Marvel’s Avengers là game hành động nhập vai khá tham vọng về đề tài siêu anh hùng. Điều này được thể hiện qua thiết kế của trò chơi ở khía cạnh chơi đơn và multiplayer đều có sự bổ trợ cho nhau, đi kèm với hàng loạt các vật phẩm trang trí cho nhân vật điều khiển. Hướng tiếp cận này đặc biệt phù hợp với những tựa game có lượng người chơi hoặc yêu thích đông đảo. Thế nhưng, điều đó đòi hỏi nhà phát triển phải xây dựng một nền tảng gameplay đủ mạnh và cập nhật nội dung thường xuyên để hấp dẫn người chơi.
Marvel’s Avengers không phải là tựa game mà bạn có thể bấm nút điên loạn để giành chiến thắng trước kẻ thù. Trải nghiệm đòi hỏi nhiều hơn thế trong những khoảnh khắc bấm nút đúng thời điểm, không tránh đòn tấn công thì cũng phản đòn lại kẻ thù, mở cơ hội cho người chơi tấn công những kẻ thù mạnh hoặc khó nhằn. Nó giống như phiên bản “lite” của hệ thống chiến đấu trong Sekiro: Shadows Die Twice với mức độ “đột tử” thấp hơn, nhưng chắc chắn không phải là trải nghiệm dễ dàng mà bạn có thể hình dung về đề tài siêu anh hùng.
Người chơi khởi đầu với Kamala Khan vốn là ‘fangirl’ của biệt đội Avengers. Nếu có theo dõi bộ truyện tranh, có lẽ bạn không lạ gì nhân vật này. Cô chính là Ms. Marvel, nhân vật Hồi giáo đầu tiên trong vũ trụ Marvel. Thậm chí nếu yêu thích điện ảnh, người chơi có thể xem đây là “phim” riêng của nhân vật này cũng không quá lời. Marvel’s Avengers có chất lượng hình ảnh khá cao, mang cảm giác như đang thưởng thức một bộ phim vậy. Chỉ hơi tiếc là tạo hình và lồng tiếng các nhân vật không phải từ dàn diễn viên trong phim.
Trò chơi tuy cùng vũ trụ Marvel nhưng chọn hướng nội dung tách biệt khỏi truyện tranh và phim điện ảnh. Mức độ như thế nào thì xin dành cho bạn trải nghiệm vì nó khá hấp dẫn. Tôi chỉ có thể tiết lộ mọi chuyện bắt đầu từ lễ ra mắt trụ sở Avengers thứ hai tại San Francisco và trở thành mục tiêu tấn công khủng bố của Taskmaster, tạo nên những người đột biến gọi là inhuman. Trước sức ép của dư luận, đội Avengers phải đôi ngã chia ly. Tổ chức Advanced Idea Mechanics (AIM) lên nắm quyền kiểm soát và tái kiến thiết thành phố.
Ngay từ đầu trải nghiệm, đồ họa của Marvel’s Avengers đã khiến tôi khá ấn tượng, xứng đáng là một tựa game AAA. Môi trường màn chơi được xây dựng đẹp mắt và khá đa dạng trong các nhiệm vụ ở chế độ chơi Campaign. Dàn nhân vật chính có sự chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ trong tạo hình, chuyển động chiến đấu lẫn nhép môi theo phần lồng tiếng. Các yếu tố “đập phá” trong môi trường màn chơi cũng vậy. Tuy tạo hình các NPC ít tỉ mỉ hơn, nhưng vẫn ở mức khá chứ không tới nỗi bị “dìm hàng” quá đáng như thường thấy.
Trải nghiệm Marvel’s Avengers chia thành hai chế độ chơi theo cốt truyện Campaign và multiplayer gọi là Avengers Initiative. Trong đó, Campaign có thời lượng khoảng nửa ngày, nhưng chỉ là khởi đầu cho trải nghiệm multiplayer dài hơi sau khi kết thúc phần chơi chính. Tuy có kịch bản game khá điển hình về chủ đề siêu anh hùng, nhưng lời thoại, diễn xuất và các đoạn chuyển cảnh tạo cảm giác như đang xem phim điện ảnh. Kỳ thực, câu chuyện kể hấp dẫn về xây dựng tình tiết nội dung là điểm cộng của chế độ chơi này.
