Idol Manager là game mô phỏng quản lý nổi bật với ý tưởng độc đáo và lối chơi phức tạp. Trải nghiệm game đưa bạn đến với công việc đầy rủi ro và căng thẳng của nghề quản lý thần tượng, tưởng không khó ai ngờ khó không tưởng. Người chơi bắt đầu khởi nghiệp với việc đặt tên công ty, chọn người tham gia thử giọng đến quyết định ai là vedette khi ra mắt bài hát mới và hơn thế nữa. Bạn toàn quyền quyết định mọi hoạt động. Thế nhưng, đó chỉ mới là bước vạn sự khởi đầu nan.
Nếu từng gặp những hình ảnh người hâm mô phát cuồng vì thần tượng, bạn sẽ hiểu vì sao trải nghiệm Idol Manager hấp dẫn ở chiều ngược lại. Trò chơi khắc họa khá chân thật rất nhiều tình huống mà người chơi phải đối mặt. Từ những người hâm mộ cuồng nhiệt quá mức đến vô văn hóa cho đến sự ganh ghét lẫn nhau giữa những thần tượng của cùng công ty quản lý. Trải nghiệm game cũng hé lộ những góc khuất của công việc thần tượng đủ khiến người viết không thoải mái.
Idol Manager có hai chế độ chơi “theo cốt truyện” Story và “chơi sao cũng được” Free Play với không nhiều khác biệt ngoài yếu tố câu chuyện kể. Trong Story, người chơi sẽ có những mục tiêu phải hoàn thành và đối thủ canh tranh với những chiêu trò trong showbiz mà bạn phải vượt qua. Trong đó, khía cạnh cốt truyện được diễn giải theo kiểu visual novel và gắn kết mọi thứ với nhau. Chế độ Free Play cũng mang tới trải nghiệm tương tự nhưng loại bỏ yếu tố câu chuyện kể.
Đáng chú ý, chế độ chơi Story còn kèm theo hướng dẫn cơ bản, giúp người chơi mới làm quen với các cơ chế gameplay và thực tập công việc quản lý. Bỏ qua phần tutorial, trải nghiệm Idol Manager đưa người chơi chơi đối mặt với thực tế khắc nghiệt của việc điều hành công ty. Yếu tố then chốt quyết định cho sự thành công hay phá sản nằm ở hai khía cạnh quản lý: tiền và điều kiện sức khỏe của các thần tượng. Bạn phải đi lên từ con số không với lượng người hâm mộ gần như không có.
Ít người hâm mộ đồng nghĩa số tiền kiếm được rất ít cho các công việc liên quan đến biểu diễn và quảng bá của các thần tượng do công ty bạn quản lý. Do vậy, điều đầu tiên bạn phải làm là tìm cách tăng lượng người hâm mộ và cách nhanh nhất là làm việc quần quật như trâu đúng nghĩa đen. Ban đầu chỉ là những công việc nhỏ như chụp ảnh nhưng khi có lượng người hâm mộ nhất định và khả năng tài chính, bạn có thể thử sức với quay quảng cáo thương mại hay chạy gameshow v.v…
Tuy mô tả có vẻ quá dễ dàng nhưng kỳ thực trải nghiệm Idol Manager rất thử thách. Tay mơ như người viết vào làm chỉ không lâu sau đã khiến bao nhiêu công ty thần tượng phá sản, không đủ khả năng chi trả cho nhân viên và hoạt động. Nguyên nhân là do công ty cần lượng nhân sự rất lớn, từ người quản lý đến các chuyên gia về sức khỏe, trang phục và phát triển chuyên môn. Đó là những khoản chi cố định mà bạn phải tìm mọi cách để kiếm được nhiều hơn con số đó.
Tiền tuy rất cần thiết nhưng sức khỏe của các thần tượng cũng quan trọng không kém. Về cơ bản, mỗi thần tượng do công ty bạn quản lý đều có lượng thể lực nhất định. Tất cả hoạt động như chụp ảnh cho tạp chí hay đóng phim đều khiến họ mất sức rất nhanh. Đó là chưa kể những khoảng thời gian tập luyện nâng cao tay nghề, khiến bạn gần như mất trắng khoản thu từ các thần tượng trong khi vẫn phải trả các khoản chi phí cao ngất ngưỡng cho hoạt động và đội ngũ quản lý.
Đã vậy, người chơi còn phải lắng nghe những tâm tư của mỗi thần tượng về bản thân, công việc, mối quan hệ chị chị em em và đặc biệt là con đường thăng tiến của họ. Nếu bạn để nhân viên làm việc quá sức hoặc bị chấn thương, thiệt hại còn nặng nề hơn vì có thể khiến họ phải nghỉ dưỡng không có bất kỳ hoạt động nào suốt cả tháng trời. Đó là những tình huống tuy hết sức đời thường, nhưng luôn khiến người viết đau đầu dù sợi dây rút kinh nghiệm rất dài rồi.
