Goken là game nhập vai hành động rất có tiềm năng của đội ngũ người Việt, nhưng phiên bản Early Access chưa thể hiện được điều đó.
Lẽ ra Goken đã có bài đánh giá từ giữa tháng 8 vừa qua, nhưng có vẻ tôi không có duyên với Goken lắm nên gặp đủ chuyện phiền toái, cộng thêm một số sự cố từ chính bản thân trò chơi nên bây giờ mới có thể hoàn thành bài viết được. Điều này có lẽ vì Goken hiện đang là tựa game Early Access. Có nghĩa là trò chơi vẫn đang trong giai đoạn phát triển, điều chỉnh để hoàn thiện, trau chuốt và sửa lỗi. Tuy nhiên, dù người chơi có thể hoàn tất phần chơi cốt truyện, nhưng đây vẫn là phiên bản chưa hoàn chỉnh nên tôi sẽ không đánh giá quá chi tiết, nhất là các vấn đề lỗi game. Phiên bản sử dụng cho bài viết là 1.2.0, vừa được phát hành vào ngày 25/8/2017 gần đây.
Đến với thế giới của Goken, người chơi nhập vai Edge, một chàng kiếm khách (trong game gọi là swordman) với võ công vô song và có phần kiêu ngạo. Trong một dịp lễ mừng “thọ” các vị thần, không biết ma xui quỷ khiến gì mà anh chàng vác kiếm lên quậy tưng bừng. Quá tức giận, thần Ozone đã phong ấn chàng kiếm khách trên Sword Peak. 5000 năm sau, một cô bé dễ thương xinh xắn đã lên đây “tỉnh như ruồi” gỡ luôn thanh kiếm khỏi viên pha lê và vô tình giải phong ấn chàng kiếm khách. Để phục hồi lại võ công vô song của mình, Edge phải tìm kiếm lại cho đủ bộ sưu tầm năm thanh kiếm bị thất lạc, và kiếm gì đó để lót dạ sau 5000 năm suýt chết vì đói.
Điểm đầu tiên thu hút tôi đến với Goken chính là đồ họa tươi sáng bắt mắt với dấu ấn rất riêng. Cảm giác như chúng được vẽ bằng cọ và xử lý lại bằng công nghệ, vì nhiều khung cảnh thoạt trông qua rất giống nét vẽ tay. Với thế giới rộng lớn, trò chơi đưa người chơi đến với nhiều tiên cảnh, từ khu rừng đầy cây cỏ lạ lẫn quen, đến biển đảo hay thậm chí là vùng đất tuyết phủ lạnh giá, rồi sa mạc khô cằn hay khu hang động nham thạch nóng bỏng da. Nhìn chung, phần đồ họa rất khá, đủ sức thu hút người chơi đắm chìm vào thế giới của Goken và cuộc phiêu lưu của Edge.
Với lối chơi hành động nhập vai, Goen tập trung vào yếu tố khám phá và thăng cấp. Tùy quan điểm người chơi mà bạn có thể thích hoặc không thích. Ở khía cạnh trải nghiệm khám phá, ban đầu màn chơi khá rộng lớn, nhưng càng về cuối lại bị thu hẹp lại, nhất là màn chơi “leo tháp”. Một phần là vì màn chơi này gỡ bỏ bản đồ, buộc người chơi phải tự mò mẫm lối đi, tạo cảm giác gò bó. Một phần có vẻ là do lối thiết kế này là cách “không đẹp” để kéo dài thời lượng chơi, mang cảm giác sao chép từ các màn chơi rộng lớn trước đó. Tôi nghĩ sẽ phù hợp hơn nếu để dành tòa tháp này để giữ chân người chơi sau khi hoàn thành cốt truyện chính, cùng với các hang động “bonus” khác.
