Front Mission 1st: Remake là bản làm lại thứ hai của game nhập vai chiến thuật kinh điển Front Mission trên hệ máy Super Famicom. Tính đến thời điểm bài viết, nguyên bản này sau đó có bản làm lại đầu tiên cho nền tảng PlayStation cách đây gần 20 năm với nội dung mở rộng gấp đôi. Tuy nhiên cũng như phần lớn game của Square Enix đương thời, cả hai nguyên bản nói trên đều không được chuyển ngữ và phát hành quốc tế. Trò chơi chỉ có có phiên bản quốc tế khi được chuyển nền lên Nintendo DS vào năm 2007.
Khác biệt lớn nhất giữa phiên bản kinh điển PlayStation và Nintendo DS không chỉ là tận dụng hai màn hình hệ máy cầm tay của Nintendo, mà tuyến truyện còn có sự xuất hiện của một số nhân vật từ Front Mission 4 và 5. Bản DS cũng được bổ sung số lượng không nhỏ phụ kiện và vũ khí từ các phần chơi nói trên, đặc biệt là các nhiệm vụ phụ mới toanh vốn không có trong nguyên bản PlayStation và Super Famicom giúp mở rộng cốt truyện hơn. Front Mission 1st: Remake được làm lại dựa trên phiên bản toàn diện này.
Ở góc độ người chơi, Front Mission 1st: Remake khá trung thành với nguyên bản, mang nhiều cảm giác quen thuộc ngay từ hình ảnh các chiến trường nhiệm vụ. Khác biệt lớn nhất của bản làm lại 2023 này là sử dụng đồ họa 3D, cộng với hai thiết lập chế độ chơi Modern và Classic hướng tới cả hai đối tượng người chơi mới lẫn lâu năm của series game chiến thuật nhập vai này. Tuy nhiên, hướng đi này cũng là con dao hai lưỡi, vì bản làm lại Front Mission không được tinh chỉnh và cân bằng gameplay như Tactics Ogre: Reborn.
Nói cách khác, Front Mission 1st: Remake mang đến tới nghiệm game gần như sao y bản chính nguyên bản Nintendo DS. Một trong số đó là mức độ thử thách khá cao ở thiết lập độ khó mặc định. Thậm chí, tôi còn chưa nói tới trò chơi có rất nhiều thiết lập độ khó “khủng” đang chờ những người chơi hardcore mở khóa theo cách truyền thống. Bên cạnh nét đồ họa 3D mới mẻ nhưng vẫn mang hình ảnh cũ kỹ một cách cố ý nhằm tái hiện cảm giác trải nghiệm game gốc, bản làm lại còn cho phép người chơi tùy biến camera rất linh hoạt.
Ở thiết lập Modern Mode, người chơi có thể xoay góc nhìn chéo cố định từ trên xuống trong các game gốc thành đa chiều, thậm chí top-down để có được cái nhìn bao quát nhất trong trận chiến. Không những thế, nhạc nền cũng được remaster hòa âm phối khí lại và người chơi có thể dễ dàng lựa chọn giữa soundtrack cũ hoặc mới. Mặc dù vậy, người viết cảm thấy một số bản nhạc remaster mang tới nhiều cảm xúc hơn và ngược lại, không có lựa chọn nào là xuất sắc và phù hợp hơn khi trải nghiệm Front Mission 1st: Remake.
Đáng tiếc là bản làm lại không được lồng tiếng, ít nhiều làm giảm đi cảm xúc của người viết trong suốt trải nghiệm. Front Mission 1st: Remake có lẽ là một trong những tựa game hiếm hoi ở tầm giá này không được lồng tiếng, dù chỉ một phần nhỏ lời thoại như giải pháp của nhiều nhà phát triển lớn và nhỏ vẫn làm. Trò chơi cũng không có cơ chế mối quan hệ gây ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ của các nhân vật như The Dungeon of Naheulbeuk: The Amulet of Chaos, cũng như xếp chồng nhân vật hài hước trong Disgaea 6.
