Gần đây, website Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.opbank) bị tấn công, hacker dọa bán 275.000 dữ liệu khách hàng khiến khách hàng lo sợ thông tin cá nhân bị rò rỉ.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), thời gian gần đây, các trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Trong năm 2017, có 13.382 vụ tấn công nhằm vào các trang web của Việt Nam; 8 tháng đầu năm 2018, có 6.567 vụ tấn công vào các trang web.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng – tiến sĩ Bùi Quang Tín, để bảo vệ tài khoản của mình, khách hàng cần chọn mật khẩu đúng cách cho tài khoản cá nhân của mình: phải có hơn 10 ký tự, mật khẩu cần chứa các ký tự đặc biệt, chứa số và chữ cái, chữ hoa và thường; không sử dụng thông tin cá nhân làm mật khẩu, không dùng mật khẩu là các dòng chữ, số dễ nhớ và đơn giản, không sử dụng chung một mật khẩu cho nhiều dịch vụ trực tuyến – vốn là thói quen của nhiều người đang dùng internet tại Việt Nam. Nên thay đổi mật khẩu ít nhất 2 tháng/lần.
Có thể hacker đã xâm nhập được hệ thống của khách hàng nhưng họ chờ thời cơ hợp lý để tấn công. Cách để biết máy tính của mình có bị chèn mã độc hay không chính là quét vi-rút; nên quét vi-rút bằng các chương trình có bản quyền như Kaspersky, Bkav, AVG, Avast; tuyệt đối không truy cập vào các website lạ, không cài các chương trình, phần mềm không rõ nguồn gốc.
Ông Tín khuyên, tuyệt đối không lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thẻ trên các thiết bị điện tử, website; chỉ nên truy cập tài khoản ngân hàng trên thiết bị điện tử quen thuộc, không nên truy cập và thực hiện giao dịch trên các thiết bị lạ; không lưu các thông tin mật khẩu tại trình duyệt của mình (không nên chọn các phương thức “đăng nhập lần sau”, “lưu mật khẩu”).
Một việc rất quan trọng là thường xuyên cập nhật các phiên bản vá lỗi của các nhà cung cấp phần mềm, điều đó giúp máy tính chặn được các lỗ hổng mà hacker thường lợi dụng…