Hệ thống thăng cấp trong Goken ban đầu tưởng đơn giản nhưng sau đó tôi lại phát hiện nó phiền phức không cần thiết. Nhân vật Edge có hai chỉ số chính là máu và thể lực, mỗi khi thăng cấp cả hai chỉ số này đều tăng theo. Quái bình thường cắn khá đau, có thể mất khoảng 1/5 thanh máu của nhân vật, nếu “trúng quả” của rồng hoặc mấy con quái độc nhãn khổng lồ thì chàng Edge hấp hối nhanh gọn lẹ luôn. Trong khi đó, thanh thể lực giống như sự kiềm hãm khả năng của nhân vật. Không có thể lực, Edge không thể làm gì ngoài việc đi bộ thư giãn, và nó đặc biệt phiền phức trong những trận đấu boss đầy bất công đôi lúc đến mức phi lý. Đau khổ nhất là các vật phẩm hồi máu hay thể lực đều có giá không rẻ, và tùy trình độ chơi mà bạn có thể phải tốn phần lớn tiền cho hai món này.
Thế nhưng, Goken giải quyết vấn đề này bằng hệ thống hình xăm, một cách gắn skill nửa thụ động nửa chủ động, để “buff” cho nhân vật. Phiên bản 1.2.0 vừa bổ sung thêm hệ thống điểm chỉ số, giúp tăng sát thương, thể lực và máu của nhân vật bằng hệ thống điểm khác nữa, khá là phức tạp. Nhưng đồng thời cũng tăng độ khó lên cao hơn một chút để bù lại, rắc rối như vậy theo tôi nên bỏ luôn điểm chỉ số này. Mệt mỏi nhất là nâng cấp vũ khí, ngoài việc yêu cầu khá nhiều tiền và phải sử dụng từng loại vũ khí giết một số lượng quái nhất định, người chơi còn phải tìm nguyên liệu nâng cấp. Tuy hầu hết đều có thể mua một số lượng rất hạn chế từ NPC ở các làng, phần lớn còn lại bạn phải đi săn từ quái với tỉ lệ rơi khoảng 1/5. Đáng nói là các hình đại diện vật phẩm luôn có kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, thường xuyên gây khó khăn không cần thiết cho việc nâng cấp.
Goken hiện chỉ là phiên bản Early Access nên vẫn còn rất nhiều lỗi. Trò chơi có chút vấn đề trong việc quản lý bộ nhớ đệm, khiến trải nghiệm hay bị giật hình, ít nhất là trên hai cấu hình máy mà tôi sử dụng. Vẫn còn nhiều lỗi lời thoại và chú thích các khu vực có hiện tượng chồng lấn nhau hoặc sai sót. Đáng nói nhất là menu Option (tôi nghĩ phải là Options hoặc Settings mới đúng) có chỉ dẫn nút nhấn chi tiết một cách không cần thiết đến mức làm rối cho người chơi, trong khi phần chỉ dẫn các tính năng gameplay lại làm rất sơ sài. Tôi từng là nạn nhân chủ quan khi hoàn tất phần chơi cốt truyện xong mới biết dùng hệ thống hình xăm. Bạn cũng có thể thử chơi kiểu này nếu thích tự thử thách bản thân, nhưng tôi không khuyến khích đâu nhé.
Sau cuối, Goken phiên bản Early Access vẫn mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá thú vị, đặc biệt khi nó là sản phẩm của một đội ngũ phát triển phần lớn là người Việt Nam. Trò chơi mang nhiều lối thiết kế game từ thập niên 90 với những con boss thích chơi trò tấn công bất công đến phi lý, có thể gây sốc với những ai vốn đã quen với kiểu thiết kế game ít làm khó người chơi của ngày nay. Cũng chính điều này có thể khiến bạn thấy Goken có nhiều điểm quen quen nếu có “kinh niên” chơi game từ những năm 90. Tuy nhiên, trò chơi vẫn vướng vào lối thiết kế các hệ thống phức tạp và cồng kềnh không cần thiết. Hy vọng trong tương lai, đội ngũ phát triển sẽ có nhiều điều chỉnh để phát huy được tiềm năng của Goken, loại bỏ những yếu tố gây phức tạp trong gameplay. Việc không có lựa chọn tiếng Việt là một điều đáng tiếc, nhưng có thể thông cảm với chiến lược riêng của nhà phát triển. Tôi sẽ có bài đánh giá chi tiết hơn khi trò chơi được phát hành chính thức và không còn chữ Early Access.
Goken hiện chỉ được phát hành theo hình thức Early Access trên Windows và Steam OS. Các bạn có thể đọc thêm kinh nghiệm chơi game tại đây.
Bài viết sử dụng game do Gianty hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!