Front Mission 1st: Remake lấy bối cảnh tương lai trên hòn đảo Huffman, nơi đang có cuộc chiến giữa hai thế lực OCU và UCS. Dành cho bạn nào không biết, UCS là phần chơi chiến dịch được bổ sung vào bản làm lại trên PlayStation. Nguyên bản Super Famicom vốn chỉ có phần chơi chiến dịch OCU. Mỗi chiến dịch có thời lượng tương đương nhau nhưng tính thử thách khác nhau rất xa, đưa người chơi điều khiển các pilot và những người máy Wanzer khác nhau, tham gia vào cuộc chiến với phe đối lập.
Chiến dịch của phe UCS có độ khó cao hơn và đòi hỏi tính toán chiến thuật kỹ lưỡng hơn, nhất là khi Front Mission 1st: Remake có mức độ thử thách khá cao so với dòng game chiến thuật theo lượt ngày nay. Tuy không phải trải nghiệm game tập trung vào phát triển nhân vật và các nút thắt trong cốt truyện, nhưng trò chơi vẫn sở hữu câu chuyện kể hấp dẫn. Đó là chưa kể bối cảnh tuyệt vời cho các trận mech chiến với mức độ chi tiết cao, đòi hỏi bạn phải trải nghiệm cả hai chiến dịch để hiểu rõ toàn bộ cốt truyện.
Chiến dịch OCU mở đầu với nhân vật chính Royd Clive cùng đồng đội và vị hôn thê Karen tham gia điều tra nhà máy sản xuất vũ khí của USN ở quận Larcus, phía Bắc đảo Huffman. Tuy nhiên khi cuộc điều tra đang diễn ra bí mật, Wanzer của Karen bị phục kích và phá hủy bởi biệt đội mech của USN dưới sự chỉ đạo của Driscoll. Sự kiện này về sau được gọi là Larcus Incident, trở thành tâm điểm “chiến tranh miệng” giữa OCU và USN về cuộc tấn công, mở màn cho hàng loạt cuộc chiến diễn ra trong các phần chơi Front Mission về sau.
Quay trở lại với nhân vật chính của OCU. Sau cái chết của vị hôn thê, Royd trở thành vật tế thần của OCU và bị đuổi khỏi quân đội và tham gia đấu trường mua vui cho thiên hạ để kiếm sống trước khi được tuyển dụng vào đội lính đánh thuê Canyon Crows. Sự thăng trầm của cuộc chiến tạo thành bối cảnh hết sức phù hợp cho trải nghiệm game. Tuy nhiên, Royd và Canyon Crows không ngờ mọi thứ chỉ là một phần nhỏ của cuộc xung đột lớn và hung tàn hơn đằng sau những âm mưu chính trị ẩn giấu trước khi Larcus Incident diễn ra.
Ngược lại, chiến dịch UCS đưa người chơi nhập vai pilot Kevin Greenfield. So với chiến dịch OCU của Royd, phần chơi UCS sở hữu cốt truyện ngắn với nhiều hạn chế và chủ yếu phô bày những tình tiết quan trọng trong cuộc chiến nói trên từ góc nhìn khác, giúp người chơi hiểu rõ toàn bộ câu chuyện kể hơn. Đặc biệt, chiến dịch UCS có sự đào sâu hơn một chút vào các câu hỏi được đặt ra trong câu chuyện về nhân vật Kevin, góp phần không nhỏ làm nổi bật hình ảnh của thế giới bị chiến tranh tàn phá trong trải nghiệm game.
Về cơ bản, lối chơi của cả hai phần chiến dịch này giống nhau. Người chơi điều khiển các loại mech khác nhau gọi là Wanzer trên chiến trường chia ô và luân phiên dàn quân công thủ với kẻ thù. Các đoạn chuyển cảnh chủ yếu được xây dựng như trải nghiệm visual novel với cảnh nền là chiến trường trong nhiệm vụ. Điểm nhấn của trải nghiệm Front Mission 1st: Remake là hệ thống tùy biến Wanzer kế thừa từ game nguyên bản, cho phép người chơi có thể thay thế các bộ phận tứ chi và thân của mech để tăng khả năng chiến đấu.
