Monument Valley 2 bất ngờ ra mắt tại WWDC và Trải Nghiệm Số đã nhanh chóng “hốt về”, khiến một tín đồ game giải đố như tôi hào hứng hơn bao giờ hết. Vậy là nguyên buổi chiều tan ca tôi chỉ ngồi ở góc cafe quen thuộc, chơi cho bằng hết mới về.
Ngay từ đầu game, bạn đã được nhắc nhở nên trải nghiệm cùng tai nghe để cảm thụ hết những giai điệu chỉ thêm kích thích sự tò mò của người chơi. Tận dụng những điểm mạnh đã làm nên Monument Valley, phần hai cũng sử dụng lối kể truyện gợi nhiều tò mò mà cũng không kém phần huyền bí. Kết hợp cùng đồ họa đẹp tuyệt, thể hiện những khối kiến trúc bằng những game màu tươi sáng, kích thích thị giác, Monument Valley 2 đã đón tôi trở lại khu thung lũng bí ẩn bằng những cảm giác quen thuộc.
Nét mới trong gameplay của Monument Valley 2 xuất hiện ngay từ đầu game. Nhân vật chính là cô Ro với đứa con gái. Nhưng rồi cô bé con ngày càng trưởng thành hơn qua những màn chơi. Tôi khá thích thú khi nhận ra con gái cô Ro có những thay đổi nhỏ trong mỗi chapter. Cách xây dựng tình mẫu tử của Monument Valley 2 khá thú vị. Có những khoảnh khắc trong game khiến tôi phải dừng chơi lại trong chốc lát, chúng như chạm vào cảm xúc sâu lắng trong tôi.
Cô con gái luôn quấn quýt bên người mẹ. Nhưng cô Ro không thể bên cạnh con gái mãi. Rồi cũng đến lúc họ phải chia xa, ban đầu chỉ là xa cách tạm thời trong màn chơi nhất định. Nhưng càng về sau, con gái cô Ro ngày càng lớn và tự bước trên lối đi riêng, không còn người mẹ dẫn dắt nữa. Trong khi đó, cô Ro ngày càng già đi, và danh xưng “cô” có lẽ không còn phù hợp với hình dáng về sau của nhân vật nữa. Tự dưng có cảm giác nghèn nghẹn. Tình mẫu tử sao mà thiêng liêng…
Thực tế, lối chơi trong Monument Valley 2 cũng tương tự như câu chuyện kể của trò chơi. Ở những màn giải đố ban đầu, cảm giác quen thuộc từ phần chơi đầu sẽ khiến bạn cảm giác như đang trải nghiệm Monument Valley trong những màn chơi giải đố mới. Nhưng về sau, yếu tố giải đố bằng sự kết hợp điều khiển cả hai nhân vật khiến cảm giác này khác đi. Những câu đố lúc này hóc búa hơn, dù vẫn giữ nguyên cách thức giải quyết. Các cơ chế điều chỉnh đường đi xuất hiện nhiều hơn trên cùng một màn hình, đôi lúc có thể khiến bạn cảm thấy lúng túng không biết bắt đầu từ đâu.
Về cơ bản, Monument Valley 2 có một số yếu tố gameplay chính. Đầu tiên là cơ chế xoay. Bạn dễ dàng nhận ra cơ chế này khi phát hiện bánh răng ở đâu đó trên màn hình. Đây là khối hình học có thể xoay được trong một chiều không gian nhất định. Ở những góc độ nhất định, chúng có thể kết nối với các kiến trúc khác trong màn chơi để tạo đường đi. Đây là yếu tố giải đố chính trong phần chơi đầu, và cũng là thứ gây “ảo giác” nhiều nhất nếu bạn thiếu kiên nhẫn. Nếu đã quen với lối chơi này trong Monument Valley thì không có gì đáng bàn. Nhưng nếu lần đầu trải nghiệm, bạn phải “mở rộng” não để thoát khỏi kiểu suy nghĩ lối mòn. Bằng không sẽ rất khó nhìn ra đường đi thay đổi như thế nào mỗi khi xoay. Cơ chế này không cho phép bạn thay đổi một khi nhân vật đang đứng trên khối xoay đó.
Kế tiếp là cơ chế dịch chuyển. Bạn sẽ nhận ra nó khi trên khối hình học có biểu tượng mấy dấu chấm tròn khá lớn. Cơ chế dịch chuyển khá cơ động. Nhưng tùy vào màn chơi mà bạn có thể nâng hoặc hạ tầng khối hay dịch chuyển nó sang trái hoặc phải. Mục đích chính vẫn là “mở” đường đi cho nhân vật bấm công tắc hoặc dịch chuyển qua lại giữa những nền tảng tưởng chừng như không thể. Tuy nhiên, khả năng cơ động của nó khi kết hợp với cơ chế xoay nói trên sẽ khiến màn giải đố khó hơn rất nhiều. Các câu đố trong Monument Valley 2 vốn đã “ảo tung chảo” nay lại còn ảo hơn thế nữa.
Cuối cùng là cơ chế mà nhà phát triển gọi là light beam. Đây cũng là yếu tố gameplay mới trong Monument Valley 2. Về mặt ý tưởng, có vẻ light beam lấy ý tưởng từ sự quang hợp của thực vật. Nếu có ánh sáng chiếu vào, cây sẽ phát triển lớn lên, giúp mở lối đi mới. Trong các màn chơi, sẽ có những cánh cửa dùng cơ chế dịch chuyển để “đóng, mở” cho ánh sáng chiếu vào. Cây nhận sáng sẽ phát triển lớn lên, mở ra lối đi mới mà ban đầu tưởng chừng không thể. Thực tế, theo quan điểm cá nhân tôi, yếu tố mới này không hay. Có vẻ như nhà phát triển không nghĩ thêm được ý tưởng gì hay ho hơn nên đưa vào để tạo chút khác biệt cho phần hai thôi. Thậm chí, cơ chế này khiến tôi cảm giác như nó là bước lùi hơn là điểm cải tiến trong Monument Valley 2.
Thiết kế màn chơi cũng là một điểm sáng khiến tôi không thể không khen. Hầu hết màn chơi đều mang thiết kế dạng tháp, với nhiều kết cấu xây dựng mang đậm tính nghệ thuật. Ban đầu nhìn thoáng qua, chúng giống như những khối hình học đơn giản. Nhưng khi nhìn cận cảnh, tôi hết sức ấn tượng về mức độ thẩm mỹ của kiến trúc xây dựng. Màu sắc tận dụng tối đa những gam màu tươi sáng trong thiết kế màn chơi, khiến người chơi dễ rơi vào ảo giác màu sắc, khó nhận ra đường đi thật sự khi vận hành các cơ chế gameplay. Thậm chí, ở những cảnh có thoại mang tính triết lý, màu sắc được tối giản tối đa, khiến phần giải đố tuy hết sức đơn giản nhưng cũng vẫn khiến người chơi dễ bị ảo giác đường đi. Thật sự phải có lời khen đến nhà phát triển khi vận dụng màu sắc và thiết kế màn chơi quá tốt.
Monument Valley 2 có tất cả 14 chapter, mỗi chapter có khoảng hai hay ba màn chơi, thật sự trải nghiệm không “đã”. Những câu đố trong trò chơi vẫn hay, vẫn sáng tạo đó, nhưng thực tế mỗi chapter chỉ mất khoảng năm đến mười phút là xong. Hầu hết chỉ khoảng năm phút, đôi lúc có khi còn ngắn hơn. Ngay thời điểm bạn bắt đầu say mê với việc giải đố, thì trò chơi đã kết thúc. Có vẻ như điểm chung của những game giải đố dạng “bẻ cong” đường đi đều ngắn. Phải chăng do đầu tư ý tưởng cho mỗi màn chơi tốn nhiều chi phí chất xám? Một trường hợp khác là game Old Man’s Journey cũng mang cảm giác trải nghiệm tương tự, hay và sáng tạo nhưng lại khá ngắn. Đây có lẽ là điểm yếu khiến Monument Valley 2 kém hoàn hảo một chút. Còn lại mọi thứ khác, thật sự không có gì để chê được.
Monument Valley 2 hiện có cho Android và iOS.