Grime là trải nghiệm phiêu lưu hành động đi cảnh 2,5D với thiết kế màn chơi kiểu metroidvania và hệ thống chiến đấu mang chút cảm giác soulslike. Mặc dù mang nhiều cảm hứng từ các thể loại game khác nhau, nhưng đội ngũ phát triển Clover Bite rất thành công khi nhào nặn “đứa con tinh thần” của họ rất khác biệt, không chỉ từ phong cách đồ họa có màu sắc kinh dị mà cả các cơ chế gameplay mang đậm dấu ấn riêng. Điều này thể hiện ngay từ những hình ảnh trước khi vào trải nghiệm và đặc biệt là tạo hình của các nhân vật.
Trải nghiệm game mở đầu với hình ảnh siêu thực gợi nhiều tò mò của hai thực thể mang hình dáng giống người quấn lấy nhau. Sau đó là hình ảnh quá trình nhân vật điều khiển được hình thành từ đất, đá và không khí. Ban đầu chỉ có đầu và hai chi trước rồi từ từ đến hai chi sau, tới khi hình dáng của nhân vật chính hoàn thiện. Tạo hình này hoàn toàn phù hợp với cảm giác điều khiển nhân vật khá nặng nề, không linh hoạt và nhanh nhẹn như trải nghiệm trong Ender Lilies: Quietus of the Knights hay Lost Epic.
Mặc dù vậy, điều này không đồng nghĩa Grime phản hồi điều khiển của người chơi kém. Trò chơi đòi hỏi bạn phải tập trung và tính toán kỹ hơn trong từng hành động, thay vì dựa vào sự nhanh nhẹn của nhân vật như thường thấy trong các game metroidvania. Chưa kể, cách xử lý cốt truyện và ‘lore’ cũng rất khác biệt khi luôn tạo cảm giác mù mờ, khó hiểu, gợi tò mò với những tình tiết được hé lộ vô cùng nhỏ giọt chứ không trình bày dông dài. Tương tự Hollow Knight, những tình tiết này không có giá trị khi đứng độc lập.
Đó cũng là những khác biệt lớn nhất giữa đứa con tinh thần của nhà phát triển Clover Bite và các game soulslike trên thị trường, đặc biệt là tính trừng phạt không cao. Không như các game có sở hữu lối chơi tương tự, Grime không lấy đi của bạn tài nguyên Mass quan trọng có giá trị như điểm kinh nghiệm để nâng cấp cho nhân vật khi thiệt mạng. Thay vào đó, linh hồn vất vưởng của nhân vật điều khiển chỉ là Arden dùng để nhân số lượng Mass thu thập được. Thậm chí, bạn cũng chẳng thiệt hại gì nếu không quay lại chỗ xác cũ.
Tuy nhiên, không có yếu tố mất mát vĩnh viễn không khiến trải nghiệm Grime trở nên bớt thử thách hơn. Kỳ thực, thiết kế này không chỉ đơn thuần cho phép người chơi được mắc sai sót và “làm lại cuộc đời” thông qua sai lầm trước đó. Nó còn khuyến khích bạn thử nghiệm và khám phá nhiều hơn để trải nghiệm game thăng hoa hơn, tận dụng sợi dây kinh nghiệm rất dài có từ những lần để nhân vật điều khiển thiệt mạng. Điều này thể hiện rất rõ trong thiết kế bản đồ màn chơi “chuẩn không cần chỉnh” của đội ngũ phát triển.
Tương tự Souldiers và Bloodstained: Ritual of the Night, màn chơi trong Grime như mê cung rộng lớn với các đường hầm, gian phòng và rất nhiều ngóc ngách ẩn được kết nối nhau cực kỳ ấn tượng cho mục đích khám phá. Không có ngã ba nào giống nhau và vị trí mà nhân vật đang đứng nhiều khi là lối đi bí mật chờ bạn khám phá cũng như nhận thưởng. Trải nghiệm game càng không có tính cầm tay chỉ việc. Ngoài giải thích những cơ chế gameplay cơ bản, trò chơi không hướng dẫn gì thêm mà để mặc cho bạn tự do tìm hiểu.
Đơn cử các kỹ năng bạn nhận được sau khi hoàn thành trận boss chiến khá hoành tráng, Grime chỉ giải thích cách thức hoạt động cơ bản của kỹ năng này. Thế nhưng sau đó không lâu, người chơi chắc chắn nhận ra phần hướng dẫn đó chỉ mới đề cập cơ chế chính của kỹ năng đó nhưng trên thực tế, chúng còn những cách sử dụng khác mà về sau bạn mới vô tình phát hiện ra. Những khoảnh khắc “eureka” như thế góp phần không nhỏ mang đến trải nghiệm game đầy hào hứng cho đứa con tinh thần của nhà phát triển Clover Bite.
Đồ họa cũng là điểm cộng nổi bật của Grime với những hình ảnh mang màu sắc kinh dị. Cảnh nền trong màn chơi tạo cảm giác như lấy bối cảnh thế giới bên kia, trong khi nhân vật điều khiển và những kẻ thù mà bạn đối mặt thường được tạo nên từ các loại đá. Chính vì thế, mọi thứ cũng vỡ thành những mảnh đá vụn khác nhau khi bị tiêu diệt. Điều thú vị là trên đầu nhân vật điều khiển có một thứ mang hình dạng như lỗ đen vũ trụ, đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho khả năng tự hồi máu thông qua cho cơ chế ‘parry’.
Nó cho phép người chơi hấp thụ (absorb) “hơi thở ” breath của kẻ thù để làm đầy thanh hồi máu khi tương tác đúng khoảnh khắc chúng tấn công. Nếu để lỡ nhịp thì nhân vật điều khiển bị choáng hoặc mất máu. Tương tự, hạ boss mang đến cho bạn những kỹ năng mới rất hữu ích chẳng hạn khả năng dịch chuyển tức thời trong màn chơi. Mặt khác, đánh bại kẻ thù cũng cho phép bạn thu thập Mass dùng để thăng cấp và tăng các chỉ số cơ bản cho nhân vật. Bạn chỉ có thể làm điều này tại các Surrogate kiêm vai trò điểm save game.
Tất nhiên cũng giống như các game soulslike khác, mỗi khi kích hoạt Surrogate thì kẻ thù trong màn chơi cũng hồi sinh, buộc bạn phải lựa chọn đối đầu lại hoặc tìm cách tránh chúng. Tuy cơ chế này khá quen thuộc nhưng đôi lúc nó gây rất nhiều ức chế trong trải nghiệm Grime. Đó là vì trò chơi thường không thông tin rõ ràng bạn cần đi đâu hay làm gì. Đã vậy, trong màn chơi có rất nhiều con đường ẩn được thiết kế như một phần của trải nghiệm nhằm khuyến khích người chơi khám phá mọi ngóc ngách.
Chưa kể ở thời điểm trải nghiệm ban đầu của mỗi khu vực mới, thiết kế màn chơi trong Grime thường gây khó trong việc xác định vị trí Surrogate để kích hoạt điểm hồi sinh mới cho nhân vật chính. Không hiếm trường hợp người viết phải đi lại nhiều lần quãng đường rất xa do sơ ý để nhân vật thiệt mạng, thậm chí đi lạc luôn trong thiết kế màn chơi kiểu metroidvania thông nhau như mê cung khi cố gắng quay lại nơi “mộ xanh cỏ” lúc nãy. Đây dường như là chủ ý thiết kế của nhà phát triển để bạn làm quen kết cấu màn chơi.
Hấp dẫn và thử thách nhất trong trải nghiệm Grime là cơ chế chiến đấu. Mỗi đòn tấn công của nhân vật điều khiển đều tạo cảm giác rất có lực. Không những vậy, kẻ thù trong game luôn khiến người viết bất ngờ với bài tấn công rất khó lường có nhịp độ luôn thay đổi. Chúng có thể khẽ giơ tay rất nhẹ nhàng như muốn chạm nhẹ vào má bạn một cách yêu thương như đôi tình nhân. Thế nhưng trong khoảnh khắc cuối của giây phút đó, đôi bàn tay bằng đá ấy có thể bất ngờ biến thành cú tát nảy lửa đau điếng đến giật mình.
Nói đâu xa, ngay cả kẻ thù thông thường cũng có thể dễ dàng khiến nhân vật điều khiển đăng xuất về Surrogate mới được kích hoạt nếu bạn không cẩn thận. Grime đòi hỏi người chơi phải rút sợi dây kinh nghiệm rất dài trong suốt trải nghiệm. Chiến đấu trong game vô cùng rủi ro và thử thách, từ kẻ thù có các bài tấn công khác nhau luôn gây bất ngờ cho tới yếu tố môi trường tràn ngập cạm bẫy chết người chờ bạn “hấp thụ” hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, đằng sau sự thử thách là cảm giác trải nghiệm vô cùng thỏa mãn.
Đó là khi bạn dần đọc vị được kẻ thù, biết khi nào nên ‘absorb’ và lúc nào cần chủ động tấn công. Mở rộng hơn là khả năng nhận diện đâu là kẻ thù cần ưu tiên tiêu diệt trước, cũng như thời điểm phù hợp để hồi máu và khoảnh khắc nào bạn nên chọn giải pháp “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để tăng cơ hội sinh tồn của nhân vật điều khiển. Thử thách nhất trong trải nghiệm Grime là các trận boss chiến vô cùng hoành tráng, thường khiến người viết để nhân vật điều khiển chết nhiều như sung rụng ngoại trừ con boss đầu tiên.
Tuy nhiên nếu đi cảnh không phải thể loại yêu thích của bạn, những phân đoạn này trong Grime có thể khiến người chơi đổ mồ hôi sôi nước mắt vì ức chế. Ở thời điểm đầu trải nghiệm, khía cạnh này tương đối đơn giản và không đòi hỏi những hành động đi cảnh phức tạp. Thế nhưng càng về sau, các phân đoạn này kéo dài và được thiết kế phức tạp hơn, đòi hỏi ở người chơi khả năng xâu chuỗi các hành động nhảy và lướt một cách hoàn hảo, không cho phép bất kỳ sai sót nào nếu bạn muốn bảo toàn sinh mạng nhân vật điều khiển.
Hệ thống bản đồ trong Grime cũng được thiết kế khá lạ khiến tôi nhớ đến 8Doors: Arum’s Afterlife Adventure. Người chơi phải khám phá trong mù mờ cho đến khi bạn thu thập được bản đồ khu vực. Thế nhưng để lại cảm giác trái chiều nhất là hệ thống vũ khí tuy đa dạng mà lại thiếu cân bằng, không phải vũ khí nào cũng hữu dụng. Đặc biệt, nhân vật điều khiển được trang bị hai vũ khí có thể chuyển đổi qua lại bất kỳ lúc nào. Hệ thống vũ khí khá thú vị khi là bộ phận giải phẫu học như xương, móng, răng v.v.. của kẻ thù.
Sau cuối, Grime mang đến một trải nghiệm metroidvania không chỉ rất đặc sắc mà còn mang đậm dấu ấn riêng. Trò chơi sở hữu hàng loạt điểm cộng từ khía cạnh khám phá đến chiến đấu đều rất thỏa mãn, kết hợp cùng thiết kế màn chơi và môi trường ấn tượng. Nếu bạn thích trải nghiệm game có nhiều thử thách bất ngờ, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc cho thư viện game và ngược lại.
Grime hiện có cho PC (Windows, macOS), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4 và Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!