Lost Epic là game hành động nhập vai sở hữu phong cách đồ họa khá khác biệt so với nhiều cái tên cùng thể loại trên thị trường. Trải nghiệm game là sự kết hợp giữa thiết kế màn chơi kiểu metroidvania và hệ thống chiến đấu kiểu soulslike. Tuy nhiên, trò chơi chỉ mang đến cảm giác hào hứng ban đầu, càng trải nghiệm về sau càng nặng cảm giác cày cuốc cộng với kẻ thù thiếu đa dạng. Đó là chưa kể một số điểm trừ do thiết kế chưa tận dụng hết tiềm năng của trò chơi, nhất là yếu tố metroidvania trong xây dựng màn chơi và hệ thống chiến đấu chưa đủ thỏa mãn.
Trò chơi lấy bối cảnh nhân gian chìm trong khổ đau dưới ách thống trị của sáu Pantheon sau khi vị thần lớn tuổi nhất ra đi. Trong vai hiệp sĩ được bà phù thủy dẫn lối con đường cứu thế, người chơi phải tiêu diệt sáu đại gian thần nói trên và trả lại yên bình cho thế giới. Mặc dù cốt truyện tương tự Gods Will Fall nhưng đây là hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Lối chơi của Lost Epic là đi cảnh màn hình ngang 2D với tạo hình nhân vật chính theo phong cách anime, thay vì góc nhìn chéo từ trên cao xuống với đồ họa kiểu hoạt hình như tựa game kể trên.
Khá đáng tiếc khi cốt truyện Lost Epic không đặc sắc và chỉ được nhà phát triển dùng làm cầu nối đưa người chơi đến với trải nghiệm game. Ngay cả thiết kế màn chơi cũng để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều. Tuy các khu vực khám phá đều khá đa dạng thông qua thiết kế hình ảnh và sử dụng tông màu đặc trưng, nhưng thiết kế bản đồ lại mang cảm giác tuyến tính. Người chơi di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, thực hiện các nhiệm vụ phụ cũng như thử thách dọc đường trong lúc tìm đến nơi ở của các Pantheon và hoàn thành sứ mệnh.
Yếu tố soulslike trong Lost Epic như bạn có thể đoán ra, buộc người chơi phải quay lại nơi nhân vật bỏ mạng để thu hồi Anima. Đây là loại tiền tệ tương tự muối (salt) trong Salt and Sacrifice, dùng để mua các vật phẩm thiết yếu từ cô phù thủy NPC đáng yêu và thăng cấp cho nhân vật chính trong hành trình cứu thế. Không những vậy, nâng cấp trang bị lẫn chế tác vật phẩm và nguyên liệu chế tác còn cần số lượng lớn Anima. Tuy nhiên, nếu để nhân vật thiệt mạng trước khi quay lại nơi mộ xanh cỏ ban đầu để thu hồi Anima, bạn mất trắng tất cả.
Đó là chưa kể, điểm kỹ năng cũng gắn liền với Anima, thông qua thăng cấp cho nhân vật dùng loại tiền tệ đa năng này ở các checkpoint đặt rải rác khắp thế giới trong Lost Epic. Trò chơi có cây kỹ năng “thần thánh” Divine tương tự các game nhập vai truyền thống, nhưng sở hữu vài thay đổi khá thú vị. Đó là kỹ năng không chỉ mở khóa thông qua cộng điểm kỹ năng như thường thấy. Thay vào đó, nhiều kỹ năng chỉ được thu thập ở thời điểm nhất định trong trải nghiệm hoặc thông qua cày cuốc bằng cách tiêu diệt rất nhiều kẻ thù với loại vũ khí nhất định.
Đáng chú ý, Lost Epic cho phép chuyển đổi qua lại giữa hai vũ khí cùng nhiều khả năng tùy biến khác mà tôi xin để dành cho bạn trải nghiệm. Nhân vật chính chiến đấu với đòn tấn công mạnh nhưng chậm và yếu mà nhanh khá quen thuộc, kết hợp sử dụng xen kẽ các kỹ năng và phép thuật học được thông qua dùng điểm kỹ năng hoặc theo cốt truyện. Tuy nhiên, cảm giác chiến đấu trong game không thỏa mãn do sự thiếu liền mạch khi thi triển các đòn tấn công khác nhau. Một phần của cảm giác này còn do diễn hoạt của nhân vật chưa tốt, nhất là chuyển động tứ chi.
Kỳ thực, những vấn đề kể trên góp phần không nhỏ khiến người viết mất dần hào hứng khi trải nghiệm Lost Epic về sau. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là tính cày cuốc khá cao. Cảm giác điều khiển tuy rất nhạy với thao tác của người chơi, nhưng đòn tấn công không tạo cảm giác có lực đánh khi ra đòn. Trò chơi cũng không hỗ trợ các tính năng của tay cầm DualSense trên PlayStation 5 để bù đắp cho cảm giác “đánh nhẹ như không” nói trên. Mặt khác, dù sở hữu vũ khí khá đa dạng nhưng game có vấn đề về cân bằng giữa các loại vũ khí khác nhau.
Ở góc độ người chơi, Lost Epic dường như không khuyến khích dùng phép, các loại vũ khí ngắn khiến nhân vật không thể cùng lúc tấn công hơn một kẻ thù hoặc có tốc độ tấn công quá chậm. Nhịp độ các trận chiến cũng khá lộn xộn do cách sắp đặt vị trí nhiều kẻ thù khác nhau, khiến người viết dễ bị loạn nhịp tấn công. Đơn cử trước đó bạn có thể đụng độ kẻ thù dễ dàng bị tiêu diệt bằng kỹ năng làm choáng kết hợp đòn tấn công liên hoàn và phép thuật. Thế nhưng ngay sau đó, người chơi lại đụng ngay kẻ thù khổng lồ, phải vừa đánh du kích vừa né.
Vũ khí cũng vậy, tuy đa dạng nhưng lên cấp quá lâu thông qua số lần sử dụng do thiết kế đặc trưng. Nếu bạn không chịu khó cày thì chiến đấu kém hiệu quả. Tôi có cảm giác ý tưởng này vay mượn từ khả năng thành thạo vũ khí trong Nioh 2, nhưng được nhà phát triển điều chỉnh lại nhằm kéo dài thời lượng chơi. Tương tự, dù kẻ thù sở hữu tạo hình đa dạng nhưng không tạo cảm giác phong phú trong chiến thuật tấn công. Chưa kể, sự đa dạng này càng mất đi trong trải nghiệm về sau khi chúng chỉ thay đổi màu sắc và sử dụng đòn tấn công có thuộc tính mới.
Điều thú vị là nhà phát triển Team Earth Wars rất chịu khó lắng nghe ý kiến đóng góp của người chơi và đều đặn điều chỉnh cân bằng game. Thông qua theo dõi động thái của nhà phát triển, người viết tin rằng Lost Epic sẽ trở nên hoàn thiện hơn trong tương lai gần. Đơn cử phần lớn vấn đề cày cuốc có thể giải quyết thông qua hệ thống tùy biến độ khó được tích hợp trong phần thiết lập. Người viết chỉ cảm thấy khó hiểu nhất là yếu tố souslike, tạo cảm giác đó chỉ là thiết kế chạy theo xu thế hơn là mang đến bất kỳ giá trị gì cho game.
Sau cuối, Lost Epic mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai 2D để lại cảm giác khá trái chiều vì một số thiết kế chưa cân bằng, thiếu sự gắn kết lẫn nhau trong xây dựng cơ chế gameplay. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là khía cạnh nghe nhìn đều “đẹp” cả âm lẫn hình, tạo nên bầu không khí đặc trưng rất phù hợp với trải nghiệm game. Nếu không quá khắt khe, đây vẫn là cái tên khá đáng cân nhắc.
Lost Epic hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!