Fire Tonight là game phiêu lưu giải đố lấy cảm hứng từ bài hát cùng tên của ban nhạc Information Society từ thập niên 90. Đây cũng là bối cảnh được nhà phát triển Retoid Games xây dựng thành trải nghiệm game, gợi nhiều cảm giác hoài niệm nhất là thế hệ người chơi 7x và 8x. Đó là khoảng thời gian rất khác biệt so với xã hội hiện đại mà chúng ta vẫn biết ở thời điểm này. Thời đó, người viết còn nhớ điện thoại bàn chưa phải thiết bị mà nhà nào cũng có, chứ đừng nói đến điện thoại di động “cục gạch” hay công nghệ mạng di động 3G.
Với bối cảnh như vậy, không có gì lạ nếu bạn là người chơi sinh trước khi Windows 95 ra mắt và cảm thấy khó hiểu với những rắc rối mà nhân vật gặp phải trong trải nghiệm. Trong Fire Tonight, nhà phát triển Retoid Games xây dựng câu chuyện kể về cặp đôi trẻ Maya và Devin đang “nấu cháo” điện thoại. Thế nhưng, toàn thành phố bất ngờ cúp điện khiến cả hai mất liên lạc. Tôi chỉ cảm thấy hơi khó hiểu vì hệ thống điện thoại bàn vốn sử dụng nguồn điện độc lập, nhưng lại dễ dàng đứt kết nối khi thành phố mất điện như thế.
Bỏ qua nghi vấn nói trên, hậu quả của sự kiện trên là Maya quyết định chạy đến chỗ ở của Devin để cập nhật tình hình. Ngược lại, Devin mắc kẹt trong căn hộ mini và hồi tưởng những kỷ niệm về mối quan hệ của hai người thông qua tương tác với các vật phẩm liên quan. Những khoảnh khắc này để lại cho người viết cảm xúc hoài niệm khi nhìn thấy những vật phẩm quen thuộc của thời gian. Đó không chỉ là cuộn băng cassette với dòng chữ viết tay trên nhãn, mà còn là chiếc máy Walkman một thời để nhớ mà không phải ai cũng biết.
Trải nghiệm Fire Tonight đưa bạn điều khiển xen kẽ hai nhân vật nói trên. Tuy nhiên, phần chơi của Devin thiên về câu chuyện kể hơn, không có gì nhiều để đề cập ngoài việc người chơi tương tác và lắng nghe nhân vật tự sự. Do vậy mà tôi chỉ tập trung vào trải nghiệm của Maya vốn xoay quanh khía cạnh phiêu lưu và giải đố. Về cơ bản, điều khiển Maya khá tương đồng với các game thuộc thể loại phiêu lưu giải đố khác. Người chơi di chuyển Maya, tương tác và giải quyết những vấn đề liên quan thông qua yếu tố giải đố và không chỉ có thế.
Có lúc bạn phải vận dụng yếu tố hành động lén lút, giúp Maya vượt qua những chốt kiểm soát của cảnh sát khu vực. Người chơi cũng có thể xoay góc nhìn để tìm những điểm hay vật phẩm tương tác, chẳng hạn cầu thang hay các lối đi hiểm hóc khuất đâu đó khó thấy. Mục đích của Maya là vượt qua những chốt kiểm soát hoặc những đám cháy xuất hiện khắp nơi trong thành phố. Xen kẽ đó là những khoảnh khắc giải đố có phần đơn giản so với những game cùng thể loại mà tôi từng chơi. Ý tưởng máy Walkman tuy thú vị nhưng chưa khai thác triệt để.
Về cơ bản, máy Walkman có thể dập tắt phần nào đám cháy trong thành phố mỗi khi Maya nghe nhạc, giúp mở ra khả năng tiếp cận các khu vực mới. Thế nhưng máy rất mau hết pin giống ngoài đời, buộc người chơi phải thường xuyên lục thùng rác khắp nơi để thay pin. Đáng nói, thùng rác luôn có pin thay thế vô tận, khiến yếu tố giải đố gần như mất đi trong trường hợp nói trên, trừ khi bạn không quan sát. Mặt khác, các câu đố tuy thú vị nhưng thường xoay quanh việc tìm chìa khóa mở cửa hơn là thử thách bạn thông qua yếu tố này.
Vấn đề ở chỗ, Fire Tonight chưa được thiết kế tối ưu cho trải nghiệm đặc trưng. Cụ thể, màn chơi thường gây khó cho tôi trong việc định hướng phải đi đâu và làm gì. Không những vậy, tạo hình Maya khá nhỏ trong thế giới game khiến nhiều lúc rất khó quan sát diễn biến, nhất là khi trải nghiệm trên máy Switch ở chế độ handheld. Trò chơi tuy sở hữu nhiều ý tưởng giải đố khá đời thường nhưng chưa đủ đa dạng, đặc biệt là sức mạnh thần kỳ của máy Walkman. Ngay cả khả năng “phép màu âm nhạc” nói trên cũng không hề được giải thích.
Thế nhưng, điều khiến tôi cảm thấy đáng tiếc nhất là thời lượng chơi Fire Tonight khá ngắn. Chính vì vậy mà trải nghiệm game để lại cho tôi chút cảm giác hụt hẫng khi hoàn thành. Bù lại, trò chơi mang đến nhiều cảm giác hoài niệm trong thiết kế cơ chế gameplay. Đặc biệt là chất nhạc synthwave gợi nhiều cảm giác hoài cổ một thời, cùng các bản nhạc từ băng cassette trong những khoảnh khắc trải nghiệm nhất định. Kỳ thực, trò chơi sở hữu nhiều ý tưởng thú vị, nhất là với người chơi ở độ tuổi 7x và giữa 9x như người viết.
Sau cuối, Fire Tonight mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố rất ấn tượng, gợi nhiều cảm giác hoài niệm cuộc sống khi công nghệ thông tin chưa phát triển như hiện nay. Điểm trừ lớn nhất của game là trải nghiệm có thể không phù hợp với người chơi “chưa trải sự đời”. Dù vậy, nó để lại ấn tượng sâu đậm với những ai từng “nấu cháo” điện thoại bàn và cùng nghe nhạc từ chiếc máy Walkman chứa đầy kỷ niệm. Đó là chưa kể đồ họa đẹp và lạ với những bản nhạc funky góp phần tô điểm cho chuyện tình trong sáng của một thời tuổi trẻ.
Fire Tonight hiện có cho PC (Windows, macOS) và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!