My Hero One’s Justice 2 là phần tiếp theo của series game song đấu đối kháng 3D được chuyển thể từ bộ manga và anime My Hero Academia.
My Hero Academia là series manga của tác giả Horikoshi Kouhei phát hành trên tuần san Shounen Jump từ giữa năm 2014. Tính đến nay, bộ manga này đã tích cóp sương sương 26 quyển và còn được chuyển thể thành series anime cùng tên, chuẩn bị kết thúc mùa thứ tư ở thời điểm bài viết. Nội dung trong bộ manga và anime lấy bối cảnh hư cấu khi hơn 80% dân số trái đất đều sở hữu thứ siêu năng lực gọi là Kosei (Quirk), nhưng nhân vật chính Midoriya Izuku sinh ra đã không có sức mạnh này. Với ước mơ trở thành anh hùng, Izuku may mắn được sự giúp đỡ của All Might, người vang danh “tuyệt đỉnh anh hùng” Nhật Bản. Cuộc hành trình “học tài thi phận” để trở thành đại anh hùng của nhân vật chính bắt đầu từ đây.
Sau thành công của tựa game chuyển thể My Hero One’s Justice, nhà phát triển Byking tiếp tục ra mắt phần chơi thứ hai tiếp nối nội dung dang dở của tựa game đầu tiên. Tuy nhiên, cũng giống như phần chơi trước, My Hero One’s Justice 2 dường như chỉ hướng đến những ai yêu thích series manga và anime My Hero Academia, khiến tựa game này khó “hợp cạ” với người chơi mới. Phần chơi này nối tiếp nội dung vào khoảng cuối mùa thứ hai trong bộ anime My Hero Academia, thời điểm mà All Might quyết định giải nghệ và truyền lại siêu năng lực cho Izuku. Nếu chưa đọc manga hoặc xem anime, bạn sẽ khó lòng hiểu được diễn biến nối tiếp trong game từ phần đầu của series.
Về cơ bản, My Hero One’s Justice 2 cũng không đặt trọng tâm vào phần kể lại câu chuyện My Hero Academia. Thay vào đó, người chơi cũng chỉ biết sương sương những sự kiện chính thông qua các trích đoạn từ anime thiết kế theo kiểu manga. Nhà phát triển Byking chọn cách tiếp cận khá khác biệt so với những cái tên cùng thể loại gần đây như Dragon Ball Z: Kakarot hay One Punch Man: A Hero Nobody Knows mà tôi mới trải nghiệm, vô tình hay cố ý hạn chế đối tượng người chơi đến với series này. Ở góc độ người chơi, tôi nhận định lý do sau là chủ ý thiết kế hơn khi xét ở cơ chế gameplay không có điểm gì đặc sắc hay vượt trội so với hai cái tên nói trên, nếu không nói là thua kém nhiều.
Thậm chí, My Hero One’s Justice 2 cũng không buồn thay đổi những hạn chế trong phần chơi cũ mà chỉ tiếp tục tái hiện lại những khoảnh khắc quirk màu mè và hào nhoáng dưới vài thao tác bấm nút của người chơi. Ở khía cạnh nào đó, họ đã khá thành công nếu đây là là điều mà bạn mong đợi nhất trong trải nghiệm. Nhân vật khá hạn chế khả năng tấn công, chỉ có những hành động đấm, đá, né tránh và phản đòn rất quen thuộc và vài tuyệt kỹ ít ỏi mang tính phô diễn quirk như anime. Cảm giác chiến đấu chỉ sướng mắt chứ không đã tay vì nó quá đơn giản. Nếu muốn tìm kiếm trải nghiệm song đấu đối kháng có chiều sâu, để tự do tung combo khiến đối thủ “ná thở” như Street Fighter V: Champion Edition hay Under Night In-Birth Exe:Late[cl-r], phần chơi mới sẽ khiến bạn thất vọng.
Cơ chế song đấu đối kháng trong My Hero One’s Justice 2 khá đơn giản. Đấu trường hầu như chỉ là không gian kín, gợi nhớ đến Power Stone kinh điển thời Dreamcast. Chỉ có khác biệt so với cái tên nói trên là không có vật phẩm hỗ trợ trong trận chiến. Mọi thứ chỉ xoay quanh bạn và đấu thủm kẻ bại người thắng. Tất cả chỉ gói gọn có thế. Yếu tố giúp “thay đổi không khí” so với những cái tên song đấu đối kháng khác là hai đồng đội hỗ trợ, trao cho người chơi cơ hội tăng lượt combo cũng như phá đòn combo của đối thủ. Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn là chiến đấu đến khi thanh Plus Ultra đầy thì tung tuyệt kỹ quirk để kết thúc trận đấu và lặp lại như thế. Nó rất đẹp mắt và thỏa mãn thị giác, nhưng không có chiều sâu.
