Exception là tựa game hành động đi cảnh độc đáo với lối chơi có tiết tấu rất nhanh, lấy đề tài công nghệ thông tin khá thú vị và hấp dẫn trong ý tưởng thiết kế màn chơi và cốt truyện.
Câu chuyện trong Exception đưa bạn đến với bối cảnh về một tình huống dính mã độc máy tính quen thuộc. Người chơi sẽ tham gia vào câu chuyện thông qua cách thức vận hành của một hệ thống máy tính, nhưng được vận dụng “tưởng tượng hóa” để dễ hình dung hơn với những ai không phải dân công nghệ chuyên sâu. Nhân vật của người chơi là một chiến binh tiêu diệt malware trong máy tính, với vũ khí trên tay là thanh kiếm ánh sáng anti-virus, xâm nhập vào các ngóc ngách hệ điều hành để tìm và diệt những mã độc trong máy tính.
Mỗi màn chơi trong Exception khá ngắn và được tính giờ, mang nhiều cảm giác giống với game Katana ZERO. Trải nghiệm game đòi hỏi sự chính xác cao trong yếu tố đi cảnh và chiến đấu. Với số lượng hơn 100 màn chơi, bạn sẽ nhận thưởng số sao dựa trên thời gian hoàn thành và vật phẩm thu thập gọi là Byte. Yếu tố này cho thấy game hướng đến yếu tố speedrun nhiều hơn. Tuy nhiên, khác với những tựa game speedrun khác trên thị trường đôi khi thiết kế bất công và chỉ phù hợp với một số lượng người chơi hạn chế, trải nghiệm trong Exception lại khá công bằng và phù hợp với nhiều đối tượng người chơi. Ở góc độ người chơi, tôi xem đây là một điểm cộng đáng chú ý, nhất là sau nhiều trải nghiệm mang tính “hành hạ” người chơi của dòng game speedrun trên thị trường như Razed hay gần đây nhất là Verlet Swing.
Thế giới trong Exception có phong cách đồ họa khá độc đáo, với những gam màu sáng khá phù hợp với nội dung của trò chơi. Câu chuyện trong game được kể lại bằng những khung hình truyện tranh nhỏ, thiết kế khá chi tiết và khác biệt so với tạo hình các nhân vật trong không gian màn chơi. Ngay cả cách mà nhà phát triển thể hiện thanh máu của nhân vật chính cũng khá độc đáo. Nếu bạn để nhân vật gần cạn máu, toàn bộ màn hình sẽ bị nhảy hình và chuyển qua lại giữa phong cách đồ họa mặc định và pixel art rất dễ nhận biết. Kết hợp với đó là những bài nhạc nền sôi động, bổ trợ tuyệt vời cho toàn bộ trải nghiệm diễn ra ở nhịp chơi rất nhanh.
Điểm nhấn trong lối chơi của Exception là yếu tố xoay màn chơi mỗi khi bạn tiếp cận một khối màu cụ thể nào đó. Tương tác này làm thay đổi không gian màn chơi sang chiều không gian mới, thường mang đến cảm giác hấp dẫn và cuốn hút nhờ vào sự thay đổi đầy bất ngờ nói trên. Dù vậy, sự thay đổi này chỉ tạo cảm giác màn chơi mới mẻ, chứ không có sự khác biệt nhiều trong các cơ chế gameplay quen thuộc. Người chơi điều khiển nhân vật đi vòng quanh trong không gian màn chơi với các thao tác quen thuộc như chạy, nhảy, trượt hay bật tường. Thanh kiếm ánh sáng trên tay nhân vật ngoài việc dùng để đánh boss, mục đích chủ yếu của nó là mở ra những lối đi tắt giúp kết thúc màn chơi nhanh hơn hoặc ngược lại mà thôi.
Thế nhưng, điểm trừ của Exception là các kỹ năng mở khóa mới không mang đến hiệu quả như mong đợi, gần như không tạo cảm giác mới mẻ hơn trong trải nghiệm. Phần lớn thời lượng chơi tôi vẫn cảm thấy hài lòng với các kỹ năng cơ bản thay vì mất thời gian nhớ thao tác cho các kỹ năng mới mở khóa nói trên. Tương tự, độ khó của game chủ yếu đến từ những khoảnh khắc màn chơi bị xoay chuyển, ban đầu luôn tạo chút cảm giác “lạc lối” nhưng không nhiều, thường không gây khó khăn sau một hoặc vài lần trải nghiệm kiểu thử và sai quen thuộc. Kẻ thù trong màn chơi cũng vậy. Thậm chí, ngoại trừ việc mang đến cảm giác “đổi gió” trong lối chơi quen thuộc, boss cũng không phải là một hiểm họa đáng quan ngại.
Với một số người chơi, vấn đề nói trên có thể là điểm trừ không đáng có. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của Exception lại nằm ở cảm giác điều khiển nhân vật chính hơi vụng về, nhất là những phân đoạn đòi hỏi bạn phải nhảy liên tục. Những pha nhảy bật tường thường tạo cho tôi cảm giác như có độ trễ nhất định giữa những lần nhấn và hành động của nhân vật trên màn hình, đôi lúc gây nên những cái chết khá ức chế trong khoảng 1/3 thời lượng trải nghiệm do thiết kế đặc trưng của những màn chơi trong số này. Ở góc độ người chơi, tôi nhận thấy trải nghiệm game đòi hỏi bạn khá nhiều thời gian để làm quen với những vấn đề nói trên, như input delay hay “hành vi” của nhân vật trong những bước nhảy cho mục đích đi cảnh.
Ở những khía cạnh còn lại, mặc dù câu chuyện trong Exception không hấp dẫn như mong đợi, nhưng nó được nhà phát triển xây dựng khá thú vị trong cách hình tượng hóa những yếu tố tưởng lạ mà quen trong hoạt động của máy tính, giúp người chơi không phải dân công nghệ cũng cảm thấy đơn giản, dễ hiểu. Mặt khác, con số hơn 100 màn chơi nghe có vẻ nhiều, nhưng kỳ thực trải nghiệm kết thúc nhanh hơn bạn tưởng ban đầu do thiết kế mỗi màn chơi khá ngắn, thường chỉ mất khoảng trên dưới 30 giây để hoàn thành khi chơi với mục đích qua màn thông thường chứ không cần giành thành tích cao. Giá trị chơi lại của game tuy có, nhưng không nhiều do hướng đến đối tượng người chơi speedrun hơn là những người chơi thông thường.
Sau cuối, Exception mang đến một trải nghiệm hành động đi cảnh hấp dẫn và ấn tượng trong thiết kế màn chơi lẫn cách dẫn câu chuyện kể. Nếu điểm trừ lớn nhất nói trên của tựa game này không đến mức khiến bạn thất vọng, đây chắc chắn là một cái tên cực kỳ đáng chú ý, nhất là những ai yêu thích thể loại này và lối chơi speedrun. Kỳ thực, trên thị trường vốn không có nhiều tựa game hướng đến yếu tố speedrun nhịp độ nhanh mang đến cảm giác trải nghiệm hào hứng, nhưng lại thân thiện với phần lớn đối tượng người chơi như Exception. Đó mới chính là điểm cộng đáng chú ý nhất của trò chơi.
Exception được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác