Sáng nay họp xong đầu óc lùng bùng, thế là tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi đi xem phim một mình. Không có nhiều lựa chọn nên vớ đại Once Upon A Time in Venice.
Phim mở đầu bằng cảnh Steve (Bruce Willis), một tay thám tử đang giáo huấn một đám trẻ con ở khu vực chơi lướt ván. Với phương châm sống “hết mình với phụ nữ, mạnh bạo với đàn ông”, Steve xui xẻo bị một băng đảng bắt mất con chó cưng. Sau một loạt sự kiện lần lượt diễn ra, nội dung phim gói gọn lại thành cuộc hành trình đi cứu con chó Buddy bị bắt mất của Steve.
Thật ra khi coi đến đoạn mất con chó, tôi đã bắt đầu nghĩ đến phim John Wick. Nhưng ai ngờ Once Upon A Time in Venice không có chút gì giống John Wick cả. Ngay cả khi con chó bị bắt mất, tôi cũng thoáng nghĩ đến phim Taken nhưng cũng không “ngầu” được vậy. Once Upon A Time in Venice đưa ra những tình tiết hài hước theo kiểu văn hóa phương tây nên có lẽ không hợp với dân Việt Nam chúng ta lắm. Trong đó có nhiều đoạn hài khá tục tĩu mà tôi cũng không muốn đề cập trong bài viết.
Nội dung trong Once Upon A Time in Venice không mới. Thậm chí bạn có thể đã coi không ít những phim khác có nội dung tương tự như vậy. Nhân vật Steve không phải là một “thần võ” hay có khả năng “siêu đẳng” như John Wick, mà chỉ là một tay thám tử bình thường. Cùng với cậu cộng sự John của mình, Steve vướng vào hai phi vụ lớn cần phải điều tra. Những tưởng dễ giải quyết nhưng không ngờ vô số sự cố đã xảy ra. Từ những sự cố đó, nhân vật tiếp tục tìm hướng giải quyết ở những nơi khác, bất chấp khả năng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” rất cao. Chính vì vậy mà nhân vật chính gần như trở thành nạn nhân của những hành động tai hại cho chính bản thân gây ra.
Thực tế tôi khá thích một phần câu chuyện trong Once Upon A Time in Venice. Nếu bỏ qua những đoạn hài hước tục tĩu hay quá lố, cái thông điệp mà phim mang lại khá hay. Đó là tình cảm gia đình, quên mình vì gia đình như nhân vật Dave (John Goodman) có nói. Đó còn là tình yêu chó và cả cái tình nghĩa giang hồ nữa. Ở một số khía cạnh, các nhân vật trong phim khá thú vị, kể cả “vai xấu”. Kỳ thực, không có nhân vật nào hoàn toàn xấu trong phim, và tất nhiên cũng không ai tốt toàn diện cả. Các nhân vật đều rất đời thường, không có ai hoàn hảo hết, cũng như cuộc đời này vậy.
Lấy ví dụ như Spyder (Jason Momoa), một tay buôn “hàng trắng” trong phim. Tay này khá ngang tàng nhưng tuyên bố vì câu chuyện kể quá sức xúc động mà hắn quyết định trả con chó lại cho Steve. Coi đến đây tôi đã phải phì cười dù không hẳn nhân vật thật lòng nói thế. Nhưng cái cảm xúc của Spyder cho cảm giác hắn đang nói thật, dù vẻ mặt của tay giang hồ này lúc đó trông khá ngớ ngẩn. Các nhân vật khác cũng tương tự như thế. Người xem luôn được chứng kiến những khoảnh khắc ngớ ngẩn lẫn nghiêm túc của những nhân vật. Đâu đó trong mỗi người vẫn có những quan điểm riêng về cuộc sống và gia đình. Họ khác biệt, nhưng luôn có những người thừa nhận sự khác biệt của họ và tôn trọng điều đó, thay vì chê bai, chế giễu hay đả kích.
Nhưng Once Upon A Time in Venice là một phim hành động hài… nhảm. Cái kiểu nhảm nhảm tửng tửng mang nhiều nét giống se-ri phim RED cũng có Bruce Willis vào vai chính. Cách giới thiệu nhân vật cũng vậy, tôi có cảm giác nó hơi nhạt và cố ý làm cho có vẻ hoành tráng. Nhưng thực tế chẳng nhân vật nào “hoành tá tràng” cả, tất cả đều chỉ là những con người bình thường với những tính cách khác biệt nhau. Nhân vật khiến tôi buồn cười nhất có lẽ Yuri (Ken Davitian), một tay chuyên cho vay nặng lãi. Hắn ấn tượng tôi với bộ đồ… bikini mà nhìn chỉ muốn ói. Ngay cả người dẫn truyện cũng có hàm ý nói về hắn như vậy. Và động thái mà hắn khiến tôi bất ngờ nhất chính là khuyên nhân vật đừng nên vay tiền của hắn, sau khi anh ta cố gắng lắm mới trả được món nợ cũ.
Nếu ai đó hỏi tôi liệu có nên đi xem Once Upon A Time in Venice không, thật sự rất khó trả lời. Cái chất hài hước của phim không thể hợp với phần lớn người xem Việt Nam, chưa kể nhiều đoạn khá tục, đến mức bị xếp vào C18 – cấm người xem dưới 18 tuổi. Dù khá thích cái thông điệp ẩn mà tôi “thấy” được trong phim, nhưng nếu được lựa chọn, có lẽ tôi sẽ không xem. Vậy nên, tùy bạn quyết định.