Những bộ phận này còn có HP riêng và có thể bị phá hủy trong trận chiến, dẫn tới những hạn chế nhất định cho Wanzer đó. Đơn cử nếu bạn để chân hết HP thì khả năng di chuyển của mech sẽ vô cùng giới hạn, trong khi nếu mất cả hai tay đồng nghĩa Wanzer không còn khả năng chiến đấu. Quan trọng nhất là phần thân nếu bị phá hủy thì coi như đăng xuất khỏi trận chiến. Các vũ khí khác nhau cũng có sự khác biệt về tầm tấn công và chính xác. Chẳng hạn súng máy có thể gây tổn hại đến các bộ phận khác nhau của mech một cách ngẫu nhiên.
Ngược lại, súng trường có thể gây sát thương lớn từ xa nhưng tỷ lệ bắn hụt cũng khá cao. Tương tự, các vũ khí cận chiến có thể gây sát thương rất “khủng” nhưng khả năng tiếp cận và tấn công chậm hơn, rất dễ bị đường đạn của đối thủ gây cản trở. Rocket launcher cũng vậy, tuy có khả năng tấn công từ rất xa nhưng số lượng đạn vô cùng giới hạn nên tình huống chưa hết trận đã tiêu hết đạn xảy ra rất thường xuyên trong suốt trải nghiệm game. Mỗi loại vũ khí đều có ưu và khuyết điểm riêng, không có khái niệm nhất nhì ba ở đây.
Yếu tố tùy biến đa dạng là điểm cộng lớn nhất của game gốc và bản làm lại Front Mission 1st: Remake. Kỳ thực, người viết phải dành nhiều thời gian tùy biến mech để tối ưu chiến thuật và khả năng chiến đấu trên chiến trường. Điều này đặc biệt quan trọng ở thời điểm đầu trải nghiệm khi Wanzer của người chơi còn rất yếu. Trong khi đó ở thiết lập độ khó mặc định, yếu tố “nhân phẩm” với sát thương ngẫu nhiên khi chiến đấu kế thừa từ game gốc có thể khiến những người chơi thiếu kiên nhẫn sớm bỏ cuộc vì tính thử thách cao.
Chỉ thông qua trải nghiệm về sau với việc tùy biến các bộ phận khác nhau như tứ chi, vũ khí, thân và CPU, trải nghiệm game mới thật sự tỏa sáng. May mà Front Mission 1st: Remake không có cái chết vĩnh viễn khiến bạn mất cả mech và nhân vật, nhưng tiền sửa chữa khi có quá nhiều nhân vật “bay màu” cũng khiến ngân sách thâm hụt nhiều. Điều này gián tiếp tác động đến trải nghiệm của người chơi, nhất là thời điểm đầu game khi bạn phải chi rất nhiều tiền để nâng cấp Wanzer vượt khỏi ngưỡng “yếu mà thích ra gió” nói trên.
Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Front Mission 1st: Remake là trải nghiệm game mang cảm giác thiếu cân bằng và rất dễ bị lợi dụng do trung thành với nguyên tác, không có những điều chỉnh phù hợp với thời đại như Tactics Ogre: Reborn. Nếu đủ kiên nhẫn và dư thời gian, bạn có thể vào mục Arena chiến đấu để kiếm đủ tiền biến tất cả Wanzer thành “siêu mech” ngay từ đầu trải nghiệm. Đây là thiết kế quen thuộc của thể loại chiến thuật từ những năm 1990, thường lấy cày cuốc làm tính năng quan trọng của trải nghiệm game.
Tương tự, Front Mission 1st: Remake cũng có rất ít tính năng giúp trải nghiệm thuận tiện và đỡ cực hơn. Một trong số đó là giao diện cũ kỹ của trò chơi thiếu các tính năng so sánh và phần hiển thị thông tin các bộ phận còn thiếu trực quan, gây khó khăn trong việc tùy biến các Wanzer. Một vấn đề khác là việc mua sắm khá phiền phức. Thay vì dùng chung giao diện vừa mua vừa có thể so sánh chỉ số và gắn ngay cho mech, bạn phải thoát ra menu tương tác để kiểm tra xem bộ phận nào đó đã mua và có sẵn để gắn cho Wanzer hay chưa.
Mặc dù mô tả có vẻ chỉ là việc vặt, nhưng thử tưởng tượng số lượng Wanzer của bạn hơn một chục trong một số nhiệm vụ thì việc tùy biến cho mech vô cùng ức chế và mất thời gian. Bù lại, khả năng tùy biến Wanzer vô cùng cao từ màu sơn cho tới bộ phận liên quan đến chiến đấu, góp phần không nhỏ mang những trận chiến vô cùng hào hứng và thỏa mãn không chỉ ở cảm xúc mà cả yếu tố chiến thuật. Dẫu thế, việc tùy biến Wanzer không phải chỉ chọn những bộ phận mà bạn tin rằng giúp “chiến binh thép” tăng khả năng chiến đấu.
Thay vào đó, các bộ phận thay thế nói trên đều có cân nặng khác nhau và mỗi Wanzer đều có những hạn chế nhất định về yếu tố này, đòi hỏi người chơi phải cân nhắc rất kỹ lưỡng khi quyết định gắn cho người máy một bộ phận “hạng nặng” nào đó theo nghĩa đen. Kỳ thực trong trải nghiệm Front Mission 1st: Remake, giới hạn lớn nhất mà người chơi phải mất nhiều thời gian giải quyết chính là ngân sách dùng để nâng cấp và cân nặng tối đa của mỗi con mech. Tưởng không khó ai ngờ khó không tưởng.
Một vấn đề tuy nhỏ nhưng chưa được nhà phát triển giải quyết trọn vẹn là nhịp độ trận chiến khá lề mề, khiến việc phải xem đi xem lại các cảnh tấn công và diễn hoạt chiến đấu khá mệt mỏi. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn biết các trận đấu trong trải nghiệm game thường kéo dài trên dưới 45 phút. Mặc dù nhà phát triển có bổ sung các tùy chọn Battle Speed giúp tăng tốc độ chiến đấu cùng hai tính năng Instant Movement và Instant Battle để giảm vấn đề khó chịu nói trên, nhưng người viết cảm thấy cách triển khai chưa hợp lý.
Thay vì cho phép sử dụng nút bấm nhất định để người chơi chủ động tăng giảm tốc độ chiến đấu theo ý muốn bất kỳ lúc nào như Super Robot Wars 30, giải pháp vụng về của đội ngũ phát triển là tùy chọn bật tắt trong Settings. Instant Movement và Instant Battle cũng vậy, không cho phép người chơi chủ động điều chỉnh nhịp độ trận chiến theo nhu cầu mà buộc phải chấp nhận tốc độ cà rề hoặc bỏ hẳn diễn hoạt thông qua hai thiết lập trên trong Settings. Đáng nói, số lượng savegame chỉ dừng ở con số bốn là quá ít cho trải nghiệm nhập vai chiến thuật.
Sau cuối, Front Mission 1st: Remake mang đến một trải nghiệm chiến thuật nhập vai đầy hào hứng và không kém phần thử thách. Điểm trừ lớn nhất của bản làm lại này là thiếu một số tính năng tiện lợi cần thiết giúp trải nghiệm bớt cực hơn. Ngược lại, điểm cộng lớn nhất của trò chơi là bám rất sát nguyên tác và mang đến cảm giác quen thuộc từ phong cách đồ họa cho tới trải nghiệm game. Nếu bạn yêu thích thể loại này nói chung và series game Front Mission nói riêng, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc.
Front Mission 1st: Remake hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch. Xem thêm kinh nghiệm chơi game Front Mission 1st: Remake.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!