Thiếu tập trung về mặt nội dung, Những Cô Gái và Găng-tơ (tên gốc: Girls 2) dù vẫn đem đến cho người xem những tràng cười bất tận, nhưng câu chuyện và tình tiết lại cực kì phi lý và khá nhạt nhẽo.
Những Cô Gái và Găng-tơ là câu chuyện về chuyến đi của ba cô gái trẻ Hi Vấn (Trần Y Hàm), Kimmy (Tiết Khải Kỳ) và Gia Lâm (Trương Quân Ninh) để tổ chức bữa tiệc kết thúc cuộc đời độc thân của cô bạn Hi Vấn. Sẵn có Tiểu Mỹ (nhân vật chính trong phần 1) đang quay phim ở Việt Nam, họ liền chọn thành phố Hồ Chí Minh làm điểm đến cho hành trình của mình. Tuy nhiên, sau đêm vui tẹt ga tại biệt thự của đại gia khét tiếng Bảo Sơn, cả ba tỉnh dậy ngoài bãi biển và bị còng với một chiếc thùng sắt bí ẩn. Chưa hết hoang mang, họ lại tiếp tục phải đối mặt với sự truy đuổi của Bảo Sơn dù chẳng thể nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm trước…
Nếu là một fan điện ảnh, chắc chắn bạn sẽ nhận ra ngay nội dung với mô-tuýp vô cùng quen thuộc này. Có thể nói Những Cô Gái và Găng-tơ là kiểu kịch bản chắp vá điển hình của điện ảnh Trung Quốc, đem tuyến nhân vật của phần một đặt vào kịch bản của bộ phim hài nổi tiếng The Hangover. Mặc dù đã xác định rõ ràng đây là bộ phim giải trí và nội dung chỉ là phần phụ, nhưng tính logic và hợp lý là hoàn toàn không tồn tại trong bộ phim này. Nếu bạn là fan điện ảnh hơi khó tính, yêu cầu những bộ phim có nội dung và ý nghĩa rõ ràng, đây chắc chắn không phải là bộ phim dành cho bạn.
Ba nữ diễn viên chính có thể miễn cưỡng xem là tròn vai, mặc dù ấn tượng mà họ để lại cho người xem thật ra không có gì ngoài những màn cãi vã chí chóe, la hét ỏm tỏi và những đoạn tình cảm chị em hết sức “bánh bèo”. Nếu đạo diễn có thể tiết chế những chi tiết này một chút, có lẽ cũng không đến mức gây phản cảm. Nhưng nếu bạn đã quen với kiểu diễn xuất và biểu cảm làm lố của những bộ phim hài điển hình của Hong Kong, bạn sẽ thấy đây là lối diễn xuất khá quen thuộc của dòng phim này.
Tuyến diễn viên Việt Nam gồm Trần Bảo Sơn và Elly Trần cũng không khá khẩm hơn, một lối diễn xuất gượng gạo và miễn cưỡng không thể tả. Và tệ nhất chính là phần lời thoại bị đan xen nhiều loại ngôn ngữ. Điều này thật ra hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu nó được thực hiện một cách đàng hoàng và chỉnh chu hơn. Khi lần đầu tiên đại gia Bảo Sơn giao tiếp với ba nữ chính của chúng ta bằng tiếng Trung Quốc, phần lồng tiếng gần như hoàn toàn thất bại bởi “lời thoại một đường, khẩu hình một nẻo”. Thế nhưng, sau một hồi xem phim, bạn chợt nhận ra rằng thà xem lồng tiếng Trung Quốc còn hơn phải nghe đại gia Bảo Sơn và đàn em Trần Hà (Elly Trần) nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, vì không có gì có thể diễn tả được ngoài hai chữ “kinh khủng”.
Mặc dù hoàn toàn ăn theo The Hangover, nhưng bản gốc sáng tạo và độc đáo bao nhiêu, thì Những Cô Gái và Găng-tơ sẽ vô lý và đầy những tình tiết gượng gạo bấy nhiêu. Thậm chí, nhóm sản xuất còn mời hẳn võ sĩ Mike Tyson và chú hổ cho giống với bản gốc. Nhưng ít ra Mike Tyson cũng là một diễn viên khách mời trong tầm chấp nhận được. Còn lại, như đã nói ở phía trên, sự phi lý và thiếu logic đến mức ngớ ngẩn khiến người xem nhiều khi cũng phải bật cười, đặc biệt là đối với khản giả Việt Nam. Người viết sẽ không viết nhiều về phần này vì sẽ tiết lộ nội dung và tình tiết của bộ phim, nếu bạn tò mò, có thể tự mình đến rạp để khám phá.
Nói đi thì cũng phải nói lại, mặc dù bộ phim là cả một vùng trời phi lý, những chắc chắn vẫn sẽ mang đến cho người xem những tràng cười bất tận theo một cách rất điển hình của những bộ phim hài Hong Kong, nhảm nhí, làm quá, và chẳng ăn nhập gì đến nhau.
Nhìn chung, Những Cô Gái và Găng-tơ là tác phẩm điện ảnh bình thường như bao tác phẩm khác, không có gì quá ấn tượng, cũng không dở đến mức thảm họa. Nếu bạn đã quen thuộc với dòng phim hài nhảm nhí của Hong Kong, thì đây là một lựa chọn không tồi. Còn nếu bạn là fan điện ảnh khó tính, tốt hơn hãy bỏ qua bộ phim này.
Lời tác giả: Dù chê quá trời nhưng phim này vẫn hay hơn A Wrinkle in Time.