Demon Gaze Extra bản remaster của game nhập vai Demon Gaze từ thời đại hoàng kim của PlayStation Vita, với lối chơi khám phá hang động khá truyền thống. Ngoài đại tu đồ họa cho các hệ máy mới, bản remaster này còn bổ sung nội dung mới cộng với một số tính năng tiện ích, giúp trải nghiệm đỡ vất vả hơn nhất là khi game nguyên bản khá nặng tính cày cuốc. Tuy sở hữu cốt truyện không quá đặc sắc, nhưng trải nghiệm game có nhiều tình tiết hài hước thậm chí biến thái từ dàn nhân vật mỗi người một vẻ và không ai giống ai.
So với nguyên bản trên PlayStation Vita, Demon Gaze Extra có thêm lớp nhân vật hoàn toàn mới Machina được mở khóa từ giữa trải nghiệm game. Tuy nhiên, lớp nhân vật này có cấp độ khởi đầu là 20 nên bạn không phải mất công cày cuốc như các lớp nhân vật khác, nhưng lại chỉ gắn liền một chủng tộc duy nhất. Bên cạnh đó là một số sự kiện mới được lồng ghép khá tinh tế vào trải nghiệm nguyên bản. Chẳng hạn màn chơi Grimodar Castle có sự kiện gián tiếp đưa người chơi đến với lớp nhân vật Machina được đề cập ở trên.
Tương tự, Demon Gaze Extra cũng có thêm tính năng tiện ích giúp tăng tốc độ trận chiến vốn khá lề mề với nhiều thông báo chi tiết trong nguyên bản. Nó còn kết hợp cùng tính năng chiến đấu bán tự động có sẵn trong game gốc, giúp giảm nhẹ cảm giác cày cuốc và tiết kiệm thời gian hơn. Ngoài ra còn có tính năng tương tự series Mary Skelter, nhưng tôi không nhớ chính xác là mới được bổ sung hay có sẵn trong bản PlayStation Vita: tự động di chuyển đến địa điểm nhất định trên màn chơi một khi bạn đã mở bản đồ đến vị trí đó.
Thú vị nhất là Demon Gaze Extra có liên kết nhiều thương hiệu trong xây dựng artwork hình đại diện của nhân vật, tăng cường yếu tố fan service cho trò chơi. Tất cả chỉ đơn thuần là hình chân dung nhân vật trên giao diện chiến đấu và hội thoại, không tác động gì đến cơ chế gameplay hay cân bằng game. Điều này thể hiện rõ ngay từ phần tùy biến nhân vật chỉ cho phép bạn lựa chọn họ làm hình đại diện. Ở thời điểm bài viết, các DLC miễn phí ngắn hạn này đã bị gỡ bỏ và không rõ nhà phát hành có ý định mở bán trong tương lai không.
Trải nghiệm Demon Gaze Extra đưa người chơi đến nhân vật chính Oz, được gọi là Demon Gazer nhờ khả năng phong ấn quỷ bằng mắt phải. Sau khi nhân vật chính tỉnh giấc trong hầm ngục, cuộc gặp gỡ bất ngờ với cô nàng Lancelona đã mở đầu cho cuộc phiêu lưu của người chơi. Sau khi chinh phục bé quỷ Comet, nhân vật chính được đưa về mái ấm an toàn tại nhà thuốc Long Châu, à nhầm, nhà trọ Long Công Chúa (Dragon Princess Inn). Cuộc gặp gỡ định mệnh với cô chủ trọ Fran Pendoll đã khai sáng con đường làm anh hùng diệt quỷ của Oz.
Fran là hình mẫu chủ trọ thường bị người ở trọ bốc phốt trên mạng xã hội, nhưng không ai dám làm thế với bà chủ xinh đẹp có tính nóng như kem này. Thay vì như người ta thu tiền trọ theo tháng, Fran thu tiền theo mỗi lần bạn chinh chiến bên ngoài và trở về nhà trọ. Số tiền này tăng dần theo cấp độ và số lượng thành viên trong party, bao gồm cả nhân vật xung trận và dự bị. Người viết chưa từng nợ tiền trọ do rất biết thân biết phận của kẻ ở trọ, nhưng người dân khác sống ở đây thì không hề may mắn như vậy.
Mỗi lần như thế là chuyện buồn cho số phận, nhưng khiến người viết phải thả haha vì không thể nhịn được cười. Xen kẽ với những trận chiến đầy sóng gió và không kém phần thử thách ở nhiều địa điểm khác nhau, điểm cộng dễ thương của Demon Gaze Extra là dàn nhân vật đa dạng tính cách. Họ góp phần bổ trợ nhau tạo những pha tấu hài ngập tràn trong suốt trải nghiệm game. Kỳ thực, Dragon Princess Inn chưa bao giờ vắng những khoảnh khắc hỉ nộ ác ố, không phải từ cư dân ở đây thì cũng do cô chủ trọ Fran và party của người chơi gây ra.
Trong số đó cũng có những yếu tố fan service để gia tăng hương vị của trải nghiệm, chẳng hạn khi nhân vật chính được hỏi thích điểm nào trên cơ thể phụ nữ với các lựa chọn khiến tôi phải trố mắt tưởng đọc nhầm. Tuy nhiên, trò chơi khá nghiêm túc trong những vấn đề nhạy cảm như thế này, dù không thiếu những tình tiết có phần biến thái thường thấy trong các manga/anime shonen. Demon Gaze Extra được chấp bút khá cân bằng giữa câu chuyện kể có phần nghiêm túc và những yếu tố hài hước không phù hợp với người chơi nghiêm túc kể trên.
Vòng lặp gameplay trong Demon Gaze Extra khá thỏa mãn. Mục tiêu của người chơi chủ yếu khám phá các mê cung và bắt những con quỷ cầm đứng mũi chịu sào ở những địa danh này. Quá trình khám phá đi kèm với việc vẽ bản đồ màn chơi tương tự những tựa game cùng thể loại, chẳng hạn Saviors of Sapphire Wings / Stranger of Sword City Revisited cũng do Experience phát triển hay mới nổi vài năm gần đây là series game Mary Skelter của Compile Heart. Tâm điểm của trải nghiệm là hệ thống “đập” ngọc đa dạng ở những tọa độ nhất định.
Những vị trí này được thể hiện bằng vòng tròn mặt quỷ ngạo nghễ chờ người chơi xông vào thách đấu. Nếu từng chơi Saviors of Saphire Wings của cùng nhà phát triển, bạn sẽ nhận ra sự tương đồng với hệ thống cạm bẫy trong tựa game kể trên. Khác biệt lớn nhất là những tọa độ này vừa liên quan mật thiết đến cốt truyện của trò chơi, vừa là nơi để “cày” trang bị giúp trải nghiệm chiến đấu dễ thở hơn. Các loại ngọc được chia thành nhiều loại, phần lớn tương ứng với trang bị khác nhau. Mỗi lần đập tối đa ba loại ngọc.
Đập ngọc đồng nghĩa trận chiến diễn ra, độ khó độ khó tùy thuộc vào loại ngọc mà bạn đặt vào. Khi tiêu diệt đủ số lượng vòng tròn mặt quỷ, người chơi sẽ đối mặt với con quỷ nắm quyền kiểm soát màn chơi. Đó là các trận đánh boss vô cùng hoành tráng và nhiều khi khá “nóng” với tạo hình của kẻ thù. Tuy là quá trình dài nếu mô tả chi tiết nhưng khi đánh boss thành công, bạn có thể mang linh hồn chúng về nhà trọ và hoàn thành thử thách của Fran, đổi lấy chìa khóa có khả năng triệu hồi chúng hỗ trợ chiến đấu.
