For the King là game nhập vai chiến thuật theo lượt mang đến trải nghiệm khá thử thách khi sở hữu thiết kế giao thoa giữa yếu tố roguelike và game bàn cờ. Đây không phải tựa game dành cho số đông. Trò chơi cũng không phải cuộc phiêu lưu để bạn trả lời cho câu hỏi tiền nhiều để làm gì hay kiếm chút danh tiếng. Kỳ thực, đó chỉ đơn thuần là cuộc chiến vì ngôi làng, vương quốc của bạn và trên hết là Vì Đức Vua. Thế nhưng, đó không bao giờ là trải nghiệm nhẹ nhàng nếu không nói là vô cùng thử thách, không dành cho những ai dễ cay cú và hiếu thắng.
Ngay từ những cái nhìn đầu tiên, For the King gợi cho tôi cảm giác bàn cờ trong Wartile, nhưng mức độ tinh xảo kém hơn và nhiều khác biệt về ý tưởng nghệ thuật. Tựa game của nhà phát triển IronOak Games sở hữu hình ảnh… sinh động và bắt mắt, cảnh vật phong phú với bản đồ rộng lớn, chia thành những ô lục giác tương tự như nhiều game bàn cờ mà tôi từng chơi ngoài đời. Tạo hình các nhân vật nhìn khá dễ thương và không có nhiều tùy biến, nhưng đó chỉ là cảm giác ở thời điểm ban đầu. Về sau, game có rất nhiều thứ để bạn mở khóa thông qua khám phá trong trải nghiệm.
Khả năng tùy biến đa dạng và linh hoạt thậm chí còn được thiết kế thành tính năng riêng gọi là Lore Store. Bạn có thể tìm được rất nhiều vật phẩm tùy biến trong này cho nhân vật thông qua số tiền kiếm được từ chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự, For the King có bốn lớp nhân vật là Blacksmith, Hunter, Minstrel và Scholar nhưng đây cũng chỉ là các lớp nhân vật cơ bản ở đầu trải nghiệm mà thôi. Càng đắm chìm trong thế giới game, bạn sẽ mở khóa thêm nhiều lớp nhân vật mới cũng như các loại vũ khí khác để trang bị cho nhân vật.
Kỳ thực, For the King khiến tôi ngạc nhiên về khối lượng nội dung đồ sộ được tựa game “nhỏ mà có võ” này mang đến. Thiết kế đơn giản và hiệu quả nói trên trao cho người chơi cơ hội thử nghiệm nhiều hướng phát triển nhân vật khác nhau, góp phần không nhỏ trong việc mang đến giá trị chơi lại khá cao cho game. Vấn đề là nhân vật của bạn có đủ điểm chỉ số để sử dụng vũ khí hay phép thuật nào đó không thôi. Không những vậy, trò chơi cũng sở hữu nhiều chế độ chơi khác nhau và có sự đa dạng đến bất ngờ về cơ chế gameplay.
For the King không chỉ là tên game mà cũng là chế độ chơi theo cốt truyện. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quan tâm đến câu chuyện kể làm gì. Yếu tố này chỉ là phương tiện để dẫn dắt người chơi đến với cơ chế gameplay hấp dẫn của trò chơi. Bên cạnh phần chơi theo cốt truyện nói trên, game còn sở hữu nhiều chế độ chơi khác. Những chế độ chơi này có nhiều khác biệt không chỉ về yêu cầu nhiệm vụ mà còn cả câu chuyện kể, chủ đề màn chơi và nhiệm vụ. Đơn cử như Frost Adventure đưa bạn dấn thân vào con đường tìm kiếm khó báu ở những vùng đất băng giá.
Tương tự, Into the Deep là cuộc phiêu lưu đến các vùng biển lớn, trong khi Dungeon Crawl yêu cầu bạn tìm và tiêu diệt các Chaos Generator trong năm hang động nguy hiểm. Với những ai yêu thích “trải nghiệm vô tận” thì có Hildbrandt’s Cellar dẫn bạn bước chân vào hệ thống hang động không lối thoát để chiến đấu và thu thập chiến lợi phẩm. Đáng chú ý nhất là chế độ chơi multiplayer Gold Rush có tính cạnh tranh cao giữa các người chơi. Đó là chưa kể nhiều thiết lập độ khó khác nhau mang đến phần thưởng hậu hĩnh hơn, tạo giá trị chơi lại rất lớn cho game.
Trải nghiệm For the King cũng giống như bao tựa game sử dụng yếu tố roguelike làm chủ đạo thiết kế khác. Người chơi điều khiển đội hình các nhân vật du hành trên khắp bản đồ thế giới, chiến đấu với kẻ thù và thu thập chiến lợi phẩm. Cơ chế roguelike giúp bản đồ luôn thay đổi trong mỗi lần chơi, trong khi tên các địa danh vẫn giữ nguyên. Nói một cách khác, trò chơi thiết kế trải nghiệm game dựa trên yếu tố ngẫu nhiên rất nhiều. Từ quyết định số bước di chuyển trên bản đồ được thiết kế như bàn cờ chia ô cho đến hệ thống nhiệm vụ và sự kiện diễn ra.
Người chơi tương tác nhân vật bằng cách di chuyển, tấn công kẻ thù hoặc hỗ trợ đồng đội bằng phép thuật và kỹ năng chiến đấu cơ bản, không khác mấy so với những tựa game nhập vai chiến đấu theo lượt trên thị trường. Điểm khác biệt là những phân đoạn này được định trước dựa trên yếu tố ngẫu nhiên hay như “dân chơi” vẫn quen gọi là do ăn ở. Bạn cũng thu thập chiến lợi phẩm sau khi kết thúc trận đấu rồi cứ thế tiếp tục tương tác như trên. Điều thú vị là người chơi có thể chia nhân vật khám phá những hướng đi khác nhau hoặc sử dụng đoàn kết làm sức mạnh.
Từ đây, trải nghiệm bắt đầu “phân biệt đối xử” giữa những người chơi khác nhau. Mặc dù yếu tố ngẫu nhiên can thiệp rất sâu vào trải nghiệm For the King trong bất kỳ chế độ chơi nào, nhưng nó vẫn không đến mức gây ức chế khiến tôi tức điên như The Captain is Dead. Đó là chưa nói tới yếu tố permadeath! Người chơi bắt đầu trải nghiệm với “ba hồn bảy vía” dùng chung giữa các nhân vật. Nếu để cả party bị đánh bại hay nói cách khác là dùng hết sạch mạng, bạn phải chơi lại từ đầu với bản đồ được phát sinh ngẫu nhiên hoàn toàn mới tất cả mọi thứ.
Tuy nhiên, For the King cho bạn khá nhiều cơ hội để kiếm thêm mạng thưởng thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ phụ này nọ. Chỉ có điều lấy thêm mạng đòi hỏi bạn phải đưa ra quyết định khó khăn, nhưng đó là gì thì tôi sẽ để dành cho bạn trải nghiệm. Không những vậy, đội ngũ phát triển IronOak Games cũng có thiết kế đi vào lòng người với hệ thống autosave lúc nào cũng nhiệt tình save game sau mỗi lượt chơi. Nói như thế chắc bạn cũng đoán được mức độ thử thách của trò chơi ở mức độ nào, nhưng có gì phải lo khi trải nghiệm game có rất nhiều thiết lập độ khó.
Không chỉ có lượng nội dung đồ sộ và giá trị chơi lại rất cao, For the King còn sở hữu cơ chế gameplay đa dạng và hấp dẫn, kết hợp cùng khía cạnh nghe nhìn được đầu tư cực tốt. Tôi ấn tượng nhất ở trò chơi là phần nhạc nền với những bản nhạc rất hùng tráng, hiếm thấy trong các tựa game indie như For the King. Ngược lại, phần hình ảnh tuy thiên về quan điểm nghệ thuật của mỗi người chơi, nhưng vẫn tiếp tục là điểm cộng trong mắt tôi. Phong cách đồ họa đơn giản mà độc đáo của trò chơi có mức độ chi tiết khá cao và mang đậm dấu ấn riêng.
Đó là chưa kể For the King còn hỗ trợ chơi co-op local và online. Dù không hỗ trợ chơi cross-platform, nhưng số lượng người chơi online trên từng nền tảng mà tựa game indie này có mặt vẫn còn khá đông đảo ở thời điểm bài viết. Đây là điều bất ngờ khi trò chơi đã phát hành cách đây vài năm. Kỳ thực, trải nghiệm co-op hấp dẫn hơn tôi hình dung khi bạn tìm được party để chơi cùng. Chỉ hơi tiếc là game không hỗ trợ cross-platform giữa các hệ máy khác nhau như console và PC, nhưng nhà phát triển xác nhận người chơi các nền tảng PC như Epic và Steam có thể chơi chung.
Sau cuối, For the King mang đến một trải nghiệm nhập vai chiến đấu theo lượt khá đặc sắc. Trò chơi có sự khác biệt mang đậm dấu ấn riêng so với số lượng game roguelike ngày càng nhiều trên thị trường hiện nay. Nếu không ngại thử thách và yếu tố permadeath, đây chắc chắn là cái tên phải có trong bộ sưu tầm game không thể không chơi của bạn, không vì cảm giác trải nghiệm hấp dẫn thì cũng vì đức vua.
For the King hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Game được chơi trên Xbox One.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác