Black Panther tuy là phim về vũ trụ Marvel, nhưng đây không phải là phim phù hợp với tất cả mọi người. Phim ra rạp với tựa Chiến binh báo đen.
Mặc dù Black Panther nhận được nhiều lợi khen ngợi từ các cây bút nước ngoài, nhưng thú thật phim không mang đến cho tôi cảm giác thỏa mãn vì nhiều lý do. Dù vậy, điểm cộng lớn nhất của phim có lẽ là việc bạn không cần xem hay phải biết gì về nội dung các phim khác trong vũ trụ Marvel để có thể xem Black Panther.
Nếu đã từng xem qua các phim về vũ trụ Marvel trước đây, có thể bạn sẽ thấy nội dung trong Black Panther có phần quen quen. Phim mở đầu với vua T’Chaka của đất nước viễn tưởng Wakanda đến thăm người em N’Jobu đang làm gián điệp ở California, nước Mỹ. Thế nhưng cuộc hội ngộ diễn ra không được như mong đợi và phim bất ngờ chuyển cảnh mới tại đây nhằm gây tò mò và giữ bí mật nội dung với người xem đến phút chót. Muốn biết sau đó là chuyện gì, mời các bạn xem tiếp ngoài rạp nhé.
Nếu nói công bằng thì nội dung trong Black Panther không mới, thậm chí còn mang nhiều cảm giác quen quen. Phải đến khi ra về tôi mới nhớ ra là nó na ná như phim hoạt hình Lion King rất nổi tiếng của Walt Disney. Điều này có thể không lạ nếu như bạn biết rằng Walt Disney đã thâu tóm Marvel Studios từ lâu. Nếu so với các phim khác về vũ trụ Marvel, thì có lẽ phim chỉ tự làm mới một số yếu tố, chứ công thức làm phim Marvel thì vẫn không khác gì trước đây.
Vấn đề ở chỗ, Black Panther có khá nhiều hạt sạn không đáng có, và chắc chắn sẽ không ít lần khiến bạn cảm thấy ngẩn ngơ kiểu “ủa sao lại là vậy mà không phải là thế kia”. Mặt khác, cách lồng ghép tình tiết và giải quyết vấn đề đều mang cảm giác biên kịch còn khá non tay, không tạo được sự thỏa mãn cho người xem, nhất là những ai khó tính. Chính vì thế mà bạn sẽ có cảm giác phim hơi dài dòng một số chỗ không cần thiết.
Một điều khiến tôi cũng cảm thấy đáng chê trách nằm ở vai chính T’Challa kiêm Black Panther của diễn viên Chadwick Boseman. Diễn xuất của anh chàng diễn viên da màu này rất thiếu biểu cảm cho nhân vật. Gần như từ đầu tới cuối phim chỉ có một biểu hiện nét mặt, không tạo được thần thái cần thiết của một vị vương. Các vai diễn khác, kể cả vai phụ cũng tạo cảm giác thể hiện nhân vật tốt hơn Chadwick nhiều. Thú vị nhất là phim có số lượng vai diễn nữ khá đông đảo, và tất cả đều có vẻ đẹp mười phân vẹn mười. Ngay cả phục trang của họ cũng vậy, đều khá ấn tượng.
Tôi đặc biệt thích nhân vật Shuri (Letitia Wright) và M’Baku (Winston Duke). Shuri vừa có chút gì đó nhí nhảnh trẻ trung, nhưng lại rất là tuổi trẻ tài năng. Những phát minh và căn phòng thí nghiệm của cô khiến gợi nhớ tôi đến những “món đồ chơi” của điệp viên 007 vì mang nhiều nét tương đồng. M’Baku thì khác, một nhân vật rất hài hước và trọng nghĩa khí, phần lớn những phân đoạn có nhân vật này đều chủ yếu để tạo không khí vui vẻ cho người xem. Ngay cả cái giọng đọc tiếng Anh lơ lớ của nhân vật này cũng dễ dàng khiến bạn cảm thấy hài hước, dù có hơi khó nghe ra tiếng một chút. Nhưng tôi nghĩ có lẽ nhiều bạn sẽ thích nhân vật phản diện của phim hơn.
Cũng như nhiều phim Marvel khác, phần kỹ xảo vi tính trong Black Panther được xây dựng khá tốt, tuy chưa thật sự hoành tráng như nhiều phim khác. Ngay cả âm nhạc trong phim cũng mang âm hưởng rất khác với những phim Marvel trước đây, với nhiều giai điệu khiến tôi lại liên tưởng đến phim hoạt hình The Lion King. Âm nhạc có sự gắn kết với phim không chê vào đâu được, nhất là những phân đoạn có các cánh đồng rộng bạt ngàn, cây cỏ tươi xanh khắp nơi, với rất nhiều cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tôi khá ấn tượng với thành phố bí ẩn của người Wakanda. Nhà làm phim đã khéo léo lồng ghép vào nhiều nét văn hóa khá thú vị và hấp dẫn của người dân ở đây với công nghệ khoa học tiên tiến vượt bậc, mà không tạo cảm giác khiên cưỡng hay phản cảm. Nói chung về mặt nghe nhìn, thì Black Panther mang đến một cảm giác khá mới mẻ so với những phim siêu anh hùng trước đây. Một điểm cộng rất đáng khen.
Một yếu tố khác cũng tạo được sự hấp dẫn của phim chính là những cảnh chiến đấu. Thay vì súng đạn và những món đồ chơi “siêu cấp” giống như Iron Man sử dụng, chàng báo đen chủ yếu chiến đấu bằng tay đấm. Chính yếu tố này khiến tôi cảm thấy phim khá thú vị, do mang đến cảm giác hoang dã nơi châu Phi, không những phù hợp với nội dung mà cả với bối cảnh trong phim. Tuy nhiên, những phân cảnh này cũng được tiết chế để không tạo cảm giác quá bạo lực cố hữu của loại hình chiến đấu này, nên thỉnh thoảng vẫn mang chút cảm giác “diễn” chứ chưa tạo cảm giác “thật”.
Công bằng mà nói thì mạch phim thật sự không đủ sức lôi cuốn người xem liên tục dán mắt vào màn hình. Điều khiến tôi cảm thấy tiếc là đoạn chiến đấu cuối phim không thật sự hấp dẫn. Trong khi phim đã có đôi chỗ tình tiết khá tẻ nhạt, đã vậy cảnh chiến đấu cuối phim lại không như mong đợi, khiến tôi cảm giác như đây là một bước lùi của phim Marvel. Dường như nhà làm phim lạm dụng quá nhiều kỹ xảo nên những phân cảnh này không có nhiều đất diễn cho các diễn viên, chủ yếu chỉ mang yếu tố pha trò là chính. Đáng tiếc là ngay cả yếu tố hài hước cũng xuất hiện rất hạn chế, không như phần lớn các phim Marvel khác. Không may là điều này đã vô tình khiến tổng thể phim kém hấp dẫn, chưa kể lại có một số cảnh thiếu tiết chế, trở nên dài dông không cần thiết.
Nói cho cùng, nếu bạn là fan của Marvel thì Black Panther vẫn là một phim khá, điều này cũng đúng với những ai lần đầu xem phim về siêu anh hùng của Marvel. Nhưng, phim cũng chỉ dừng ở mức đó thôi chứ không thể gọi là hay. Ở khía cạnh người xem, tôi khá thích nhiều thông điệp được lồng ghép trong phim, từ vấn đề gia đình cho tới vấn đề xã hội, đều rất nhân văn, rất hay, đặc biệt rất dễ hiểu chứ không kiểu đánh đố người xem như sai lầm của nhiều phim khác. Nếu bạn muốn tìm một phim giải trí với nội dung đơn giản và kỹ xảo hoành tráng thì Black Panther vẫn rất đáng tiền vé, còn nếu bạn đã bắt đầu chán với mô típ quen thuộc của các phim siêu anh hùng Marvel thì đây không phải là lựa chọn xứng đáng đâu. Thế nhưng, nếu bạn quyết định đi xem phim, thì nhớ đừng rời khỏi rạp trước khi kết thúc phần credits nhé. Có một nhân vật thú vị sẽ xuất hiện vào cuối credits đấy.