Layers of Fear mang một cốt truyện tâm lý có chiều sâu, nhưng yếu tố kinh dị có vẻ làm chưa tới.
Mảng game kinh dị từ trước đến nay luôn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà phát triển thổi vào đó những trò hù dọa người chơi sợ phát khiếp. Layers of Fear cũng là một trong số đó, nhưng phương thức thực hiện đôi chút khác biệt.
Nếu thường chơi game kinh dị, bạn sẽ nhận thấy hầu hết đều có điểm chung là xây dựng hình tượng vai ác rất đặc trưng, trở thành tính biểu tượng của trò chơi đó. Tuy nhiên Layers of Fear lại không giống vậy, trò chơi khiến tôi ngạc nhiên khi mang đến trải nghiệm góc nhìn thứ nhất rất phù hợp với thể loại game kinh dị, nhưng không có quái vật nào “nổi bật” như thế cả. Bạn cũng chẳng phải chống trả với thế lực bóng tối nào và càng không hề có những màn nhảy nhót leo trèo hay bỏ trốn. Chất kinh dị mà Layers of Fear mang đến nằm ở yếu tố tâm lý của người chơi, mà có vẻ nó chưa đủ sợ như tôi mong đợi.
Câu chuyện của Layers of Fear đưa người chơi đến với một họa sĩ. Ước mơ của ông là có thể vẽ được một tuyệt tác để đời. Và bạn trong vai người chơi, sẽ là người phải hoàn thành tuyệt tác đó. Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Muốn thực hiện yêu cầu này, người chơi phải lang thang ở những hành lang và ngôi nhà của người họa sĩ, tìm hiểu phải làm gì và ra sao. Từ đó, bạn sẽ có dịp tìm hiểu về nhân vật chính thông qua những hình ảnh hồi tưởng, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời nhiều góc khuất của người họa sĩ này. Và đó là những hình ảnh không mấy dễ chịu gì.
Layers of Fear khá đáng khen ngợi khi lấy đề tài về thế giới những bức tranh và những ảo giác, giúp trò chơi tách biệt khỏi những tựa game đầy ma quỷ và quái vật khác. Dù vậy, trò chơi vẫn khiến tôi cảm thấy tiếc khi sử dụng các yếu tố kinh dị nhạt nhẽo để xây dựng nên sự sợ hãi. Các câu đố cũng khá chán, thường không mang đến sự hấp dẫn trong trải nghiệm và cảm giác hào hứng giải đố. Nhưng điều khiến tôi thất vọng hơn cả là trò chơi thiếu chiều sâu, cũng như không đủ dài để giữ chân người chơi như cái tên “nhiều lớp” của nó. Không những ngắn, Layers of Fear cũng thiếu những màn hù dọa đáng sợ, thậm chí không khí trong game có phần hơi lạc điệu với nội dung của trò chơi.
Màn chơi trong Layers of Fear cũng chính là nhà của vị họa sĩ. Bản thân ngôi nhà cứ liên tục biến đổi thành mê cung không ngừng. Các lối đi được tạo ra ở bất kỳ nơi nào, rồi những hành lang cũng bất ngờ xuất hiện đường đi mới. Ban đầu cảm giác khám phá khá thú vị, nhưng càng về sau chúng bị lạm dụng lặp đi lặp lại và dần khiến tôi cảm thấy bực mình hơn. Yếu tố này bị lạm dụng rất thường xuyên, cứ đi đi lại lại giữa những lối đi giống nhau về cách xuất hiện khiến Layers of Fear chẳng còn cảm giác kinh dị như ban đầu nữa. Những con búp bê hay những bức tường với đủ thứ hình thù cũng vậy, ban đầu có thể đáng sợ nhưng khi bạn phải quanh quẩn trong nhà thì chúng cũng chỉ là những trò cũ. Điều này đặc biệt đáng chê trách hơn khi trải nghiệm chỉ vừa mới bắt đầu không lâu. Lẽ ra trò chơi phải làm tốt hơn thế, tạo những yếu tố mới hay nâng cấp những yếu tố cũ cho mới mẻ hơn. Đáng tiếc là Layers of Fear đã không làm thế.
Ở khía cạnh kinh dị, Layers of Fear không có nhiều ý tưởng cho việc hù dọa người chơi. Tôi có cảm giác nhà phát triển sợ người chơi quá sợ hãi sẽ bỏ game nên không dám làm mạnh phần này. Những màn hù dọa đều có dấu hiệu cảnh báo trước và hầu hết đều diễn ra trước mắt người chơi. Thậm chí, nếu nó diễn ra sau lưng bạn, trò chơi cũng hết sức thân thiện mà cảnh báo trước. Chính cách xây dựng này, cùng với việc những hành lang cứ chuyển biến thành những con đường vô tận trừ khi bạn quyết định đi ngược lại, khiến tôi cảm thấy khó chịu với trò chơi.
Ngay cả các câu đố trong Layers of Fear cũng có nhiều vấn đề đáng bàn, thường không thú vị, thậm chí đòi hỏi sự tỉ mỉ mất thời gian theo kiểu “vạch lá tìm sâu” để giải quyết. Nó khiến tôi càng chơi càng cảm thấy bực với những gì mà trò chơi đem lại hơn là thật sự tận hưởng cảm giác trải nghiệm. Dù vậy, cũng có vài phân đoạn thiết kế câu đố thú vị, như những lần tìm chiếc điện thoại ẩn giấu là tạo được sức hấp dẫn và háo hức cho người chơi. Thật không may, những khoảnh khắc như thế này cực kỳ hiếm trong thời lượng chơi ngắn ngủi, chỉ khoảng hai đến ba tiếng của Layers of Fear.
Sau cuối, Layers of Fear là một câu chuyện tâm lý khá thú vị về nhân vật người họa sĩ. Tuy nhiên trò chơi chưa làm tốt yếu tố kinh dị và có dấu hiệu lạm dụng ý tưởng cũ để kéo dài thời lượng chơi quá ngắn. Nếu thích thể loại kinh dị nhẹ nhàng, Layers of Fear có thể mang đến cho bạn chút trải nghiệm thú vị. Còn nếu bạn mong đợi những màn hù dọa “ra trò” thì đây không phải là lựa chọn đáng bận tâm.
Layers of Fear được phát hành trên PC, PlayStation 4 và Xbox One. Tuy nhiên, phiên bản trên console thể hiện khá kém so với trên PC và có tốc độ khung hình tệ đến mức có thể phá hỏng trải nghiệm của trò chơi.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác