KARMA: The Dark World là game kinh dị tâm lý, được xây dựng lối chơi “mô phỏng đi bộ” với góc nhìn thứ nhất do Pollard Studio LLC phát triển. Trò chơi gây ấn tượng với phong cách nghệ thuật và nền đồ họa tận dụng những công nghệ mới nhất của Unreal Engine 5. Thế nhưng cốt truyện có tính ẩn dụ cao được kể với nhịp độ thiếu cân bằng, thậm chí ngắt quãng đột ngột, ít nhiều để lại cảm giác khá khó chịu.
Đáng nói, KARMA: The Dark World có mở đầu gợi rất nhiều sự tò mò. Nhân vật chính tỉnh dậy trong một gian phòng ở bệnh viện với mọi thứ bắt đầu hư ảo khó lường. Người chơi sẽ gặp một đống xác chết giống nhau rất đáng ngờ và tiếp cận một người ngồi xe lăn, nói những điều mà bạn chẳng hiểu rồi xích bạn vào ghế và lẩm bẩm gì đó trước khi đưa bạn đến một thế giới khác: Đông Đức vào năm 1984 nhưng không phải trong lịch sử mà ở dòng thời gian hoàn toàn mới.
Đấy là dystopia do tập đoàn Leviathan với biểu tượng hình con mắt cai trị, nơi mà tất cả đều bị giám sát, thậm chí đầu độc tâm trí để gieo vào mọi con người nơi đó những nỗi sợ hãi vô hình. Đó cũng là bối cảnh của trò chơi. Tôi không nghĩ thời điểm năm 1984 là một lựa chọn ngẫu nhiên của nhà phát triển đóng đô tại Thượng Hải, Trung Quốc này. Vì cốt truyện có nhiều ý tưởng gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn George Orwell người Anh.
Trải nghiệm KARMA: The Dark World đưa người chơi vào vai Daniel McGovern, một đặc vụ thực địa được giao nhiệm vụ điều tra các vụ án bằng cách “chui vào” tâm trí của các nghi phạm. Ý tưởng này không mới vì tôi lập tức nghĩ ngay đến cuộc điều tra của Daniel Lazarski trong trải nghiệm Observer. Với lối chơi ‘walking simulator‘, không có gì lạ khi trò chơi được xây dựng cơ chế gameplay khá đơn giản và tuyến tính.
Cốt truyện trong game được chia thành 3 act với thời lượng chơi trên dưới 8 tiếng. Đây là một khoảng thời gian không dài nhưng đáng tiếc ở act cuối, biên kịch có vẻ đã hụt tay trong việc chấp bút câu chuyện kể cuốn hút từ đầu đến phút cuối, khiến tôi không tránh khỏi cảm giác thất vọng. Thậm chí cũng không sai khi nói cốt truyện của trò chơi đang có rất nhiều tiềm năng khai thác mở rộng trong hai act trước đó, nhưng mọi thứ sụp đổ từ chính act 3.
Khía cạnh giải đố trong KARMA: The Dark World cũng không hẳn là điểm cộng của trò chơi. Tất cả đều là những câu đố logic đơn giản với những gợi ý rất cụ thể, trừ khi bạn không chịu khó đọc các ghi chú thu thập được. Bên cạnh đó, gọi đây là một tựa game kinh dị cũng không chính xác vì trải nghiệm game mang nhiều cảm giác ly kỳ, rùng rợn hơn. Phần lớn thời gian trải nghiệm kể về bi kịch của một cá nhân, xen kẽ với các câu đố đơn giản.
Không những vậy, những cơ chế giải đố này còn được tái sử dụng trong suốt thời lượng chơi, ít nhiều để lại cho tôi cảm giác mọi thứ hơi lan man. Từ câu chuyện kể cho đến khía cạnh giải đố, dù cái kết cũng cố gắng giải thích hầu hết những khúc mắc của người chơi. Chỉ là cảm giác chúng được phân chia thiếu liền mạch một cách không cần thiết trong trải nghiệm game. Nhà phát triển lẽ ra có thể làm tốt hơn thế.
Giải đố lại là một câu chuyện khác. Mặc dù các câu đố trong KARMA: The Dark World khá đơn giản, nhưng có không ít câu đố đòi hỏi thu thập vật phẩm lại được thiết kế phiền phức, đòi hỏi rất nhiều công sức của người chơi. Cụ thể, vật phẩm thu thập để giải những câu đó đố dạng này thường buộc bạn phải vòng qua vòng lại ở các nơi đã từng tương tác trước đó, nhưng chưa được phép thu thập vật phẩm khi chưa “kích hoạt” những câu đố nói trên.
Thay vào đó, điểm cộng đáng chú ý nhất của KARMA: The Dark World là khía cạnh nghe nhìn. Chất lượng đồ họa chân thực được dựng từ Unreal Engine 5 và tận dụng cả Lumen lẫn Nanite, mang đến những khung cảnh vô cùng ấn tượng không chỉ toàn cảnh mà cả những tiểu tiết khác. Đơn cử bạn có thể thấy rõ các vết trầy xướt trên một số đồ vật được dùng làm manh mối cho cuộc điều tra của nhân vật chính, thậm chí đọc được rõ chữ in trên gáy sách nữa.
Tông màu cũng được đội ngũ phát triển khá chú trọng nhằm phản ánh âm trạng của nhân vật. Thiết kế này còn kết hợp với nhạc nền được sáng tác phù hợp bầu không khí của câu chuyện kể. Những bản nhạc trong trải nghiệm KARMA: The Dark World mang đến cho người chơi một cảm giác bất an, vừa mơ hồ vừa rõ nét mỗi khi nhân vật chính gặp nguy hiểm. Chúng cũng góp phần làm tăng sự kịch tính trong những khoảnh khắc khác nhau của trải nghiệm game lẫn câu chuyện kể.
Sau cuối, KARMA: The Dark World mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn góc nhìn thứ nhất gây ấn tượng mạnh ở khía cạnh nghe nhìn, đặc biệt là đồ họa. Trò chơi được xây dựng lối chơi thiếu cân bằng. Cốt truyện mang nhiều màu sắc ẩn dụ nhưng hai act đầu đang làm khá tốt thì đến act cuối lại có cảm giác vội vã, cắt ngang đột ngột, ít nhiều cũng để lại cảm giác không thỏa mãn vào cuối trò chơi.
KARMA: The Dark World hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!