Phải nói rằng Cô Ba Sài Gòn là bộ phim hoàn chỉnh nhất trong những phim do Ngô Thanh Vân sản xuất gần đây. Chọn cho mình một chủ đề khó với chiếc áo dài quốc hồn quốc túy, bộ phim vừa mang nội dung độc đáo lại vừa vô cùng gần gũi, dù còn nhiều nhược điểm, bộ phim vẫn hoàn toàn thành công trong việc chinh phục khán giả.
Đầu tiên phải nói đây là một bộ phim rất khó để viết review, bởi vì chỉ cần lộ ra hai chữ thôi thì gần như spoil hết mạch chính toàn bộ phim. Nên mình sẽ viết “vòng vòng ở ngoài” sao cho ít spoil nhất vậy. Bộ phim xoay quanh câu chuyện gia đình và những mâu thuẫn trong định hướng nghề nghiệp của hai mẹ con Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) và Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc). Mở đầu với bối cảnh hiệu may Thanh Nữ tại Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 1960. Đây là hiệu may nức tiếng đương thời với truyền thống may áo dài chín đời liền, và Thanh Mai chính là bà chủ hiện tại. Như Ý, con gái của Thanh Mai, là một cô gái tài năng nhưng đầy kiêu ngạo và tự tôn với danh hiệu Đệ Nhất Thanh Lịch. Cô chính là truyền nhân kế tiếp của hiệu may Thanh Nữ, đáng tiếc cô chỉ yêu thích những bộ âu phục đương thời và cực kì căm ghét chiếc áo dài truyền thống. Đối với cô, thời đại của âu phục đang lên ngôi, áo dài là thứ sắp hết thời vì không thể thiết kế hay thay đổi gì nữa. Như Ý đã giữ mãi định kiến đó cho đến khi vô tình mặc lên người chiếc áo dài mà mẹ cô đã dùng hết tình cảm để may cho cô. Câu chuyện cuộc đời của cô cũng từ đó mà thay đổi..
Tổng thể câu chuyện của Cô Ba Sài Gòn tương đối đơn giản và dễ hiểu. Ngay cả những ý nghĩa sâu xa hơn của bộ phim, nhưng lời nhắn nhủ về tình cảm gia đình, về những sai lầm mà những người trẻ tuổi vẫn hay mắc phải, về tình cảm của mỗi người Việt Nam đối với chiếc áo dài truyền thống… đều rất trực tiếp và rõ ràng. Mặc dù được đặt trong bối cảnh Sài Gòn những ngày vàng son hoa mộng, nội dung chính của bộ phim thật ra là hành trình trưởng thành của Như Ý khi tìm về chính bản thân của mình thông qua chiếc áo dài.
Với kịch bản và lối làm phim rất hiện đại, nôm na là một phong cách khá Hollywood, Cô Ba Sài Gòn dễ dàng thu hút người xem dù chọn cho mình một chủ đề khó. Bộ phim được thực hiện một cách chỉn chu, cảm xúc mang lại cũng mượt mà không bị đứt quãng. Có thể nói nhóm sản xuất vô cùng “biết người biết ta” khi tạo ra một bộ phim hết sức cân bằng, ý nghĩa nhưng vẫn hấp dẫn được đại đa số khán giả. Phim có tiết tấu nhanh, lời thoại gãy gọn ít rườm rà như một số phim Việt Nam khác, phong cách nói chuyện và từ ngữ cũng được cân nhắc phù hợp với bối cảnh của bộ phim. Các tình huống hài hước đan xen khá nhẹ nhàng và duyên dáng, những phân đoạn cảm động cũng được thể hiện vừa phải, không quá sến súa.
Vai chính Như Ý là một vai diễn không hề dễ dàng đối với bất cứ diễn viên trẻ nào. Hành trình trưởng thành đó tưởng ngắn mà không ngắn. Từ một cô gái trẻ bướng bỉnh và háo thắng; cho đến một cô gái đầy đam mê và nhiệt huyết, nhưng vẫn không chấp nhận sai lầm của bản thân; đến cuối cùng cô vẫn hoàn toàn suy sụp và chấp nhận thất bại thảm hại của bản thân, cũng chính vào lúc đó cô biết mình phải nhìn lại sai lầm và thực sự trưởng thành. Như Ý là nhân vật hay. Và rất may mắn khi Ninh Dương Lan Ngọc cũng là một diễn viên tốt. Người viết chỉ dừng ở mức “tốt”, vì thật sự có vài phân đoạn của Như Ý vẫn khá gượng gạo, đặc biệt là giọng nói có những lúc như đang đọc lời thoại chứ không phải đang nói. Diễm My 9x cũng trở lại ấn tượng với vai Helen, nhân vật cạnh tranh với Như Ý. Cô mang một phong thái mạnh mẽ, tự tin và đầy quyền lực. Dù đất diễn không nhiều, nhưng cô để lại ấn tượng không hề thua kém so với Ninh Dương Lan Ngọc.
Một bất ngờ không nhỏ khác chính là sự xuất hiện của nghệ sĩ Hồng Vân trong vai An Khánh. Nhóm sản xuất đã để dành lá bài chủ vô cùng quan trọng này cho đến phút chót. Đây là một vai diễn có thể xem là mấu chốt của phim, và hết sức đặc biệt. Người viết xin phép không nói gì thêm về nhân vật này, đây vẫn là bí mật mà người xem nên tự đến rạp để xem phim và khám phá. Sự tương tác giữa nghệ sĩ Hồng Vân và Lan Ngọc tạo hiệu ứng rất tốt khiến bộ phim giàu cảm xúc hơn.
Ngoài ra, không thể không kể đến yếu tố “thẩm mỹ” của bộ phim. Lần đầu tiên Việt Nam có một bộ phim với phong cách thời trang ổn định và nhất quán đến như vậy. Không chỉ mang dấu ấn lịch sử “Sài Gòn những năm 60”, bộ phim hoàn toàn mãn nhãn người xem một cách bất ngờ. Nhìn những bộ trang phục phong cách chất lừ lần lượt xuất hiện, chắc chắn người xem sẽ không khỏi nghĩ đến bộ phim nổi tiếng The Devil Wears Prada cũng từng được trình chiếu tại Việt Nam. Nói một cách ngắn gọn hơn, không có gì có thể chê về mặt hình ảnh của bộ phim.
Xét tổng thể những phim Việt Nam đã ra rạp năm nay, Cô Ba Sài Gòn xứng đáng nằm trong top những phim tốt nhất. Mặc dù vẫn mắc những điểm yếu như: ý tưởng hay nhưng quá chú trọng về hình thức và bỏ qua sự chặt chẽ về mặt nội dung; các chi tiết trong phim chưa thật sự liên kết và logic; nhiều vai diễn xuất hiện nhưng không được phát triển toàn vẹn. Điển hình chính là hai nhân vật An Khánh và Helen, nhân vật Anh Khánh lẽ ra là vai chính lại bị đẩy xuống tuyến vai phụ để có thêm đất diễn cho Helen xinh đẹp, kết quả là cả hai nhân vật đều lỡ cỡ không đến đâu.
Cô Ba Sài Gòn chắc chắn sẽ thành công tại phòng vé, nhưng với thực lực hiện tại, bộ phim sẽ khó đi xa hơn nữa. Dù sao thì điều đáng mừng là lần ra mắt sớm tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những khán giả quốc tế, đây là một bước tiến đáng ghi nhận của điện ảnh Việt. Có thể xem là một khởi đầu vô cùng vững chắc và quan trọng đối với tham vọng “mang phim Việt ra nước ngoài” của Ngô Thanh Vân.
Nếu mạnh dạn sáng tạo hơn thay vì dùng nguồn cảm hứng có sẵn từ The Devil Wears Prada, có khi bộ phim sẽ ấn tượng và đi xa hơn thành công hiện tại. Dĩ nhiên, cũng đồng nghĩa với việc rủi ro cũng cao hơn. Nhìn chung, Cô Ba Sài Gòn dù chưa thật sự xuất sắc so với mong đợi của người xem, đây vẫn là một bộ phim được chuẩn bị chỉn chu và mang tính giải trí tốt, hoàn toàn xứng đáng để bạn bước ngay ra rạp không cần đắn đo.
Xem thêm đánh giá các phim khác.