Metaphor: ReFantazio là trải nghiệm nhập vai xoay quanh hai chủ đề vốn bị không ít người xem là cấm kỵ: chính trị và tôn giáo. Trò chơi do Studio Zero mới toanh trực thuộc Atlus phát triển, nhưng đứng đằng sau đó lại là những cái tên vô cùng quen thuộc. Chẳng hạn chỉ đạo game Hashino Katsura vốn không mấy xa lạ với giới mộ điệu trong các bản Persona 3, Persona 4 cũng như một số phần chơi kinh điển của series game Megami Tensei.
Âm nhạc và thiết kế nhân vật trong Metaphor: ReFantazio lần lượt do ông Soejima Shigenori và Meguro Shoji đảm nhận. Họ cũng là những cái tên quen thuộc với những người chơi yêu thích hai series game Persona và MegaTen, đặc biệt là Persona 4 Golden và nguyên bản Catherine năm 2011. Sở dĩ hai game này được đề cập vì là hai trải nghiệm yêu thích của tôi “vô tình” có sự góp mặt của cả hai người trong vai trò sáng tác, chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế nhân vật.
Như cái tên gợi ý, trải nghiệm Metaphor: ReFantazio có nhiều sự ẩn dụ trong các thông điệp mà đội ngũ phát triển muốn truyền tải. Thành thật mà nói, cá nhân tôi thường không thích những trải nghiệm mang nhiều ẩn ý nên thường có tâm lý né tránh những tựa game như thế. Một phần trong tôi cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi với nhiều bộn bề lo toan, nay muốn giải trí trong thế giới game thì lại bị bắt phải suy nghĩ sâu sắc lên.
Chẳng phải cuộc sống thường ngày đã phải ngó trước nhìn sau thâm ý của mọi người cũng như uốn lưỡi bảy lần trước khi phát ngôn, chưa đủ phiền phức sao? Thế nhưng một phần khác trong tôi lại vô cùng tò mò trước một tựa game tốn rất nhiều năm phát triển như Metaphor: ReFantazio, đặc biệt khi đây là IP hoàn toàn mới của một studio mới toanh được thành lập vào cuối năm 2016. Tính đến thời điểm khi game phát hành cũng gần tròn 8 năm.
Trải nghiệm Metaphor: ReFantazio lấy bối cảnh tại vương quốc Euchronia, đưa người chơi nhập vai nhân vật chính có nhiệm vụ chuyển một thông điệp liên quan đến tình trạng sức khỏe của hoàng tử hợp pháp của vương quốc. Trong đoạn anime mở đầu trước đó, người chơi chứng kiến cuộc ám sát đức vua của nhân vật được cho là vai phản diện của trải nghiệm game. Thế nhưng bạn nhanh chóng bị cuốn vào hàng loạt sự kiện khác gây gián đoạn nhiệm vụ ban đầu.
Vậy là mọi thứ rẽ sang trang mới với cuộc chiến và phiêu lưu hoành tráng hơn, đưa người chơi đi khắp mọi nơi để điều tra và đấu tranh cho điều mà nhân vật chính tin tưởng. Góp mặt cùng người chơi là dàn nhân vật đến từ nhiều chủng tộc hay loài khác nhau. Thật sự tôi cũng không dám chắc dùng từ nào mới chính xác. Những thành viên trong party đều sở hữu tạo hình có tính ẩn dụ cao, cùng những âm mưu đầy toan tính mà cả nhóm phải đối mặt.
Gọi là âm mưu có lẽ tôi đã nói giảm nói tránh nhiều phần. Chúng kỳ thực liên quan đến những con boss khổng lồ gợi nhớ các titan trong Attack on Titan 2: Final Battle. Đó còn là những trận chiến vô cùng hoành tráng và đáng nhớ, không chỉ vì tạo hình độc đáo của boss mà cả những câu chuyện liên quan dù là theo nghĩa đen hay ẩn dụ. Nếu có chơi game nhập vai, bạn biết hệ thống tương tác xã hội đầy ấn tượng làm nên danh tiếng series game Persona chứ?
