Deadpool 2 không hẳn là phim siêu anh hùng mà bạn vẫn thường xem, tuy nhiên dù nội dung khá hài và bựa nhưng đây không phải là phim dành cho tất cả người xem. Phim ra rạp được phân loại C18 nên bạn cần lưu ý trước khi đi xem
Nếu bạn chưa từng xem phim Deadpool thì cũng không cần phải lo lắng quá, vì hầu như không ảnh hưởng nhiều đến tuyến nội dung lắm. Tuy nhiên để giúp bạn nhét vào phần thiếu thì tôi cũng tóm tắt lại nội dung của phần đầu. Nếu đã xem phần trước rồi thì bạn có thể bỏ qua hai đoạn bên dưới.
Nội dung trong Deadpool kể về câu chuyện của Wade Wilson (Ryan Reynolds) vốn là một tay lính đánh thuê “mỏ nhọn”. Trong khi mọi thứ đang tươi đẹp thì đùng cái phát hiện ra hắn đang ung thư giai đoạn cuối. Thế rồi Wade tham gia một chương trình thí nghiệm tương tự như Wolverine trong series phim X-Men và sở hữu được siêu năng lực tự hồi phục như chàng Logan nhà X-Men.
Không may là một tác dụng phụ trong quá trình thực hiện đã khiến Wade bị tàn phai nhan sắc đến mức xấu hơn cả gấu, như lời ví von thô thiển của anh bạn Weasel là “trông như một quả bơ ăn nằm với một quả bơ già hơn, gớm hơn…” Tuy nhiên, siêu năng lực của Wade thật ra còn cao siêu hơn là khả năng tự hồi phục của Wolverine mà thậm chí biến hắn thành một kẻ bất tử. Thế nhưng vấn đề của Deadpool là hắn thích chơi bẩn hơn, do vậy mới có lắm trò để người xem bật cười hơn. Bạn chỉ cần biết nhiêu đó thôi là đủ “chào cờ” để xem tiếp phần hai rồi đó.
Deadpool 2 có phần mở đầu khá thú vị, nó khiến người xem liên tưởng đến phần mở đầu của phim 007 nhưng ở cấp độ hài hước bựa cao nhất. Do vậy nếu bạn không thích thể loại này hoặc thuộc kiểu người nghiêm túc thì tốt nhất đừng phí thời gian đi xem phim này làm gì, nếu không sẽ chỉ rước bực mình vào thân mà thôi. Sau màn mở đầu không thể “bệnh” hơn thì những cảnh dạo đầu của phim đã khiến tôi cứ ngỡ đang chơi game Sleeping Dogs nhưng được “chế tác” nhí nhố hơn và tất nhiên không kém phần hài hước.
Một trong những yếu tố gây hài của phim Deadpool 2 là phần nhạc được lồng ghép cực kỳ “bá đạo trong từng hạt gạo”, khiến người xem cười không ngậm được miệng. Và yếu tố thứ hai thì chủ yếu tập trung ở những câu thoại mang nhiều hàm ý đến pop culture của phương Tây. Hầu hết trong đó là những lời đá đểu gần như cả vũ trụ điện ảnh không chừa một ai, kiểu như anh thích thì anh chửi đổng cả thế giới thôi. Từ “đụng chạm” đến phim hình sự nóng bỏng Basic Instinct (bản năng gốc) cho tới phim kinh điển Panic Room đầy căng thẳng cũng không tha, thậm chí còn “đá xoáy” đến cả vũ trụ DC nữa lẫn Marvel nữa. Nói chung là nhiều không kể xiết.
Không biết các bạn cảm thấy thế nào về điều này sau khi xem xong, nhưng với tôi thì quả thật ban đầu cũng cảm thấy khá thú vị và hài hước khi nhận ra cả đống “ý tứ” trong đó, nhất là khi nhận ra được Deadpool đá đểu tới phim nào hay nhân vật nào. Đó là một cảm giác khá thú vị và là yếu tố chính tạo nên sự hài hước cho nhân vật Deadpool nói riêng và series phim Deadpool 2 nói chung. Vấn đề ở chỗ, nếu như phần một thì yếu tố này được tiết chế phù hợp, thì trong phần hai có vẻ như nó được lợi dụng một cách quá liều. Điều này khiến càng coi phim tôi càng cảm thấy nhàm chán và không còn cười nổi nữa.
Tuy nhiên, tôi không phải là người duy nhất cảm thấy thế, vì ban đầu cả rạp cũng cười khá nhiều nhưng tiếng cười vui vẻ như thế tắt dần về sau, dù phim vẫn sử dụng thủ pháp chọc cười này khá nhiều với vô số tựa phim được nêu tên hay những ám chỉ đến. Đó là còn chưa kể đến nhiều nhân vật nổi tiếng từ các phim khác cũng bị mang ra làm trò cười. Đáng tiếc là từ thời điểm đó trở đi thì trong rạp chỉ còn sót lại một vài giọng cười yếu ớt cất lên hơi lạc lõng của những bạn có khiếu hài hước cao hơn mọi người.
Dù vậy, Deadpool 2 vẫn có bổ sung thêm một số trò chọc cười mới, chủ yếu trong các trận chiến khá hài hước có phần “biến thái” và vài cảnh mang hơi hướng sến súa một cách cố ý. Những màn đùa nhây và lầy cũng được tận dụng để “tra tấn” quai hàm của người xem. Điều này tạo cảm giác phim vẫn khá mới mẻ trong những thủ pháp chọc cười mới hơn so với phần trước, nhưng vẫn không thể xóa nhòa được cái cảm giác “đá đểu” phim khác hay những nhân vật khác được vận dụng như kiểu tận thu vậy. May mà không ai bị thu phí vì cười nhiều văng nước bọt làm ô nhiễm môi trường.
Như trong after credits của phần phim trước thì Deadpool có tiết lộ trong phần hai có sự xuất hiện của nhân vật Cable (Josh Brolin). Nếu từng xem truyện rồi thì bạn sẽ biết về lai lịch của nhân vật này, còn không thì xem phim cũng có giải thích. Đáng tiếc là Cable trong phim không giống lắm với trong truyện vì nhân vật này có phần “nhân tính” hơn rất nhiều. Phim cũng có sự tái ngộ thú vị của một số nhân vật quen thuộc từ phần trước như chàng tài xế taxi Metro vàng với một ước mơ cháy bỏng, hay bà thím Al mù thuộc dạng “già mà gân” cùng với anh chàng Weasel “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” Weasel.
Diễn xuất của các nhân vật đều ở mức ổn nhưng nếu có lời khen thì có lẽ tôi sẽ dành nó cho Ryan Reynolds, nhân vật chính Deadpool của phim. Biểu cảm của nhân vật này nhiều lúc khiến tôi buồn cười trong một số hoàn cảnh “rất đau khổ” mà lẽ ra là không phù hợp chút nào. Không hiểu sao bộ mặt thểu não của anh chàng lại khiến tôi không nhịn được cười, có lẽ là vì phần hóa trang để tạo ra gương mặt “quả bơ” như lời của Weasel cứ vang vọng mãi khi tôi xem phim.
Tuy nhiên, nếu nói đến nhân vật tạo được không khí “rôm rả” nhất cho Deadpool 2 thì phải kể đến Domino (Zazie Beetz) với biệt tài “hay không bằng hên”, được nhà làm phim xây dựng để biến những điều phi logic trong phim trở thành hợp lý một cách bất ngờ. Xem phim chắc chắn bạn sẽ thấy và đồng tình với nhận định này. Thậm chí có nhiều đoạn hài hước đến mức bạn biết phim đúng xạo như vẫn thấy buồn cười vì điều đó. Mặc dù vậy, nhân vật này cũng không có nhiều đất diễn lắm, chứ nếu không thì rất có thể sẽ làm lu mờ vai trò của Deadpool trong phim do Ryan Reynolds thủ vai.
Tổng kết lại là nếu như bạn muốn tìm một phim hài kiểu bựa, lầy, nhây và đồng thời có một kiến thức tương đối sâu rộng về phim điện ảnh thì Deadpool 2 có thể là một cái tên đáng coi đấy. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của phim vì không phải ai cũng thích kiểu hài này và thích dạng phim nghiêm túc thì tốt nhất đừng tốn tiền vé cho phim này làm gì, nếu không bạn sẽ rước bực mình vào người. Ở khía cạnh người xem mà nói thì cá nhân tôi vẫn thích phần đầu của phim hơn vì nội dung được xây dựng khá tử tế, trong khi phần hay này thì diễn biến khá lộn xộn vài chỗ, không biết có phải bị cắt vì kiểm duyệt hay không. Lưu ý là phim này không có after credits mà chỉ có một vài tuyến nội dung ngắn khá thú vị ở giữa phần credits, nên nếu bạn xem hết một loạt đến đoạn có Ryan Reynolds cầm “tờ sớ” thì có thể ra về được rồi.