Final Fantasy VII Rebirth là phần tiếp theo của game hành động nhập vai Final Fantasy VII Remake Intergrade với thiết kế môi trường khám phá vô cùng rộng lớn, sở hữu nhiều minigame thú vị được lồng ghép vào trải nghiệm game một cách khéo léo mang đến lối chơi vô cùng đa dạng và đầy hào hứng. Chưa kể, trò chơi còn được chấp bút câu chuyện kể hấp dẫn vừa quen thuộc, vừa bất ngờ không chỉ với những ai từng chơi game gốc mà cả người chơi mới từ bản làm lại vừa đề cập.
Sau một năm phát hành độc quyền trên PlayStation 5 và bỏ qua người chơi PlayStation 4 tương tự bản Intergrade trước đó, phần chơi mới được Square Enix ra mắt trên nền tảng PC với chất lượng đồ họa ấn tượng. Mặc dù ban đầu tôi gặp một số vấn đề về hiệu năng nhưng sau bản cập nhật mới nhất ở thời điểm bài viết, kết hợp cùng vài tinh chỉnh trong các thiết lập đồ họa của bản PC, trải nghiệm game đã trở nên mượt mà hơn dù vẫn chưa ấn tượng như chất lượng nghe nhìn.
Trải nghiệm Final Fantasy VII Rebirth tiếp nối ngay sau sự kiện của phần chơi trước. Khi này, nhóm của Cloud đã rời khỏi Midgar để truy tìm Sephiroth. Ở vài nhiệm vụ ban đầu, người chơi có dịp hiểu hơn về nhân vật phản diện nói trên thông qua những đoạn hồi tưởng của Cloud. Đây cũng là lúc trò chơi hướng dẫn bạn các cơ chế gameplay cơ bản trong khi thiết kế màn chơi ở thời điểm này diễn ra khá tuyến tính, không dành nhiều không gian khám phá.
Không lâu sau đó, trải nghiệm game mở rộng hơn khi cốt truyện đưa người chơi đi đến nhiều địa điểm khác nhau, gặp gỡ nhiều NPC và cả những đồng minh mới chẳng hạn bé Yuffie dễ thương, đối mặt với những mối nguy hiểm cận kề mới trong cuộc phiêu lưu. Kịch bản của trò chơi được chấp bút rất ấn tượng khi đan xen nhiều sự kiện mới so với game gốc Final Fantasy VII năm 1997, tạo cảm giác mới mẻ ngay cả với những người đã từng chơi nguyên bản.
Mặc dù bổ sung nhiều tình tiết mới không có trong game gốc trước đây, nhưng cốt truyện của Final Fantasy VII Rebirth vẫn bám sát câu chuyện kể của huyền thoại JRPG năm 1997. Đặc biệt, những tình tiết mới này vẫn tạo cảm giác liền mạch và vô cùng hợp lý chứ không hề khiên cưỡng. Khía cạnh này còn có sự hỗ trợ của dàn nhân vật chính vô cùng cá tính trên nền đồ họa ấn tượng và chất lượng lồng tiếng xuất sắc, cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.
Vì cốt truyện có tính tiếp nối cao với phần chơi đầu tiên trong bộ ba bản làm lại này, do vậy nếu bạn chưa trải nghiệm Final Fantasy VII Remake Intergrade thì tôi không khuyến cáo nhảy ngay vào trải nghiệm Final Fantasy VII Rebirth. Lý do quá hiển nhiên, trừ khi bạn không quan tâm đến khía cạnh này. Mặc dù trò chơi có mục The Story So Far để kể lại nội dung trước đó, nhưng tôi nhận thấy những gì được tóm tắt chỉ phù hợp người đã chơi phần đầu nói trên hơn.
Hệ thống chiến đấu trong Final Fantasy VII Rebirth về cơ bản không thay đổi nhiều so với trước đây. Trận chiến vẫn diễn ra theo thời gian thật, đòi hỏi người chơi khả năng phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt với sự thay đổi của cục diện cuộc chiến. Cơ chế Active Time Battle đòi hỏi người chơi phải đợi thanh này đầy mới có thể sử dụng tuyệt kỹ hoặc phép thuật, tạo nên yếu tố chiến lược trong khoảnh khắc giúp những cuộc đối đầu trở nên hấp dẫn, nhất là boss chiến.
Về cơ bản, mục tiêu của người chơi là tấn công kẻ thù bằng mọi cách để gây Pressure đến chúng. Khi thanh này đầy, kẻ thù sẽ bị Staggered và là cơ hội để người chơi tung những đòn tấn công mạnh nhất nhằm rút ngắn HP của chúng. Mỗi kẻ thù sẽ có những điểm yếu nhất định, buộc người chơi phải tìm và tận dụng điều đó trong xây dựng chiến lược tấn công, nhất là những con boss có lượng HP khá “trâu”, lại thích tung các đòn tấn công diện rộng lên cả party.
Mỗi nhân vật trong party đại diện cho một lớp nhân vật khác nhau với khả năng tấn công cụ thể, tùy thuộc vào vũ khí sử dụng. Mở rộng hơn hệ thống Ability và Spell quen thuộc của các nhân vật là Synergy, những tuyệt kỹ đòi hỏi sự phối hợp của hai nhân vật khác nhau và được mở khóa trong bảng Folio. Yếu tố tương tác, cụ thể là tình trạng mối quan hệ giữa Cloud với các nhân vật hợp đồng tác chiến đó cũng ảnh hưởng đến khả năng sử dụng những kỹ năng Synergy.
Những yếu tố này được xây dựng rất liền mạch vào trải nghiệm game khiến tôi khá bất ngờ, dù ý tưởng không hề mới so với series game Persona hay Tales. Có thể nói, Final Fantasy VII Rebirth không chỉ tái sử dụng các cơ chế gameplay cũ từ phần chơi trước mà còn mở rộng và cải tiến hấp dẫn hơn, mang đến trải nghiệm game đầy cuốn hút. Đơn cử Chocobo không chỉ là thú cưỡi giúp việc di chuyển nhanh hơn mà còn được xây dựng thành hệ thống minigame.
Mỗi địa điểm sẽ có loài Chocobo khác nhau ở địa phương đó. Mỗi loài Chocobo sẽ có kỹ năng đặc thù với địa hình tương ứng địa danh đó. Và muốn thuần hóa Chocobo, bạn phải chơi minigame “hành động lén lút” với chúng ở trại nuôi Chocobo tương ứng mới có thể kích hoạt tính năng cưỡi Chocobo ở khu vực nhất định. Đáng nói hơn là số lượng minigame trong Final Fantasy VII Rebirth rất nhiều và được thiết kế rất đa dạng, dù chỉ xoay quanh vài ý tưởng cơ bản.
Những minigame này được lồng vào trải nghiệm game mang đến sắc thái đa dạng cho cơ chế gameplay của trò chơi theo cách vừa cuốn hút vừa thử thách không hề nhỏ. Tuy đôi lúc chúng mang đến cảm giác hơi khó chịu như bị ép phải chơi, dù không đòi hỏi đạt thứ hạng cao trong phần lớn trường hợp để thúc đẩy cốt truyện tiếp diễn. Mặc dù vậy, một số lượng không hề nhỏ achievement/trophy cũng chỉ được mở khóa khi bạn hoàn thành các minigame ở thứ hạng cao nhất.
Hệ thống chiến đấu trong Final Fantasy VII Rebirth thật sự không có gì nhiều để đề cập đến. Phần lớn những gì được xây dựng thành nền tảng cốt lõi gameplay trong phần chơi trước đều được áp dụng trong phần chơi mới, kết hợp một số điều chỉnh và bổ sung giúp trải nghiệm chiến đấu và khám phá trở nên hào hứng, đòi hỏi tính chiến thuật nhiều hơn. Tất nhiên cũng như phần chơi trước, bạn vẫn có thể giảm độ khó để tối ưu thời lượng chơi và giá trị chơi lại.
Hệ thống ngọc Materia hầu như giống hệt phần chơi trước và game gốc. Bạn có thể gắn ngọc vào vũ khí và trang bị để tăng khả năng chiến đấu cho nhân vật ở một số khía cạnh nào đó. Materia sử dụng nhiều sẽ thăng cấp, mở khóa các phép thuật và khả năng mạnh hơn, mang đến yếu tố chiến thuật không hề nhỏ trong chiến đấu nhất là các trận boss chiến. Summon cũng vẫn vậy khi yêu cầu chiến đấu và thắng các “hộ thần” này để sử dụng trong trận chiến.
Tuy vậy, chiến đấu với các summon đòi hỏi bạn phải giải các câu đố ở những địa điểm ẩn để thu thập thông tin về chúng. Trong khi để tiếp cận những nơi chốn bí ẩn này đòi hỏi phải thuần hóa Chocobo ở địa phương đó, nhằm tận dụng khả năng leo trèo địa hình đặc trưng khu vực của chúng. Như vậy, có lẽ bạn cũng dễ dàng hình dung các cơ chế gameplay được xây dựng liền mạch và có sự gắn kết mật thiết với nhau thế nào trong trải nghiệm game.
So với phần chơi tiền nhiệm, Final Fantasy VII Rebirth có hai cơ chế mới là Folio và Item Transmuter bên cạnh hệ thống kỹ năng Synergy đề cập ở trên. Folio là hệ thống cây kỹ năng tương tự Sphere Grid trong Final Fantasy X kinh điển. Mỗi nhân vật sẽ có bảng Folio riêng xoay quanh các Skill Core. Những Skill Core này được mở khóa bằng Skill Point, có được khi nhân vật thăng cấp. Mỗi Skill Core sẽ nối liền với nhiều kỹ năng khác trong Folio và đòi hỏi bạn phải tính toán một chút.
Item Transmuter thì mô tả ngắn gọn là hệ thống chế tác được đơn giản hóa, cho phép người chơi tạo trang bị và vật phẩm hỗ trợ, miễn là bạn có đủ nguyên vật liệu cần thiết và công thức chế tác. Mỗi địa điểm trong trải nghiệm game có rất nhiều nguyên vật liệu khác nhau, trải dài từ thực vật cho đến các loại quặng. Chịu khó khám phá một chút là có nguyên vật liệu. Tuy nhiên, một số nguyên vật liệu nhất định chỉ có được thông qua hoàn thành các nhiệm vụ phụ cụ thể.
Đáng chú ý, những nhiệm vụ này thường xoay quanh cốt truyện chính, mang đến cho người chơi cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới trong game. Ngoài ra còn có những nhiệm vụ phụ liên quan đến thành viên nhất định trong party và giúp gắn kết thêm mối quan hệ của Cloud với họ, từ đó mở ra các kỹ năng Synergy mới. Tùy vào tình trạng mối quan hệ của Cloud với những nhân vật khác mà một số yếu tố của câu chuyện cũng thay đổi, mang đến giá trị chơi lại thú vị cho game.
Đó là chưa kể rất nhiều hoạt động phụ khác để bạn thư giãn cũng như thử thách bản thân ngoài những khoảnh khắc khám phá và chiến đấu trong Final Fantasy VII Rebirth. Những hoạt động này tuy không phải lúc nào cũng hấp dẫn như các nhiệm vụ phụ nói trên, nhưng chúng là giải pháp hữu ích để kiếm thêm điểm kinh nghiệm và tận hưởng đồ họa đẹp tuyệt của trò chơi. Còn bảo để giải trí vui vẻ thì tôi không chắc. Đơn cử môn đấu bài Queen’s Blood khá nhức đầu.
Khám phá cũng là một trong những khía cạnh rất hào hứng của trải nghiệm Final Fantasy VII Rebirth. Tuy trò chơi không phải game có thiết kế thế giới mở, nhưng bản đồ thế giới rộng lớn với rất nhiều việc để làm chính là một trong những điểm cộng tuyệt vời của trò chơi. Các địa danh đều có sự đa dạng về bối cảnh, chủ đề cộng với yếu tố phần thưởng hấp dẫn cả về khía cạnh vật phẩm nhận được lẫn yếu tố lore xoay quanh thế giới game.
Điểm cộng mạnh mẽ nói trên còn có sự hậu thuẫn của đồ họa rất ấn tượng, với chất lượng hình ảnh có phần đẹp hơn so với Final Fantasy VII Remake Intergrade. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở tạo hình các nhân vật. Bạn có thể thấy rõ đường vân vải với những vết khâu trên trang phục hoặc vết nứt trên bộ giáp. Biểu cảm của nhân vật cũng rất ấn tượng và tinh tế. Không hiếm trường hợp chỉ nhìn ánh mắt cũng có thể hiểu được tâm tư của nhân vật.
Nhạc nền có lẽ không có gì đáng đề cập vì quá xuất sắc, kết hợp cùng chất lượng đồ họa tạo nên bữa đại tiệc nghe nhìn trong trải nghiệm Final Fantasy VII Rebirth. Những bản nhạc cũ trong game gốc được hòa âm phối khí lại, mang đến bầu không khí mới mẻ cho câu chuyện kể và tình huống sự kiện trong game. Và khoảnh khắc âm nhạc khiến tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng nhất là minigame chơi đàn dương cầm trong Final Fantasy VII Rebirth.
Tuy nhiên, vấn đề hiệu năng của trò chơi ít nhiều không thật sự mượt mà ngay cả khi chơi trên PC với phần cứng “vượt mức” cấu hình đề xuất. Sau khoảng thời gian chịu khó thử tinh chỉnh từng thiết lập đồ họa, trò chơi cũng mang đến trải nghiệm mượt mà hơn ban đầu với bản cập nhật 1.002 ở thời điểm bài viết, nhưng tôi không nghĩ trò chơi vận hành ổn định ở tốc độ khung hình được thiết lập. Luôn có những khoảnh khắc giật hình nhẹ hơi khó chịu.
Một vấn đề khác của Final Fantasy VII Rebirth trên PC cũng khá khó chịu là các bản cập nhật tuy có dung lượng tương đối nhỏ, nhưng thường đòi SSD còn trống khoảng 100GB mới có thể tải về và cài đặt. Do vậy nếu bạn có SSD dung lượng nhỏ, cần cân nhắc còn trống khoảng 250GB cho trải nghiệm game. Cài đặt game base ban đầu cỡ 150GB và 100GB trống để dành cho các bản cập nhật về sau. Nếu không sẽ gặp tình trạng ‘not enough space’ rất ức chế khi cập nhật game như tôi.
Sau cuối, Final Fantasy VII Rebirth mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai vô cùng đặc sắc với mọi thứ được xây dựng tỉ mỉ và chỉn chu. Tuy hiệu năng của trò chơi không thật sự ấn tượng, nhưng giá trị mà tựa game này mang đến hoàn toàn tương xứng nhờ vào lượng nội dung phong phú, lối chơi hấp dẫn, cốt truyện đong đầy cảm xúc và đặc biệt là khía cạnh nghe nhìn rất ấn tượng. Một trải nghiệm game không thể không chơi!
Final Fantasy VII Rebirth hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!