Need for Speed Unbound là game đua xe đường phố với thiết kế môi trường thế giới mở, trao cho người chơi cảm giác tự do đạp chân ga khiến đối thủ hít khói. Tuy trò chơi do “cha đẻ” của series Burnout cầm trịch, nhưng trải nghiệm game vẫn mang nhiều dấu ấn riêng đặc trưng của dòng game đua xe Need for Speed từ xưa đến nay. Đi kèm đó là một số tinh chỉnh, bổ sung nhằm mang đến trải nghiệm hào hứng và bắt mắt hơn, dù khó tránh khỏi cảm giác hơi màu mè với những người chơi lâu năm của dòng game này như tôi.
Sự thay đổi ở khía cạnh nhìn này thể hiện ngay những vệt khói từ những con xe mà bạn điều khiển trong trải nghiệm Need for Speed Unbound. Hài hước không kém là “đôi cánh thiên thần” theo phong cách graffiti khiến người viết không thể nhịn được cười theo nghĩa tốt trong lần đầu tiên nhìn thấy. Tuy những chi tiết hình ảnh này chỉ là những bổ sung rất nhỏ, nhưng mang đến cho trò chơi cảm giác khá mới mẻ trong xây dựng dấu ấn riêng so với các phần chơi trước đó trong series, chẳng hạn Need for Speed Hot Pursuit.
Trải nghiệm Need for Speed Unbound diễn ra ở thành phố Lakeshore, lấy cảm hứng từ thành phố Chicago thuộc tiểu bang Illinois của nước Mỹ và được thiết kế như sân chơi cho mọi cuộc đua. Đội ngũ phát triển có vay mượn một số ý tưởng từ Burnout Paradise như các billboard và nhiều yếu tố thử thách tài đua xe của người chơi. Đó là chưa kể rất nhiều vật phẩm thu thập đang chờ bạn đua xe đến rước đi được sắp đặt ở khắp Lakeshore. Đáng chú ý, những khoảnh khắc ‘crash’ xe nay diễn ra trong tích tắc, tạo cảm giác nhịp độ đua nhanh hơn.
Mặc dù có nhiều cải tiến ở khía cạnh hình ảnh, nhưng lối chơi đặc trưng của Need for Speed Unbound không có nhiều thay đổi. Thế nhưng, điều đó không nhất thiết là điểm trừ của trò chơi, trừ khi bạn muốn tìm trải nghiệm tương tự Forza Horizon 5 hay Gran Turismo 6 hơn. Về cơ bản, mục tiêu của người chơi vẫn là tham gia các cuộc đua với nhiều rủi ro để nhận về phần thưởng. Rủi ro càng lớn thì phần thưởng càng hậu hĩnh và ngược lại. Thắng trong các trận đua khiến “sức nóng” Heat của bạn tăng cao.
Heat cao đồng nghĩa lực lượng chấp pháp dòm ngó đến bạn nhiều hơn và những cuộc đua trở nên thử thách hơn. Đối phó với những rủi ro và thử thách đó đòi hỏi người chơi phải kiếm tiền “độ” hoặc mua những con xe mạnh mẽ, dễ dàng bứt phá trên đường đua hơn. Kỳ thực, Need for Speed Unbound không có nhiều cải tiến về mặt gameplay so với tựa game tiền nhiệm. Khác biệt lớn nhất so với Need for Speed Heat là phong cách đồ họa vừa tả thực vừa kết hợp kiểu hoạt hình cel-shade nhằm tạo dấu ấn riêng.
Với việc chỉ phát hành trên các hệ console thế hệ mới, không có gì ngạc nhiên khi Need for Speed Unbound phô bày đồ họa vô cùng ấn tượng. Thành phố Lakeshore được chăm chút tỉ mỉ khi tạo không khí sôi động với phố xá đông đúc người và xe. Đội ngũ phát riển tận dụng triệt sức mạnh phần cứng mới để xây dựng hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng xuất sắc với hiệu năng tuyệt vời. Nhạc nền có sự kết hợp giữa các bản nhạc hip hop và pop rất phù hợp trải nghiệm game đặc trưng. Thú vị là người chơi còn có thể tùy biến tiếng pô xe.
Bên cạnh đó, trò chơi còn bổ sung câu chuyện kể dù người viết cảm thấy khía cạnh này hoàn toàn không cần thiết. Không những thế, cốt truyện được xây dựng trong Need for Speed Unbound cũng không đặc sắc hay có nút thắt bất ngờ để tạo cao trào. Thậm chí ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác yếu tố này được chấp bút khá lạc quẻ so với lối chơi đặc trưng của game. Người viết đồ rằng mục đích chính của khía cạnh này chủ yếu phô diễn phần hình ảnh cel-shade nhiều hơn để không bị đồ họa tả thực lấn lướt mà thôi.
Vấn đề lớn nhất của Need for Speed Unbound là lối chơi bắt đầu mang chút cảm giác lặp lại sau thời lượng nhất định. Điều này đặc biệt đúng khi người chơi dồn toàn bộ tiền kiếm được trong game vào nâng cấp thay vì mua con xế mới. Đây cũng là vấn đề mà phần chơi tiền nhiệm vẫn chưa tìm được giải pháp dung hòa. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận trải nghiệm đua càng lúc càng “máu lửa” hơn với phần thưởng hậu hĩnh đi kèm mức độ rủi ro cao, kích thích bản tính muốn thành “top 1” của không ít người chơi yêu thích thể loại này.
Mặt khác, số lượng vật phẩm thu thập đồ sộ cộng với những hoạt động bên lề cũng chiếm khá nhiều thời gian trải nghiệm, trừ khi bạn không quan tâm đến chúng và chỉ muốn tập trung vào những cuộc đua hơn. So với Need for Speed Heat, trò chơi có một điều chỉnh tuy nhỏ nhưng làm thay đổi trải nghiệm khá nhiều là mô phỏng vật lý theo hướng đời thật hơn, dẫn đến cảm giác khi drift có tính thực tế cao hơn. Ban đầu người viết gặp khó khăn khi thao tác drift như trải nghiệm Need for Speed Heat và thường lạc tay lái, không làm chủ được tốc độ.
Thú vị hơn, Need for Speed Unbound có thể trải nghiệm khá tốt trên Steam Deck, dù trò chơi được gắn nhãn ‘unsupported’ ở thời điểm bài viết. Thế nhưng, game sẽ không hoạt động khi chơi ở chế độ offline. Thiết lập Low dù bị khóa 30fps nhưng trải nghiệm mượt mà, hiếm có tình trạng giảm tốc độ khung hình xuống thấp hơn con số trên. Thậm chí, bạn có thể đưa mọi thiết lập về ‘Low’ và bật FSR 2.0 nếu chấp nhận hy sinh chất lượng đồ họa, tuy có thể đẩy lên 60fps nhưng không duy trì ổn định. Với thiết lập này, thời lượng pin cũng hơn 3 tiếng.
Sau cuối, Need for Speed Unbound mang đến một trải nghiệm đua xe đường phố khá hào hứng với vài dấu ấn riêng. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là phong cách đồ họa độc đáo và lối chơi có tính thử thách tăng cao so với game tiền nhiệm. Dẫu thế, phần chơi này vẫn thiếu những điều chỉnh và bổ sung cần thiết để cân bằng, giúp trải nghiệm game bớt cảm giác lặp lại để tạo nên vòng lặp gameplay cuốn hút hơn. Mặc dù vậy, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc, đặc biệt khi thị trường gần như không có đối thủ cùng thể loại này.
Need for Speed Unbound hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!