Trong Idol Manager, các thần tượng chẳng khác nào thứ tài sản để khai thác đến tận cùng và sa thải khi không còn giá trị sử dụng. Mặt trái của cái nghề này rất kinh khủng, dù người viết tin rằng trải nghiệm game chưa thể khắc họa hết những góc khuất của nghề. Đơn cử như thu âm bài hát mới. Trò chơi không cho bạn nghe những bài hát các thần tượng biểu diễn hay trực tiếp xem họ nhảy. Thay vào đó, nhiệm vụ của người chơi là sản xuất thứ âm nhạc giàu hình ảnh và phù hợp số đông.
Chúng ta gọi đó là thứ âm nhạc thị trường. Nói cách khác là muốn “ăn nên làm ra” với công việc quản lý trong Idol Manager, bạn phải tuyển những cô gái trẻ với chỉ số xinh đẹp và gợi cảm cao, trong khi những chỉ số khác như IQ thì không cần thiết và cũng không mấy quan trọng. Thế nhưng khi đạt đến độ tuổi “chín” của nghề, yếu tố “nhất dáng nhì da” đó cũng tàn theo mỗi dịp sinh nhật. Đó cũng là lúc bạn “thay máu” dàn thần tượng lâu năm để đổi lấy những cô gái trẻ đẹp hơn.
Ở góc độ người chơi, Idol Manager xây dựng câu chuyện kể khá tốt với nhiều sự kiện diễn ra trong suốt trải nghiệm game và lồng ghép vào nhiều thông tin thú vị. Chúng giúp người chơi ngoại đạo của ngành công nghiệp này hiểu thêm về văn hóa thần tượng và giới showbiz. Tuy khai thác chung đề tài nhưng trò chơi chọn hướng đi hoàn toàn khác, không tập trung vào yếu tố fan service như tựa game mô phỏng thần tượng kết hợp yếu tố nhập vai Omega Quintet.
Bên cạnh mức độ thử thách cao, vấn đề lớn nhất của Idol Manager là cơ chế điều khiển bằng tay cầm thiếu trực quan và rất vụng về. Thay vì chuyển đổi thao tác điều khiển sang cầm một cách hợp lý như Project Highrise: Architect’s Edition, nhà phát triển lại chọn giải pháp mô phỏng thao tác di chuột của bản PC. Đáng nói, trò chơi có rất nhiều góc chết khiến việc tương tác bằng con trỏ chuột ảo vô cùng khó khăn và gây ức chế. Đó là chưa kể các cửa sổ tương tác được thiết kế rất nhỏ chỉ phù hợp điều khiển bằng chuột.
Tuy nhà phát triển cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép điều chỉnh tốc độ con trỏ trong phần thiết lập, nhưng tốc độ tối đa của nó cũng vẫn để lại cho người viết không ít cảm giác ức chế khi kết hợp trải nghiệm game không kém phần thử thách. Idol Manager phiên bản Switch cũng không hỗ trợ điều khiển bằng cảm ứng ở chế độ chơi handheld, trong khi người viết tin rằng tính năng này góp phần không nhỏ giúp việc thao tác đỡ ức chế hơn rất nhiều trên hệ máy của Nitnendo.
Đây là điểm trừ vô cùng khó chịu khi trải nghiệm Idol Manager trên các hệ console. Một vấn đề khác mà tôi cũng không thể không đề cập là phần tutorial có thời lượng hướng dẫn cơ bản khá dài với rất nhiều thứ phải làm. Tuy nhiên, người viết thỉnh thoảng gặp tình trạng bị lỗi rất khó hiểu, khiến quá trình hướng dẫn chơi không thể tiếp tục. Thế nhưng nếu thoát game ra và vào lại, trò chơi xem như bạn đang tự chơi và bỏ hoàn toàn việc tiếp tục hướng dẫn trước đó.
Sau cuối, Idol Manager mang đến một trải nghiệm mô phỏng vô cùng đặc sắc. Điểm cộng lớn nhất của game là lối chơi rất có chiều sâu với rất nhiều đầu việc chi li phải quản lý, không dành cho bạn chút thời gian rảnh rỗi nào. Ngược lại, điểm trừ lớn nhất của trò chơi liên quan đến cơ chế điều khiển thiếu trực quan trên các hệ console, đặc biệt vô cùng ức chế. Nói đơn giản, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game, nhưng đó là khi bạn trải nghiệm game trên PC.
Idol Manager hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 5, PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!