Smartphone Tycoon đưa người chơi đến với ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh, nhưng theo cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với thực tế.
Thể loại game mô phỏng khá đa dạng nội dung trên nền tảng di động, từ mô phỏng công việc phục vụ trong các nhà hàng cho tới cả mô phỏng công ty sản xuất game. Và Smartphone Tycoon chỉ là một trong số những tựa game mô phỏng tương tự như thế, với đề tài có khác đi một chút nhưng lối chơi vẫn gần như tương tự và thậm chí không có nhiều cải tiến so với những game hiện có trên thị trường. Tuy nhiên lưu ý bạn là game này trên phiên bản iOS lại có tựa là Smartphone Tycoon Inc., có thể là vì trùng tên với một tựa game khác nên phải đổi.
Gameplay cũ và quen thuộc
Lối chơi của Smartphone Tycoon thật ra không mới, thậm chí nếu chơi nhiều game mô phỏng dạng này thì bạn sẽ thấy nhiều nét quen thuộc. Nếu có khác thì cũng chỉ là đề tài chứ còn các yếu tố gameplay và quản lý đều không có gì mới. Người chơi sẽ bắt đầu bằng cách đặt tên cho công ty sản xuất smartphone, có sẵn một số vốn nhất định và bắt đầu với những công việc quản lý quen thuộc, khởi đầu là việc tuyển dụng nhân sự.
Sau khi đã có nhân sự rồi thì bạn bắt đầu với việc thiết kế điện thoại với khá nhiều lựa chọn chi tiết, từ độ mỏng của các viền bezel cho tới vị trí của các phím cứng và phím mềm. Tiếp theo đó là các lựa chọn về camera cho điện thoại và vị trí sắp đặt, rồi đến màu sắc và các tùy chọn về SoC. Cuối cùng là pin và các tính năng cộng thêm khá quen thuộc như Touch ID, sạc không dây hay Face ID v.v…
Nói thế để bạn thấy, lối chơi trong Smartphone Tycoon rất đơn giản, người chơi chỉ lựa chọn mọi thứ giống như bạn đi mua rau ngoài chợ, rồi mọi chuyện sản xuất là để trò chơi tự lo. Các yếu tố khác chẳng hạn như chi tiền làm tiếp thị, hay tốn chi phí tổ chức buổi họp báo để công bố sản phẩm chẳng hạn, chỉ làm thêm chút màu sắc cho trò chơi chứ không gây ảnh hưởng nhiều đến đánh giá của giới chuyên gia về chiếc điện thoại mà bạn sản xuất.
Đề tài mới và thú vị
Trước đây tôi từng chơi một tựa game về mô phỏng công ty sản xuất game, và trải nghiệm trong Smartphone Tycoon gần như y hệt về khía cạnh gameplay. Sự khác biệt chỉ là thay vì chọn thể loại game để phát triển và đổ tiền để đầu tư các công nghệ làm game thì giờ đây bạn sẽ chọn các công nghệ để tạo ra một chiếc smartphone và đổ tiền đầu tư vào các công nghệ smartphone. Tuy nhiên, trong Smartphone Tycoon thì lựa chọn đa dạng hơn, nhưng chủ yếu cũng chỉ tạo sự hào hứng.
Yếu tố đa dạng này của trò chơi tạo cảm giác bạn thật sự có thể tùy ý thiết kế một chiếc smartphone theo ý muốn, nhưng chỉ là tăng sự lựa chọn của người chơi hơn là tạo sự khác biệt về gameplay. Đây là điểm thu hút của trò chơi ban đầu nhưng càng chơi thì bạn sẽ càng thấy rõ ý định của nhà phát triển. Về cơ bản, lối chơi của thể loại mô phỏng này vẫn tương tự nhau về cách thức vận hành, dù thực tế nó là sản phẩm đến từ nhiều nhà phát triển khác nhau. Tất cả vẫn khởi đầu từ một công ty với số vốn hạn chế, người chơi sẽ sản xuất một sản phẩm nào đấy dựa trên một số lựa chọn có sẵn và tiếp tục tái đầu tư từ đó.
Tưởng khó mà lại dễ
Vấn đề của Smartphone Tycoon không chỉ có vậy, mà còn vì có quá nhiều lựa chọn. Nghe có vẻ ngược đời nhưng kỳ thực yếu tố này chỉ khiến bạn thêm khó khăn nếu không muốn nói là rất khó xác định được những yếu tố nào mới thực sự gây tác động đến đánh giá của người dùng khi ra mắt một chiếc điện thoại mới. Trong khi đó, các đánh giá này thường xoay quanh những câu khen chê vô thưởng vô phạt, kiểu như khen thì “thật tuyệt vời, tôi rất thích nó” còn chê thì “không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ”, không khác gì đánh đố người chơi về việc họ đã sai lầm từ đâu để bắt đầu sửa đổi từ đó.
Ban đầu tôi cũng nghĩ những đánh giá này là ngẫu nhiên, tuy nhiên sau một thời gian thử nghiệm nhiều lần thì mới thấy rằng thật ra không phải vậy. Kỳ thực, trò chơi có một hay hai thủ thuật để đánh giá một chiếc điện thoại là tốt hay xấu dưới góc nhìn của một người dùng. Và để hiểu được điều này thì bạn phải suy nghĩ như một người tiêu dùng thật thụ. Người dùng muốn bỏ tiền ra cho một chiếc điện thoại như thế nào, đó mới là mấu chốt cho nhà sản xuất như bạn để tạo nên một chiếc điện thoại thành công về mặt doanh thu và đánh giá. Nếu không chú trọng điều đó mà chỉ chạy theo các tính năng thời thượng thì chắc chắn bạn sẽ nhận về những đánh giá thấp.
Vui nhưng nhiều hạn chế
Sau cuối, Smartphone Tycoon mang đến một trải nghiệm “vui là chính” về công việc sản xuất smartphone, thứ gần như không thể thiếu với nhiều người trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Mặc dù vậy, trò chơi vẫn còn vướng khá nhiều hạn chế nhất định như giao diện phản hồi chậm và mật độ hiện quảng cáo khá dày cứ mỗi năm phút. Đó là chưa nói tới nhiều yếu tố trong thiết kế smartphone không được giải thích rõ với người chơi, nên gây khó hiểu về mục đích thật sự của nó. Chưa kể, phiên bản iOS khá chậm chạp trong việc cập nhật tính năng so với bản Android cũng là một điểm trừ với người dùng iOS. Mặt khác, lối chơi mang nặng tính lặp lại dễ khiến bạn mau chán, nhất là sau khi đã hiểu cách thức vận hành của cơ chế gameplay như thế nào. Một điều cũng không thể không nhắc đến vẫn còn vướng vài lỗi vớ vẩn và một số cơ chế gameplay thiếu hợp lý, chẳng hạn công việc tiếp thị chỉ được thực hiện sau khi bán ra smartphone thay vì trước khi bán ra.
Smartphone Tycoon hiện có trên iOS và Android. Xem thêm bài chia sẻ kinh nghiệm chơi game Smartphone Tycoon.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác