Edge of Sanity đẩy người chơi vào cuộc chiến sinh tồn nặng cảm giác tâm lý với bối cảnh rùng rợn, nơi mà bạn sẽ phải đối đầu với những thế lực đen tối luôn tìm cách thao túng tâm trí nhân vật chính. Những đặc điểm này của trò chơi còn được nâng cao hơn trong trải nghiệm game nhờ vào phong cách đồ họa 2D vẽ tay rất ấn tượng. Thiết kế địa điểm cân bằng tuyệt vời giữa tông màu chủ đạo và ánh sáng, truyền tải được bầu không khí đặc trưng với phong cách nghệ thuật độc đáo.
Nhân vật của người chơi là người đàn ông trung niên tên Carter, thành viên của nhóm hậu cần hỗ trợ các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm thực địa ở Alaska do tổ chức Prism vận hành. Biến cố xảy ra sau khi một sự kiện bất thường diễn ra tại nơi này, buộc các nhà khoa học phải sơ tán. Phòng thí nghiệm bị bỏ hoang bỗng trở thành nơi trú ngụ của những sinh vật kỳ lạ. Chỉ một số ít người sống sót rải rác. Mục tiêu của bạn là phải cứu lấy họ.
Với bản đồ chỉ có thể truy cập ở trại, người chơi có thể chọn địa điểm để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Từ giải cứu người mất tích cho đến thu thập những thứ cần thiết cho mục đích sinh tồn của mọi người. Đơn cử chuyện quan trọng đầu tiên là sửa chữa trạm nước và tìm nguồn thực phẩm. Những người được giải cứu cũng đóng vai trò quan trọng khi đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau như sửa chữa hay thu thập tài nguyên mỗi khi bạn rời trại.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết khi mọi chuyện diễn ra thuận lợi nhất, điều không bao giờ xảy ra trong trải nghiệm Edge of Sanity. Những hiểm họa và khả năng hạn chế của con người trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Alaska biến mọi thứ trở nên thử thách hơn rất nhiều. Và bạn còn phải đảm bảo điều kiện sống cho mọi người khi gần như không có công cụ nào trong tay để chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn đang lẩn trốn đâu đó ở những địa điểm làm nhiệm vụ.
Ban đầu tôi cứ tưởng trải nghiệm Edge of Sanity tương tự series The Coma, nghĩa là bạn chỉ việc chơi trốn tìm với các mối nguy hiểm tại những nơi làm nhiệm vụ khác nhau nhưng không phải vậy. Bản thân trò chơi sở hữu lối chơi không quá phức tạp, vừa đòi hỏi người chơi thành thạo khả năng hành động lén lút vừa yêu cầu bạn phải quản lý vi mô để đảm bảo khả năng sinh tồn không chỉ cho nhân vật chính mà cả những người được cứu.
Hành động lén lút trong Edge of Sanity khá đơn giản khi xoay quanh tiếng động nhân vật tạo ra khi di chuyển. Yếu tố này được cảnh báo bằng vòng tròn âm thanh trên nhân vật. Để di chuyển không tạo tiếng động khiến kẻ thù phát hiện, Carter có thể bước đi trong tư thế khom người. Bạn cũng có thể lách qua kẻ thù bằng cách đó mà không sợ bị chúng phát hiện. Một số kẻ thù nhạy sáng còn có thể dùng đuốc hoặc đèn thắp bằng nhiên liệu để khắc chế chúng hoặc soi đường.
Không như khía cạnh chiến đấu của series vừa đề cập chỉ xoay quanh việc tránh né kẻ thù, Edge of Sanity cho phép người chơi thu thập vật phẩm và tấn công kẻ thù. Tuy nhiên, những vật phẩm trợ chiến này có vô vàn hạn chế. Chẳng hạn những hòn đá đòi hỏi khả năng tương tác chính xác và tính toán kỹ lưỡng mỗi khi sử dụng. Vì ném hụt là bạn mất luôn cục đá, trong khi số lượng của chúng là rất ít dù ở bất kỳ thời điểm nào trong trải nghiệm game.
Vấn đề ở chỗ không có vũ khí nào trong Edge of Sanity có thể gây sát thương trí mạng đến kẻ thù, nhưng hạn chế thì vô số. Chẳng hạn bạn có thể nghĩ rìu là lựa chọn lý tưởng hơn khi đối mặt với những quái vật trong trải nghiệm game. Không sai nhưng chưa đầy đủ. Rìu sẽ bị hỏng dần khi sử dụng và sau số lần nhất định, Carter sẽ không thể dùng được nữa. Ngay cả vật phẩm hỗ trợ đơn giản nhất là bẫy cũng luôn thiếu trước hụt sau.
Trải nghiệm sinh tồn dĩ nhiên không thể thiếu chế tác. Hệ thống chế tác trong trò chơi tuy đơn giản nhưng về sau cũng có sự phức tạp nhất định. Trong khi một số vật phẩm chế tác chỉ sử dụng các tài nguyên thông dụng, phần lớn chế tác đòi hỏi sự kết hợp của nhiều thứ lại với nhau để tạo ra vật phẩm cần thiết. Nếu yêu thích thần thoại Cthulhu của Howard Philips Lovecraft thì Edge of Sanity chính là trải nghiệm sinh tồn được đo ni đóng giày cho bạn.
Tuy nhiên, đội ngũ phát triển Vixa Games đến từ đất nước Ba Lan còn đi xa hơn thế trong xây dựng trải nghiệm game. Về cơ bản, Carter sẽ bị những hội chứng liên quan đến tình trạng stress tích tụ lâu ngày, gây ra những tác động tích cực hoặc tiêu cực khó lường. Bạn phải tìm và sử dụng Fireclaw để giảm mức độ căng thẳng cho nhân vật chính. Nếu không sẽ có những chấn thương tâm lý nặng nề gây ảnh hưởng đến hành động và nhận thức của Carter.
Còn tại sao căng thẳng đến mức chấn thương tâm lý thì tôi xin để dành cho bạn khám phá trong trải nghiệm game. Nếu kể ra sẽ thành tiết lộ cốt truyện mất. Tình tiết khiến tôi cảm thấy hãi hùng nhất là những người được bạn cứu có thể không vượt qua sự khắc nghiệt của cuộc sống. Họ có thể chết và bạn có hai lựa chọn. Hoặc chôn cất họ tử tế như bình thường hoặc biến họ thành bữa ăn cho mọi người còn sống, một lựa chọn khiến tôi chỉ muốn nôn mửa.
Điểm trừ nhỏ của Edge of Sanity là thiết kế âm thanh. Có những tiếng động nghe rất chuẩn, nhất là tiếng bước chân của Carter. Nhưng cũng có những âm thanh nghe không giống thực tế lắm. Tôi chỉ không rõ có phải chất lượng loa ngoài laptop dùng chơi game của tôi dở, thành ra nhận xét không chính xác. Trong trường hợp đó, tôi sẽ nhường câu trả lời cho bạn trong trải nghiệm game. Dù gì thì điểm trừ nhỏ nghĩa là không ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh tồn của Carter.
Sau cuối, Edge of Sanity mang đến một trải nghiệm sinh tồn khá rùng rợn và hấp dẫn. Tuy mức độ thử thách của trò chơi theo cách mà bạn khó ngờ tới có thể gây ức chế nhưng nếu yêu thích thể loại này, đây sẽ là cái tên đáng để cân nhắc. Không vì đồ họa vẽ tay tuyệt đẹp cũng vì bầu không khí căng thẳng đặc trưng, nhất là khi kết hợp cùng cơ chế “chắc tôi phát điên mất” của nhân vật điều khiển.
Edge of Sanity hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5, PlayStation 4, Xbox One, Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PC.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!