Với Metaphor: ReFantazio, đội ngũ phát triển thậm chí còn tiến xa hơn thế khi xây dựng yếu tố xã hội và tương tác đầy ẩn dụ trong thế giới game. Sự ẩn dụ này được thể hiện tương đối dễ hiểu với một người đôi lúc thích suy nghĩ đơn giản như tôi. Nhưng mức độ sâu sắc và thông điệp được nêu bật lại khiến tôi phải suy ngẫm khá nhiều. Tất cả đều phản ánh hiện thực cuộc sống của chúng ta trong thế giới thật, dưới những hình ảnh có tính ẩn dụ cao trong trò chơi.
Đơn cử trong Metaphor: ReFantazio, người Paripus có tạo hình giống loài chó trong thế giới thật của chúng ta và họ bị những chủng tộc khác đối xử rất tệ. Chính điều đó khiến họ khó tìm được việc làm tử tế cũng như sự hạn chế về khả năng sống chung cùng các chủng tộc khác được cho là đẳng cấp hơn. Bạn phát hiện yếu tố ẩn dụ ở đâu chứ? Ngay cả nhân vật chính cũng không đứng ngoài quy luật này khi là người Elda, bộ tộc vốn bị ghét nhất.
Thậm chí không ít cá thể trong xã hội của trò chơi còn xem sự hiện diện của người Elda là một điềm báo xấu. Đấy là tôi chỉ mới mô tả yếu tố ẩn dụ được truyền tải ngay đầu trải nghiệm. Càng về sau càng có nhiều chuyện “kinh khủng” hơn, khiến không ít lần tôi cảm thấy rất mệt mỏi với những yếu tố này đầy rẫy trong trò chơi. Bản thân tôi đã phải tự gián đoạn trải nghiệm nhiều lần để tránh bị tác động tiêu cực từ những câu chuyện kể trong game.
Kỳ thực, cốt truyện tăm tối không quá bất ngờ vì người chấp bút kịch bản cho Metaphor: ReFantazio là Tanaka Yuichiro. Ông cũng chính là người biên kịch cho trải nghiệm game nhập vai vô cùng tối tăm trong nguyên bản Persona 3 ra mắt năm 2006. Thật không quá lời nếu nói trò chơi có lối kể chuyện rất xuất sắc với những hỉ nộ ái ố được xây dựng đan xen lẫn nhau, mang đến vô vàn cảm xúc cho người chơi trong suốt thời lượng chơi gần 100 tiếng.
Đấy là tôi đã bỏ qua không ít nhiệm vụ phụ bắt chạy việc vì lười làm. Nếu hoàn thành trải nghiệm 100% không bỏ sót thứ gì, thời lượng chơi chắc phải hơn 150 tiếng. Đáng nói, các nhiệm vụ phụ trong trải nghiệm cũng không hề giảm đi sự tăm tối như chủ đạo của cốt truyện chính. Điều thú vị là câu chuyện kể trong game có rất nhiều nút thắt bất ngờ. Ngay cả khi bạn tưởng đã đoán được các sự kiện sẽ diễn ra thế nào thì chúng lại xuất hiện theo cách không ngờ tới.
Yếu tố khám phá và tương tác xã hội cũng rất thú vị trong trải nghiệm Metaphor: ReFantazio. Những địa điểm tương tác luôn được cập nhật vào danh sách dịch chuyển nhanh ở mỗi nơi mà bạn tương tác. Thiết kế này giúp việc di chuyển giữa các địa điểm trở nên rất dễ dàng. Tương tự, hành trình khám phá của người chơi không bao giờ trở nên nhàm chán nhờ vào thiết kế các hầm ngục ấn tượng, có sự đa dạng rất cao không chỉ ý tưởng mà cả chủ đề, tông màu.
Hấp dẫn không kém là yếu tố tương tác xã hội giúp tăng chỉ số cho nhân vật. Những chỉ số này sẽ có ích trong một số trường hợp nhất định khi tương tác với các NPC hoặc nhân vật khác trong party. Mặc dù vậy, tôi không thật sự thích thiết kế tạo hình nhân vật trong Metaphor: ReFantazio. Vẫn biết Studio Zero có rất nhiều dụng ý và ẩn ý khi sử dụng phong cách thiết kế rất khác biệt như thế, nhưng ở góc độ cá nhân thì không thích vẫn là không thích.
Việc phải nhìn những nhân vật có tạo hình mà bản thân không thích, ít nhiều cũng khiến trải nghiệm game đôi lúc trở nên hơi khó chịu. Đây cũng là điều mà tôi nghĩ những bạn chưa chơi nên cân nhắc trước khi mua game. Vì bạn sẽ phải gắn bó với những nhân vật đó trong suốt thời lượng chơi rất dài tùy vào mức độ hoàn thành các nhiệm vụ phụ trong trải nghiệm. Dù vậy, tôi lại thích những khoảnh khắc các nhân vật “làm khó” nhau vì tính cách đặc trưng.
Chẳng hạn phân đoạn Hulkenberg với tính cách nghiêm nghị lại là người dễ dàng húp sạch bất kỳ món ăn đặc sản nào ở những địa phương mà cả nhóm lui tới, trong khi các thành viên khác trong party vô cùng kinh hãi trước hình ảnh “đáng sợ” của món đó. Các phân đoạn như thế ít nhiều mang đến cảm xúc phong phú cho trải nghiệm game, tránh tình trạng người chơi duy trì một cảm xúc nào quá lâu thông qua câu chuyện kể tăm tối trong Metaphor: ReFantazio.
Điều thú vị là các nhân vật trong Metaphor: ReFantazio luôn có đất diễn phù hợp. Có nhân vật ban đầu đóng vai trò khá khiêm tốn và ít để lại dấu ấn, nhưng về sau lại có vai trò rất quan trọng. Thiết kế này giúp người chơi thấy rõ được quá trình phát triển của các nhân vật, không tạo cảm giác vội vã hay khiên cưỡng trong suốt thời lượng chơi dài. Một điểm cộng mà tôi phải dành lời khen ngợi là khâu lồng tiếng, cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.
Hài hước hơn, Metaphor: ReFantazio là một trong những game nhập vai hiếm hoi khiến tôi hào hứng với phần lồng tiếng Anh hơn tiếng Nhật. Đặc biệt, đây cũng là tựa game hiếm hoi từ nhà phát hành Atlus mà nhân vật chính cũng được lồng tiếng, trái ngược với các hình mẫu nhân vật chính kiệm lời không được lồng tiếng trong các bản Persona. Thậm chí việc nhân vật chính được lồng tiếng cũng nâng tầm cho trải nghiệm không ít, giúp thể hiện rõ tính cách nhân vật hơn.
Thế nhưng không như Fantasia Neo Dimension, trải nghiệm Metaphor: ReFantazio không được lồng tiếng hoàn toàn mà chỉ một số phân đoạn và chuyển cảnh nhất định. Điều này có hơi đáng tiếc khi chất lượng lồng tiếng xuất sắc, nhất là phần tiếng Anh. Các diễn viên lồng tiếng thật sự thổi hồn cho các nhân vật theo mọi nghĩa. Không có gì nhiều để nói về âm nhạc vì những bản nhạc được sáng tác vô cùng xuất sắc và cực kỳ phù hợp với trải nghiệm đặc trưng.
Nếu có gì để phàn nàn nhiều nhất có lẽ là hiệu năng không ấn tượng của Metaphor: ReFantazio. Trong không ít phân đoạn, trò chơi có hiện tượng sụt giảm tốc độ khung hình dù đồ họa không quá nặng. May mắn là những phân đoạn chiến đấu hiếm khi xảy ra tình trạng này nên tôi cũng không đặt nặng vấn đề. Ít phàn nàn hơn một chút là hệ thống lớp nhân vật gọi là archetype để lại cảm giác khá trái chiều vì thiết kế thiếu cân bằng, đòi hỏi cày cấp để mở khóa kỹ năng.
