Trải Nghiệm Số chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong trải nghiệm Call of Duty: Warzone dành cho những ai mới lần đầu trải nghiệm tựa game này.
Call of Duty: Warzone là tựa game battle royale hấp dẫn và kịch tính, nhưng cũng không hề dễ dàng với những ai không quen với lối chơi đặc trưng của thể loại này. Những kinh nghiệm được Trải Nghiệm Số chia sẻ bên dưới hy vọng sẽ giúp ích cho những bạn nào lần đầu đến với trò chơi.
Đừng vội bỏ cuộc khi thấy đồng đội “bay màu”
Khác với nhiều cái tên battle royale trên thị trường, Call of Duty: Warzone có chút cải biên trong việc trao cho người chơi “cơ hội tái sinh” thứ hai hay thậm chí thứ ba thông qua hai hệ thống. Một là nhà tù cách ly gọi là Gulag dựa vào kỹ năng của người chơi và hai là các Buy Station đặt rải rác trong màn chơi phụ thuộc vào độ “rich kid” của đồng đội.
Do vậy, nếu thấy đồng đội “văng hết đồ”, đừng nghĩ “thôi toang rồi” hay vứt bàn phím và chuột hoặc tay cầm ngay và luôn. Thay vào đó, hãy cổ vũ tinh thần chiến đấu 1v1 trong Gulag hoặc sử dụng tiền trong game mà bạn có để hồi sinh họ. Tất nhiên để làm được điều này thì phải cẩn thận trước những đối thủ thù địch khác có thể rình mò để “úp sọt” bạn ở những vị trí Buy Station rồi đó.
Ping nhiệt tình vào
Nếu từng chơi Apex Legends, Fortnite, Gears 5 hay những tựa game bắn súng nào trong khoảng một năm nay, có lẽ bạn cũng không lạ gì hệ thống Ping. Nó giúp người chơi dễ dành đánh dấu một địa điểm, vị trí, vũ khí hay kẻ thù cho đồng đội thấy. Call of Duty: Warzone cũng có tính năng này, giúp bạn dễ dàng tương tác với đồng đội ngay cả khi bất đồng ngôn ngữ hoặc không sử dụng voice chat. Thậm chí dù bạn có dùng voice chat thì sử dụng ping vẫn nhanh hơn. Đó là lý do mà bạn hãy tận dụng triệt để tính năng này.
Cố định (mount) súng
Mount là một hành động để gắn cố định vũ khí của bạn vào một vật thể trong môi trường màn chơi. Mặc dù trong nhiều trường hợp thì khả năng chiến đấu cơ động quan trọng hơn, nhưng sẽ có những tình huống mà bạn cần mount vũ khí để giảm độ giật khi bắn, đồng nghĩa tăng khả năng bắn chính xác. Đây là tính năng khá hữu dụng, đôi khi có thể trở thành khoảnh khắc sinh tử trong những cuộc đụng độ với kẻ thù. Vấn đề là việc mount vũ khí rất dễ bị lãng quên trong trải nghiệm nên hãy tập thói quen sử dụng tính năng này trước khi cần. Nó đặc biệt hữu dụng với những bạn nào lười di chuyển mà chỉ thích camp.
Săn thưởng với các Bounty và Scavenger Contract
Contract là những nhiệm vụ phụ mà bạn và đồng đội có thể nhận trên chiến trường để kiếm thêm “tiền tiêu vặt” và “đồ hàng”, chia làm hai loại là Scavenger và Bounty. Hoàn thành Scavenger Contract thưởng cho bạn tiền và chiến lợi phẩm, khá quan trọng trong việc “triệu hồi người chết”. Không những vậy, bạn còn được thưởng một mớ thùng đồ.
Bounty Contract như cái tên của nó là nhiệm vụ săn thưởng. Các nhiệm vụ này sẽ cảnh báo vị trí “đối tượng truy nã” mà bạn cần “săn đầu”. Hoàn thành nhiệm vụ để nhận được thưởng là chuyện không phải bàn cãi, nhưng ngay cả khi bạn không có nhu cầu săn thưởng vì sắp hết đạn hay bất kỳ lý do gì, đó cũng là một cách hữu hiệu giúp bạn biết vị trí “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để không dính vào.
Loadout
Nếu bạn hay tham gia các chế độ chơi multiplayer trong các game bắn súng, có lẽ không lạ gì loadout. Đây là một loạt những trang bị tùy biến giúp người chơi chọn nhanh trước khi “thực chiến”, cực kỳ hữu dụng nếu bạn mở khóa được vũ khí với “hàng xịn”. Tuy nhiên, trong chiến trường Call of Duty: Warzone thì lợi ích thật sự của loadout là perk mang tính hỗ trợ cho nhân vật. Đơn cử như tăng tốc độ hồi sinh đồng đội hay chạy nhanh hơn v.v… mang đến lợi thế khá lớn cho người chơi ngay cả khi bạn không có súng ngon.
Tất nhiên, bạn phải dùng tiền trong game để mua loadout và bất kỳ ai trên chiến trường cũng thấy loadout được thả xuống. Vấn đề ở chỗ cái giá của nó thật sự rất đáng nếu xét về yếu tố rủi ro và phần thưởng, nhất là khi bạn không hài lòng với vũ khí kiếm được hiện tại. Vậy thì ngại gì mà không mua hay thậm chí đi cướp của người chơi khác? Tuy nhiên cũng cần thận trọng vì đối thủ cũng có thể mua loadout làm “chim mồi” dụ bạn tới “ăn kẹo đồng” đấy nhé. Giang hồ hiểm ác lắm!
Chú ý pháo sáng khi đang “redeployment”
Được đồng đội hồi sinh từ Buy Station (trong game gọi là redeployment) rất dễ khiến bạn quá hào hứng mà quên đi nguy hiểm vẫn cận kề khi đang nhảy dù quay trở lại chiến trường. Đừng quên là kẻ thù có thể phát hiện và bắn tỉa ngay khi bạn đang nhảy dù xuống trong trường hợp này. Thế nên, nếu không muốn đồng đội tốn tiền vô nghĩa và bị ăn chửi, hãy chú ý đến pháo sáng bắn lên trời khi họ hồi sinh bạn bằng cách này.
Pháo sáng thường được bắn từ vị trí Buy Station mà đồng đội mua hồi sinh cho bạn, nhưng vấn đề là tất cả mọi người khác trong “đấu trường sinh tử” đều có thể thấy nó “tỏa sáng”. Địch thủ có thể dùng nó để tìm ra nơi tiếp đất và vị trí của đồng đội bạn, từ đó dễ dàng “úp sọt” cả đội. Thế nên hãy cân nhắc trước khi quyết định tiếp đất chỗ pháo sáng hay “hạ cánh an toàn” ở một vị trí khác rồi đoàn tụ với đồng đội sau nhé.
“Fairplay” với đồng đội và đừng tiêu tiền như rich kid
Trang bị tận răng cho nhân vật có lẽ là điều mà ai cũng muốn làm trong bất kỳ tựa game battle royale nào. Thế nhưng, đừng quên đồng đội sẽ là cứu cánh của bạn trong những tình huống không mong muốn. Do vậy, đừng giành hết đồ ngon cho nhân vật của mình mà hãy biết “nhường cơm sẻ áo” cho đồng đội. Quan trọng không kém là “tiền bạc sòng phẳng” chứ đừng hốt hết về túi riêng, để ai cũng có đủ tiền dùng Buy Station hồi sinh nhau khi cần. Chưa kể chia nhau lượm tiền vẫn nhanh hơn một người “thui thủi” làm.
Áp dụng tương tự cho vũ khí, giáp và vật phẩm các thứ để đồng đội có thể hỗ trợ bạn khi cần và ngược lại. Đừng quên một đồng đội với trang bị “cùi” sẽ là gánh nặng cho cả đội, điều mà bạn không bao giờ muốn nó xảy ra, nhất là khi trận chiến trở nên cao trào.