So với phần đầu của series, yếu tố gameplay chỉ có sự thay đổi khác biệt duy nhất liên quan đến khả năng “hợp đồng tác chiến” cùng đồng đội. Nếu thanh Plus Ultra đạt mức tối đa, bạn có thể triệu hồi hai đồng đội cùng thi triển tuyệt kỹ “tất sát” vô cùng đẹp mắt và ngồi nhìn đối thủ “toang”. Vấn đề ở chỗ, đây là tính năng “cũ người mới ta” vì tôi nhớ Marvel vs. Capcom 2 phát hành đã lâu cũng cho phép người chơi triển khai tuyệt kỹ “đánh hội đồng” tương tự. My Hero One’s Justice 2 chỉ tạo chút khác biệt khi hai đồng đội mà bạn lựa chọn sẽ triển khai những đòn combo không ai giống ai khi hợp đồng tác chiến mà thôi. Các yếu tố gameplay khác vẫn không có gì thay đổi, khiến tôi có đôi chút thất vọng.
Nếu bỏ qua vấn đề thiếu chiều sâu cố hữu, My Hero One’s Justice 2 kỳ thực cũng mang đến cảm giác chiến đấu khá hào hứng với những pha hành động mang tính phô diễn đẹp mắt từ góc nhìn chéo xuống. Chẳng hạn, bạn có thể triển khai đòn combo hất văng đối thủ ra xa, tiếp tục lao đến tung những đòn tấn công chớp nhoáng khiến đối phương “dính vách” và chạy tường “phang” thêm vài chiêu nữa trước khi cả hai cùng rơi xuống đất. Cảm giác lúc đó có lẽ phải gọi là hả hê sung sướng mới đúng bài, nhất là khi người chơi không cần tốn nhiều công sức nhớ tuyệt kỹ hay vận dụng chiến thuật để tung ra những đòn tấn công hiệu quả, khiến địch thủ tối tăm mặt mũi. Chỉ cần biết nút bấm nào làm gì có khi là quá đủ biến bạn thành “giang hồ bất bại” với CPU.
Các chế độ chơi trong My Hero One’s Justice 2 cũng không có gì mới mẻ, vẫn xoay quanh những cái tên quá quen thuộc trong bất kỳ những tựa game song đấu đối kháng nào phát hành trong vài năm gần đây. Story không có gì để nói vì chỉ là những trận chiến theo cốt truyện trong mùa thứ tư của anime. Khác biệt đáng chú ý là người chơi sẽ được trải nghiệm ở góc nhìn của các nhân vật khác so với anime. Arcade vẫn là chọn đồng đội và chiến đấu với những đối thủ CPU, quen quá rồi. Có chiều sâu một chút có lẽ là Mission, đưa người chơi đối mặt với hàng loạt trận đấu trong điều kiện khác nhau theo mọi nghĩa. Còn lại Free Battle về cơ bản là chế độ Versus quá quen thuộc đi kèm khả năng cho phép người chơi thiết lập luật đấu riêng.
Network thì tương tự nhưng là đấu online chia thành giao lưu (Unranked) và xếp hạng (Ranked). Training như cái tên của nó đã nói lên tất cả. Tất nhiên, yếu tố fan service cũng rất được chú trọng trong My Hero One’s Justice 2. Thông qua trải nghiệm thuần túy, người chơi có thể mở khóa phục trang và tùy biến cho nhân vật. Tôi không có điều kiện để “đầu tư” mở khóa tất cả mọi thứ vì thời gian có hạn, nhưng có thể thấy số lượng khá nhiều, chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian với những ai là “fan cứng” của My Hero Academia. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng tiền kiếm được khi trải nghiệm các chế độ chơi để mở khóa vì game thưởng khá hậu hĩnh, không cần mất công cày cuốc nhiều như Street Fighter V: Champion Edition.
Số lượng đấu thủ mặc định nếu không tính DLC cũng khá đông đảo. Tất cả các nhân vật trong My Hero One’s Justice đều có mặt trong phần chơi mới. Tuy nhiên, màn đấu chỉ thêm một hay hai màn mới gì đó, tạo cảm giác như bản mở rộng của tựa game cũ hơn là phần chơi mới. Chỉ có Gallery là đáng chú ý nhất với số lượng artwork rất đồ sộ cho mỗi nhân vật và hình ảnh các sự kiện theo nội dung, có lẽ khiến “fan cứng” của My Hero Academia hào hứng mà thôi. Thế nhưng, chất lượng artwork lại không cao vì tôi thấy răng cưa khá nhiều ở các nét vẽ khi trải nghiệm trên ti vi 4K với PS4 Pro. Đồ họa không có gì đáng bàn vì bê nguyên xi anime sang, nhưng một số trận “kịch tính” có hiện tượng sụt giảm tốc độ khung hình hơi khó hiểu.
Sau cuối, My Hero One’s Justice 2 mang đến một trải nghiệm song đấu đối kháng khá hấp dẫn nếu bạn là “fan cứng” của My Hero Academia. Tuy nhiên, trò chơi có tình trạng mất cân bằng giữa các nhân vật, vấn đề vốn xuất hiện từ phần chơi đầu tiên nhưng đến nay vẫn chưa thấy nhà phát triển tinh chỉnh. Dù vậy, nếu yêu thích bộ manga gốc hoặc anime chuyển thể, đây chắc chắn là lựa chọn đáng chú ý.
My Hero One’s Justice 2 hiện có trên PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác