Đánh giá game Grandia HD Collection

Đăng bởi: Ngày: 30/08/2019

Grandia HD Collection là bộ sưu tầm remaster cho hệ máy Nintendo Switch gồm hai JRPG kinh điển Grandia và Grandia II từ thời Sega Saturn và Dreamcast vang bóng ngày xưa.

Trong số các JRPG từng chơi ngày xưa, Grandia và Grandia II là những cái tên đầu tiên mà tôi nghĩ đến về ứng cử viên cho remaster. Cả hai đều là những JRPG xuất sắc với nét đặc trưng riêng, khác biệt với những tên tuổi JRPG đình đám thời điểm mới phát hành. Mặc dù bộ sưu tầm này không bổ sung thêm nội dung gì mới hay tinh chỉnh đáng chú ý, nhưng điều đó không đồng nghĩa cả hai được xây dựng quá tốt mọi thứ ở thời điểm ra mắt ban đầu. Grandia HD Collection chỉ đơn thuần nhúng thêm bộ lọc đồ họa cho hai tựa game này, cộng với tính năng mới đáng chú ý là cho phép người chơi được lựa chọn giữa phần lồng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Grandia được phát hành đầu tiên trên nền tảng Sega Saturn vào năm 1997 với đồ họa khá lạ khi sử dụng sprite trên cảnh nền dựng bằng 3D. Vấn đề của phiên bản này lúc đó là nó chưa bao giờ được “xuất ngoại”, hay nói đơn giản là không có bản tiếng Anh. Chỉ đến khi được chuyển nền sang PlayStation hai năm sau đó thì tựa game này mới chính thức có bản tiếng Anh. Tuy nhiên, do hệ máy của Sony có nhiều yếu kém so với Saturn, nên đồ họa và hiệu năng bản chuyển nền đều kém hơn. Phiên bản remaster của Grandia trong Grandia HD Collection chủ yếu sử dụng asset từ bản Saturn và lấy phần chuyển ngữ của bản PlayStation, mang đến một bản remaster chất lượng nhất có thể.

Dù vậy, chất lượng của Grandia bản remaster cũng không quá ấn tượng, chỉ ở mức hạn chế tối đa yếu tố pixel art xuất hiện trên màn hình và giúp chữ nhìn sắc nét, dễ đọc hơn. Cảnh nền vẫn mang cảm giác xấu khó tránh khỏi khi xét đến công nghệ đồ họa đã đi một quãng đường dài suốt 22 năm qua. Tuy nhiên, ở góc độ người yêu thích tựa game gốc ngày xưa thì tôi không xem đây là một điểm trừ, nhất là khi nhà phát triển chỉ sử dụng bộ lọc để làm mượt các góc cạnh hay răng cưa, cố gắng giữ nguyên cảm giác hoài cổ của tựa game gốc mà bạn có thể nhận thấy, không lạm dụng bộ lọc làm mất đi cảm giác hoài cổ quen thuộc như trường hợp Chrono Trigger trước đây.

Đánh giá game Grandia HD Collection

Điểm trừ của nó là đôi lúc bộ lọc cũng vô tình tạo nên những hình ảnh xấu ngoài mong đợi. Chẳng hạn, một số phân đoạn có sự xuất hiện của nhân vật Feena ở một số góc độ, nhìn trên đồ họa sprite trông hoàn toàn khác biệt với hình đại diện của nhân vật này nếu không muốn nói là rất xấu so với game gốc. Không ít trường hợp, bộ lọc còn làm cảnh nền bị bệt màu khá đáng tiếc. Ngược lại, hệ thống chiến đấu trong Grandia lại rất sáng tạo, với cơ chế phản đòn (counter) và ngăn chặn (cancel) kẻ thù tấn công rất thú vị dựa trên yếu tố “đúng người, đúng thời điểm”, tạo nên tính chiến thuật hấp dẫn cho trò chơi và khác biệt so với nhiều JPRG phát hành cùng thời điểm đó như bộ ba Final Fantasy VII, VIII, IX và Chrono Cross.

Đặc biệt, đây có lẽ là JRPG đầu tiên hỗ trợ tự động chiến đấu, tính năng mà mãi rất lâu sau này mới có nhiều cái tên khác bổ sung hoặc triển khai vào trải nghiệm game, giảm bớt sự nhàm chán nặng tính “cày cấp” đặc trưng của thể loại này. Tương tự, các nhân vật cũng thăng cấp nhưng chỉ số, phép thuật và các kỹ năng lại được mở khóa theo một cách khá khác biệt. Đơn cử như tùy vào loại vũ khí sử dụng khi chiến đấu sẽ giúp tăng thêm những chỉ số khác nhau cho nhân vật đó. Đây cũng là cách để “cày” chỉ số cho nhân vật mạnh hơn. Tuyệt kỹ và phép thuật cũng vậy, chỉ có thể thăng cấp mạnh hơn và mở khóa kỹ năng mới khi được sử dụng nhiều.

Vấn đề ở chỗ, nếu không chịu khó “cày” một chút, các trận chiến trong game có thể khá thử thách. Sở dĩ tôi gọi là chịu khó vì kẻ thù trong Grandia được thiết kế rải rác trên đường đi, không có yếu tố chiến đấu ngẫu nhiên như những tựa game cùng thời. Ở thời điểm này thì đây không phải là một thiết kế mới mẻ, nhưng vào những năm cuối thập 90 thì đó thật sự là một điểm nhấn đáng chú ý, giúp trò chơi tách biệt rõ nét với các JRPG cùng thời bên cạnh tính năng tự động chiến đấu có một không hai nói trên. Không những vậy, các nhân vật di chuyển liên tục và những khoảnh khắc đánh hụt, phản đòn hay ngăn cản thành công kẻ thù ra đòn trong không gian chiến đấu rất dễ thấy, khiến trải nghiệm chiến đấu trong game khá hấp dẫn và hào hứng.

Đánh giá game Grandia HD Collection

Ngay cả những thuộc tính bất lợi quen thuộc trong các JRPG như làm chậm, trúng độc hay thiệt mạng v.v… cũng thể hiện khá sống động trong suốt trận chiến, giúp người chơi dễ dàng nhận biết tình trạng của mỗi nhân vật ngay lập tức khi nhìn trên màn hình. Thiết kế hệ thống chiến đấu độc đáo này khiến các trận chiến không còn nhàm chán như những tựa game cùng thời, khi bạn chỉ có thể nhìn các nhân vật nhảy qua nhảy lại giữa hai vị trí cố định của nhân vật và kẻ thù cho chiến đấu. Thay vào đó, mọi thứ đều diễn ra trên màn hình rất minh bạch, rõ ràng và dễ nhận thấy.

Thậm chí, nội dung của Grandia cũng khá thú vị, với những tình tiết khá dễ thương, đời thường và những khoảnh khắc “ngốc xít” của hai nhân vật chính Justin và Sue cũng như các nhân vật khác sẽ tham gia cùng party sau này. Một điểm trừ nhỏ là nội dung game hơi con nít một chút so với độ tuổi hoài cổ của tôi. Kỳ thực, trải nghiệm cũng không quá sâu sắc, nhưng mang đến những thông điệp thú vị, khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi ước mơ và hoài bão với nhiệt huyết tuổi trẻ dù chông gai đến đâu. Thiết kế các hang động và mê cung trong game cũng thế và khá thú vị, luôn đòi hỏi người chơi dùng la bàn ở góc phải trên cùng màn hình để định hướng, mang cảm giác “dế mèn phiêu lưu ký” và đi một ngày đàng học một sàng khôn thật sự.

Grandia II lại là một câu chuyện khác. Bản remaster của trò chơi dựa trên bản Anniversary phát hành cho PC, trong khi đó bản PC vốn là bản remaster của game gốc phát hành trên Dreamcast. Bản thân trò chơi cũng có nhiều cải tiến so với Grandia, như đồ họa hoàn toàn 3D nhờ phần cứng Dreamcast mạnh hơn. Phần lớn các đoạn chuyển cảnh sử dụng game engine nên đồ họa nhìn chung khá đồng nhất trong suốt trải nghiệm. Tuy nhiên, mặc dù nhà phát triển cho biết họ có tinh chỉnh khá nhiều và tối ưu hóa hiệu năng, nhưng tôi vẫn gặp một số tình huống bị sụt giảm tốc độ khung hình quen thuộc từng gặp trong bản gốc trên hệ máy Dreamcast.

Đánh giá game Grandia HD Collection

Chưa kể, phần Options của trò chơi không cho phép điều chỉnh lại ngôn ngữ lồng tiếng và cũng không lưu lại thiết lập của người chơi. Muốn đổi ngôn ngữ lồng tiếng và tùy chỉnh, bạn chỉ có thể đổi từ launcher trước khi vào game và thiết lập lại mỗi khi chơi. Tuy nhiên, điểm trừ này không phải là vấn đề lớn lắm vì phần Options cũng không có nhiều tùy chỉnh. Trong khi đó, về mặt gameplay thì Grandia II đã cải tiến rất nhiều những điểm hạn chế của Grandia trước đó. Đơn cử như yếu tố “cày cuốc” trước đây đã tiết giảm đi nhiều trong phần chơi mới, hệ thống kỹ năng và phép thuật cũng cho phép dễ dàng thay đổi hơn.

Điều này phần nào khiến chiến đấu trong game tương đối dễ ở độ khó mặc định ngay cả khi đánh boss. Thế nhưng, trò chơi cũng có chế độ Hard dành cho những ai thích thử thách một chút. Hệ thống la bàn cũng hữu dụng hơn và các điểm có thể tương tác đều hiện lên khi nhân vật tiếp cận gần cũng là những cải tiến đáng chú ý. Phần chuyển ngữ tiếng Anh theo ý kiến cá nhân tôi thì chất lượng tốt hơn Grandia, các NPC đôi khi cũng biết “trả treo” khá hài hước dù họ có vẻ nói nhiều hơn phần đầu. Nội dung trong Grandia II cũng mang hơi hướng người lớn hơn một chút so với nội dung có phần hơi trẻ con của Grandia.

Người chơi có thể thấy rõ điều này ngay từ những cuộc trò chuyện của hai nhân vật chính Ryudo và Elena với tư tưởng khác biệt. Một số tình huống cũng nặng nề hơn với cốt truyện có phần tăm tối hơn. Thế nhưng, Grandia II vẫn giữ được nét duyên dáng và hóm hĩnh cần thiết trong trải nghiệm mà phần đầu của trò chơi đã làm rất tốt. Hệ thống chiến đấu cũng được giải thích rõ ràng theo kiểu cầm tay chỉ việc tùy theo người chơi và cải thiện tốt hơn về giao diện. Những điểm này giúp trò chơi thân thiện với người chơi mới hơn và là điểm cộng rất đáng khen.

Đánh giá game Grandia HD Collection

Sau cuối, Grandia HD Collection mang đến hai trải nghiệm JRPG khá tuyệt vời, gần như mọi khía cạnh đều được xây dựng khá tốt. Điểm trừ lớn nhất của bộ sưu tầm này là cả Grandia và Grandia II đều có những lỗi vặt, chủ yếu về giao diện, thông tin hiển thị, mất nhạc nền đột ngột và hoàn toàn không có nội dung bổ sung gì đáng chú ý như thường thấy trong các bản remaster, chẳng hạn như hình artwork hay cho phép thưởng thức soundtrack bên ngoài trải nghiệm. Trừ khi bạn đặt nặng vấn đề này, chứ nếu yêu thích dòng JPRG thì đây là một bộ sưu tầm mà bạn không nên bỏ qua, nhất là những ai chưa từng trải nghiệm hai tựa game này trước đây.

Grandia HD Collection hiện có cho Nintendo Switch.

Nintendo eShop

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.