Gọi là đòi hỏi cày cấp cũng không hẳn chính xác. Cơ bản, các archetype được chia thành những lớp nhân vật khác nhau nhưng có sự gắn kết lẫn nhau. Muốn chuyển sang lớp nhân vật khác mạnh hơn, người chơi buộc phải thăng cấp các lớp nhân vật nhất định đến cấp độ cụ thể. Việc thăng cấp này có thể thông qua chiến đấu hoặc sử dụng vật phẩm, nhưng vật phẩm cũng giới hạn số lượng có thể mua nên không thể tùy tiện thăng cấp hay khắc phục sai lầm.
Vấn đề ở chỗ nếu không xem hướng dẫn trên mạng, người chơi không thể biết một archetype nào đó đòi hỏi phải đạt cấp độ tối thiểu từ một archetype nào khác. Thiết kế này có phần tương phản với nhiều định hướng thiết kế có phần đơn giản hóa cơ chế gameplay cốt lõi trong Metaphor: ReFantazio. Không những vậy, một số archetype khá vô dụng trong chiến đấu nhưng bạn vẫn phải cày cấp để có thể mở khóa archetype hữu dụng hơn liên quan.
Đáng nói, thiết kế hệ thống lớp nhân vật nói trên có vẻ trái ngược với cơ chế chiến đấu vô cùng linh hoạt của Metaphor: ReFantazio. Hệ thống này giống như phiên bản cải tiến linh hoạt từ các game Persona. Thậm chí cũng không quá lời khi nói đây là hệ thống chiến đấu theo lượt cuốn hút nhất trong những game nhập vai do Atlus phát triển và phát hành. Về cơ bản, người chơi công kích điểm yếu của kẻ thù để tích lũy các ngôi sao ở góc trên cùng bên trái.
Tùy kỹ năng và điểm yếu mà bạn có thể chỉ tốn nửa ngôi sao khi tung đòn. Tận dụng hệ thống này triệt để tạo nên tính chiến thuật rất hấp dẫn khi chiến đấu trong Metaphor: ReFantazio. Mục tiêu của người chơi là xóa sổ kẻ thù trước khi chúng có cơ hội phản công, nhận về phần thưởng tốt hơn cho khả năng chuyển đổi archetype của nhân vật. Thú vị hơn, mỗi nhân vật còn có thể phối hợp tấn công với một thành viên khác trong party và gây sát thương rất khủng.
Tất nhiên cũng giống như các bản Persona khác, kẻ thù cũng có thể tận dụng cơ chế này để giành lợi thế trước party của người chơi trong các trận đối đầu. Chính vì thế mà bạn phải tìm mọi cách và tư duy những chiến thuật khả thi để giành quyền kiểm soát cuộc chiến, nhất là trong những trận đánh boss. Một điều cũng rất thú vị đó là cơ chế chiến đấu trong Metaphor: ReFantazio được thiết kế vô cùng trực quan và dễ thao tác khi trải nghiệm bằng tay cầm.
Sau cuối, Metaphor: ReFantazio mang đến một trải nghiệm nhập vai xuất sắc với thiết kế khá cân bằng. Trò chơi xây dựng các cơ chế gameplay vừa mới lạ vừa quen thuộc, với nhiều thông điệp đáng chú ý phản ánh hiện thực cuộc sống được truyền tải tinh tế trong câu chuyện kể. Tuy vẫn có vài điểm trừ nhỏ nhưng xét về tổng thể, đây là một trải nghiệm nhập vai ấn tượng gần như mọi khía cạnh, xứng đáng là cái tên không thể thiếu trong thư viện game của các tín đồ yêu thích JRPG.
Metaphor: ReFantazio hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5, PlayStation 4 và hỗ trợ Xbox Play Anywhere.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!