Steam Link là một giải pháp phần mềm stream game, cho phép người chơi có thể trải nghiệm thư viện game Steam của trên các thiết bị di động của họ.
Ngay từ khi nghe Valve chuẩn bị ra mắt dịch vụ stream game Steam Link, tôi đã luôn thắc mắc liệu nó có hơn những giải pháp dịch vụ khác từng được ra mắt trước đây, chẳng hạn như OnLive từng hoạt động được 5 năm trước khi chính thức đóng cửa sau khi bán mình cho Sony. Điều quan trọng nhất là Steam làm thế nào để giải quyết vấn đề độ trễ vốn là điểm yếu của bất kỳ dịch vụ stream game nào, và không ngờ kết quả nhận được lại khá thỏa mãn. Thiết bị di động của bạn hoàn toàn có thể trở thành một máy chơi game PC thứ hai, nhưng điều kiện đổi lại cũng không hề “nhẹ nhàng”.
Steam Link có thể sử dụng với Steam Controller hay bất kỳ tay bấm chơi game bluetooth nào. Khi bạn đồng bộ tay cầm chơi game, ứng dụng sẽ kiểm tra tốc độ mạng của máy tính sử dụng Steam. Lần đầu tiên kết nối với máy tính, Steam Link sẽ yêu cầu bạn nhập vào mã bảo mật gồm bốn số để xác thực kết nối. Nếu chưa từng sử dụng chế độ Big Picture trên Steam bao giờ thì có thể bạn sẽ thấy lạ với giao diện này trên thiết bị di động. Đây là thiết lập mặc định của Steam Link và bạn có thể chuyển về chế độ desktop nếu muốn, với bàn phím ảo và con trỏ chuột sẽ được dùng để điều khiển PC.
Trước khi thử nghiệm chính thức, tôi cũng có thử dùng vài cách nghĩ ra được để đánh lừa Steam Link sử dụng kết nối 4G/LTE cho việc stream game. Vấn đề lớn nhất của Steam Link là yêu cầu bạn phải cùng kết nối vào chung mạng nội bộ giữa thiết bị di động và PC chơi game, và việc này có thể dễ dàng đánh lừa ứng dụng. Tuy nhiên kế hoạch không thành công mà không rõ vì sao, rất có thể kết nối này không phù hợp cho việc stream game băng thông lớn. Xem ra khả năng stream game PC trên di động từ hai góc phố xa xôi bằng kết nối 4G/LTE vẫn chưa thể thành hiện thực, có thể vì độ trễ của sóng điện thoại chưa đáp ứng được điều kiện cần thiết hoặc vì lý do gì đó chưa rõ. Đó là chưa nói đến việc khó có “túi tiền” nào chịu nổi băng thông khổng lồ mà Steam Link tiêu tốn nếu khả năng này thành công.
Tiếp theo tôi thử nghiệm với kết nối Wi-Fi thật. Mặc dù biết yêu cầu của Valve là phải sử dụng Wi-Fi băng tần 5GHz nhưng tôi mặc kệ, thử kết nối điện thoại vào Wi-Fi băng tần 2,4 GHz và máy tính chơi game thì kết nối vào cổng LAN cùng một router xem kết quả thế nào. Không ngạc nhiên khi phần kiểm tra kết nối của Steam Link lập tức hiện cảnh báo kết nối mạng có thể không hoạt động tốt với việc stream game và yêu cầu bạn bảo đảm việc sử dụng Wi-Fi băng tần 5GHz. Như vậy có thể thấy Valve không hề “nói chơi” về việc bắt buộc phải sử dụng Wi-Fi băng tần 5GHz.
Tuy nhiên vì lý do trải nghiệm đánh giá, tôi vẫn tiếp tục mặc kệ cảnh báo của ứng dụng và cố gắng thử trải nghiệm khả năng stream xem sao thì kết quả nhận được hết sức tệ. Cụ thể, ngay cả những tựa game đồ họa pixel art đơn giản cũng đã không thể trải nghiệm nổi với tốc độ “rùa bò” của kết nối Wi-Fi băng tần 2,4GHz, dù thực tế tôi vẫn tải file và xem stream phim Prime Video hay iFlix ở độ phân giải cao nhất mà chưa từng bị đứng hình chờ tải về bao giờ. Vậy nhưng khi stream game trên Steam Link với kết nối này lại cứ thường xuyên xảy ra tình trạng “làm lơ” phần điều khiển của người chơi, dẫn đến việc không thể chơi game được. Kết quả “làm liều” ban đầu mang đến kết cục không khả quan chút nào.
Tiếp tục thay đổi router hỗ trợ Wi-Fi băng tần 5GHz đúng như yêu cầu và kết nối máy tính chơi game vào cổng Ethernet trên router, tôi tiếp tục cho kiểm tra lại kết nối mạng. Lần này thì Steam Link thông báo tốc độ mạng tốt và với kết nối Wi-Fi này, việc trải nghiệm game trở nên hoàn toàn khả thi ở độ phân giải 1080p với độ trễ hiển thị rất thấp. Theo số liệu của Steam Link thì chỉ khoảng từ 50 đến 150ms và độ trễ điều khiển luôn dưới 1ms, đây có thể nói là chỉ số an toàn mà bạn có thể trải nghiệm tốt phần lớn thư viện game Steam của mình. Với độ trễ này thì so với việc ngồi chơi trực tiếp trên máy tính là gần như không thể phân biệt được. Thậm chí không có khác biệt gameplay đáng chú ý ngay cả những tựa game đòi hỏi phản ứng nhanh như Cuphead.
Tuy nhiên, dù cho kết nối Wi-Fi đúng tiêu chuẩn đi nữa, thì chất lượng stream game Steam trên di động cũng phụ thuộc khá nhiều vào độ phân giải và mức độ phức tạp về đồ họa của tựa game mà bạn chơi. Với những game có đồ họa đơn giản thì theo số liệu của Steam Link là băng thông tốn khoảng 4Mbps và thường không gặp vấn đề gì khi trải nghiệm. Trong khi đó, những tựa game đồ họa phức tạp chẳng hạn như bản Doom reboot năm 2016 cần băng thông lên đến 12Mbps, lại thỉnh thoảng có hiện tượng xé hình và khựng trong chớp mắt ở những đoạn tải đồ họa nặng. Mặc dù có hơi thất vọng vì xem ra vẫn chưa thể trải nghiệm trọn vẹn game Steam trên thiết bị di động một cách trơn tru như mong đợi, nhưng không thể phủ nhận Steam Link dù chỉ mới ở giai đoạn beta vẫn mang lại kết quả khá khả quan cho những ai muốn trải nghiệm thư viện Steam của họ ở khắp mọi nơi trong nhà.
Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt khi đó cũng là một vấn đề của riêng kết nối Wi-Fi băng tần 5GHz. Nếu từng sử dụng kết nối Wi-Fi này trước đây, bạn sẽ biết đây là kết nối có thế mạnh về băng thông và tốc độ truyền tải, tuy nhiên vấn đề lớn nhất của công nghệ 5GHz là khả năng xuyên thấu vật cản kém và tầm phủ cũng hẹp hơn băng tần 2,4GHz rất nhiều. Kết quả thử nghiệm cho thấy nếu bạn chơi game trong vị trí rất gần router 5GHz thì tốc độ kết nối rất ổn định, và cũng chỉ gặp vấn đề với một số tựa game đồ họa nặng như đề cập ở trên.
Tuy nhiên, khi di chuyển xa router hoặc có vật cản thì kết nối này lập tức có tình trạng “sớm nắng chiều mưa” ngay lập tức. Nếu không đứng hình vài giây thì cũng khựng liên tục hết lần này đến lần khác, hầu như không thể chơi game được bình thường và gây ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm. Mặt khác, nếu có các thiết bị khác cùng kết nối vào Wi-Fi băng tần 5GHz này và thực hiện các thao tác stream dữ liệu khác như xem phim trên YouTube chẳng hạn, cũng gây tác động không nhỏ đến việc stream game. Theo Valve cho biết thì họ không giới hạn băng thông sử dụng cho Steam Link nên đây có thể là lý do, chưa kể băng thông để stream game của ứng dụng này vốn đã rất cao nữa.
Một trường hợp cũng được tôi tiến hành thử nghiệm đánh giá là sử dụng Android TV với kết nối vào cổng Ethernet cùng router với máy tính chơi game để stream game và cho kết quả khá tốt, tương đương với việc sử dụng Wi-Fi băng tần 5GHz nói trên. Tuy nhiên nếu trải nghiệm những tựa game đồ họa nặng thì vẫn không tránh khỏi hiện tượng giật hình trong những cảnh đòi hỏi tải GPU cao, do vậy bạn cũng đừng hy vọng nhiều khi trải nghiệm một tựa game “hạng nặng” nào đó bằng cách này. Đáng tiếc là việc thử nghiệm khi cả hai sử dụng chung kết nối Wi-Fi băng tần 5GHz lại không thực hiện được do tôi không có máy tính có khả năng kết nối 5GHz nên việc đánh giá được dừng ở đây.
Tóm lại, Steam Link hiện có thể trải nghiệm tương đối tốt hầu hết các tựa game hiện có trên thị trường, nhưng sẽ không hoạt động tốt với trường hợp những game có đồ họa quá phức tạp hoặc quá nặng. Yêu cầu Wi-Fi băng tần 5GHz cũng có thể là một trở ngại do tầm phát sóng và khả năng xuyên thấu vật cản kém, chưa kể kết nối này cũng không mấy thông dụng ở hầu hết các gia đình hiện nay do những bất lợi của nó và chi phí đầu tư cao so với hiệu quả mà nó mang lại. Nếu muốn trải nghiệm thư viện game Steam ở khắp mọi nơi, thì Steam Link vẫn là một lựa chọn đáng chú ý nếu bạn biết chấp nhận gia giảm độ phân giải và các thứ hao tốn nhiều băng thông. Dù sao thì độ trễ thấp của dịch vụ cũng đã là một điều đáng ngạc nhiên.