Đánh giá game Iron Danger

Đăng bởi: Ngày: 13/09/2023

Trong khi dòng game nhập vai với lối chơi khám phá hầm ngục đang dần trở nên na ná nhau trên thị trường, “đứa con tinh thần” Iron Danger của nhà phát triển Action Squad Studios lại khá thành công với vài ý tưởng tạo khác biệt. Điều thú vị là trò chơi chỉ do một đội ngũ phát triển indie nhỏ xây dựng nên, mang cảm hứng từ văn hóa Phần Lan và vận dụng tài tình cơ chế điều khiển thời gian tương tự Timelie. Hệ thống chiến đấu độc đáo này còn có sự hậu thuẫn của phong cách đồ họa lạ lẫm, dù cũng đi kèm một vài vấn đề về hiệu năng trong trải nghiệm.

Trong vai nhân vật nữ Kipuna với khả năng điều khiển thời gian, người chơi sống cùng nhân vật trong cuộc chiến giữa người dân Kalevala và thế lực đối đầu do nữ hoàng Lowhee dẫn dắt. Trò chơi gây ấn tượng với hệ thống chiến đấu mang chút cảm giác phi tuyến tính, cho phép người chơi tùy cơ ứng biến theo tình huống nhất định. Chẳng hạn, bạn có thể chọn hành động lén lút nhằm chủ động tránh những cuộc đụng độ không cần thiết hoặc giải pháp đao to búa lớn thông qua tấn công trực diện, tận dụng khả năng thao túng thời gian của nhân vật chính.

Đánh giá game Iron Danger

Cụ thể, chiến đấu trong Iron Danger sử dụng hệ thống chiến đấu theo lượt kết hợp cùng yếu tố thời gian thật. Người chơi có thể tua ngược thời gian trong trận chiến và vận dụng nó để thay đổi cục diện trận đấu theo hướng có lợi cho Kipuna. Tương tự Superhot, thời gian chỉ tịnh tiến khi nhân vật di chuyển và hơn thế nữa. Một thanh đại diện cho thời gian sẽ hiển thị ở góc dưới cùng màn hình và chia thành những khoảnh khắc khác nhau, cung cấp cho người chơi đầy đủ thông tin về các sự kiện đang diễn ra trong riêng khoảnh khắc đó.

Mô tả tuy phức tạp về mặt lý thuyết nhưng kỳ thực rất đơn giản trong trải nghiệm chiến đấu thực tế. Đơn cử khi Kipuna bị kẻ thù tấn công, người chơi có thể tìm lại trước thời khắc đó và thay đổi nó bằng hành động cản phá tương ứng, chẳng hạn đỡ đòn hoặc né tránh miễn sao đúng khoảnh khắc và thời điểm. Đọc đến đây bạn đừng vội nghĩ chiến đấu trong Iron Danger có vẻ đơn giản vì kỳ thực ngược lại là khác. Đó là khi nhân vật chính bị kẻ thù đánh hội đồng và điều này diễn ra rất thường xuyên trong trải nghiệm chiến đấu.

Chưa kể kẻ thù trong game cũng hay có những hành động rất khó đoán, khiến chiến đấu nhiều lúc mang cảm giác như trải nghiệm giải đố hơn. Thậm chí trong nhiều trường hợp, người viết tuy đã tua đi tua lại thời gian vài lần nhưng vẫn không thể thoát được cú nhảy bổ bất ngờ của kẻ thù vào Kipuna vì rất khó tính toán được đúng thời khắc chính xác. Nói cách khác là tính thử thách của Iron Danger khá cao và bất nhất, không có sự tăng dần hợp lý để người chơi làm quen như thường thấy mà mang nhiều cảm giác ngẫu nhiên hơn.

Phải đến tận khi trải nghiệm game với thời lượng đủ nhiều, người viết mới có thể “bắt bài” được AI của kẻ thù và tương kế tựu kế để “dẹp loạn” chúng trong chiến đấu. Một phần còn do hệ thống kỹ năng của Kipuna ngày càng mở rộng hơn về sau, cộng với sự kết hợp những kỹ năng riêng của các nhân vật điều khiển khác có tính hỗ trợ khá tốt. Tuy vậy, những kỹ năng này đều có thời gian cooldown nên chiến đấu thường đòi hỏi chiến thuật cẩn thận từ người chơi và có phần hơi hardcore, thay vì mang nhiều cảm giác casual.

Đánh giá game Iron Danger

Thế nhưng, kết quả sau cuối lại là cảm giác rất thỏa mãn một khi bạn bắt nhịp với cơ chế quay ngược thời gian của Iron Danger. Thậm chí trong nhiều trường hợp khi nhân vật trúng sát thương không nguy kịch, người viết vẫn khó tránh khỏi cảm giác muốn trận chiến trở nên hoàn hảo hơn. Điều đó đồng nghĩa bạn có thể bắt đầu lạm dụng cơ chế này chỉ để thử nghiệm nhiều chiến thuật khác nhau. Điều này đặc biệt đúng khi trải nghiệm chiến đấu được thiết kế dành nhiều không gian cũng như hiểm họa từ môi trường cho bạn thử nghiệm.

Kỳ thực, do đội ngũ phát triển xây dựng rất nhiều yếu tố môi trường màn chơi để bạn tận dụng làm lợi thế cho phe ta. Người viết đã chứng kiến không hiếm tình huống gậy ông đập lưng ông từ chính đồng bọn của kẻ thù khi đối mặt chúng. Những khoảnh khắc như thế mang đến cảm xúc rất khó tả, bất chấp việc để tạo được trận chiến hoàn mỹ như thế đòi hỏi người chơi phải tua đi tua lại thời gian rất nhiều lần trong những khoảnh khắc cực ngắn. Tôi chỉ hơi tiếc là Iron Danger không cho bạn xem lại toàn bộ trận chiến như Phantom Brigade.

Thay vào đó, trò chơi chỉ đưa bảng tổng kết “tình hình chiến sự” sau khi người chơi hoàn thành nhiệm vụ hiện tại. Tôi không biết nên xem đây là điểm cộng hay điểm trừ vì những thông tin này không thật sự cần thiết cho trải nghiệm game. Chúng chỉ mang tính chất thông báo chứ không còn mục đích nào khác trong Iron Danger. Một điểm trừ nhỏ là đồng đội của Kipuna thiếu chiều sâu và không để lại dấu ấn gì đáng nhớ, ngoài việc họ không chỉ hạn chế về lớp nhân vật mà cả kỹ năng lẫn yếu tố tương tác cũng rất giới hạn.

Khía cạnh nghe nhìn, đặc biệt là nhạc nền cũng mang đến ấn tượng tương xứng với cơ chế gameplay độc đáo, nhưng phần lồng tiếng để lại cho người viết cảm nhận khá trái chiều. Tông màu của Iron Danger gợi nhiều cảm giác đến Diablo III và được thiết kế khá phù hợp với cốt truyện game. Các nhân vật tuy được lồng tiếng nhưng chỉ trong những câu thoại quan trọng thay vì toàn bộ, ít nhiều tạo chút cảm giác khó chịu khi đọc những lời thoại chỉ có giọng cảm thán và không phù hợp với biểu cảm của nhân vật trong hoàn cảnh đó.

Đánh giá game Iron Danger

Sau cuối, Iron Danger mang đến một trải nghiệm nhập vai khám phá hầm ngục khá độc đáo. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là lối chơi sáng tạo và không đặt nặng yếu tố nhập vai, nhưng đây cũng đồng thời là điểm trừ của game với những người chơi kỳ cựu của thể loại này. Tuy không phải trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ về mặt ý tưởng, nhưng đây chắc chắn là cái cái tên đáng cân nhắc cho thư viện game của bạn.

Iron Danger hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và Xbox Series X|S.

Iron Danger
Iron Danger
Developer: Action Squad Studios
Price: $ 19.99
Iron Danger
Iron Danger
Price: $19.99

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.