Trải Nghiệm Số chia sẻ kinh nghiệm chơi Cyberpunk 2077 cho bạn nào lần đầu trải nghiệm tựa game nhập vai thiên về câu chuyện kể hấp dẫn này.
Cyberpunk 2077 là game nhập vai góc nhìn thứ nhất lấy bối cảnh hư cấu tại Night City. Xem thêm bài kinh nghiệm chơi game Cyberpunk 2077: lựa chọn lifeapth nếu bạn cần hướng dẫn “khởi nghiệp”. Bài viết này chỉ hướng dẫn những điều mà bạn nên lưu ý để tránh làm hỏng trải nghiệm vì “dục tốc bất đạt”.
Đừng quên ‘Quick Save’
Chiến đấu trong Cyberpunk 2077 mang nhiều nét giống Deus Ex khi trao cho bạn rất nhiều hướng tiếp cận. Chính vì vậy mà Quick Save khá quan trọng, nhất là trong những tình huống bạn muốn thử nghiệm kế hoạch tác chiến mới. Đơn cử như cùng một tình huống, hãy thử tiếp cận bằng phương pháp hành động lén lút hoặc hack vào môi trường màn chơi, bạn sẽ thấy đó là hai trải nghiệm rất khác. Khi đó, đừng quên mở menu lên và nhấn F5/□/Y tương ứng với thiết bị điều khiển của mỗi hệ máy để thực hiện Quick Save trước khi “hành động”.
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh
Đừng chia đều điểm thuộc tính để tạo nên nhân vật “văn võ song toàn” vì bạn sẽ gặp rắc rối to trong trải nghiệm game. Thay vào đó, hãy tập trung từ một đến hai chỉ số thuộc tính mà bạn cảm thấy hào hứng và phù hợp với lối chơi cá nhân nhất. Đơn cử như bạn có thể tập trung vào Technical Ability và Intelligence để “chuyên tâm” làm hacker và hành động lén lút. Thích làm rambo thì cộng điểm chủ yếu cho Body hoặc Reflexes và chỉ dành ít điểm “sơ cua” cho các thuộc tính khác.
Tương tự, Body và Technical Ability giúp bạn “bẻ khóa” gần như mọi cánh cửa v.v…, khá hữu dụng trong nhiều tình huống trải nghiệm khi gặp trở ngại lớn nhất là không mở được cửa theo cách thông thường. Tuy không liên quan lắm khi đề cập ở đây, nhưng nếu hay chế đồ thì bạn đừng quên mở khóa kỹ năng (perk) Mechanic trong cây kỹ năng Crafting. Nó giúp bạn hưởng lợi khi rã (disssemble) trang bị và nhận về nhiều tài nguyên chế đồ hơn.
Đừng quá tập trung vào các nhiệm vụ chính
Lý do là vì các nhiệm vụ chính có thời lượng chơi tương đối ngắn. Đồng thời, các nhiệm vụ phụ ngoài việc có nội dung khá hấp dẫn, mở rộng cốt truyện chính thì còn có ảnh hưởng đến các kết thúc vào cuối trải nghiệm. Hai lý do nói trên có lẽ đủ để thuyết phục bạn đừng vội chạy đua thời gian để hoàn thành tuyến nhiệm vụ chính và đi đến kết thúc game.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà bạn nhận được trong trải nghiệm Cyberpunk 2077 có tên là The Gig. Đây là nhiệm vụ vô cùng đơn giản và cũng chẳng phải chiến đấu gì cả. Bạn chỉ cần tham gia các nhiệm vụ chính cho đến khi nhận được thông báo trên điện thoại về tình trạng ‘lockdown’ ở quận Watson đã được dở bỏ. Khi đó, hãy đến gặp nhân vật Wakado Okada ở khu Jig-Jig để hoàn hành nhiệm vụ nói trên và nhận về 3000 Eddies. Wakado sẽ giới thiệu bạn đến ripperdoc Cassius Ryder và nhận cyberware miễn phí Tattoo: Tyger Claws Dermal Imprint từ ripperdoc này cho phép dùng Smart Gun.
Một nhiệm vụ khác cũng nên làm sớm nhất có thể là Paid in Full. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi bạn phải trả nợ cho ripperdoc Viktor 21000 Eddies để đổi lấy quyền “được mua” các cyberware vô cùng xịn xò của nhân vật này. Nếu chịu khó kiếm tiền, bạn nên mua cyberware Kerenzikov gắn cho Nervous System từ ripperdoc này khi có thể. Nó làm chậm thời gian mỗi khi bạn né tránh và vô cùng hữu ích trong nhiều tình huống chiến đấu, nhất là khi đối mặt với những con boss khó nhằn như Sasquatch.
Đừng quên ghé các Ripperdoc để nâng cấp cyberware
Viktor không phải là ripperdoc duy nhất trong Night City. Bạn có thể mở bản đồ lên và tìm kiếm vị trí của rất nhiều ripperdoc khác trong thành phố về sau. Mỗi ripperdoc sẽ có những nâng cấp cyberware khác nhau cho bạn với mức giá không mấy hữu nghị. Một trong những cyberware đáng đồng tiền bát gạo nhất mà bạn không nên bỏ qua là các Reinfored Tendons giúp bạn nhảy hai bước và Fortified Ankles giúp nhân vật nhảy “siêu” cao. Cả hai giúp bạn đỡ mất thời gian leo cầu thang, trong khi nếu gặp biến cố trong chiến đấu thì cũng dễ dàng tẩu thoát hơn.
Tuy nhiên, trước khi mua cyberware bất kỳ khi bắt đầu bước vào trải nghiệm phần cốt truyện chính, bạn nên để dành tiền và nâng cấp Operating System đầu tiên để tăng khả năng hack của nhân vật. Ban đầu, bạn chỉ có lượng RAM rất hạn chế và ba chế độ hack, nên nếu “bể kế hoạch” chiến đấu ban đầu thì cũng khá căng. Ngay cả khi không muốn làm hacker thì việc có nhiều RAM nhờ vào nâng cấp Operating System sớm cũng giúp bạn tương tác với môi trường tốt hơn, giúp việc gài bẫy kẻ thù hay tận dụng các cơ chế gameplay mang đến trải nghiệm tốt hơn. Hãy cân nhắc kỹ!
Làm giàu không khó
Dễ nhất là cứ loot tất tần tật những thứ bạn thấy trong trải nghiệm. Không ‘disassemble’ nó để làm tài nguyên chế đồ thì cũng có thể bán, kiếm ít tiền lẻ từ các máy bán hàng tự động khắp Night City. Chế đồ mang bán cũng là một cách kiếm được nhiều tiền hơn nhưng tốn của bạn không ít thời gian. Ngoài ra, bạn cũng có thể hoàn thành các nhiệm vụ GIG và NCPD để kiếm thêm tiền. Để biết có nhiệm vụ GIG hay NCPD nào gần nhất, hãy mở bản đồ và tìm biểu tượng nhiệm vụ đặc trưng trong các khu vực xung quanh. Các nhiệm vụ này rất nhiều và thưởng tiền cho bạn khá hậu hĩnh.
Một cách khác không kém phần thú vị là hack vào các máy tính hay Access Point mà bạn tiếp cận trong quá trình làm nhiệm vụ và “rút” tiền từ đó. Để làm tốt điều này, bạn có thể mở cây kỹ năng Breach Protocol trong thuộc tính Intelligence và mở khóa kỹ năng Advanced Datamine càng sớm càng tốt. Nếu gặp khó khăn trong tìm kiếm Access Point, bạn có thể mở khóa thêm kỹ năng Extended Network Interface trong cây kỹ năng nói trên để hỗ trợ. Bạn cũng có thể cân nhắc mở khóa thêm kỹ năng Datamine Mastermind rất hữu dụng, giúp chế tạo vật phẩm đặc biệt dễ dàng hơn.
Nhưng đừng phí tiền vào các trang bị đắt tiền
Ở đầu trải nghiệm, bạn rất dễ bị hấp dẫn bởi các trang bị đắt tiền từ các shop. Tuy cũng có vài món nhìn ngầu thật, nhưng ở thời điểm này thì bạn thăng cấp rất nhanh khiến trang bị xịn và đắt tới đâu cũng sớm trở nên vô dụng. Đó là chưa kể mỗi khi bạn thăng cấp và quay lại shop, những vật phẩm này cho dù là đồ legendary thì vẫn nằm yên ở đó mời gọi bạn chi tiền, chỉ khác là món đồ đó sẽ có thuộc tính và chỉ số khác nhau theo cấp độ hiện tại của bạn. Tất nhiên cấp độ nhân vật càng cao thì món đồ đó càng tốn nhiều tiền hơn để sở hữu.
Hy vọng những kinh nghiệm do Trải Nghiệm chia sẻ ở trên hữu ích cho bạn trong trải nghiệm Cyberpunk 2077.