bạn chưa chơi hoặc đã chơi quá lâu không nhớ, Oddworld: New ‘N’ Tasty là cuộc phiêu lưu đào tẩu của các Mudokon khỏi khu chế biến thực phẩm nói trên của gã Molluck. Đó là khi nhân vật chính Abe phát hiện sự thật kinh hoàng về nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất thực phẩm nơi đây. Cuối trải nghiệm, tùy vào số lượng Mudokon mà người chơi cứu được mà kết cục khác nhau. Oddworld: Soulstorm tiếp nối ngay sau kết thúc đẹp khi Abe được giải thoát khỏi ngục tù RuptureFarms và mở ra cuộc phiêu lưu mới.
Oddworld: Soulstorm mở đầu trải nghiệm là cuộc chạy trốn của Abe và các Mudokon trên xe lửa với sự truy đuổi ráo riết từ bọn drone. Người chơi bắt đầu trải nghiệm khi quay ngược về thời điểm vài giờ trước đó. Nhiệm vụ của bạn vẫn là vượt qua hàng loạt chướng ngại vật khá thử thách và giải thoát các Mudukon. Xen lẫn trong trải nghiệm là hàng loạt thử thách giải đố, đòi hỏi không những khả năng đi cảnh của người chơi mà cả tính chính xác trong từng thao tác. Chỉ cần lỡ một nhịp là bạn phải chơi lại từ checkpoint gần nhất.
Đồ họa là điểm cộng đầu tiên của Oddworld: Soulstorm, đặc biệt khi trò chơi được phát triển trên engine Unity vốn hiếm gây ấn tượng cho tôi về mặt hình ảnh. Từ thiết kế màn chơi khá chi tiết cho đến hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ đều rất đẹp, nhất là khi quan sát những nguồn sáng và hiệu ứng đổ bóng trong màn chơi. Mặc dù nhân vật Abe mang tạo hình xấu xí có chủ ý, nhưng chuyển động và biểu cảm của nhân vật này vô cùng xuất sắc. Tuy nhiên, để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất lại là những đoạn chuyển cảnh đầy hỉ nộ ái ố mang đậm phong cách điện ảnh.
Đáng chú ý, phiên bản PlayStation 5 và PlayStation 4 không có sự khác biệt về chất lượng đồ họa. Điểm khác biệt giữa hai phiên bản này chỉ nằm ở tốc độ khung hình và độ phân giải lớn hơn của bản PS5. Cụ thể, Oddworld: Soulstorm vận hành ở độ phân giải 1440p60 trên hệ máy mới nhất của Sony, trong khi chỉ đạt 1080p30 trên thế hệ PS4 cũ hơn. Tuy khác biệt nhỏ về độ phân giải không làm tăng độ nét hình ảnh lên quá khác biệt, nhưng cảm giác trải nghiệm với tốc độ khung hình cao hơn mang đến cảm giác điều khiển chính xác hơn.
Đây là lợi thế khá quan trọng khi Oddworld: Soulstorm sở hữu lối chơi cinematic platformer với những hạn chế về cơ chế vật lý, khiến nhân vật không linh hoạt như những tựa game đi cảnh (platformer) đơn thuần. Bản PS5 cũng tận dụng tối đa tay cầm DualSense, giúp cải thiện khá tốt cảm giác trải nghiệm so với khi chơi trên PS4. Đơn cử như khi Abe trúng đòn hay đạn, rơi quá cao hoặc những tình huống nhân vật có sự cảnh giác cao độ, tay cầm DualSense sẽ có mức độ và tần suất rung tương ứng chứ không giống nhau. Loa trên tay cầm cũng vậy.
Lối chơi của Oddworld: Soulstorm không có nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm, nhưng đáng chú ý nhất là hệ thống chế tác hoàn toàn mới. Người chơi có thể thu thập vật phẩm từ kẻ thù lẫn môi trường màn chơi để tạo nên những vật phẩm hữu dụng từ molotov cho đến landmine trong trải nghiệm. Thiết kế màn chơi cũng tận dụng khá tốt hệ thống này, mang đến cơ chế gameplay đa dạng hơn. Ngoài ra còn có hệ thống Quarma ảnh hưởng đến kết cục game, không chỉ tính trên số Mudokon được bạn giải cứu thành công mà cả lượng kẻ thù bị bạn tiêu diệt.
Hấp dẫn nhất là thiết kế màn chơi mang cảm giác mở và nhiều góc nhìn hơn, tạo cảm giác gần giống trải nghiệm 3D dù lối chơi đi cảnh vẫn thuần 2D và được xây dựng trên cảnh nền 3D khá chi tiết. Đây là lý do mà nhà phát triển gọi Oddworld: Soulstorm là trải nghiệm 2,9D. Thiết kế này giúp tạo nên những khu vực bí mật hấp dẫn, đòi hỏi không chỉ khả năng quan sát tốt mà còn kích thích tính tò mò trong khám phá của người chơi hơn. Không những vậy, khía cạnh giải đố phức tạp và đa dạng hơn còn có sự kết hợp với hàng loạt vật phẩm mới.
Tất cả những điều này giúp người chơi có nhiều giải pháp cho một vấn đề trong trải nghiệm game hơn, mang đến giá trị chơi lại khá cao cho Oddworld: Soulstorm so với phần chơi trước. Đơn cử như linh lực của Abe cho phép nhân vật chính sử dụng các kỹ năng riêng của kẻ thù, từ bay lượn cho đến trên tay các loại vũ khí tầm xa. Thế nhưng, hầu hết những tình huống này chỉ là một phần nhỏ trong kịch bản phức tạp hơn, xoay quanh yếu tố giải đố như mở cửa, vô hiệu hóa những cái bẫy hay đưa các Mudokon đào thoát vào cổng dịch chuyển.
Ở góc độ người chơi, Oddworld: Soulstorm kết hợp khá tốt cảm giác đi cảnh 2D của game gốc Oddworld: Abe’s Exoddus với những yếu tố mới trong cơ chế gameplay, mang đến trải nghiệm rất hiện đại không chỉ ở khía cạnh đồ họa mà cả vòng lặp gameplay. Đơn cử như thiết kế màn chơi rất thử thách và đi kèm với hàng loạt yếu tố ngẫu nhiên tạo cảm giác khá bất công trong trải nghiệm. Tuy nhiên, trò chơi cũng sở hữu số lượng checkpoint đồ sộ, vị trí đặt hợp lý và hồi sinh nhân vật trở lại trải nghiệm rất nhanh nên hiếm khi gây ức chế.
Sau cuối, Oddworld: Soulstorm mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh giải đố rất đặc sắc với cốt truyện hấp dẫn. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cảm giác điều khiển tốt và thỏa mãn, đặc biệt khi các câu đố vô cùng sáng tạo, rất tương xứng với thời gian chờ đợi ngần ấy năm kể từ khi game được công bố đến khi phát hành. Nhân vật tuy có tạo hình xấu xí nhưng rất đáng yêu. Nếu yêu thích series game Oddworld hoặc thể loại hơi kén người chơi này, đây chắc chắn là cái tên không thể không có trong thư viện game của bạn.
Oddworld: Soulstorm hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!