Monster Hunter Rise là phần chơi chính thứ sáu trong series game hành động nhập vai Monster Hunter. Sau gần một năm ra mắt trên Nintendo Switch, phần chơi này tiếp nối tiếp thành công của Monster Hunter: World và phát hành trên nền tảng PC. Nhờ tận dụng sức mạnh phần cứng mạnh mẽ hơn, trải nghiệm game có sự nâng cấp đáng kể khía cạnh nhìn so với hệ máy của Nintendo. Đặc biệt, nhà phát triển còn bổ sung các bộ lọc hình ảnh vốn không có trên phiên bản Switch, mang đến cảm giác trải nghiệm khá mới mẻ cho người chơi PC.
Ở góc độ người chơi, Monster Hunter Rise sở hữu nhiều cải tiến đáng chào đón và mang đến trải nghiệm hấp dẫn đến bất ngờ. Đó là sự kết hợp giữa những ý tưởng gameplay trong các game Monster Hunter cũ và nền tảng mới được thiết lập từ Monster Hunter: World, đồng thời loại bỏ những yếu tố gây ức chế trong các trải nghiệm game kinh điển trước đây. So với Clutch Claw trong bản mở rộng Iceborne, công cụ Wirebug và thú cưỡi Palamute góp phần rất lớn mang đến trải nghiệm game linh hoạt hơn cho các thợ săn người chơi.
Mặc dù vậy, trò chơi vẫn vướng phải những những vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” của series Monster Hunter từ trước đến nay. Đó là cốt truyện nhạt nhòa, chủ yếu chỉ là cầu nối để làm nền đưa người chơi đến với trải nghiệm game. Monster Hunter Rise lấy bối cảnh làng Kamura thường hứng chịu những đợt công kích do ảnh hưởng của sự kiện gọi là Rampage diễn ra 50 năm một lần. Theo truyền thuyết cổ xưa, lũ quái vật sẽ kéo đến tàn phá mọi thứ khi sự kiện nói trên diễn ra. Trách nhiệm của người chơi vô cùng nặng nề.
Do trước đây người viết từng có bài khá chi tiết về Monster Hunter Rise phiên bản Switch, nên bài lần này tôi chủ yếu tập trung vào khía cạnh kỹ thuật của bản PC hơn và nó khá ấn tượng. Cụ thể, trải nghiệm PC có độ phân giải cao hơn rất nhiều so với thông số kỹ thuật trên hệ máy của Nintendo, đi kèm với nhiều thiết lập tốc độ khung hình bao gồm cả ‘No Limit’. Trò chơi yêu cầu phần cứng không quá cao, nhưng vẫn mang đến trải nghiệm native 4K mượt mà và được tối ưu tốt không thua gì trải nghiệm 780p trên máy Switch.
Đáng chú ý, các lựa chọn tốc độ khung hình cao và thậm chí ‘No Limit’ không khóa mang đến cảm giác trải nghiệm hoàn toàn khác với Nintendo Switch vốn chỉ dừng ở 30fps. Chưa cần nói đến tốc độ khung hình cao hơn, từ 30fps lên 60fps đã là trải nghiệm vô cùng khác biệt mang đến cảm giác điều khiển mượt mà hơn, góp phần không nhỏ mang đến trải nghiệm chiến đấu thỏa mãn hơn. Điều này nhận thấy rõ nhất khi bạn chơi solo và phải làm trăm công nghìn việc trong các nhiệm vụ Rampage đầy hỗn loạn của trải nghiệm game.
Độ phân giải cao hơn cũng giúp trải nghiệm chiến đấu trong Monster Hunter Rise hào hứng hơn, nhưng không nhiều bằng sự thay đổi của tốc độ khung hình. Các hiệu ứng khi chiến đấu cũng có sự cải thiện nhẹ, giúp người chơi dễ dàng quan sát trận chiến và phán đoán tình hình hơn. Người viết cũng nhận thấy texture có chất lượng cao hơn thấy rõ, minh chứng qua những chi tiết như lông và lớp vẩy trên cơ thể bọn quái nhìn rõ và sắc nét hơn hẳn. Đáng chú ý nhất là hệ thống bộ lọc hình ảnh hoàn toàn mới mang đến cái nhìn rất khác.
