Devil’s Whispers có thể khiến bạn có cái nhìn khác về phim kinh dị thời nay dù chi phí sản xuất thấp. Phim ra rạp với tựa Lời thì thầm của quỷ.
Những năm gần đây, thể loại phim kinh dị gần như không có gì đáng xem trừ một vài ngoại lệ như Chú hề ma quái. Các nhà làm phim dường như chỉ có chung một mẫu công thức là làm sao để người xem phải giật thót với những màn hù dọa bằng âm thanh lẫn hình ảnh. So với thập niên 70 và 80, rõ ràng phim ảnh bây giờ dựa dẫm quá nhiều vào kỹ xảo hơn là đặt nặng vai diễn và hóa trang lên người diễn viên. Thế nên, nếu đã quá chán những tựa phim na ná nhau không có gì đọng lại sau khi rời khỏi rạp ngoài những cảnh hù dọa thót tim, Lời thì thầm của quỷ có thể là một lựa chọn mới mẻ cho những fan của dòng phim kinh dị.
Lời thì thầm của quỷ được xây dựng dựa theo những cơn ác mộng nhiều năm liền từ một người bạn của đạo diễn Adam Ripp. Nhân vật chính trong phim là Alejandro Duran (Luca Oriel) hay còn gọi là Alex, một cậu bé 15 tuổi thuộc gia đình mộ đạo người Mỹ-La tinh. Trong một lần tò mò khám phá một chiếc hộp bí ẩn của ông ngoại, Alex đã vô tình giải thoát một con quỷ mang ý đồ muốn chiếm hữu thân xác và tiêu diệt những người thân yêu của cậu. Toàn bộ nội dung phim là cuộc chiến nội tâm của Alex cùng gia đình chống lại con quỷ không mời mà tới này.
Đọc tới đây, tôi đoan chắc bạn sẽ cho rằng cốt truyện trong Lời thì thầm của quỷ không hề mới, nếu không muốn nói là đã có rất nhiều phim khai thác. Thế nhưng, với dàn diễn viên khá xuất sắc từ phụ đến chính, cùng với hóa trang khá tốt, Devil’s Whispers có thể khiến bạn cảm thấy “rùng mình” với cuộc chiến nội tâm của Alex. Nhân vật do Luca Oriel thủ diễn thật sự gieo được nỗi sợ hãi vào khán giả nhờ hóa trang thay đổi khuôn mặt khá ấn tượng. Mỗi khi nhân vật cười nhếch mép hay cử động lông mày đều khiến tôi tự hỏi liệu đó là Alex hay con quỷ đang cố điều khiển nhân vật. Chính yếu tố này đã khiến người xem khó phân biệt được lúc nào con quỷ sẽ chèn ép và chiếm lấy cảm xúc của nhân vật, gây sự hãi hùng trong lòng người xem không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Dàn diễn viên cũng khá ấn tượng trong vai trò của mình. Chính họ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của phim, đặc biệt là một phim kinh dị chi phí thấp như Devil’s Whispers. Luca Oriel luôn khiến tôi bất ngờ trước sự thay đổi thần thái trên gương mặt của nhân vật Alex. Mới vài giây trước vẫn còn là đứa trẻ 15 tuổi nhìn ngoan hiền mà bất ngờ thay đổi sang “con quỷ” đáng sợ lúc nào chẳng hay. Một nhân vật khác cũng khiến tôi cảm thấy thú vị là Cha Cutler (Rick Ravanello), thể hiện hình ảnh người linh mục rất khác so với nhiều phim trước đây tôi từng xem. Ông không những thấu hiểu, mà còn có những chia sẻ “rất đời” trước lời xưng tội của Alex. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến Alicia (Alison Fernandez). Nhân vật này từ đầu phim xuất hiện rất “nhạt”, chủ yếu là nói những câu khá dễ thương và không đóng vai trò quan trọng trong nội dung phim. Thế nhưng gần cuối phim là sự lột xác hoàn toàn về thể hiện thần thái nhân vật khiến tôi không biết đó là phút diễn xuất thần hay tài năng của cô bé nữa.
Ở góc độ người xem, sự đấu tranh nội tâm của Alex mang nhiều liên tưởng. Nhân vật này chịu nhiều tổn thương về tâm lý và những ký ức không đáng nhớ đó cứ lởn vởn như một bóng ma. Trong phim thể hiện là những lời thì thầm gây căng thẳng cực kỳ đến mức khó chịu cho người xem. Chúng cứ gợi đi gợi lại trong tai nhân vật chính, giống như những ánh đèn chớp tắt một cách bí hiểm. Chi tiết này gợi nhớ đến Lights Out từng khiến tôi sởn tóc gáy trong một vài cảnh như thế. Sự bế tắc trong cách giải quyết của nhân vật có thể gây đau đớn vì sự tuyệt vọng không lối thoát, nhưng sự hỗ trợ của gia đình sẽ khiến người xem cảm thấy ấm lòng. Tôi khá thích chi tiết này, nó làm phim “đẹp” hơn rất nhiều dù đây là đề tài kinh dị. Nhân vật Alex thật sự tạo căng thẳng đến người xem, gieo vào lòng họ cảm giác sợ hãi vì không thể đoán được diễn biến phim sẽ đi theo hướng nào. Khá ấn tượng!
Sau cuối, Lời thì thầm của quỷ là một phim kinh dị gợi nhớ đến đỉnh cao của dòng phim kinh dị những năm 70, 80. Phim có khá nhiều khoảnh khắc đáng sợ và cũng đáng nhớ, mà không cần đến những trò hù dọa thường thấy hay cảnh đầu rơi máu đổ ghê rợn. Bản thân các diễn viên đều đóng khá tốt dù đôi chỗ có cảm giác đạo diễn cố ý cho diễn “lề mề” để đẩy thêm cao trào về phía người xem. Những chi tiết này khiến tôi cảm thấy “hơi kịch”, nhưng thật may là nó không bị lạm dụng trong toàn bộ phim. Nếu chán những phim kinh dị hù dọa và máu me, Lời thì thầm của quỷ là một lựa chọn thú vị.
Xem thêm đánh giá các phim khác.
Những điều bạn chưa biết về Lời thì thầm của quỷ
Bên cạnh cốt truyện và diễn xuất ấn tượng, một yếu tố không thể không nhắc đến là kỹ thuật quay phim và âm thanh trong Lời thì thầm của quỷ. Đạo diễn Adam Ripp cùng đội ngũ sản xuất đã sử dụng màu sắc tối tăm và ánh sáng mờ ảo để tạo nên không khí bí ẩn và hồi hộp cho từng cảnh quay. Đặc biệt, âm thanh được xử lý một cách tỉ mỉ, giúp tăng cường cảm giác hãi hùng khi những tiếng thì thầm và tiếng bước chân vang lên, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
Ngoài ra, bộ phim cũng khai thác sâu sắc những yếu tố tâm lý, thể hiện rõ sự xung đột giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người. Trong khi Alex vật lộn với chính bản thân và những nỗi ám ảnh, khán giả sẽ thấy mình bị cuốn vào hành trình đấu tranh không ngừng nghỉ của cậu bé. Sự hỗ trợ từ gia đình không chỉ mang lại yếu tố cảm xúc mà còn là động lực để khán giả cảm thấy mình có thể vượt qua những cơn ác mộng trong đời thực.
Cuối cùng, Lời thì thầm của quỷ khéo léo kết hợp giữa truyền thuyết, tín ngưỡng và tâm lý học, mở ra một góc nhìn mới về những vết thương tâm lý có thể dẫn đến sự đau đớn và khổ ải trong cuộc sống. Đây là một bộ phim không chỉ đơn thuần là nghệ thuật giải trí mà còn đặt ra nhiều câu hỏi sâu sắc về bản chất con người và những điều chúng ta thường né tránh.