Final Fantasy XVI là phần chơi chính thứ 16 của series game nhập vai Final Fantasy, nhưng nếu tính luôn các hậu bản Final Fantasy X-2, Final Fantasy XIII-2 và Lightning Returns: Final Fantasy XIII thì 19, còn tính cả Final Fantasy VII Remake là 20. Kỳ thực nếu tính số tuổi của dòng game này là gần 36 năm tính đến thời điểm bài viết, con số 16 hay 20 cũng không phải ít khi so với những “cây đa cây đề” khác như series game nhập vai The Legend of Heroes với số lượng game ngang ngửa và vẫn tiếp tục tăng mỗi năm trôi qua.
Thế nhưng, trong khi dòng game vừa đề cập ngày càng chuyển mình mang đến câu chuyện kể nhiều sắc màu hơn dù lồng trong những âm mưu chính trị phức tạp, series Final Fantasy lại ngày càng trở nên tăm tối hơn trong xây dựng cốt truyện. Final Fantasy XIII tiếp nối Final Fantasy XV là minh chứng cho điều đó và Final Fantasy XVI cũng hề ngoại lệ. Có một giai thoại về cái tên Final Fantasy là do thời điểm đó nhà phát triển Square đang trên bờ vực phá sản, trò chơi là niềm hy vọng cuối cùng để vực dậy công ty và cái kết…
Sau một thời gian phát hành số lượng khá nhiều và đều đặn, series Final Fantasy bắt đầu giảm sự hiện diện với tần suất xuất hiện ngày càng cách xa kể bộ ba Final Fantasy XIII, đặc biệt khi kỳ vọng của người chơi ngày càng cao hơn sau thành tựu mà Final Fantasy XV mang đến. Thậm chí cũng không sai khi nói dòng game này luôn được đầu tư bằng công nghệ đồ họa mới nhất, với những ý tưởng “siêu phàm” nhằm thu hút các tín đồ không chỉ của thể loại nhập vai nói chung mà cả “fan cứng” của Final Fantasy nói riêng.
Final Fantasy XVI kỳ thực là một tuyệt tác như thế. Dù đó là sự pha trộn chưa thể gọi hoàn hảo, nhưng trò chơi khiến người viết ấn tượng từ kịch bản được chấp bút hấp dẫn, dàn nhân vật chính vô cùng đáng nhớ với phần thổi hồn “cực đỉnh” của các diễn viên lồng tiếng tài năng, bên cạnh xây dựng thế giới ấn tượng cho tới khía cạnh nghe nhìn xuất sắc khi mang đến những khoảnh khắc hỉ nộ ái ố mà hiếm tựa game nào trong thập niên này tạo dựng được. Tất nhiên, suy nghĩ này của người viết chỉ tính đến thời điểm bài viết.
Trò chơi lấy bối cảnh trên lục địa Valisthea, nơi đang diễn ra cuộc tranh giành tạo vật Mothercrystal vốn là nguồn năng lượng cho phép con người có thể sử dụng phép thuật. Tâm điểm trải nghiệm game là cuộc đời của Clive Rosfield, chàng hoàng tử của vương quốc Rosaria và cũng là người bảo vệ cho em trai Joshua, nhân vật được mệnh danh là Dominant of Phoenix. Nếu như những cụm từ này nghe có vẻ lùng bùng thì bạn đừng lo vì tất cả sẽ dần được giải đáp, không phải đầu trải nghiệm thì cũng trước khi ‘credits’ hiện ra.
Vì không muốn tiết lộ cốt truyện nhằm “giữ gìn sự trong sáng” cho những bạn chưa chơi, tôi chỉ có thể hé lộ Final Fantasy XVI mở đầu là cuộc chiến đấu giữa phượng hoàng bất tử và “hỏa thần” Ifrit nổi tiếng trong series Final Fantasy, cụ thể từ bản Final Fanatasy III kinh điển đến tất cả bản Final Fantasy chính về sau. Từ khoảnh khắc đó, trò chơi bắt đầu dẫn dắt người chơi vào trải nghiệm với tutorial đơn điệu, nhưng ít nhất cũng giúp bạn hiểu được sự khác biệt của hệ thống chiến đấu so với các phần chơi trước.
Cụ thể, Final Fantasy XVI mở rộng hơn cơ chế chiến đấu trong Final Fantasy XV, chuyển mình thành trải nghiệm hành động nhập vai thay cho hệ thống chiến đấu theo lượt Active Time Battle quen thuộc trong các phần chơi cũ hơn. Tiết tấu nhanh, linh hoạt, đòi hỏi phản xạ nhạy bén của người chơi là những cụm từ ngắn gọn nhất để mô tả hệ thống chiến đấu trong game. Đó còn là sự kết hợp tấn công liên hoàn dưới đất lẫn trên không, cộng với hệ thống phép thuật cùng cây kỹ năng mang đến những trận chiến vô cùng hào hứng và hoành tráng.
Tuy nhiên, sự hào hứng này còn tùy thuộc vào việc bạn có từng chơi Devil May Cry 5 và Dragon’s Dogma hay chưa. Đó là vì ông Suzuki Ryota, người thiết kế hệ thống chiến đấu cho Final Fantasy XVI chính là “cha đẻ” của hệ thống này cả hai game trên. Tương tự Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin, ý tưởng của hệ thống chiến đấu trong game kỳ thực là sự chuyển đổi hệ thống kỹ năng của JRPG kinh điển Final Fantasy V thành cơ chế chiến đấu theo thời gian thật, để lại cảm giác mới mẻ vô cùng hào hứng và không kém phần bất ngờ.
Về cơ bản, khả năng chiến đấu của Clive phụ thuộc vào các Eikon mà người chơi thu thập được thông qua trải nghiệm. Bạn chỉ có thể cùng trang bị tối đa ba Eikon khác nhau với hệ thống kỹ năng riêng. Mỗi Eikon đều có kỹ năng tấn công cận chiến với combo “bốn nút” và vận phép từ xa, kết hợp cùng sức mạnh của Eikon với ba tuyệt kỹ tùy chọn. Những tuyệt kỹ này được mở khóa thông qua sử dụng điểm kỹ năng thu thập từ các hoạt động trong thế giới của Final Fantasy XVI và khi ‘mastered’, người chơi có thể sử dụng chúng với Eikon khác.
Chẳng hạn bạn có thể gắn tuyệt kỹ Diamond Dust của Shiva vào sử dụng với Ifrit khi dồn đủ điểm kỹ năng để ‘mastered’ tuyệt kỹ này, từ đó tạo nên đòn tấn công liên hoàn cho những chiến thuật khác nhau. Mỗi tuyệt kỹ có hai chỉ số là khả năng gây sát thương và phá vỡ “lớp giáp” gọi là stagger của kẻ thù. Chúng thường chỉ mất máu khi triệt tiêu thanh stagger, dẫn tới choáng trong khoảng thời gian nhất định trước khi thanh này phục hồi. Đây là lúc người chơi dồn sát thương để rút máu và lặp lại đến khi tiêu diệt được kẻ thù.
Tùy vào chiến thuật mà người chơi kết hợp các tuyệt kỹ tấn công liên hoàn phù hợp để phá nhanh stagger của kẻ thù hoặc tập trung rút máu chúng. Bên cạnh khả năng vận dụng linh hoạt tuyệt kỹ của Eikon, Clive còn có thể kích hoạt Limit Break giúp tăng tạm thời khả năng gây sát thương và phá stagger nhanh hơn. Đó kỳ thực là hệ thống chiến đấu vô cùng cuốn hút và được xây dựng khéo léo, đòi hỏi bạn phải kết hợp các tuyệt kỹ hợp lý nếu không muốn kéo dài thời gian chiến đấu với kẻ thù rất mệt mỏi, kể cả khi đánh boss.
Nó buộc người chơi phải liên tục thay đổi để tạo lối tấn công có phong cách riêng, thay vì chỉ nện nút theo kiểu tay nhanh hơn não vốn không mang nhiều cảm giác tưởng thưởng, tác động gián tiếp đến khả năng gây sát thương cũng như phá stagger của Clive. Đó là chưa kể cơ chế parry khi được vận dụng đúng thời khắc có thể làm chậm thời gian, cho phép người chơi ăn gian thêm “tí huyết” của kẻ thù. Người viết chỉ cảm thấy hơi tiếc khi kẻ thù trong Final Fantasy XVI không đa dạng và được “tái chế” khá nhiều ở các bản đồ khu vực khác nhau. Bù lại là các trận đánh boss đầy hào hứng.
Chúng đều sở hữu tạo hình độc đáo và đa dạng từ ‘micro’ boss đến ‘big badass’ boss. Mỗi loại boss đều mang đến cảm xúc khác nhau nhưng không lần nào khiến người viết thất vọng. Thậm chí, sự hoành tráng của những trận đại chiến big badass này còn tăng dần đến mức khiến tôi lo ngại trận đánh trùm cuối sẽ không còn đủ hấp dẫn. Thế nhưng, điều này không xảy ra khi đội ngũ phát triển vẫn tìm được ý tưởng rất thú vị tạo nên cảm xúc phấn khích cho người viết, góp phần không nhỏ mang đến cảm giác điện ảnh vô cùng hoành tráng trong trải nghiệm. Cụ thể là các đoạn chuyển cảnh chiếm khoảng 2/3 thời lượng.
Đối với một số người chơi, đây cũng có thể là điểm trừ của Final Fantasy XVI nhất là khi những đoạn chuyển cảnh này đôi lúc khá dài và nối tiếp nhau. Trong số đó có cả những đoạn chuyển cảnh được dựng bằng game engine với chất lượng đồ họa xuất sắc, nhưng cũng có rất nhiều đoạn chuyển cảnh là phim CGI với chất lượng cao hơn nhưng rất khó phân biệt. Mặt khác, yếu tố nhập vai trong game cũng bị tiết giảm nhiều. Đơn cử hệ thống thuộc tính tuy vẫn có, nhưng không mang nhiều ý nghĩa trong chiến đấu như các bản Final Fantasy cũ. Thậm chí người viết cũng chưa bao giờ bận tâm đến chúng.
Không biết có nên xem là điểm trừ không nhưng Final Fantasy XVI chỉ cho phép người chơi điều khiển Clive, trong khi các nhân vật còn lại trong party đều do AI “tự biên tự diễn”. Điều tuyệt vời là người chơi chỉ cần lo cho bản thân vì đồng đội AI của bạn đều bất tử chứ không như Trials of Mana. Những NPC vô đối này luôn tự biết cách đảm bảo an toàn cho họ, kết hợp thường xuyên “chọc ghẹo” người chơi khi thường phá vỡ những khoảnh khắc bạn dày công “dàn dựng” để cố mở khóa một trophy nào đó. Việc “đuổi” họ ra khỏi party là không thể và họ chỉ hỗ trợ bạn theo nhiệm vụ chính.
Tất nhiên họ cũng khá hữu dụng trong trận chiến, nhất là khi người chơi tham gia các “thử thách tử thần” Hunt Board với những con boss ẩn gọi là Notorious Mark từ nguồn tin mập mờ do moogle Nekkar cung cấp. Thế nhưng, người chơi không thể biết được cấp độ cũng như chỉ số cơ bản của các đồng đội này. Tương tự Forspoken, cấp độ cũng không đóng vai trò quan trọng trong trải nghiệm Final Fantasy XVI nữa mà được xây dựng rất tuyến tính, không có tính tùy biến. Việc thăng cấp luôn đi kèm tăng chỉ số cho Clive theo thiết lập cố định của đội ngũ phát triển.
Ngược lại, trang bị tác động nhiều đến khả năng thành bại trong trận chiến hơn. Minh chứng cho điều này là người viết đã vô tình khiêu chiến với các Notorious Mark từ hạng A đến hạng S vượt hơn chục cấp so với Clive do không biết trước cấp độ của chúng. Thế nhưng, nhờ sử dụng trang bị tốt nhất cho nhân vật thông qua chế tác nguyên liệu thu thập được từ nhiệm vụ phụ và Hunt Board, Clive của tôi vẫn dư sức đánh bại những sinh vật “khét tiếng” này dù không sử dụng đến các nhẫn hỗ trợ. Bộ nhẫn này cũng là tính năng khá thú vị, đóng vai trò như một lớp thiết lập độ khó phụ trong trải nghiệm.
Cụ thể, Final Fantasy XVI cung cấp sẵn bộ nhẫn với các tính năng hỗ trợ khác nhau, từ mang đến khả năng tương tác né tránh trong khung thời gian dài hơn cho Clive đến tự động hóa các khía cạnh này. Điều này giúp trò chơi dễ tiếp cận với đông đảo người chơi hơn, nhất là những ai không quen trải nghiệm thể loại hành động nhịp độ nhanh đòn hỏi phản xạ nhanh nhạy trong né tránh tương tự các game soulslike. Thậm chí còn dễ tiếp cận hơn Elden Ring rất nhiều dù trò chơi mang thiết kế tuyến tính với màn chơi rộng lớn, khuyến khích bạn khám phá và thực hiện các thể loại nhiệm vụ phụ.
Đặc biệt, một trong những tính năng yêu thích của tôi trong Final Fantasy XVI là người chơi có thể ra lệnh cho Torgal, chó săn vô cùng thông minh đáng yêu theo cách rất riêng hỗ trợ Clive chiến đấu không chỉ dưới đất mà cả giữa không. Thậm chí, đồng đội chó trung thành với lai lịch nhiều bất ngờ này còn có khả năng hồi máu cho nhân vật điều khiển, nhưng chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện chủ nhân thật sự của bé là ai. Torgal khiến tôi nhớ đến TiTi, cô bạn bốn chân trung thành cùng lớn lên và luôn bảo vệ tôi khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn theo suy nghĩ riêng đến tận lúc chết vì già.
Để lại cảm giác lẫn lộn nhất là hệ thống nhiệm vụ phụ của Final Fantasy XVI. Ở nửa đầu trải nghiệm, những nhiệm vụ này mang cảm giác nhạt nhẽo nếu không nói là rất buồn ngủ khi chỉ sai vặt người chơi là giỏi. Thế nhưng từ nửa sau trải nghiệm, những nhiệm vụ phụ này lại đóng vai trò bổ trợ cho cốt truyện chính khi đi sâu vào số phận của những NPC mà bạn từng gặp gỡ, tương tác và giúp đỡ họ trong suốt trải nghiệm game. Đó là tôi còn chưa nói tới các nhiệm vụ phụ này sở hữu câu chuyện kể xoay chuyển rất bất ngờ về sau, cộng với một số lượng nhiệm vụ phụ còn tăng tính hỗ trợ cho người chơi.
Chẳng hạn mở khóa khả năng cưỡi Chocobo và tăng số lượng vật phẩm hỗ trợ mà bạn có thể mang theo. Có lẽ tôi cũng không cần đề cập những nhiệm vụ phụ kể trên giúp bạn thuận lợi hơn thế nào trong di chuyển và chiến đấu. Chưa kể, Final Fantasy XVI cũng có hệ thống dịch chuyển nhanh khá dày đặc ở những khu vực quan trọng. Điểm trừ lớn nhất của hệ thống nhiệm vụ phụ là thời điểm chúng mở khóa không phù hợp tình tiết “dầu sôi lửa bỏng” đang diễn ra của cốt truyện chính lắm. Thiết kế khó hiểu này ít nhiều cũng tác động đến cảm xúc của người viết trong trải nghiệm game.
Sau cuối, Final Fantasy XVI mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai rất đặc sắc, nhất là những ai chưa từng chơi Devil May Cry 5. Trò chơi có đầy đủ những gì bạn kỳ vọng ở một tựa game hành động, từ cốt truyện hấp dẫn và hệ thống chiến đấu đầy hào hứng cho tới khía cạnh nghe nhìn ấn tượng. Tuy vẫn còn vài thiếu sót nhỏ nhưng đây chắc chắn là cái tên không thể thiếu trong thư viện game, trừ khi bạn là người chơi hoài cổ và không chấp nhận sự thay đổi những cơ chế gameplay quen thuộc của một series game có bề dày lịch sử.
Final Fantasy XVI hiện có cho PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!