Bộ lọc hình ảnh này giấu rất sâu trong các tùy chọn Advanced Graphics. Chúng không chỉ mang tông màu rất khác vào thế giới game mà còn tạo cảm giác rất lạ lẫm cho người viết khi trải nghiệm. Nó rất khác so với tính năng tương tự trong Ghost of Tsushima, phần lớn có lẽ do phong cách đồ họa khác biệt giữa hai tựa game. Sự kết hợp giữa các bộ lọc hình ảnh kể trên và Photo Mode có sẵn trong Monster Hunter Rise giúp những người chơi thích làm phó nháy dễ dàng sáng tạo những shot hình cực chất và đậm tính nghệ thuật.
Tuy nhiên, đồ họa nhiều màu sắc của Monster Hunter Rise cũng không phải không có vấn đề, nhưng chủ yếu khi trải nghiệm multiplayer cùng những người chơi khác hơn. Nó là sự cộng hưởng của nhiều thứ. Từ hiệu ứng hình ảnh khi chiến đấu, kết hợp với gia tăng lượng nhân vật cùng xuất hiện trên màn hình do mỗi nhân vật điều khiển có thêm Palico và Palamute tham chiến. Tất cả tạo thành khung cảnh khá hỗn loạn, rất khó theo dõi chiến trận. Dù vậy, tôi nghĩ nó thiên về cảm nhận cá nhân nhiều hơn nên không xem đây là điểm trừ.
Mặc dù Monster Hunter Rise có một thiết lập trong phần đồ họa để giảm các hiệu ứng hình ảnh làm rối mắt người chơi, nhưng kết quả không như tôi kỳ vọng. May mắn là nó không phải lúc nào cũng xảy ra, đa phần chỉ gây phiền phức trong những tình huống chiến đấu ở không gian hẹp. Bù lại, phiên bản PC có hỗ trợ voice chat giúp trải nghiệm multiplayer thuận tiện hơn rất nhiều. Dành cho bạn nào không biết, tính năng này vốn không có trên phiên bản Switch do hạn chế phần cứng và phần mềm hệ thống từ chính sách của Nintendo.
Lối chơi của Monster Hunter Rise vẫn khá quen thuộc nếu bạn từng chơi bất kỳ tựa game nào trong series này trước đây. Người chơi tham gia săn quái vật theo các nhiệm vụ tuyến tính trong khung thời gian giới hạn. Những nhiệm vụ này diễn ra ở nhiều hệ sinh thái khác nhau, đưa người chơi phiêu lưu đến nhiều địa danh trên bản đồ và thu thập các nguyên liệu dùng cho chế tác. Khía cạnh chế tác đóng vai trò quan trọng, giúp trải nghiệm chiến đấu nhất là boss chiến trở nên đỡ “củ hành” hơn và không chỉ dừng ở đó.
Đồng hành cùng người chơi trong chiến đấu là cặp đôi thú cưng Palamute và Palico. Về cơ bản, Palamute là sinh vật gần giống chó săn khổng lồ vừa hỗ trợ chiến đấu, vừa có thể làm thú cưỡi đưa bạn đi chu du khắp bản đồ nhiệm vụ với tốc độ nhanh hơn đi bộ. Tương tự, Palico mang hình dạng như con mèo lớn với khả năng đặt bẫy và hỗ trợ chiến đấu theo cách của nó. Bên cạnh 14 loại vũ khí với ưu và khuyết điểm riêng, Monster Hunter Rise còn bổ sung công cụ Wirebug hoàn toàn mới so với các game Monster Hunter khác.
Wirebug trao cho người chơi khả năng di chuyển linh hoạt hơn bằng cách đu dây giữa không như người nhện. Không những vậy, thứ công cụ tuyệt vời ông mặt trời này còn có tuyệt kỹ tấn công và khả năng tạm thời thuần hóa (Wyvern Riding) bọn quái thành thú chiến của bạn. Thông qua tiêu diệt hoặc bắt quái, người chơi thu thập nguyên liệu săn bắt từ chúng, kết hợp các nguyên liệu hái lượm để rèn nên những bộ giáp và vũ khí xịn xò hơn cho cuộc chiến ngày càng thử thách. Đó cũng là vòng lặp gameplay của Monster Hunter Rise.
Tuy mô tả có phần đơn giản nhưng trải nghiệm game vô cùng hấp dẫn. Chiến đấu với quái đặc biệt là boss chiến đòi hỏi người chơi khả năng đọc vị được chúng, kết hợp công kích rồi đặt bẫy và né tránh đúng thời điểm. Mỗi con quái đều cần tới những chiến thuật đa dạng khác nhau trừ khi bạn muốn trở thành bữa ăn của chúng. Chưa kể lượng nội dung đồ sộ được cập nhật gần tương đương với Monster Hunter Rise phiên bản Switch trong suốt gần một năm qua, trải dài từ tuyến nhiệm vụ mới cùng nhiều trang bị chinh chiến và đồ trang trí mới.
Xen kẽ với các nhiệm vụ thông thường và theo cốt truyện là nhóm nhiệm vụ Rampage. Những nhiệm vụ này sở hữu lối chơi phòng thủ tháp, sử dụng kho vũ khí và các loại bẫy khác nhau. Người chơi phải xây dựng tuyến phòng thủ tận dụng những cái bẫy từ môi trường và mọi thứ mà trò chơi cung cấp, quyết tử bảo vệ làng Kamura trước những kẻ thù nguy hiểm hơn. Chúng là lũ quái vật Apex và Major Threat, phiên bản “chà bá lửa” của quái thông thường. Đáng chú ý, bọn Apex không chỉ miễn nhiễm trước các loại bẫy mà chúng cũng không thể thuần hóa.
Tất nhiên, Monster Hunter Rise cũng không hề hoàn hảo. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là cơ chế Melding Pot hay hệ thống Talisman. Về cơ bản, Talisman là phụ kiện buff cho nhân vật được tạo ra bằng các nguyên liệu thu thập từ xác bọn quái. Đó có thể là buff thụ động hoặc chủ động, thậm chí cường hóa chỉ số của trang bị. Vấn đề ở chỗ, Talisman được tạo ra với chỉ số hoàn toàn ngẫu nhiên, khiến việc “đập” được phụ kiện ngon thường liên quan đến nhân phẩm của người chơi hơn và nó khá thấp nếu bạn hiểu ý tôi đề cập điều gì.
Kỳ thực, hệ thống Talisman là bước lùi so với Charm trong Monster Hunter: World. Nó không những khiến bạn mất nhiều thời gian cày cuốc và đập Talisman, mà còn hạn chế khả năng tùy biến nhân vật của người chơi. Đây dường như là chủ ý thiết kế của nhà phát triển để kiểm soát cân bằng game. Sở dĩ tôi có nhận định này là vì hệ thống Switch Skill đặc trưng cho phép bạn hoán đổi kỹ năng của các loại vũ khí cũng rất hạn chế khả năng hoán đổi Silkbind Attack, không thoải mái như đổi Hunter Art trong Monster Hunter Generations Ultimate.
Một vấn đề mà tôi cũng không thể không đề cập là Monster Hunter Rise không hỗ trợ cross-play. Người chơi chỉ có thể trải nghiệm multiplayer với bạn bè trên cùng nền tảng. Đã vậy, trò chơi cũng không hỗ trợ cross save giữa các nền tảng. Nếu muốn chuyển từ hệ máy của Nintendo sang PC, bạn phải chơi lại từ đầu như trường hợp của người viết. Đây cũng là tình trạng chung của các game Monster Hunter khi phát hành đa nền. Đơn cử như bản mở rộng Iceborne và nguyên bản Monster Hunter: World cũng không hỗ trợ hai tính năng trên.
Sau cuối, Monster Hunter Rise phiên bản PC mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai vô cùng đặc sắc, sở hữu nhiều cải tiến nhỏ nhưng đáng chú ý so với hệ máy của Nintendo. Trò chơi gây ấn tượng khi kết hợp tinh tế các ý tưởng cũ và mới giữa nhiều thế hệ game Monster Hunter, cộng với khía cạnh nghe nhìn tuyệt vời nhờ tận dụng phần cứng mạnh mẽ trên PC. Dù bạn lần đầu đến với dòng game này hay làm thợ săn quái vật lâu năm, đây đích thực là cái tên phải có trong thư viện game.
Monster Hunter Rise hiện có cho PC (Windows) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ. Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!