Tính cách của mỗi nhân vật mà bạn đã biết từ truyện tranh hay phim đều được chấp bút khá tốt trong trải nghiệm game. Đơn cử như Tony Stark vẫn hài hước và thích phô trương, trong khi Bruce Banner luôn giằng xé nội tâm. Black Widow rất “bá đạo” còn Thor thì khỏi nói, vẫn giữ thái độ ‘anh đẹp trai nên có quyền kém duyên’. Ngược lại, tính cách trẻ con của Kamala mang đến hơi thở mới cho game. Cô bé không chỉ là nhân tố mới, mà còn là sự gắn kết thú vị giữa các nhân vật quen thuộc với những ai yêu thích vũ trụ Marvel.
Những nút thắt nội dung đều được lý giải tưởng vô lý nhưng lại hết sức thuyết phục. Khả năng “song kiếp hợp bích” giữa kịch bản và đồ họa game tạo cảm giác như đang theo dõi một bộ phim siêu anh hùng trong vũ trụ Marvel vậy. Vấn đề nội bộ bất hòa cũng được đưa vào khéo léo nhằm tạo kịch tính cho câu chuyện kể. Thậm chí, tôi còn bắt gặp một số lời thoại được nhại lại yếu tố hài hước trong phim như câu “Lucky for you, I am mighty” mà Thor nói ở đầu trải nghiệm. Đáng chú ý, khía cạnh gameplay cũng không hề kém cạnh.
Trò chơi sở hữu hệ thống nâng cấp rất có chiều sâu và không kém phần thử thách trong chiến đấu. Ngoài những hành động cơ bản quen thuộc như đánh mạnh, đánh nhẹ và né tránh, mỗi nhân vật đều có những kỹ năng riêng dựa trên một số cơ chế gameplay chung. Chiến đấu trong Marvel’s Avengers đòi hỏi bạn phải bấm nút đúng thời điểm để cản đòn (parry) đối thủ và phản công. Ngoài ra, người chơi còn phải theo dõi thanh năng lượng và thời gian cooldown các kỹ năng riêng để triển khai chiến thuật chiến đấu hiệu quả nhất.
Yếu tố này khá quan trọng trong trải nghiệm Marvel’s Avengers. Bạn không thể đơn thuần nện nút tấn công kẻ thù điên cuồng mà thắng như phần lớn những tựa game beat ’em up được. Mỗi nhân vật đều có ưu và khuyết điểm trong chiến đấu, kết hợp cùng những đòn tấn công cá nhân. Chẳng hạn, Ms. Marvel khá cân bằng ở cả công và thủ, nổi bật với các kỹ năng hỗ trợ đồng đội, trong khi các đòn cơ bản của Hulk có khả năng tấn công diện rộng đồng loạt nhiều kẻ thù. Thor thì biết bay và luôn tung những đòn tấn công sấm sét vào kẻ thù.
Mỗi nhân vật đều có vai trò chiến đấu riêng mà khi kết hợp lại với nhau, tạo nên trải nghiệm khá thỏa mãn nhất là khi kẻ thù trong game rất manh động. Chúng thường có xu hướng tấn công hội đồng người chơi cả cận chiến lẫn tầm xa như Battletoads, không cho bạn nhiều cơ hội 1vs1. Nếu không lựa chọn cẩn thận đúng mục tiêu cần ra tay, khả năng cao là bạn sẽ rơi vào tình trạng hỗn chiến từ mọi phía và đó là một cảm giác khá “thốn”. Đáng chú ý, Marvel’s Avengers không có những tình huống “cuồng combo” như Devil May Cry 5.
Trải nghiệm game đòi hỏi người chơi phải tận dụng tốt kỹ năng của nhân vật, đồng thời quan sát tình hình trận chiến và kẻ thù cẩn thận trước khi phản công. Cảm giác khá giống những cuộc chiến thường thấy trong các phim Avengers, khi mỗi nhân vật đều có “việc ai ấy làm” và khoảnh khắc để tỏa sáng. Thế nhưng, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng hiểu rõ nhân vật điều khiển của người chơi và vận dụng hoàn hảo kỹ năng của nhân vật đó. Điều này thể hiện rõ hơn trong chế độ chơi Avengers Initiative.
Tình huống chiến đấu lý tưởng trong multiplayer là mỗi người chơi điều khiển một nhân vật. Đơn cử như người chơi Iron Man có thể tận dụng khả năng tấn công tầm xa để loại trừ những tay súng bắn tỉa thừa nước đục thả câu. Hulk có khả năng ‘tank’ tốt, vừa gây hỗn loạn thu hút sự chú ý của kẻ thù về mình và thay đồng đội “hấp thụ” sát thương từ chúng. Black Widow hoặc Ms. Marvel với khả năng chiến đấu linh hoạt có thể “nhường cơm sẻ áo” gánh nặng chiến đấu cho cả đội bằng lợi thế công thủ toàn diện và các kỹ năng hỗ trợ đặc thù.
Tuy nhiên, trong khi chế độ chơi Campaign khiến tôi hào hứng bao nhiêu thì Avengers Initiative lại nặng cả tính cày cuốc và lặp lại. Tần suất tái sử dụng thiết kế môi trường và các yêu cầu nhiệm vụ dày đặc đến mức nhàm chán. Mặc dù số lượng nhiệm vụ nhiều hơn và có thêm một số loại nhiệm vụ mới, nhưng sau vài lần chơi là bắt đầu mang cảm giác hao hao nhau, không có gì khác biệt để tạo sự mới mẻ. Không phải Campaign không có những vấn đề này, nhưng do số lượng ít nên mức độ tươi mới vẫn khá cao trong trải nghiệm.
Ngay cả những chuỗi nhiệm vụ Iconic mang dấu ấn riêng và “đất diễn” cho mỗi nhân vật cũng vậy. Ban đầu chơi Campaign khiến tôi hào hứng bao nhiêu thì vài lần sau cảm giác này hoàn toàn biến mất. Bạn sẽ dần nhận ra yêu cầu nhiệm vụ quen quen, đi kèm với thiết kế màn chơi cũng mang đến cùng cảm giác. Chưa kể, các nhiệm vụ này cũng được xây dựng không công bằng giữa các nhân vật. Trong khi Thor được ưu ái thì nhiệm vụ của Iron Man và Ms. Marvel lại khá nhàm chán quanh yêu cầu tiêu diệt số lượng cụ thể những loại kẻ thù nhất định.
Đáng nói, đó không chỉ là khía cạnh đáng trừ điểm duy nhất trong hệ thống nhiệm vụ của Marvel’s Avengers ở chế độ chơi multiplayer. Dù bạn vẫn có thể chơi solo nếu muốn, nhưng những nhiệm vụ đặc biệt trong chế độ này cũng thiếu sự đa dạng như mong đợi. Avengers Inititative được thiết kế để kéo dài trải nghiệm và tập trung vào tính thử thách tăng dần của nhiệm vụ lặp lại. Nó khá thú vị về mặt ý tưởng, nhưng chỉ phát huy thế mạnh khi nội dung mới được cập nhật và làm mới liên tục để không tạo cảm giác nhàm chán.
Đây chính xác là điểm trừ lớn nhất của Marvel’s Avengers ở thời điểm hiện tại. Ở góc độ người chơi, thiết lập độ khó cao nhất lại mang đến trải nghiệm khá thỏa mãn về chiều sâu chiến thuật. Đơn cử như Hulk tuy “trâu bò” và có khả năng hấp thụ sát thương từ đòn tấn công của kẻ thù, nhưng nếu bạn có thói quen chơi theo kiểu bấm nút tấn công điên cuồng thì không có hy vọng sống sót. Người chơi phải vận dụng kỹ năng riêng của Hulk để tìm góc tấn công hiệu quả nhất mới mong thắng được kẻ thù, đặc biệt là bọn cầm khiên.
Sau cuối, Marvel’s Avengers mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai đầy hào hứng và có cách tiếp cận khá thú vị về đề tài siêu anh hùng. Đặc biệt, trận đánh trùm cuối hoành tráng hơn các phần phim gần đây rất nhiều, nhất là khi người chơi được trực tiếp tham gia vào đó. Nếu yêu thích thế giới Marvel, đây chắc chắn là tựa game phải chơi. Thế nhưng, ngay cả khi bạn “không yêu đừng nói lời đắng cay” với vũ trụ này, trò chơi vẫn là cái tên rất đáng cân nhắc chỉ với riêng phần chơi Campaign.
Marvel’s Avengers được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 4.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác