Đánh giá game Deathbound

Đăng bởi: Ngày: 19/10/2024

Deathbound là game hành động nhập vai với hệ thống chiến đấu mang cảm giác soulslike đến từ đội ngũ phát triển Trialforge Studio nơi đất nước của lễ hội Carnival và vũ điệu Samba nóng bỏng. Trò chơi không được xây dựng theo công thức soulslike quen thuộc mà có sự biến tấu khá độc đáo với cơ chế đội nhóm. Sự thay đổi này tuy mang đến cảm giác trải nghiệm khá đặc biệt và hấp dẫn ở góc độ gameplay, nhưng có thể khiến không ít người chơi dòng soulslike lâu năm cảm thấy khó chịu.

Tạm bỏ qua vấn đề “9 người 10 ý” nói trên, trải nghiệm Deathbound mở đầu khá khó hiểu. Nhân vật chính mang tạo hình có vẻ giống lính thập tự chinh với bộ giáp nặng nề, nói những lời sùng đạo về vị thần mà anh ta tôn thờ. Dịch thuật cũng là một trong những vấn đề nhỏ như con thỏ của trò chơi ở đầu trải nghiệm. Phụ đề tiếng Anh có lẽ được chuyển ngữ từ ngôn ngữ gốc Bồ Đào Nha chưa được chuẩn xác, đôi lúc để lại cho tôi cảm giác “ủa, gì vậy?” trong một số câu thoại khi trải nghiệm game.

Bối cảnh trong Deathbound là thế giới hậu tận thế đổ nát của xã hội phong kiến, kết hợp kỳ lạ giữa phép thuật và công nghệ thống trị giữa bao mâu thuẫn của các giáo phái. Mặc dù mô tả bằng câu chữ không thật sự hấp dẫn, nhưng không thể phủ nhận đội ngũ phát triển khá khéo chọn bối cảnh game phù hợp với câu chuyện mà họ muốn kể. Xuyên suốt trải nghiệm game là thiết kế màn chơi mang cảm giác u ám, ẩm ướt và thô ráp, gợi nhớ đến Thymesia của đội ngũ phát triển OverBorder Studio.

Đánh giá game Deathbound

Cảm giác chiến đấu trong Deathbound không khác nhiều các tựa game soulslike khác trên thị trường. Người chơi cũng kết hợp giữa các đòn tấn công để rút HP của kẻ thù và thu thập XP từ chúng, sử dụng XP đó tại các điểm “dừng chân” tương tự bonfire để cải thiện khả năng chiến đấu của nhân vật khi đối đầu với các loại kẻ thù khác nhau. Điểm nhấn của trò chơi là hệ thống Morphing, cho phép bạn chuyển đổi qua lại giữa bốn nhân vật khác nhau và kết hợp họ để mang đến trải nghiệm soulslike dễ thở hơn rất nhiều.

Cụ thể, mỗi nhân vật đều có thanh HP và thể lực độc lập. Thông qua việc tận dụng cơ chế biến hình giữa các nhân vật, người chơi có thể tạo ra những tình huống chiến đấu linh hoạt cho phép nhân vật điều khiển chiến đấu liên tục hoặc dễ dàng né tránh đòn tấn công của kẻ thù hơn. Nói cách khác, việc chuyển đổi nhân vật qua lại chính là một phần của cơ chế chiến đấu trong Deathbound. Không những vậy, mỗi nhân vật cũng có khả năng chiến đấu riêng phù hợp cho từng tình huống chiến đấu khác nhau.

Cảm giác như bạn đang “cheat” trong trải nghiệm Deathbound vậy. Ở khía cạnh gameplay và tùy vào cảm nhận của mỗi người chơi, thiết kế này rõ ràng nhằm mục đích mang đến trải nghiệm soulslike dễ dàng hơn tương tự Mortal Shell đã làm và cũng là ý tưởng dễ gây nhiều tranh cãi nhất. Một mặt nó giúp trải nghiệm game trở nên ‘casual’ hơn rất nhiều so với phần lớn tựa game soulslike hiện có trên thị trường. Ngược lại, nó cũng làm mất đi sự tự do trong ‘build’ nhân vật như Elden Ring mang đến.

Đánh giá game Deathbound

Điều này cũng thể hiện rõ trong thiết kế kẻ thù thường ra đòn chậm và dễ đoán. Tất nhiên cũng vì thế mà dành nhiều khoảnh khắc cho người chơi né tránh hơn. Vấn đề ở chỗ nếu bạn đã quen với nhịp độ tấn công tương đối nhanh của kẻ thù trong các game soulslike truyền thống, cảm giác chiến đấu có phần chậm chạp trong Deathbound sẽ trở nên khá khó chịu vì không dễ bắt nhịp ở thời điểm trải nghiệm ban đầu. Đây là cảm giác mà không ít người chơi khó “nuốt trôi” vì cái gọi là thói quen cố hữu.

Khi vượt qua được cảm giác đó, trải nghiệm Deathbound trở nên khá hào hứng và mang nhiều cảm giác casual của thể loại soulslike. Cái cảm giác này còn đến từ một số vấn đề trong thiết kế, thể hiện sự non tay của đội ngũ phát triển khi xét đây là “đứa con đầu lòng” của họ. Một trong số đó là phần diễn hoạt của các nhân vật còn khá thô. Hitbox cũng có vấn đề trong không hiếm trường hợp. Tôi cũng không thích thiết kế boss thường có máu trâu, cộng với tốc độ hành động của chúng khá lề mề khiến boss chiến mất thời gian.

Các trận đánh boss thường mang đến cảm giác mệt mỏi sau thời khắc đối đầu đầy hào hứng ban đầu. Một điểm trừ khác là game xây dựng nhân vật điều khiển kém hấp dẫn ở cả tạo hình lẫn khía cạnh phát triển nhân vật, thiếu sắc thái riêng. Mặt khác, việc phải theo dõi thể lực và HP của tận bốn nhân vật cũng tạo nên vài vấn đề phiền phức trong khía cạnh quản lý vi mô, điều vốn không có ở các game soulslike khác. Tuy trò chơi có cốt truyện hào hứng nhưng chất lượng chuyển ngữ cần cải thiện hơn.

Đánh giá game Deathbound

Sau cuối, Deathbound mang đến một trải nghiệm soulslike khá độc đáo trong xây dựng cơ chế gameplay, sở hữu những ý tưởng thú vị tạo nên sự khác biệt so với các tựa game khác có cùng lối chơi. Vấn đề lớn nhất của trò chơi là xây dựng nhân vật thiếu màu sắc riêng, cộng với vài điểm trừ trong thiết kế game chưa đủ “chín” khiến trò chơi không thể phát huy hết tiềm năng vốn có của nó.

Deathbound hiện có cho PC (Windows), Xbox Series X|S, PlayStation 5.

Deathbound
Deathbound
Developer: Trialforge Studio
Price: $ 29.99
Deathbound
Deathbound
Price: $29.99

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên PlayStation 5.