Death end re;Quest 2 là JRPG kết hợp độc đáo với thể loại “tiểu thuyết trực quan” pha trộn chút kinh dị trong lối chơi, sở hữu hệ thống chiến đấu thú vị và câu chuyện kể tăm tối hiếm thấy.
Trong khi Death end re;Quest mở đầu gợi nhiều tò mò và chỉ bắt đầu chuyển sang tăm tối trong trải nghiệm về sau, phần hậu bản của series này lại khiến tôi rùng mình với ấn tượng đầu tiên vô cùng nặng nề và đen tối. Death end re;Quest 2 là câu chuyện kể về nhân vật chính Toyama Mai. Sau cái chết của ông bố, Mai buộc phải dọn đến khu trại mồ côi Wordsworth toàn nữ ở thị trấn Le Choara. Tuy nhiên, lý do thật sự mà cô gái này tìm đến đây và những bí ẩn nơi này chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc phiêu lưu hoàn toàn mới.
Điều thú vị là Death end re;Quest 2 “che giấu tội ác” rất tài tình khi không có mối liên quan đến phần đầu của series cho đến mãi về sau. Ban đầu, tôi hình dung trải nghiệm sẽ có nhiều nét tương đồng với phần một, nhưng kỳ thực mọi thứ đều có nhiều thay đổi. Từ tạo hình của các nhân vật cho đến những bộ trang phục Gothic Lolita đậm chất fan service đầy mê hoặc và hút mắt của dàn nữ chính. Càng không thể không nhắc đến những con đường u ám mà bạn phải chiến đấu với kẻ thù, làm nhiệm vụ hay những lối rẽ bí ẩn trong thị trấn.
Kỳ thực, bối cảnh mới trong Death end re;Quest 2 ít nhiều đều gợi đến chút cảm giác rùng rợn khi khám phá của những tựa game kinh dị của Nhật, chẳng hạn như tượng đài Resident Evil mà điển hình là Resident Evil 4 và bản Nemesis. Lối chơi khám phá hang động và yếu tố nhập vai thường thấy trong các JRPG, cộng với bối cảnh và câu chuyện tăm tối tạo nên một trải nghiệm khá mới mẻ và hấp dẫn. Mọi thứ từ Wordsworth, thị trấn Le Choara và tôn giáo El Strain bí ẩn đều được gắn kết lôi cuốn và hé lộ dần một cách hấp dẫn.
So với phần đầu, Death end re;Quest 2 có chút thay đổi về trải nghiệm ở yếu tố ngày và đêm. Ban ngày, người chơi sẽ tương tác với dàn mỹ nữ xấu tốt lẫn lộn tại các địa điểm quanh Wordsworth, tương tự như phần lớn các game visual novel. Đến nửa đêm, người chơi lẻn ra đường và bắt đầu khám phá câu chuyện kể và Le Choara. Thời khắc giữa canh ba này, cả thị trấn cứ như một nơi hoàn toàn khác khi mọi người biến mất, thay bằng những sinh vật ma quái xuất hiện và đi lang thang trên những con đường phủ đầy sương mù khuất tầm nhìn.
Mỗi khu vực đều có chủ đề riêng với lũ quái vật khá đa dạng trong tạo hình, phần lớn đều nhuốm màu sắc kinh dị rùng rợn và càng về sau càng tăng chứ không còn “nhẹ tay” như phần đầu nữa. Thế nhưng, điểm trừ đầu tiên của Death end re;Quest 2 là khu vực khám phá được tái sử dụng cho trải nghiệm nhiều lần trước khi chuyển sang khung cảnh mới. Điều này làm giảm đi chút hào hứng ở khía cạnh khám phá. Những trận đụng độ với Berserker cũng không kịch tính lẫn hào hứng do tốc độ di chuyển của chúng khá chậm.
Đáng nói, sự xuất hiện ngẫu nhiên của Berserker khi bạn đang giữa trận chiến có thể để lại chút cảm giác ức chế khó tả trong một số trường hợp nhất định. AI tuy khá ngớ ngẩn khi bật Auto-Battle, nhưng tính năng này ít nhiều cũng giúp việc “cày cấp” để đánh boss trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nên tôi xem nó là điểm cộng. Chỉ tiếc là khả năng tùy biến nhân vật khá hạn chế trong Death end re;Quest 2. Phần lớn vật phẩm cần thiết đều có được từ chiến đấu hoặc thu thập từ rương đồ khi khám phá, ít cần đến shop và tiêu tiền.
Hệ thống chiến đấu trong Death end re;Quest 2 không có nhiều thay đổi so với phần đầu. Người chơi cũng điều khiển party khám phá các khu vực, chiến đấu với kẻ thù trong không gian hình tròn nhưng được tự do di chuyển hơn so với Megadimension Neptunia VII. Kết hợp các tuyệt kỹ hay phép thuật khác nhau sẽ “vô tình lượm được bí kíp” những kỹ năng mới. Yếu tố thuộc tính vẫn xoay quanh tam giác tương khắc Sun, Moon và Star. Tùy vào thuộc tính của kẻ thù mà bạn cần chọn kỹ năng có thuộc tính tương ứng để chiến đấu.
Yếu tố này càng quan trọng hơn trong trải nghiệm về sau. Có lẽ nó được thiết kế chủ yếu để tăng độ khó của trò chơi theo thời lượng trải nghiệm. Bạn cũng cần phải chú ý “hốt hụi” lũ bọ glitch để cường hóa cho nhân vật và biến dạng Glitch mới có thể dễ dàng tiêu diệt kẻ thù. Death end re;Quest 2 có chút vấn đề với nhịp độ không cố định do trải nghiệm diễn ra xen kẽ giữa những phân đoạn “tiểu thuyết trực quan” và khám phá hang động theo tiết tấu khác nhau. Tuy nhiên, tôi không xem đây là điểm trừ và ngược lại là khác.
Sự thay đổi nhịp độ này giúp trải nghiệm giảm đi cảm giác lặp lại, nhất là khi thiết kế màn chơi khám phá được tái sử dụng nhiều lần trước khi chuyển sang chủ đề mới. Mặt khác, Death end re;Quest 2 tuy có cốt truyện hấp dẫn và kịch tính để dẫn dắt người chơi bước vào trải nghiệm khám phá, nhưng ít lựa chọn tương tác hơn phần chơi đầu tiên. Dù vậy, hậu bản này vẫn có nhiều ending khác nhau, thưởng cho bạn mỗi khi quyết định sai lầm giống như người tiền nhiệm, giúp lần “continue” tiếp ngay sau đó dễ thở hơn chút.
Mức độ trừng phạt người chơi trong Death end re;Quest 2 cũng rất thấp. Nếu bốc thăm may mắn trúng vào ô “mất lượt” và nhận về ending xấu, trải nghiệm chỉ đơn thuần quay lại thời điểm trước chọn lựa đó chứ không phải từ file save gần nhất. Yếu tố tương tác riêng của mỗi nhân vật cũng là sự sự thay đổi nhịp độ hợp lý cho khía cạnh khám phá và chiến đấu, vốn thường nặng cảm giác lặp lại và “cày cuốc” của thể loại này. Chưa kể, tùy vào mức độ “hardcore” của bản thân, bạn có thể lựa chọn giữa các thiết lập độ khó khác nhau.
Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác độ khó cao nhất mới đích thực là trải nghiệm mà Death end re;Quest 2 muốn hướng đến. Nó đòi hỏi người chơi phải có sự tính toán chiến thuật do độ khó tăng cao, cùng nhiều khía cạnh khác trong gameplay mà tôi xin dành cho bạn khám phá. Nếu nhiêu đó vẫn chưa đủ, trò chơi còn có cả NG+ không kém phần hấp dẫn và thú vị sau khi bạn hoàn thành trải nghiệm lần đầu. Đặc biệt, nội dung game không đặt nặng hiểu biết trong phần chơi đầu cũng là điểm cộng tuyệt vời của hậu bản này.
Tương tự như phần đầu, Death end re;Quest 2 thổi hồn cho các nhân vật cá tính khác nhau rất tốt trong cả lựa chọn Anh lẫn Nhật ngữ. Dàn nhân vật chính lẫn phụ đều tuyệt vời, vừa xinh đẹp vừa sắc sảo. Nhạc nền tuy không xuất sắc, nhưng bắt trọn cảm xúc của người chơi trong những phân cảnh game, nhất là các khoảnh khắc thể hiện góc khuất tâm hồn hoặc tính cách của nhân vật. Cốt truyện tuy hấp dẫn và khởi động hơi chậm ở thời điểm ban đầu, nhưng càng lúc càng cuốn hút về sau cũng là điểm cộng khác của trò chơi.
Sau cuối, Death end re;Quest 2 mang đến một trải nghiệm JRPG khá hấp dẫn và lôi cuốn ở nhiều khía cạnh, chỉ có vài điểm trừ nhỏ trong thiết kế gameplay. Trừ khi bạn không thích bối cảnh cũng như câu chuyện kể tăm tối và rùng rợn, đây chắc chắn là cái tên cực kỳ đáng chú ý cho thư viện JRPG của bạn.
Death end re;Quest 2 được phát hành cho PC (Windows) và PlayStation 4.
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!