Life is Strange Remastered Collection như cái tên của nó gợi ý là bộ sưu tầm remaster gồm hai game phiêu lưu thiên về câu chuyện kể Life is Strange và Life is Strange: Before the Storm. Bên cạnh đồ họa được đại tu để lại cho người viết cảm giác khá lẫn lộn, bộ sưu tầm này còn kèm theo DLC từng phát hành cho nguyên bản Before the Storm nhưng kỳ thực nội dung thêm không mấy khác biệt. Đã vậy, động thái remaster trên cùng nền tảng với game gốc thay vì console thế hệ mới cũng để lại cho tôi dấu chấm hỏi đầy khó hiểu.
Dành cho bạn nào chưa từng chơi game nguyên bản trước đây, Life is Strange Remastered Collection là hai câu chuyện kể về cô nữ sinh Max Caulfield và cô bạn thân Chloe Price của Max. Cả hai game đều lấy bối cảnh tại thị trấn Arcadia Bay nhưng cốt truyện độc lập và do hai studio hoàn toàn khác nhau phát triển. Trong khi Life is Strange Remastered mang đến trải nghiệm mang màu sắc siêu nhiên với khả năng điều khiển thời gian của nhân vật chính, Life is Strange: Before the Storm Remastered lại có cốt truyện đời thường hơn.
Do trước đây tôi đã có bài chi tiết về game gốc Life is Strange và Life is Strange: Before the Storm, nên bài lần này chỉ tập trung vào những thay đổi để lại nhiều cảm xúc trong trải nghiệm bản remaster. Cụ thể hơn, người viết nhận thấy hiệu ứng ánh sáng của bản remaster có cải thiện trong phần lớn trường hợp khi so sánh trực diện với game nguyên bản. Cây cối um tùm hơn trong các địa điểm ngoài trời. Điểm cộng tưởng chừng sáng nhất của bộ sưu tầm này là xây dựng chuyển động nhân vật bằng mo-cap thì lại không ấn tượng như tôi tưởng.
Tạo hình của các nhân vật cũng có sự điều chỉnh, phần lớn đều được chỉnh trang không ít thì nhiều ở mái tóc. Đơn cử nhân vật Kate Marsh trong Life is Strange Remastered có sự thay đổi lớn ở mái tóc, nhìn mềm mại hơn so với cảm giác bồng bềnh và hơi nặng đầu trong nguyên bản. Tuy nhiên, mái tóc được làm lại của Kate khiến nhân vật này nhìn ít dấu ấn hơn trước, nhất là biểu cảm trên khuôn mặt trông thiếu cảm xúc hơn phiên bản gốc phát hành năm 2015. Khuôn mặt của một số nhân vật trong bản remaster cũng được trang điểm lại có phần ‘creepy' hơn.
Chẳng hạn vùng mắt của nhân vật chính Max Caulfield trong Life is Strange Remastered được kẻ mi đậm hơn, tạo cảm giác mắt hõm và trũng sâu như người bị mất ngủ lâu năm. Nhiều khoảnh khắc biểu cảm nhân vật sử dụng công nghệ mo-cap trong bản remaster cũng để lại cho tôi cảm giác trái chiều. Theo cảm nhận của người viết trong suốt trải nghiệm, không hiếm trường hợp không giúp nhân vật thể hiện biểu cảm trên khuôn mặt tốt hơn đã đành mà thậm chí ngược lại. Ở thời điểm bài viết, nhà phát triển đã tung bản cập nhật đầu tiên nhưng chưa đủ ghi điểm.
Đáng nói, không phải tất cả trường hợp đều để lại cảm giác trái chiều nói trên. Nhiều phân đoạn khác cho thấy biểu cảm của nhân vật cải thiện tốt và trông tự nhiên hơn nguyên bản. Tương tự, những điều chỉnh trong khuôn mặt nhân vật cũng dễ gây hiệu ứng ngược trong Life is Strange: Before the Storm Remastered. Cụ thể, nếu như cô bạn Rachel Amber của nhân vật chính Chloe Price trong game nguyên bản có khuôn mặt nhìn sắc sảo tuy hơi dữ, những điều chỉnh tạo hình nhân vật trong bản remaster lại đọng trong tôi cảm nhận Rachel ác ác kiểu gì.
Ở góc độ người đã chơi cả hai game gốc, tôi nhận thấy Life is Strange: Before the Storm Remastered ít có sự điều chỉnh về hình ảnh hơn so với Life is Strange Remastered. Cụ thể hơn, biểu cảm nhân vật vẫn vậy nhưng khuôn mặt có những thay đổi như trường hợp điển hình kể trên và nhiều nữa mà tôi không liệt kê trong bài. Điều này cũng thể hiện rõ ở dung lượng cài đặt của Life is Strange Remastered tăng gấp 2,5 lần so với nguyên bản, trong khi Before the Storm Remastered chỉ nhiều hơn có vài Gigabyte so với phiên bản năm 2017.
Bên cạnh đó, Life is Strange Remastered Collection còn có vài điều chỉnh nhỏ nhưng đáng chú ý như màu da của các nhân vật trong hai phần chơi nhìn tự nhiên hơn, trong khi game nguyên bản có xu hướng ngả vàng. Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao nhà phát triển quyết định tăng độ sáng tổng thể lên cao hơn, khiến cảm giác chiều sâu các khung cảnh trong hai bản remaster giảm đi so với các phần chơi gốc. Dù vậy, vấn đề này thiên về cảm nhận cá nhân và có thể dễ dàng điều chỉnh lại độ sáng trong Settings nên tôi không xem đó là điểm trừ.
Đáng nói, Life is Strange Remastered Collection còn vướng phải lỗi game linh tinh khá khó chịu, thậm chí gây treo hoặc crash game. Mặc dù nhà phát triển đã tung bản cập nhật khắc phục, nhưng tôi vẫn tiếp tục gặp lỗi this lỗi that ở thời điểm bài viết. Trò chơi cũng chưa có bản cập nhật hỗ trợ tốc độ khung hình 60fps trên các hệ console mới thông qua tính năng tương thích ngược như Life is Strange: True Colors. Trong khi đó, hiệu năng game còn cần cải thiện nhiều để có thể sánh ngang game nguyên bản về độ mượt mà.
Sau cuối, Life is Strange Remastered Collection mang đến một trải nghiệm phiêu lưu 2-trong-1 với câu chuyện kể khá đặc sắc, nhiều hệ quả bất ngờ từ cách mà chúng ta phản ứng trong cuộc sống. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là đồ họa được đại tu nhìn đẹp hơn, nhưng đây cũng là vấn đề của trò chơi khi còn nhiều khuyết điểm cần điều chỉnh thông qua các bản cập nhật sau phát hành. Tuy không có nhiều giá trị với người chơi cũ về mặt nội dung nhưng nếu bạn chưa từng chơi game nguyên bản, đây chắc chắn là bộ sưu tầm đáng cân nhắc.
Life is Strange Remastered Collection hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Google Stadia. Bản Nintendo Switch dự kiến phát hành trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!