Những con quỷ bị phong ấn này không chỉ hỗ trợ chiến đấu mà cũng rất hữu dụng trong khám phá. Đơn cử con quỷ ở đầu trải nghiệm có thể phát hiện các khu vực ẩn, giúp mở đường đến những điểm khám phá mới mà bình thường bạn không thể tiếp cận. Khám phá cũng đồng thời vẽ nên bản đồ hoàn chỉnh các màn chơi, bao gồm cả những kho báu để người chơi thu thập và kết hợp cày cấp cho party. Tôi chỉ thấy hơi phiền với hành trang hạn chế trong Demon Gaze Extra, khiến người chơi phải đóng “thuế thân” cho Fran mỗi khi về bán bớt đồ.
Hệ thống chiến đấu trong Demon Gaze Extra khá quen thuộc nếu bạn từng chơi game nhập vai nào trước đây. Party lên đến 5 nhân vật của người chơi được chia thành tiền tuyến và hậu tuyến. Đáng chú ý, nếu để nhân vật thiệt mạng, cả party bị đôn vị trí lên tiền tuyến hết sức bất lợi. Thiết kế này buộc người chơi phải liên tục theo sát tình trạng của mỗi thành viên và điều chỉnh chiến thuật tương ứng, mang đến trải nghiệm chiến đấu khá thỏa mãn khi kết hợp nhiều yếu tố con dao hai lưỡi khác trong thiết kế cơ chế chiến đấu.
Chẳng hạn, nhiều con boss có khả năng đánh thức “phần con” của Oz, khiến người chơi mất khả năng kiểm soát nhân vật nếu trước đó bạn không chủ động làm điều này để giành lợi thế. Chưa kể, triệu hồi quỷ cũng là con dao hai lưỡi vì nếu để cạn Demon Point mà không kịp thu quỷ, kết cục trận chiến có thể bất ngờ đổi chiều và gây nhiều bất lợi cho người chơi. Tuy Demon Gaze Extra đã bổ sung tính năng cho phép tái đấu thay vì quay về màn hình chính như nguyên bản, nhưng có những trận đánh boss khiến người viết vô cùng ức chế.
Độ khó của Demon Gaze Extra thay đổi khá bất ngờ. Có con boss chỉ cần chạy tính năng chiến đấu bán tự động cũng dư sức thắng. Ngược lại, có khi con boss tiếp theo tăng vọt độ khó đến mức ức chế nếu bạn không chuẩn bị kỹ lưỡng cho party, nhất là tận dụng các artifact. Về cơ bản, artifact cho phép lớp nhân vật bất kỳ có thể sử dụng kỹ năng đặc biệt từ lớp nhân vật khác. Vấn đề ở chỗ, muốn có thứ tạo tác này thì bạn phải đập ngọc artifact ở vòng tròn mặt quỷ, trong khi quá trình này chỉ tạo ra artifact tính có năng ngẫu nhiên.
Ở góc độ người chơi, khía cạnh nghe nhìn trong Demon Gaze Extra khá được chăm chút. Thiết kế màn chơi đa dạng chủ đề và bối cảnh. Thậm chí hình chân dung các nhân vật và hầu hết NPC ở Dragon Princess Inn đều có nhiều biểu cảm cho những tình huống sự kiện trải nghiệm khác nhau. Hiệu năng cũng rất tốt trên Nintendo Switch ở chế độ handheld lẫn gắn dock. Thiết kế kẻ thù mà đặc biệt là boss đều khá ấn tượng. Nhạc nền cũng như khâu xử lý âm thanh tiếng động đều được sáng tác và thiết kế hòa nhịp vào tình huống trải nghiệm.
Sau cuối, Demon Gaze Extra mang đến một trải nghiệm nhập vai khám phá hang động khá đặc sắc. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là yếu tố cày cuốc khá nặng nề, đặc biệt khi mỗi nhân vật mới chiêu mộ đều yêu cầu quá trình cày cấp từ đầu. Nếu chưa từng chơi nguyên bản Demon Gaze, đây chắc chắn là cái tên vô cùng đáng chú ý trừ khi bạn thuộc mẫu người chơi nghiêm túc và không thích yếu tố cày cuốc vốn là vấn đề chung của dòng game này.
Demon Gaze Extra hiện có cho PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!