Iron Marines là game chiến thuật thời gian thật khá hấp dẫn về mặt gameplay dành cho mobile, nhưng không dễ để thuyết phục người chơi trải nghiệm lâu dài.
Thể loại chiến thuật thời gian thật có lẽ là loại game mà tôi hiếm khi chơi trên di động nhất. Ở khía cạnh trải nghiệm, tôi luôn cảm thấy thể loại này không được hấp dẫn trên nền tảng di động, cứ mang cảm giác nó còn thiếu sót điều gì đấy để giữ chân được tôi lâu hơn. Iron Marines thì khác, trải nghiệm mà trò chơi mang đến thật sự khá hơn nhiều những gì mà tôi mong đợi, nhưng không phải về mọi mặt.
Iron Marines cũng có một cốt truyện, tuy nhiên phần này không phải là điểm nhấn của trò chơi. Tuy nhiên tôi thích cách kể thông qua những bức tranh comic khá dễ thương của trò chơi. Câu chuyện kể rằng các khu mỏ thuộc địa của loài người bị những sinh vật ngoài hành tinh tấn công. Cơ hội để giúp tránh một cuộc đổ máu dữ dội đó là… dùng các Iron Marine để công kích kẻ thù người ngoài hành tinh trước. Đội quân “chiến binh sắt” này được các tướng (Hero) lãnh đạo, và đó là phần trải nghiệm của người chơi.
Ngay từ đầu trò chơi, Iron Marines đã khiến tôi ấn tượng trước đồ họa độc đáo. Nó mang phong cách giống như phiên bản comic hóa của Starcraft vậy. Bối cảnh bí ẩn, đồ họa dễ thương và những bài nhạc mang âm hưởng nhạc thính phòng có vẻ khá phù hợp để tạo cân bằng trong trò chơi, bớt đi cảm giác dữ dội của cuộc chiến. Thiết kế giao diện khá trực quan và dễ điều khiển, trong khi nhân vật và môi trường đều có độ chi tiết khá cao, một điều rất hiếm thấy trên các tựa game mobile kể cả trong những sản phẩm thuộc loại “bom tấn” trên thị trường game di động.
Điều khiển nhân vật khá đơn giản và được thiết kế phù hợp cho trải nghiệm di động. Bạn chỉ chạm vào tướng hoặc quân muốn điều khiển rồi kéo đến địa điểm mà bạn muốn chúng di chuyển đến là xong. Thậm chí, quân của bạn cũng sẽ nhắm mắt bỏ qua kẻ thù mà tập trung di chuyển đến đúng nơi bạn mong muốn. Chính điều này khiến người chơi không thể lơ là, mà phải giám sát cuộc điều binh cẩn thận. Mỗi màn chơi đều khá nhỏ nên rất phù hợp với kiểu điều khiển đơn giản này.
Lối chơi của Iron Marines là sự kết hợp giữa yếu tố chiến thuật thời gian thật và mang chút cảm giác MOBA, khiến tôi có chút liên tưởng đến Warhammer 40000: Dawn of War III. Tất nhiên, trò chơi tối giản gần như tối đa mọi thứ so với lối chơi “hardcore” hơn của Dawn of War III. Lính và tướng của bạn sẽ hồi máu rất nhanh khi không chiến đấu, do vậy bạn có thể dễ dàng hồi máu bằng cách chuyển chúng vào một góc khuất nào đó nhưng đây không phải là điều dễ dàng.
Ngoại trừ những màn chơi ban đầu mang tính chất hướng dẫn, các màn về sau thường thả rất nhiều kẻ thù xuống tấn công người chơi liên tục. Bạn không thể biết mình đụng độ kẻ thù như thế nào sau lần đầu tiên và nhận thông tin từ trò chơi về điểm ưu và khuyết của quân đó. Yếu tố này khiến cuộc chiến trở nên khá thú vị và mang đậm tính thử thách ngay từ những màn đầu của trò chơi. Đây có lẽ là điều mà nhiều người chơi RTS dày dạn kinh nghiệm sẽ rất thích, nhưng cũng đồng nghĩa trò chơi không thật sự thân thiện với người mới làm quen với thể loại này.
Trải nghiệm trên di động thường mang tính ngắn hạn, nên Iron Marines sử dụng những nhiệm vụ đơn giản trong mỗi màn chơi. Thường chỉ là yêu cầu bạn vừa xây căn cứ và tìm diệt kẻ thù cùng lúc, nhưng cũng có những lúc công việc của bạn là chơi kiểu “thủ thành”. Người chơi bị hạn chế số lượng quân và tài nguyên tối đa, thường bắt bạn phải tận dụng chiến thuật hơn là kiểu chơi “chiến thắng thuộc về kẻ mạnh”. Vì vậy, mỗi quân mà bạn đào tạo đều phải có sự tính toán nhất định trong từng tình hình cụ thể.
Thế nhưng điều khiến tôi không thích nhất ở Iron Marines là trò chơi đặt nặng yếu tố IAP, trong khi bản thân đã là một tựa game trả phí. Tiền tệ chủ yếu được chia làm hai loại là tiền vàng (credit) và tiền nâng cấp công nghệ (techpoint). Cả hai loại tiền này đều được thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ và bạn có thể chơi đi chơi lại nhiệm vụ nhiều lần để “cày”. Tuy nhiên, tiền vàng còn có thể xem quảng cáo để được thưởng thêm, nhưng techpoint thì chỉ có thể kiếm được từ hoàn thành hoặc chơi đi chơi lại một nhiệm vụ.
Vấn đề nảy sinh khi techpoint kiếm được rất ít, thường hiếm khi đủ để bạn mở thêm các nâng cấp vốn không hề ít ỏi gì. Trong khi đó, tiền vàng kiếm được nhiều hơn và cũng dễ kiếm hơn lại chỉ dùng để mua hỗ trợ, chẳng hạn như tăng Etherwatt, một loại… tiền tệ khác nữa dùng để mua lính và xây căn cứ khi vào nhiệm vụ. Và giá bán của nó cũng chẳng hề rẻ, nếu tiêu pha phung phí hoặc chơi… dở, bạn sẽ thấy khá áp lực vấn đề chi tiêu. Mặc dù trò chơi vẫn thưởng cho người chơi techpoint và credit khi đạt được một số điều kiện nào đó, chẳng hạn giết được bao nhiêu người ngoài hành tinh, nhưng số tiền kiếm được vẫn luôn trong tình trạng thiếu thốn.
Một điểm khiến tôi thấy khá hài hước trong Iron Marines là các điều kiện nhận thưởng này được đặt bằng những cái tên “khá kêu”, hầu hết đều là tên phim, hoạt hình hoặc tựa game có chút tiếng tăm nào đó. Thế nhưng càng về sau, khi độ khó càng tăng cao thì Iron Marines càng giống như kiểu game “pay to win” hơn. Tiền bạc hoàn toàn có thể quyết định được chiến thắng của màn chơi, miễn là bạn có tiền, bằng không thì phải “cày tiền” khá mệt mỏi. Thậm chí người chơi còn có thể dùng tiền thật để mua tướng mạnh hơn, giúp trải nghiệm qua màn dễ dàng hơn.
Sau cuối, Iron Marines vẫn là game RTS rất hấp dẫn trên nền tảng di động, đúng kiểu “tay điều khiển, não suy nghĩ”. Trải nghiệm được thiết kế khá thử thách nên khi chiến sự trở nên khó khăn, việc phải cày cuốc hoặc chấp nhận chi tiền mua IAP để qua màn là cảm giác rất khó chịu, đặc biệt khi đây là game trả phí. Kỳ thực, yếu tố này gần như là xu hướng chung của thị trường game mobile khi không có quá nhiều tựa game hay, nếu muốn chơi game thì bạn phải chấp nhận cuộc chơi hoặc nghỉ!
Iron Marines hiện có cho PC (Windows, macOS, Linux), Android và iOS. Xem thêm bài kinh nghiệm chơi game Iron Marines.
Bài viết sử dụng game do Ironhide Games Studio hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!